Chủ trương đánh phủ đầu của chính phủ Bush và trường hợp Bắc Hàn
2002.12.31
Lời Giới Thiệu: những diễn biến dạo gần đây đã khiến nhiều người cho rằng nếu Washington thật sự chủ trương đánh phủ đầu là phuơng pháp kiến hiệu nhất để bảo vệ thế giới khỏi bị những loại võ khí có sức hủy diệt rộng lớn, thì nhà máy hạch nhân Yongbyon mà Bắc Hàn vừa tái khởi động hồi tuần trước phải là mục tiêu đầu tiên. Sự thể có đơn giản như vậy không ? Lê Dân trình bày tình huống như sau...
Một cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng Thống Hoa Kỳ từng tuyên bố là việc đó rất dễ thực hiện. Tất cả chỉ cần đánh sập một tòa nhà là xong. Nhân vật này ngụ ý nhắc đến cơ sở tái chế nhiên liệu nguyên tử mà Bình Nhưỡng vừa quyết định mở cửa lại để phục hồi và nâng cấp hơn 8,000 thanh plutonium đã sử dụng thành loại có đẳng cấp chế bom.
Nhà máy Yongbyon tọa lạc tại một nơi hoang vắng, mà các thanh sát viên của Cơ quan Nguyên tử năng quốc tế từng lưu lại trong 8 năm qua, phải rời bỏ trong ngày hôm nay, 31 tháng 12. Nên một cuộc oanh kích bằng bom chính xác thuận lợi nhất là ngay lúc này, trước khi Bắc Hàn có thể tiến hành công tác phục hồi các thanh plutonium và việc oanh kích có thể khiến phóng xạ lan tràn các khu phụ cận.
Thế nhưng ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin Powell khẳng định là sẽ không đánh phủ đầu Bắc Hàn vì Washington không muốn tình hình khu vực Đông Á thêm căng thẳng.
Ngoài thiện chí như ông Powell vừa nói, thì còn nguyên do nào khác ngăn cản Hoa Kỳ tấn công hay không ? Nhiều nhà quan sát cho rằng có, và có rất nhiều.
Trước tiên phải kể đến 11,000 nòng đại pháo từ phía Bắc khu phi quân sự bán đảo Triều Tiên có thể thiêu rụi thủ đô Seoul của Nam Hàn trong phút chốc.
Kế đến, thủ đô các thế lực lớn ở trong vùng như Mátxcơva, Bắc Kinh, Tokyo và Seoul đến nay vẫn chưa hoàn toàn khắc phục được hệ quả của nhiều thế kỷ nghi ngại, tranh đua để thống trị nhau cùng các cuộc tranh chấp khiến Hoa Kỳ phải vướng vào 3 cuộc chiến lớn của châu Á trong thế kỷ 20 vừa qua.
Về tình hình hiện nay, sau khi Bình Nhưỡng thừa nhận rằng họ vẫn theo đuổi chương trình chế tạo võ khí nguyên tử, rồi lại đơn phương phục hồi hoạt động cơ sở nâng cấp chất plutonium, ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết là ông không hiểu một hai quả bom hạch nhân có giá trị gì khi cả nước Bắc Hàn đang ở trong tình trạng suy sụp như hiện nay.
Giáo sư Khoa học Chính trị Moon Ching-in của Nam Hàn giải thích rằng Bình Nhưỡng biết là họ có khả năng gây chia rẽ sâu sắc cho Hoa Kỳ và Nam Hàn, cho Nga và Trung Quốc cùng Nhật Bản. Nên trong một khía cạnh nào đó thì khả năng này chính là món võ khí lợi hại nhất của Bắc Hàn. Chủ tịch Kim Jung-il tuy thường hành xử kỳ lạ nhưng ông ta hiểu rõ khả năng này và sử dụng nó rất khéo léo.
Phía Trung Quốc, vốn từng cung cấp cho Bắc Hàn những kỹ thuật cơ bản về nguyên tử, nay chỉ lên án việc Bình Nhưỡng chế bom, nhưng không có biện pháp nào mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như trừng phạt về kinh tế, vì mối quan tâm hiện nay của Bắc Kinh là làm sao để hàng triệu người Bắc Hàn nghèo đói không tràn sang biên giới của họ mà thôi.
Còn Nhật Bản thì đang suy trầm về kinh tế và ngoại giao, nên hết sức vận động Hoa Kỳ giúp bảo vệ khỏi hiểm họa tên lửa Bắc Hàn. Tokyo hiểu rằng nếu không được Washington bảo vệ thì cánh cực hữu trong nước sẽ khuấy động chủ trương tái võ trang và toàn thể châu Á sẽ lo lắng sức mạnh quân sự của Nhật.
Về phía Nga, từng cung cấp hầu hết võ khí và kỹ thuật quân sự cho Bắc Hàn, nay giả vờ như chưa từng nghe nói đến khu kỹ nghệ hạch nhân Byungyong, mà lại còn chỉ trích Washington quá cứng rắn với Bình Nhưỡng.
Nói một cách vắn tắt thì mỗi nước láng giềng với Bắc Hàn nhìn cuộc khủng hoảng hiện nay với một nhãn quan riêng. Cựu Thủ Tướng Nam Hàn Lee Hong-koo nhận xét rằng bay giờ chính là cơ hội quý báu cho Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, cùng với sự thỏa thuận của Nga, để phối hợp áp lực đối với một nước đang ở bước đường cùng. Tuy nhiên tất cả mọi người có sẵn sàng hay chưa thì không ai rõ.