Trà Mi, phóng viên đài RFA
Việt Nam vừa công bố dịch cúm gà đang giảm dần và hy vọng đến cuối tháng này sẽ khống chế được dịch, thì ngay lập tức, các chuyên gia quốc tế lên tiếng không đồng tình với lời tuyên bố này.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, dịch cúm gia cầm tại Việt Nam đang trong tình trạng "cấp bách", và cuộc chiến chống virus H5N1 sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm nữa. Trà Mi đã trao đổi với chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lương Nông Quốc tế, ông Juan Lubroth, để tìm hiểu thực trạng vấn đề.
Cần xem lại khả năng thực tế
Trà Mi: Xin chào ông. Chính quyền Việt Nam vừa bày tỏ hy vọng rằng đến cuối tháng này sẽ kiểm soát được dịch cúm gà, và tháng tới sẽ bắt đầu chương trình khôi phục đàn gia cầm. Theo ông thì mục tiêu này có khả năng thực hiện được hay không?
Juan Lubroth: Công bố một thời điểm chính xác để có thể tiêu diệt hay kiểm soát bất cứ dịch bệnh nào là một điều không hợp lý về mặt sinh học. Tôi nghĩ rằng cần phải có một cơ sở hạ tầng hết sức vững mạnh để có thể nghiên cứu, hiểu rõ về dịch bệnh, từ đó mới có thể có phương pháp kiểm soát hữu hiệu.
Có rất nhiều yếu tố cần được xem xét kỹ như căn cơ của dịch có phải do sự di chuyển của động vật hay không? Liệu dịch có gây nguy cơ đối với con người không? Có nên ban hành quyết định sử dụng vaccine chăng? Đã có biện pháp sẵn sàng đưa vaccine vào sử dụng một cách hiệu quả hay chưa?
Có rất nhiều yếu tố cần được xem xét kỹ như căn cơ của dịch có phải do sự di chuyển của động vật hay không? Liệu dịch có gây nguy cơ đối với con người không? Có nên ban hành quyết định sử dụng vaccine chăng? Đã có biện pháp sẵn sàng đưa vaccine vào sử dụng một cách hiệu quả hay chưa?
Ngoài ra, cũng cần phải có phương pháp theo dõi thú y sau khi đã tiêm chủng vaccine, để khi có dấu hiệu dịch tái phát thì các cơ quan thú ý lập tức phát hiện được ngay. Nếu từ đây tới cuối tháng, nhà nước Việt Nam có thể đảm bảo tất cả những điều tôi vừa liệt kê, thì lúc đó mới có thể khẳng định là đã khống chế được dịch. Bất kỳ tổ chức hay quốc gia nào tự động tuyên bố mốc thời gian nhất định có thể chấm dứt hay kiểm soát được dịch, thì tôi e rằng, cần phải xem lại khả năng thực tế của họ .
Sớm chấm dứt?
Trà Mi: Tuy nhiên, nhìn chung thì ông có nghĩ rằng dịch cúm gia cầm có khả năng sớm chấm dứt không, thưa ông?
Juan Lubroth: Không. Chúng tôi đã xác nhận rằng dòng virus cúm đặc biệt này đã trở thành một dịch bệnh phổ biến, thường thấy tại những khu vực sinh thái vùng Đông Nam Á . Vì thế, khả năng sớm tiêu diệt hoàn toàn dịch bệnh này là điều khó xảy ra.
Trà Mi: Theo ông thì những nguyên nhân nào khiến cho dịch tái bộc phát lần này sau khi đã tạm lắng dịu một thời gian?
Juan Lubroth: Tôi nghĩ một trong những lý do chính là thiếu những biện pháp an toàn, hoặc là trong lĩnh vực nông trại, hoặc là khi tiêu thụ trên thị trường.
Hơn nữa, tôi nghĩ rằng công tác giám sát thú y cũng là một yếu tố rất quan trọng. Nên nhớ rằng chúng ta càng theo dõi chặt chẽ thì càng sớm phát hiện dịch bệnh và kịp thời đối phó. Thực tế là nhờ chúng ta để ý hơn nên đợt dịch lần này đỡ hơn lần trước vào năm ngoái.
Tình hình dịch cúm tại Việt Nam
Trà Mi: Ông có nhận xét gì về tình hình dịch cúm gia cầm tại Việt Nam cũng như những biện pháp của chính quyền sở tại nhằm đối phó với dịch bệnh này?
Tôi nghĩ là chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực ngăn chặn, cho nên, diễn tiến dịch lần này không khủng khiếp như đợt dịch cách đây 1 năm . Công tác xác định, khoanh vùng bị dịch cũng rất tiến bộ.
Juan Lubroth: Tôi nghĩ là chính phủ Việt Nam đã có những nổ lực ngăn chặn, cho nên, diễn tiến dịch lần này không khủng khiếp như đợt dịch cách đây 1 năm . Công tác xác định, khoanh vùng bị dịch cũng rất tiến bộ. Dĩ nhiên chúng tôi hết sức quan tâm và lo ngại về các trường hợp tử vong ở người do H5N1.
Với tư cách là Tổ chức lương nông quốc tế, chúng tôi thật sự cảm thấy có trách nhiệm phải tuyên chiến với virus H5N1 ngay từ nguồn, tức là từ gia cầm. Nếu chúng ta khống chế virus hữu hiệu từ gia cầm, thì sẽ hạn chế được rủi ro đối với những loài động vật khác, kể cả con người.
Phương pháp đối phó
Trà Mi: Từ cái nhìn của một chuyên gia trong lĩnh vực này, ông có những đề nghị gì về phương pháp đối phó với dịch cúm gà, thưa ông?
Juan Lubroth: Tôi nghĩ rằng các quốc gia trong khu vực kể cả Việt Nam, khi phát hiện bệnh ở các loài động vật biến chuyển thành dịch lây lan trong vùng như dịch cúm ở gia cầm, hay bệnh long mồm lở móng ở heo chẳng hạn, thì phải có ngay chương trình hành động từ cấp trung ương, chứ không phải chỉ có địa phương hay phường, xã đối phó với dịch mà thôi.
Những vùng nông thôn, các địa phương phải được chỉ đạo thống nhất từ uỷ ban quốc gia. Đây là điều mà tôi thấy nhiều nước Đông Nam Á chưa thực hiện được.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên cải tiến cách thức chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, và gia súc, thực hiện những biện pháp sinh học an toàn, ứng dụng và nâng cao giáo dục kỹ thuật nông nghiệp cho người dân, cũng như tạo điều kiện cho họ tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ y tế thú y, đặc biệt lưu ý đến việc thông tin kịp thời đến chính quyền trung ương, bộ phận có trách nhiệm ban hành quyết định đối phó với dịch .
Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.
Vừa rồi là ông Juan Lubroth, chuyên gia cao cấp thuộc Hệ thống phòng dịch khẩn cấp, bộ phận Sức khoẻ Thú Y của Tổ chức Lương Nông Quốc Tế, và những đánh giá về tình hình cúm gia cầm tại Việt Nam và khu vực.