Kỷ niệm 24 năm Ngày Văn bút Quốc tế Đoàn kết với Nhà văn bị cầm tù.
2004.11.16
Hôm qua, 15 tháng 11, kỷ niệm lần thứ 24 Ngày Văn bút Quốc tế Đoàn kết với Nhà văn bị cầm tù. Hàng năm, Hội Văn Bút Quốc Tế đều đưa ra ít nhất là 5 trường hợp tiêu biểu về các nhà văn, nhà báo ở khắp nơi trên thế giới bị sách nhiễu, tù đày, hoặc thậm chí là bị sát hại vì tội công khai trình bày quan điểm trái với chính quyền. Trong số này có các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam.
By line: Trà Mi
Kể từ năm 1980, Hội Văn Bút Quốc Tế đã quyết định tổ chức ngày Đoàn Kết với Nhà Văn bị cầm tù, với mục đích biểu lộ tình liên đới văn hữu, hợp nhất bênh vực, cũng như tưởng nhớ đến những đồng nghiệp bất hạnh, nạn nhân của các chế độ độc tài, áp bức, thiếu dân chủ.
12 nhà văn, nhà báo, và tác giả các bài viết phát tán trên mạng internet đang bị giam giữ tại Việt Nam Giáo sư Nguyễn Đình Huy - Hòa thượng Thích Huyền Quang - Bác sĩ Nguyễn Đan Quế - Cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn - Linh mục Nguyễn Văn Lý - Nhà báo Nguyễn Vũ Bình - Bác sĩ Phạm Hồng Sơn - Đại tá Phạm Quế Dương - Học giả Trần Khuê - Hòa thượng Thích Quảng Độ (đang bị quản thúc tại nhà) - Nhà văn Hà Sỹ Phu (đang bị quản thúc tại nhà) - Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ (đang bị quản thúc tại nhà)
Trên khắp thế giới, hiện có hơn 200 nhà văn, nhà báo bị giam giữ hoặc quản chế chỉ vì tội dám công khai bày tỏ quan điểm của mình bằng bài viết hoặc lời nói, hay kết hợp với những người có quan điểm xung khắc với chính quyền sở tại. Trong số này có các tù nhân Việt Nam.
Trả lời câu hỏi tính đến thời điểm này, hiện có bao nhiêu ngòi bút tại Việt Nam vẫn còn bị giam giữ, bà Anna Kushner, điều phối viên chương trình mang tên "Tự do cho người cầm bút", thuộc trung tâm Văn Bút Hoa Kỳ trụ sở tại New York cho biết hiện nay, trong danh sách của Hội Văn Bút Quốc tế có 12 nhà văn, nhà báo, và tác giả các bài viết phát tán trên mạng internet đang bị giam giữ tại Việt Nam, bao gồm giáo sư Nguyễn Đình Huy, hòa thượng Thích Huyền Quang, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn, linh mục Nguyễn Văn Lý, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, đại tá Phạm Quế Dương, học giả Trần Khuê, và vài người khác hiện đang bị quản thúc tại gia như hòa thượng Thích Quãng Độ, nhà văn Hà Sỹ Phu, và thượng tọa Thích Tuệ Sỹ.
Ngoài ra, bà Anna còn cho biết trong những trường hợp này, Hội Văn Bút Quốc tế đặc biệt lưu tâm đến vụ thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, "người của Ngày đoàn kết với nhà văn bị cầm tù năm 1996", hiện vẫn chưa được trả tự do.
Cũng theo bà Anna, sỡ dĩ Hội Văn Bút Quốc Tế đặc biệt lưu tâm đến trưòng hợp của thượng tọa Thích Tuệ Sỹ vì thượng tọa thường xuyên bị áp lực từ phía nhà cầm quyền Việt Nam kể từ 1978 và tình trạng này kéo dài đến nay bằng 1 sự quản thúc tại gia.
Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ là một nhà văn kiêm học giả, thuộc hàng lãnh đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Nhà trí thức Phật Giáo đã trải qua hầu hết một phần năm thế kỷ 20 trong nhà lao, trại tù tập trung, hoặc bị quản thúc tại gia vì dấn thân tranh đấu cho quyền tự do tín ngữơng và diễn đạt tư tưởng.
Theo Ủy ban Trung ương Bênh Vực Nhà Văn bị cầm tù, chỉ trong nửa đầu năm nay, có ít nhất 740 trường hợp các nhà văn, nhà báo tại 99 quốc gia trên thế giới bị sách nhiễu, đe dọa, phạt tù dài hạn, bị buộc phải lưu đày, và thậm chí còn có 11 trường hợp bị sát hại nữa. Những điều này vi phạm trực tiếp đến bản tuyên ngôn nhân quyền toàn cầu, quy định quyền tự do bày tỏ quan điểm và gia nhập hội đoàn.
Ngày Đoàn Kết với nhà văn bị cầm tù năm nay cũng là dịp tưởng niệm 28 nhà cầm bút đã bị giết hại trong vòng một năm trở lại đây kể từ ngày 15/11 năm 2003.
Như thông lệ, mỗi năm, Hội Văn Bút Quốc Tế chọn ra ít nhất là 5 trường hợp tiêu biểu các hình thức sách nhiễu, đàn áp mà những người cầm bút bất đồng chính kiến phải gánh chịu. Năm nay, những trường hợp được chú ý bao gồm các nhà văn Amir Abbas Fakhravar (người Iran), tác giả 1 cuốn sách chỉ trích chính quyền; nhà văn Rakhim Esenov (người Turkmenistan) đang chờ bị xét xử; 4 nhà hoạt động trên mạng internet bị giam giữ dài hạn tại quần đảo Maldives; nhà báo Guy-Andre' Kieffer bị mất tích từ tháng 4 năm nay tại bờ biển Ngà; 3 ký giả Roberto Mora, Francisco J.Ortiz, và Arratia Saldierna bị giết hại năm nay tại Mexico; cùng với 17 nhà văn, nhà báo khác tại 12 quốc gia bị sát hại kể từ tháng 11 năm ngoái.
Bên cạnh đó, các thành viên Hội Văn Bút Quốc Tế cũng đặc biệt lưu tâm đến 13 nhà văn từng được nêu tên trong "Ngày đoàn kết với nhà văn bị cầm tù" vào những năm trứơc đây, mà đến nay vẫn còn tiếp tục bị giam giữ, quản chế, hoặc chờ ngày ra toà. Trong đó có thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, thế danh Phạm Văn Thương.
Những bài liên quan khác:
- Liên Hiệp Quốc kêu gọi Việt Nam trả tự do cho bác sĩ Nguyễn Đan Quế
- Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang tố cáo những thủ đoạn uy hiếp của CSVN
- Mẹ của anh Nguyễn Khắc Toàn: "Con của tôi không có tội"
- Ông Phạm Quế Dương: "Tôi không có tội" (phần 2)
- Ông Phạm Quế Dương: "Tôi hoàn toàn vô tội" (phần 1)
- Giáo sư Trần Khuê kể về thời gian bị tạm giam (part 2)
- Phản ứng của người Việt hải ngoại về bản án dành cho Bác sĩ Nguyễn Đan Quế
- Hoàng Tiến: "Bản án này chỉ làm cho tên tuổi ông Nguyễn Đan Quế sáng lên thôi"
- Bác sĩ Nguyễn Đan Quế sắp bị đưa ra xử tại TP. HCM
- Nguyễn Thanh Giang: Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, trung thực và hiền lành