Năm 2007 theo cảm nhận của người dân Việt Nam

0:00 / 0:00

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Năm 2007 sắp mãn, chấm dứt 365 ngày với khá nhiều biến đổi quan trọng đối với Việt Nam, trong đó được chú ý nhất là kinh tế. Sau một năm đất nước đạt được mục tiêu là trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, dân chúng cảm nhận thế nào về đời sống của họ trong năm qua và mong ước gì cho năm tới?

WTOBusiness200.jpg
Được thu nhận vào WTO, Việt Nam tiến thêm một bước lớn trong quá trình hội nhập với thế giới. AFP PHOTO.

Chỉ còn vài ngày cuối cùng là kết thúc năm 2007. Trước thềm năm mới Dương lịch 2008 Nhã Trân hỏi thăm một vài đồng bào ở Bắc Nam Trung để biết cảm nghĩ của người dân 3 miền về năm rồi và kỳ vọng của họ cho năm tới.

Từ người công nhân Hà Nội

Đường dây viễn liên thành công đầu tiên nối kết với Hà Nội. Từ Hà thành, anh Nguyên, một công nhân trẻ, nói theo anh năm rồi nói chung mọi mặt cũng tạm tốt, tuy vật giá sinh hoạt có lên và việc làm khó kiếm đối với nhiều người, đồng thời bày tỏ mong ước cho năm tới:

Anh Nguyên: Tất cả mọi thứ, theo tôi thấy, vẫn bình thường như các năm khác thôi ạ, không có gì thay đổi nhiều. Mức sống thì càng ngày nó càng nâng cao lên nhưng giá cả thì cũng cao hơn rất nhiều, rất nhiều so với năm trước. Hiện tại bây giờ đi làm thì khó, xin việc thì càng khó hơn rất nhiều. Bọn em trước đây có thể đủ ăn nhưng bây giờ hơi thiếu một chút.

Nhã Trân: Năm Mới 2008 sắp đến, anh có hy vọng gì, có những mong mỏi hoặc ý kiến làm thế nào để năm tới đời sống thoải mái hơn?

Anh Nguyên: Cái này thì em cũng chả nhận xét gì, nhưng em thấy bây giờ thì đào tạo theo nhu cầu mà các doanh nghiệp hay là các tổ chức nào đó cần đến hơn.

Mong ước của nhà nông Khánh Hòa

Chào từ giã người cư dân Hà Nội, Nhã Trân tìm đến tỉnh Khánh Hòa ở Trung Phần. Bà Xuân, một nông gia cha truyền con nối thôn Tân Phú (xã Cam Thành, huyện Cam Lâm) than rằng trong năm vừa qua đời sống mọi người vùng này vẫn khó khăn tuy đất nước đã hội nhập với kinh tế thế giới và theo bà được nghe thì Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả kinh tế to lớn. Ước mong của bà chỉ đơn giản là chi phí sản xuất hợp lý với thu nhập, để đời sống dân chúng nơi này bớt cơ cực:

Tôi cũng như bao nhiêu người dân khác, ước nguyện là có được mức chi - thu tương xứng một chút xíu. Thêm vào đó, nếu mà hạ tầng cơ sở ở đây mà hô hào giúp đỡ rồi những cấp cao trên hơn ủng hộ thì dân sẽ được tốt hơn.

Bà Xuân: Tôi đây ở cách Nha Trang cỡ 2 cây số. Nói chung đây là vùng nông thôn, khó khăn là cái chắc rồi cô ơi. Thật sự là như vậy đó. Khó khăn chồng chất khó khăn. Nói tới cái nhu cầu của người dân ở đây thì tối thiểu nhất cũng chưa được đâu cô ơi.

Nhã Trân: Thưa Bà, khó khăn có ngjĩa là như thế nào ạ? Ý bà muốn nói là vật giá sinh hoạt cao, đắt đỏ hay là...

Bà Xuân: Coi như cái vấn đề thu nó khó khăn rồi cái nhu cầu chi, vật giá nó cao, hai cái nó đối kháng nhau. Nông nghiệp thì ở đây cây lúa, cây mì, rồi cây mía, mà cái thu đối với cái chi thì tỷ lệ chênh lệch nhau nhiều. Cái tỷ lệ nghịch nó rất nhiều đối với người dân ở đây. Làm ra để thu được kết quả thì cái kết quả đó đem ra chi thì nó tỷ lệ nghịch nhau xa lắm.

Nhã Trân: Thưa bà, năm 2008 sắp đến, bà có mong mỏi gì cho năm tới hoặc có ý kiến làm thế nào để dân chúng ở vùng này được thoải mái, sống đỡ cơ cực hơn?

Bà Xuân: Nếu gọi là nói chung thì tôi cũng như bao nhiêu người dân khác thôi, ước nguyện là cái nhu cầu mà chi hay là thu nó tương xứng một chút xíu.

Nhã Trân: Để đạt được điều này, theo Bà thì những điều gì cần được thực hiện? Hoặc nói cụ thể hơn thì những ai có thể giúp điều này trở thành hiện thực ạ? Chính quyền địa phương, phường, xã, hợp tác xã hay là thế nào?

EconomyFarmer200.jpg
Do chính sách phát triển không đồng đều, nhà nông Việt Nam vẫn còn rất vất vả để mưu sinh. AFP PHOTO.

Bà Xuân: Nếu mà hạ tầng cơ sở ở đây mà hô hào giúp đỡ rồi những cấp cao trên hơn ủng hộ thì dân nó tốt hơn.

Đến trăn trở của người lao động Sài Gòn

Rời đường dây liên lạc với vùng nông thôn miền thùy dương cát trắng Khánh Hoà, Nhã Trân có dịp hỏi thăm anh Liêm, lao động ngành xây dựng ở quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Người công nhân này nói về những điểm anh chú ý nhất như giá sinh hoạt quá cao, giao thông ắc tắc, vệ sinh thực phẩm, và không quên cho biết mong mỏi của anh cho năm tới:

Anh Liêm: Trong năm vừa qua tôi thấy tình hình các thứ, lúc xăng lên giá thì các thứ vật giá đều lên, đồng lương thì không lên bao nhiêu, các thứ vật giá lên vùn vụt, và đời sống càng ngày càng khó khăn. Các cháu đi học thì các thứ tiền cũng tăng.

Giao thông, đường sá càng ngày càng đông, trở tới trở lui thì cũng không giải quyết được gì hết. Nhà nước có cố gắng thay đổi nhiều cách thức như là cấm tuyến xe, cấm chạy giờ cao điểm, cấm cả xe du lịch chạy trong những giờ cao điểm, nhưng mà tình hình cũng không cải thiện được tại vì càng ngày số người đổ về thành phố càng đông thì kẹt nó vẫn kẹt à.

Nhã Trân: Dạ. Như vậy theo anh thì phải làm những gì để năm tới có thể tốt đẹp hơn? Đời sống người dân thoải mái hơn?

Anh Liêm: Thì cái gì cũng mong cho thay đổi, nhưng mà không biết có thay đổi được hay không. Giá cả thì không kềm chế được rồi. Chỉ có cách đời sống dễ hơn thì những cái luật lệ áp dụng cần nghiêm khắc hơn về vấn đề giao thông để mọi người chấp hành thì giao thông mới khá hơn được.

Mọi người cần ý thức về vệ sinh để giữ gìn vệ sinh chung, không vứt rác ra đường. Mọi người cần tự giác chấp hành, đảm bảo cho bản thân mình và cho người khác.

Nhã Trân: Năm 2008 đang từng bước đến với mọi người. Hy vọng của người dân cho một năm mới, là đời sống đỡ khó khăn chật vật, có thể trở thành sự thật chăng, còn tuỳ thuộc vào nhiều điều kiện chủ quan cũng như khách quan, tuy nhiên nói tổng quát, sự quản trị và đường lối lãnh đạo có lẽ vẫn là những yếu tố hàng đầu.