Đại lễ kỷ niệm 30 năm GHPGVNTN vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam (I)
2005.12.22
Ỷ Lan tường trình từ California
Hôm chủ nhật vừa qua, tại chùa Diệu Pháp miền Nam California, khoảng 2000 chư tăng ni phật tử và đồng bào các giới đã có mặt tham dự đại lễ kỷ niệm 30 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Phái viên Ỷ Lan của ban Việt ngữ có mặt tại chỗ tường trình như sau.

Trên lễ đài một hàng biểu ngữ màu vàng cam giăng ngang 20 thước ghi dòng chữ đỏ : "30 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ".
Lễ đài dựng quanh một ngọn đuốc cao 18 thước với ánh lửa bập bùng, bên dưới ba bức chân dung lớn: Bồ tát Thích Quảng Đức ngồi trong lửa đỏ, Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Độ trong hình dáng Người tù bên vòng vây công an.
Khoác những chiếc y vàng tươi hay nâu dà, 22 Hòa thượng, Thượng tọa Việt Nam đại diện Giáo hội tại Hoa Kỳ và Canada, cùng chư Tăng Thái Lan, Tích Lan, Hoa Kỳ trang nghiêm bước lên lễ đài dâng vòng hoa tưởng niệm và cắm 22 ngọn đuốc dưới 22 linh vị ghi tên tuổi 22 chư Tăng Ni, Phật tử vị pháp vong thân trong thời gian 30 năm qua để cho đạo pháp và dân tộc trường tồn.
Rồi tiếng kinh Bát nhã trầm hùng quyện theo lời kinh Pali như những đợt hải triều âm vang vọng vào lòng người xa xứ hướng tâm nhớ tưởng và tri ân 22 Người đã nằm xuống cho mình được sống còn và đất nước đứng lên; trong khi ấy một giọng đọc bi hùng của Hòa thượng Thích Chánh Lạc xướng danh, tên tuổi cùng hành trạng hy sinh của 22 chư Tăng Ni, Phật tử vị pháp vong thân.
Thư của Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang

Trong Đạo từ gửi đến đại lễ kỷ niệm do Hòa thượng Thích Thắng Hoan tuyên đọc, Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang nhấn mạnh tính chất biểu tượng của những cái chết nhằm thánh hóa sự sống ấy như sau:
"Chúng ta sống còn đến ngày hôm nay, Giáo hội còn tồn tại cùng sông núi cho đến ngày hôm nay, là nhờ vào những người biết gạt bỏ những quyền lợi riêng tư, đem ý chí cao cả, bất khuất và cái chết để thánh hóa sự sống, hiến cúng cho chánh pháp trường tồn, hiến dâng cho đồng bào các giới thoát khỏi mọi áp bức, thù hận, tù đày, nghèo đói, bất hạnh.
Danh sách 22 chư Tăng, Ni và Cư sĩ vị pháp vong thân mà Ðại lễ tôn vinh và tưởng niệm hôm nay cần được xem như biểu tượng cho cuộc vận động 30 năm của Giáo hội. Vì còn biết bao những người vô danh khác nữa, biết bao người bị bức tử nơi rừng sâu, trong các trại tù, biết bao người bị tra tấn, thảm sát nơi các phòng thẩm cung, biết bao người chết qua lằn đạn ám hại hay hành quyết, v.v... mà lịch sử chưa thể ghi nhận đủ vì còn bị che giấu dưới vỏ bọc chế độ.”
Huấn từ của Hòa thượng Thích Quảng Độ
Huấn từ của Hòa thượng Thích Quảng Độ từ trong nước gửi ra nhắc tới nỗi đày đọa của Phật giáo đồ dưới chế độ cộng sản:

"Ba mươi năm lập thành một thế hệ. Thế hệ vừa qua, con người tại Việt Nam không được sống trong đạo hạnh và tự do, vì sự áp đặt của một chính quyền vừa chuyên chế vừa áp dụng ý thức hệ ngoại lai không thích hợp với lòng người và truyền thống văn hóa dân tộc.
Vì thế toàn dân bị trấn áp, xã hội suy đốn, học thuật bế tắc, từ giới trí thức đến người lao lực không phát triển được tài năng sáng tạo nhằm tái thiết quê hương. Cho nên, theo truyền thống nghìn đời của Phật giáo, là "trên cầu trí giác, dưới cứu chúng sinh", Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã đứng trong hàng ngũ quảng đại nhân dân bị thống khổ, bị lăng nhục, để mở đầu cuộc vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ ngay sau ngày 30-4-1975...
...Nói làm sao hết nỗi thương tâm, đày đọa. Tuy nhiên, người Phật tử lấy từ bi, bất sát, đối diện với bạo ác, hiếu sát. Lấy pháp môn Cứu khổ Cứu nạn đối diện với tù đày và khủng bố. Nên Giáo hội vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay, và ngày càng phục hồi quyền sinh hoạt đương nhiên của mình.
Có được bước tiến lịch sử ấy, là nhờ sự kiên cường bất khuất của chư Tăng Ni, Phật tử trong nước, và sự hỗ trợ đắc lực của chư Tăng Ni, Phật tử hải ngoại làm cho công luận thế giới can thiệp bảo vệ Giáo hội". (...)
Thư gửi của Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush
Từ Tòa Bạch Ốc ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush gửi lời chào đón Đại lễ và tán dương "Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất họat động 30 năm qua cho tự do tôn giáo". Thông điệp do Hòa thượng Thích Trí Chơn tuyên đọc :
TÒA BẠCH ỐC Hoa Thịnh Đốn 15 tháng 12 năm 2005

“Tôi xin gửi lời chào mừng đến quý liệt vị tham dự Lễ kỷ niệm 30 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền, và dân chủ. Khắp nơi trên thế giới, biết bao nhiêu trái tim và khối óc hướng nhìn vào thông điệp tự do cho con người.
Bốn thập kỷ qua chúng ta chứng kiến tiến trình tự do nhanh nhất trong lịch sử, minh thị ngưỡng vọng phổ quát cho công lý, nhân quyền, và tự do. Trong tinh thần ấy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã họat động 30 năm qua cho tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Tôi ngỏ lời tán thán quý liệt vị đã tận tình xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn để cho tự do con người được bảo vệ. Bằng cách thăng tiến hòa bình và khoan hồng tôn giáo, quý vị đang góp phần công đức vào niềm hy vọng tương lai cho thế hệ cháu chắc của quý vị. Laura và tôi xin gửi lời chúc mừng đến cuộc lễ kỷ niệm hôm nay.”
Ký tên Tổng thống George W. Bush
Diễn văn Khai mạc đại lễ của Hòa thượng Thích Hộ Giác

Trong bài Diễn văn Khai mạc đại lễ, Hòa thượng Thích Hộ Giác, Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo, kiêm Chủ tịch Hội đồng Điều hành GHPGVNTNHN-HK – VP II VHĐ, cảnh giác Phật giáo đồ các luận điệu sai lầm về thực tại Việt Nam, về công cuộc vận động quốc tế, mà các thế lực đen tối tung ra nhằm phá hoại nỗ lực vận động của Giáo hội cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ. Hòa thượng Thích Hộ Giác nói :
"... Ba mươi năm qua là một thời kỳ mà dân tộc và đạo pháp đi vào tình trạng cực kỳ phức tạp. Tuy chiến tranh chấm dứt, nhưng không thể gọi là hòa bình. Cả nước cùng chế độ, nhưng khó nói là thống nhất. Đổi mới thật nhiều, nhưng lúc nào cũng lạc hậu.
Cộng cuộc vận động cho nhân quyền, dân chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong suốt giai đọan đó là một thể hiện cực kỳ quan trọng của dân tộc không thể không nhận định nghiêm túc bởi bất kỳ ai quan tâm đến sự thịnh suy của đất nước.
Giáo hội đã lên tiếng thật sớm, ngay từ những ngày đầu sau 30.4-1975 về những đàn áp bất công đối với tôn giáo và dân chúng...
.. Tổ chức lễ kỷ niệm này, chúng ta hãy trang trọng trao cho thế hệ mai hậu những trang sử bi hùng của những người Phật tử, những người con Việt, không vì bạo tàn mà khuất phục, không vì yên ấm bản thân mà quên đi nỗi khổ của giống nòi.
Không vì thời gian mà xóa đi những hình ảnh hy sinh âm thầm của những con người sống và chết vì lẽ phải. Những bài học lịch sử cho thấy rằng, sinh lộ của dân tộc không nằm ở chủ nghĩa cơ hội, mà ở ý thức minh mẫn của con dân đất nước trước những đảo điên của thời thế..."
Những bài liên quan
- Chính quyền Hà Tây và Hà Nội trục xuất một số Ni sư để chiếm lấy Chùa
- Linh mục Chân Tín: “Việt Nam là nhà tù lớn”
- “Tự do tôn giáo thật sự không phải là những cái gì bên ngoài”
- Ông Ngô Yên Thi: “Việt Nam không can thiệp quá sâu vào nội bộ các tôn giáo”
- Phỏng vấn Linh mục Nguyễn Văn Lý về cuộc tiếp xúc với Dân biểu Chris Smith
- Hòa Thượng Thích Quảng Độ cho biết về cuộc gặp gỡ với Dân biểu Chris Smith tại Sài Gòn
- Dân biểu Christopher Smith: Quốc hội Mỹ sẽ theo dõi sát tình hình tôn giáo tại Việt Nam
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 1-12-2005)
- Việt Nam không cho Linh mục Trần Công Nghị nhập cảnh
- Linh mục Nguyễn Văn Lý: Việt Nam theo đuổi một chính sách tôn giáo với nhiều mặt
- Thượng Tọa Thích Trí Thắng cho biết tình hình sinh hoạt Phật sự tại Huế
- Tổ chức Tự do Tôn giáo công bố hình ảnh chứng minh Việt Nam hành hạ thể xác các tín đồ Thiên Chúa giáo
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 24-11-2005)
- Một số tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo trong nước tiếp tục gặp khó khăn
- Hội luận trong và ngoài nước về quyết định đưa Việt Nam trở vào danh sách CPC
- Phỏng vấn hai nhân chứng cuộc xô xát giữa công an với Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 17-11-2005)
- Chuyến đi thị sát tình hình tôn giáo tại Việt Nam của phái đoàn Ðại sứ quán Hoa Kỳ
- Việt Nam bị duy trì trong danh sách CPC có nghĩa gì?
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 10-11-2005)