Trà Mi, phóng viên đài RFA
6 năm trước, một sự kiện gây chấn động nứơc Mỹ và làm kinh hoàng cả thế giới. Chỉ vài giờ đồng hồ sáng ngày 11/9, hàng loạt các cuộc khủng bố liên tiếp xảy ra, nhắm thẳng vào những biểu tượng tiêu biểu cho quyền lực và nền tài chính của Hoa Kỳ. Cũng từ sau ngày đó, nước Mỹ và thế giới đã có nhiều thay đổi.

Nước Mỹ tưởng niệm các nạn nhân
Hôm thứ Ba, nhiều nghi thức trọng thể đã được cử hành khắp nơi trên nứơc Mỹ để tưởng niệm hàng ngàn nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ khủng bố tàn khốc ngày 11/9/2001.
Lễ xướng tên những người tử nạn trong các vụ tấn công năm ấy đã diễn ra tại New York, với sự tham gia của giới chính khách, những người lính cứu hoả, những người từng có mặt tiếp ứng đầu tiên ngay sau khi toà tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới bị tấn công, cùng thân nhân của những người bị xấu số.
Hai địa điểm bị tấn công khác là Lầu Năm Góc và cánh đồng ở Pennsylvania, các nghi thức tửơng niệm cũng đã được tiến hành trang trọng.
Chuông nhà thờ đổ dồn tại Boston, nơi 2 trong số những chiếc máy bay bị không tặc tấn công cất cánh vào buổi sáng cái ngày định mệnh ấy, để tửơng nhớ nạn nhân của vụ khủng bố.
Tại Nhà Trắng, tổng thống George W.Bush dành phút mặc niệm cho những đồng bào bị thiệt mạng, và tham dự một buổi lễ cầu nguyện riêng tại nhà thờ St. John’s Episcopal.
Quân đội Hoa Kỳ đang trú đóng ở Afghanistan cũng tổ chức một buổi lễ tửơng niệm vào đúng thời khắc chiếc máy bay thứ nhất đâm vào tháp đôi World Trade Center.
Tổng số người chết trong biến cố 911 là 2,974 nạn nhân, nhiều nhất là tại Trung tâm Thương mại Thế giới, với 2,750 người. Bốn chục người khác bị cứơp sinh mạng khi một chiếc máy bay bị khủng bố tấn công lao đầu xuống cánh đồng ở bang Pennsylvania. Và số người tử nạn trong vụ tấn công Lầu Năm Góc là 184 người. Đó là chưa kể 19 tay không tặc thực hiện khủng bố cũng bị thiệt mạng.
Thế giới nhiều đổi thay sau vụ 11/9
Phát biểu ngay trong những giây phút lịch sử của ngày 11/9 sáu năm về trứơc, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush tuyên bố rằng đây là một bi kịch của quốc gia và khẳng định Hoa Kỳ bị khủng bố tấn công.
Tửơng nhớ lại ngày thảm khốc ấy, thân nhân của những ngừơi xấu số nói rằng biến cố 911 vẫn còn là một kỷ niệm hết sức đau lòng:
Thế nhưng, 6 năm nhìn lại biến cố 11/9/2001, thế giới ngày nay không chỉ nghĩ đến những chuyện thương tâm hay những nỗi đau mất mát chưa hàn gắn, mà giờ đây, mỗi khi nhắc tới sự việc này, mọi người đều liên tưởng tới “khủng bố”, hai từ mà thời điểm trứơc 911 dường như ít được chú ý đến.
Có thể nói sau ngày thảm khốc ấy, thế giới bắt đầu nói nhiều về các hoạt động thảm sát hàng loạt và các hậu quả khôn lường của nó, cũng như tập trung lên án các tổ chức khủng bố trên toàn cầu điển hình như mạng lưới Al-Qaeda do Osama Bin Laden thành lập.
Cũng kể từ sau ngày ấy, nhân loại cùng hướng về một kẻ thù chung, bắt tay hợp sức cùng nhau trong cuộc chiến chống khủng bố, lên án những kẻ chủ trương giải quýêt hận thù bằng bạo lực, giết hại thừơng dân vô tội.
Ngoài ra, biến cố 11 tháng Chín cũng làm thay đổi cục diện tại nhiều quốc gia, đặc biệt là đối với những phong trào giải phóng dân tộc, bảo tồn văn hóa dân sinh.
Vài năm sau biến cố khủng bố tấn công, Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đã cảnh giác về tình trạng một số nước mượn cớ phòng chống khủng bố để vi phạm quyền con người.
Chẳng hạn như nhà cầm quyền quân nhân Miến Điện xếp các phong trào, tổ chức ly khai của người sắc tộc Karen, người Shan, vào loại khủng bố có vũ trang.
Hay như Trung Quốc cáo buộc phong trào dân chủ Ughur của người dân tộc Hồi giáo ở Tân Cương là khủng bố và vận động quốc tế ngăn cấm mọi hoạt động của phong trào. Một số nhân vật người Uighur bị bắt bớ, tù đày.
Danh sách các tổ chức bị quy kết là khủng bố ngày càng dài thêm trong bối cảnh các nước trao đổi với nhau. Thí dụ như nếu Hoa Kỳ muốn Trung Quốc nhìn nhận al-Qaida vào danh sách khủng bố, thì Washington cũng phải xếp Phong trào dân chủ Uighur ở Tân Cương vào danh sách đó.
Thậm chí một số nước ở Châu Á, kể cả Việt Nam, cũng lấy cớ chống khủng bố để bóp nghẹt các phong trào cổ võ dân chủ, những tiếng nói đối lập, cũng như những quan điểm bất đồng.
Tóm lại, cho dù cuộc chiến chống khủng bố có mang tới những tác động tích cực hay tiêu cực, thì về nhiều phương diện, thế giới sau ngày 11 tháng Chín năm 2001 đã có nhiều biến chuyển đáng kể, không còn như trước nữa.