Sức nặng APEC


2007.09.11

Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Long, RFA

Chủ Nhật vừa qua, Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương, gọi tắt là APEC, đã kết thúc tại Sydney của Australia với một bản Tuyên bố chung của 21 hội viên. Văn kiện ấy được dư luận quốc đánh giá trái ngược, nhiều phần là tiêu cực.

AustraliaApec200.jpg
Thủ tướng Úc ông John Howard trả lời báo giới tại SSydney Convention and Exhibition Center hôm 9-9-2007. AFP PHOTO >> Xem hình lớn hơn

Nhân dịp này, Diễn đàn Kinh tế có cuộc trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về tầm quan trọng của APEC, do Việt Long thực hiện sau đây hầu quý thính giả.

Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, hội nghị cấp lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương, mà thế giới hay gọi tắt là APEC, đã kết thúc tại Sydney vào cuối tuần qua. Chúng ta nhớ rằng năm ngoái, hội nghị này đã được triệu tập tại Hà Nội, năm nay, đến lượt Australia đăng cai tổ chức.

Kết thúc hội nghị APEC năm nay, 21 hội viên đã có một bản tuyên bố chung về hiện tượng thay đổi khí hậu, về an ninh năng lượng và về phát triển trong lành. Văn kiện ấy bị truyền thông Tây phương đánh giá thấp, ngược với quan điểm tích cực của nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

Qua chương trình tuần này, ban Việt ngữ chúng tôi xin đề nghị là chúng ta cùng trao đổi về tầm quan trọng của APEC và về lý do vì sao lại có những đánh giá khác biệt như vậy.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin được trả lời ngay về câu hỏi thứ hai, vì sao lại có sự đánh giá trái ngược như vậy từ dư luận Tây phương.

Trên đại thể thì trọng lượng thế giới đã chuyển từ Đại tây dương qua Thái bình dương, từ quan hệ giữa Hoa Kỳ với Âu châu qua quan hệ giữa các nước Á châu với toàn khu vực Mỹ châu, ở miền Đông Thái bình dương. Sự chuyển dịch ấy ít được truyền thông hay dư luận đánh giá đúng mức, cũng như không đánh giá đúng mức tầm quan trọng của APEC.

Vì đánh giá sai nên đa số dư luận tại Tây phương coi nhẹ bản tuyên bố chung của APEC. Riêng dư luận Hoa Kỳ thì tập trung chú ý vào hồ sơ Iraq, vào cuốn băng hình của trùm khủng bố al-Qadea là Osama bin Laden, về báo cáo sắp tới của vị Tư lệnh Mỹ tại chiến trường Iraq và những vấp váp ngọng nghịu của Tổng thống Bush tại Sydney.

Trên đại thể thì trọng lượng thế giới đã chuyển từ Đại tây dương qua Thái bình dương, từ quan hệ giữa Hoa Kỳ với Âu châu qua quan hệ giữa các nước Á châu với toàn khu vực Mỹ châu, ở miền Đông Thái bình dương. Sự chuyển dịch ấy ít được truyền thông hay dư luận đánh giá đúng mức, cũng như không đánh giá đúng mức tầm quan trọng của APEC.

Trong khi sự thể ở tại chỗ, giữa 21 hội viên kinh tế của APEC đã thực tế vượt khỏi phạm vi hợp tác kinh tế, và cho thấy một chiều hướng khác. Vì vậy, tôi xin đồng ý là chúng ta sẽ phải tìm hiểu về trọng lượng của APEC trong quan hệ quốc tế.

Sức nặng kinh tế

Việt Long: Nếu vậy, xin đề nghị là chúng ta khởi đầu với sức nặng của APEC. Trước tiên là sức nặng kinh tế phải không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: APEC quy tụ 21 hội viên kinh tế, thay vì 21 quốc gia, vì hoàn cảnh riêng của Hong Kong - vốn là một Đặc khu Kinh tế của Trung Quốc - và Đài Loan, vốn là Trung Hoa Dân quốc, mà không được công nhận như một quốc gia và chỉ tham dự APEC như một nền kinh tế.

Đây là 21 hội viên trên vòng cung Á châu Thái bình dương, từ các nước Đông Nam Á lên Đông Bắc Á, kể cả Trung Quốc, Nhật Bản và Liên bang Nga, qua khu vực Bắc Mỹ là Canada, Hoa Kỳ, xuống tới Trung Nam Mỹ, gồm có Mexico, Chile, Peru và về tới Úc Đại Lợi với hai hội viên là New Zealand và Australia.

Xin nói thêm: sáng kiến thành lập APEC là do Australia đề xướng năm 1989 nhằm gây dựng một lực đối trọng về kinh tế với hai khối kinh tế lớn đang thành hình vào thời đó là Liên hiệp Âu châu và khu vực Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ, gọi là NAFTA, giữa Canada, Hoa Kỳ và Mexico. Giờ đây, APEC đã có trọng lượng đáng kể hơn nhiều.

Việt Long: Ông nói đáng kể là về những khía cạnh nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Về dân số, diễn đàn APEC quy tụ chừng 40% dân số thế giới, là thị trường có hai tỷ 700 triệu người tiêu thụ. Các hội viên APEC tập trung sản xuất ra 60% tổng sản lượng của toàn cầu, 50% khối lượng ngoại thương của thế giới và riêng với Hoa Kỳ thì đây là nơi tiếp nhận gần 2/3 lượng xuất khẩu của Mỹ.

Chẳng những khối APEC bao gồm ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc mà còn quy tụ các cường quốc có trọng lượng về an ninh là Mỹ, Nga, Trung Quốc, và cả Nhật Bản lẫn Australia.

Khu vực trọng yếu

Việt Long: Thế vì sao ông lại cho rằng truyền thông Tây phương nói chung ít chú ý đến một khu vực trọng yếu như vậy?

BushAustraliaApec200.jpg
Thủ tướng Thái Lan Surayud Chulanont ngồi cạnh Tổng thống Bush trong phiên họp với bảy đại diện của ASEAN tạo Sydney Opera House hôm 8-9-2007. AFP PHOTO >> Xem hình lớn hơn

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta có nhiều cách giải thích lắm. Một là do quán tính, thói quen của quá khứ vốn vẫn quá chú trọng đến quan hệ giữa Âu châu và Hoa Kỳ - chủ yếu là Thượng đỉnh của nhóm G-8 là tám nước công nghiệp hàng đầu thế giới.

Hai là do sự chậm lụt của các tổ chức vận động ngoài chính phủ, các NGO, vốn tập trung tranh đấu và đòi hỏi hướng vào các định chế quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới WTO, hay Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.

Khi WTO hay Nhóm G-8 hoặc hai định chế tài chính kia mà có kỳ họp hàng năm, ta thấy hàng vạn người biểu tình chống đối và thậm chí bạo động vì chống toàn cầu hoá, chống kinh tế thị trường, tự do mậu dịch, hay để bảo vệ môi sinh.

Tại các hội nghị của APEC, ta không thấy một sự huy động đông đảo và rối loạn như vậy. Tại Hà Nội năm ngoái thì lãnh đạo Việt Nam cấm biểu tình đã đành vì bản chất vẫn còn độc tài của chế độ. Chứ tại Sydney tuần qua, theo lượng định của báo chí, số người biểu tình chỉ có chừng 5.000; chứ theo lượng định của nhà đương cuộc Australia, số người biểu tình chỉ có ba nghìn.

Và có thể nói thêm là phân nửa số dân biểu tình có lẽ là thành phần phản chiến, hay chống Tổng thống Bush. Nếu Tổng thống Mỹ mà không tham dự Thượng đỉnh APEC như người ta đã đồn đãi tuần trước thì có lẽ chẳng ai nói đến APEC nữa, và đó là một sai lầm!

Vì dư luận thiếu quan tâm như vậy, truyền thông có thể khiến dư luận đánh giá thấp APEC, chứ nhìn vào khu vực Á châu, sức nặng của diễn đàn này đang gia tăng, là điều Việt Nam cần thấy ra.

Việt Long: Nếu có thể, xin ông lược duyệt chiều hướng gia tăng ấy kể từ thời thành lập APEC.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Khi Australia, và cả New Zealand, đề xướng việc thành lập một diễn đàn đối thoại vào năm 1989, 12 hội viên kinh tế thời ấy mới sản xuất ra chừng phân nửa sản lượng thế giới, và người ta coi diễn đàn này chỉ là nơi đẩy mạnh nỗ lực tự do thương mại giữa các nước.

Nỗ lực ấy khởi sự với Thượng đỉnh đầu tiên vào năm 1993 tại Mỹ - năm nay là Thượng đỉnh thứ 15 - và được nối tiếp năm sau với việc thành lập một khu vực tự do mậu dịch, gọi là "Mục tiêu Bogor" do địa danh của Thượng đỉnh năm đó tại Indonesia.

Sau năm 2001, khi vòng đàm phán Doha về tự do mậu dịch toàn cầu của Tổ chức WTO bị bế tắc, các nước mong đợi là APEC sẽ là diễn đàn khai thông, là chuyện của năm nay.

Những hoạt động khác

Việt Long: Ngoài tự do mậu dịch, APEC còn có hoạt động gì khác hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ngoài phạm vi đẩy mạnh tự do ngoại thương, APEC còn đạt nhiều kết quả khác, như khiến các hội viên phải quan tâm nhiều hơn tới việc bảo vệ môi sinh, an toàn năng lượng, kiểm soát vệ sinh và an toàn thực phẩm.

Vì hoàn cảnh độc đáo là nơi gặp gỡ gần bình đẳng giữa lãnh đạo các nước giàu và nghèo - khác với Thượng đỉnh của nhóm G-8 - các nước đang phát triển có dịp nêu thẳng vấn đề với lãnh đạo các cường quốc, như bữa ăn sáng và đàm đạo giữa Tổng thống Bush và đại diện của bảy trong 10 nước của Hiệp hội ASEAN hôm mùng bảy.

Vì hoàn cảnh độc đáo là nơi gặp gỡ gần bình đẳng giữa lãnh đạo các nước giàu và nghèo - khác với Thượng đỉnh của nhóm G-8 - các nước đang phát triển có dịp nêu thẳng vấn đề với lãnh đạo các cường quốc, như bữa ăn sáng và đàm đạo giữa Tổng thống Bush và đại diện của bảy trong 10 nước của Hiệp hội ASEAN hôm mùng bảy.

Sau cùng, APEC cũng là diễn đàn trao đổi giữa các nước về an ninh và chính trị, như chống khủng bố, như hồ sơ Bắc Hàn hay nạn độc tài tại Myanmar, hay Miến Điện như chúng ta thường gọi ngày xưa.

Việt Long: Sau khi trình bày quá trình thoát xác và lớn mạnh của Diễn đàn APEC, chúng ta sẽ bước qua phần lượng định về thành quả của Thượng đỉnh năm nay. Ông đánh giá thế nào về thành quả khi các hội viên APEC thì ngợi khen mà các nước khác thì coi thường?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng sự khác biệt đó có nguyên nhân chính trị, nên chúng ta phải "trừ bì", hoặc gia giảm tầm quan trọng của những lời chỉ trích.

Tôi xin giải thích: các nước công nghiệp đang gặp bế tắc khi phải đối phó với hiện tượng gọi là nhiệt hoá địa cầu, hay lồng kính, hay sự thay đổi của khí hậu. Bế tắc vì Nghị định thư Kyoto đã không đem lại kết quả khi các nước gây nhiều khí thải nhất, như Hoa Kỳ và Trung Quốc lại không ký kết và nhiều nước đã ký kết lại không đạt nổi chỉ tiêu hạn chế khí thải của mình.

Từ nhiều năm nay, Tổng thống Bush đã đề nghị giải pháp thay thế là kêu gọi tinh thần tự nguyện mà không đặt ra hạn ngạch tiết giảm khí thải, và dùng diễn đàn APEC là nơi xây dựng tinh thần đồng thuận và trao đổi công nghệ về môi sinh.

Kết quả là năm nay, các hội viên APEC đã tập trung thảo luận về vấn đề này và khi bản Tuyên bố chung ghi rõ tiêu đề là "Thay đổi Khí hậu, An toàn Năng lượng, và Phát triển Trong lành", ta thấy vấn đề nhiệt hoá địa cầu đã chiếm phần quan trọng trong nghị trình thảo luận của APEC.

Mà quyết định của diễn đàn này sẽ ảnh hưởng tới chính sách riêng về môi sinh, bảo vệ rừng và tiết kiệm năng lượng của từng hội viên, dù có ký hay không ký vào Nghị định thư Kyoto, một văn kiện bề nào cũng ít có tác dụng và sẽ hết hiệu lực.

Đáng chú ý trong thành quả này là Chương trình Hành động được đính kèm bản Tuyên bố chung của APEC, mà tôi thiển nghĩ rằng Việt Nam nên nghiên cứu, và khai triển để áp dụng vì sẽ có cơ hội tiếp nhận nhiều công nghệ hiện đại về bảo vệ môi sinh và tiết kiệm năng lượng trong khuôn khổ của mạng lưới Á châu Thái bình dương về Công nghệ Năng lượng, gọi tắt là APNet, sẽ được các hội viên APEC thành lập năm tới.

Những kết quả đạt được

Việt Long: Ngoài ra, năm nay, Thượng đỉnh APEC còn đạt kết quả gì về mậu dịch không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Về mục tiêu nguyên thủy là mở rộng tự do mậu dịch, các hội viên APEC chưa thể khai thông được những bế tắc của vòng đàm phán Doha của Tổ chức WTO, nhưng đồng thời chứng minh được một sự chuyển động khác.

Đó là nếu WTO bị ách tắc, khối APEC sẽ có những hiệp định tự do thương mại song phương hay cấp vùng, tức là nếu không thể tự do hoá ngoại thương trên toàn cầu, giữa 185 hội viên của WTO, thì sẽ có những thoả ước riêng liên hệ đến phân nửa khối lượng xuất nhập khẩu của thế giới.

Đáng chú ý trong đó là các Hiệp định Tự do Thương mại song phương gọi là FTA mà cả Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc đều muốn ký với các hội viên của APEC. Cho nên, thực tế thì APEC là giải pháp điền thế cho WTO, như cũng thay thế Nghị định thư Kyoto. Và đấy là lý do khiến APEC bị truyền thông Tây phương đả kích hay đánh giá thấp.

Vì lịch trình làm việc quá nặng ở nơi khác, tại Iraq và ở nhà, nhân kỷ niệm sáu năm vụ khủng bố 9-11, ngày 11 tháng Chín năm 2001, Tổng thống Bush không tham dự hội nghị đánh dấu 30 năm đó tại Singapore là nước luân phiên chủ tịch ASEAN năm nay. Ông đến và rời Australia sớm một ngày nên đã chuẩn bị phiên họp với bảy đại diện của ASEAN và mời họ tham dự thượng đỉnh giữa ASEAN với Hoa Kỳ tại nông trại của ông ở Texas.

Việt Long: Bước qua các vấn đề ngoài kinh tế thì APEC năm nay còn đạt kết quả gì khác nữa?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Có một vấn đề nhạy cảm cho ASEAN là nạn độc tài của một hội viên, tại Myanmar. Năm nay, APEC có đề cập thẳng đến vấn đề ấy trong các cuộc hội đàm song phương giữa lãnh đạo của Hoa Kỳ, Trung Quốc và bảy nước ASEAN. Từ đó, mình có thể suy ra là tình hình Miến Điện rồi cũng sớm thay đổi.

Ngoài ra, tại cuộc gặp gỡ song phương giữa hai Tổng thống Hoa Kỳ và Nam Hàn, vấn đề Bắc Hàn cũng được nêu lên, với một đề nghị bất ngờ từ Tổng thống Bush là sẽ tìm cách kết thúc Chiến tranh Cao Ly, một tình trạng chiến tranh lạnh lưu cữu từ Hiệp định Ngưng bắn năm 1953. Có thể là Mỹ và hai nước Nam-Bắc Hàn sẽ ký kết một Thỏa ước bất tương xâm và thiết lập hoà bình cho bán đảo Triều Tiên nếu Bắc Hàn thực sự từ bỏ kế hoạch võ khí hạch tâm của họ.

Sau cùng, người ta cũng cần chú ý đến một Hiệp định Hợp tác Chiến lược về Quân sự và Thương mại mà Tổng thống Bush đã ký kết với Thủ tướng John Howard của Australia hôm Thứ Tư mùng năm.

Hiệp định này có nội dung tương tự như một văn kiện Mỹ đã ký với Anh hôm 27 tháng Sáu, khiến Australia sẽ có thủ tục đặc biệt về mua bán võ khí của Mỹ và trở thành một đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ tại châu Á, như nước Anh là đồng minh chiến lược của Mỹ tại Âu châu. Thượng đỉnh APEC vì vậy có ảnh hưởng lâu dài và rộng lớn hơn phạm vi thuần túy kinh tế, như trường hợp của câu lạc bộ ASEAN.

Tổng thống Bush tại APEC

Việt Long: Nói tới Hiệp hội ASEAN, nhân Thượng đỉnh APEC, Tổng thống Bush đã gặp riêng lãnh đạo hay đại diện của bảy hội viên ASEAN, ý nghĩa của việc đó là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Hoa Kỳ bị mang tiếng là vì quá bận với cuộc chiến chống khủng bố và hồ sơ Iraq nên hết quan tâm đến khu vực Đông Nam Á và Ngoại trưởng Mỹ đã không tham dự hai trong ba hội nghị cấp Bộ trưởng hàng năm của ASEAN. ASEAN là đối tác kinh tế đứng hàng thứ tư của Hoa Kỳ và đã có tròn 30 năm hợp tác với Mỹ.

Vì lịch trình làm việc quá nặng ở nơi khác, tại Iraq và ở nhà, nhân kỷ niệm sáu năm vụ khủng bố 9-11, ngày 11 tháng Chín năm 2001, Tổng thống Bush không tham dự hội nghị đánh dấu 30 năm đó tại Singapore là nước luân phiên chủ tịch ASEAN năm nay.

Ông đến và rời Australia sớm một ngày nên đã chuẩn bị phiên họp với bảy đại diện của ASEAN và mời họ tham dự thượng đỉnh giữa ASEAN với Hoa Kỳ tại nông trại của ông ở Texas.

Ông Bush chỉ mời các lãnh tụ thuộc loại đồng minh chiến lược tới nông trại riêng của mình ở Crawford nên lời mời đó có ý nghĩa khá đặc biệt. Có thể là đầu năm tới, người ta sẽ thấy thượng đỉnh này thành hình và qua đó cũng thấy Hoa Kỳ vẫn gắn bó với Á châu về cả quyền lợi lẫn an ninh, và các chế độ độc tài sẽ lại bị đả kích ngay tại Crawford này.

Việt Long: Xin cảm ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.