Gia Minh, phóng viên đài RFA
Có nhiều người trong cuộc sống thường nhật không tỏ ra có gì nổi bật, thậm chí đôi lúc còn bộc lộ những khiếm khuyết bị xã hội lên án. Tuy nhiên, khi hữu sự, chính họ lại có những hành động mà cả những người có địa vị cao trọng trong xã hội không thể hiện được.

Qua tai họa sập cầu Cần Thơ mà đang là nỗi đau chung cho bao nguời dân Việt, đã xuất hiện một số gương can đảm do những đối tượng thường ngày không được mấy ai chú ý đó.
Trường hợp mà chúng tôi đề cập đến trong chuyên mục Sáng kiến & Đời sống kỳ này là hành đồng cứu người của anh thợ cưa gỗ Lê Tất Thành, ngụ tại ấp Mỹ Hưng, Xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, là người bằng cách của riêng mình giúp cứu được 11 nạn nhân ra khỏi đống bê tông đổ nát tại hiện trường xảy ra tai nạn.
Cứu người bằng phương tiện mưu sinh
Xuất phát từ lòng nhân tự nhiên khi cứu người trong cơn nguy biến, anh Lê Tất Thành đã nghĩ ra cách cứu nạn nhanh nhất với chiếc cưa gỗ, phương tiện mưu sinh hằng ngày của anh. Bản thân anh Lê Tất Thành kể lại việc làm anh thực hiện vào ngày 26 tháng 9 khi tai họa xảy ra tại gần khu anh cư ngụ:
Lê Tất Thành: Lúc đó gia đình đang ăn cơm thì nghe tiếng ầm ầm, tôi nghĩ là máy bay tới đó chớ không có nghĩ là cầu sập. Chạy ra coi máy bay thì thấy cầu sập, tôi vội chạy xuống. Đầu tiên chạy xuống tôi không có mang dụng cụ gì hết trơn cả.
Xuống tới nới lôi được 2 người đang mắc kẹt. Lôi họ ra được rồi thì thấy số người còn trong cây (giàn giáo) qua nhiều, em mới chạy về nhà. Một tay cầm máy cưa, một tay xách cái ba-lân (ròng rọc), em chạy vô dùng máy cưa đó cưa mấy cây năm mười, ván ép, rồi kéo ra để cứu anh em. Những anh em nào mình thấy cứu được thì cứu chớ mình không biết sao hết.
Lúc lấy họ ta khoảng sau chừng mười phút mười mấy phút à, chưa thấy công an gì hết. Chỉ có chính quyền địa phương chạy lại, chứ các lực lượng công an bộ đội chưa có ai hết trơn.
Lúc đó cây và ván ép đè người, nó nằm ngổn ngang lung tung hết trơn. Nó đè lưng, ngực tùm lum. Hễ người nào bị cây đè thì mình cứ cứu người đó ra mà thôi. Lúc đó hoảng quá trời. Lúc đó đầu óc không còn tính toán gì hết mà mình thấy cái gì cứu được thì cứ làm thôi.
Gia Minh: Như anh Thành vừa mới kể đó thì thấy cảnh cầu bị sập, cây và ván ép đè người ra sao?
Lê Tất Thành: Cây và ván ép đè người, nó nằm ngổn ngang lung tung hết trơn. Mình không hiểu được nó đè kiểu nào. Nó đè lưng, ngực tùm lum. Hễ người nào bị cây đè thì mình cứ cứu người đó ra mà thôi. Cưa được là cứ cứu, còn cây nào mà chắc thì mình xeo mình nạy ra. Còn nếu không thì cũng phải nhờ các biện pháp khác. Lúc đó hoảng quá trời. Lúc đó đầu óc không còn tính toán gì hết mà mình thấy cái gì cứu được thì cứ làm thôi.
Gia Minh: Vì sao mà anh nghĩ đến việc chạy về nhà lấy máy cưa?
Lê Tất Thành: Bởi vì mấy cây đó thì nhà mình có sẵn và chỉ dùng máy cưa cắt mà thôi chứ đâu có gì cắt được nó. Còn nếu mà mình ngồi lấy cưa tay, à mà mình không có cưa tay, và nếu có cưa tay đi nữa thì tới khi cưa được thì người ta đã chết mất rồi. Thành ra bắt buộc phải chạy về nhà lấy. Mà lúc chạy ra đường thấy xe người ta thì không biết là xe của ai nhưng nhờ chở về liền. Từ chỗ hiện trường về nhà không đầy 300 mét mà. Chạy cũng mau lắm. Cái ì là tới nhà à.
Gia Minh: Người mà anh yêu cầu chở về nhà lấy máy cưa đó có biết là ai không?
Lê Tất Thành: Hổm rày hỏi thăm hình như có người biết đó.
Gia Minh: Trong lúc mọi người hoảng loạn thì người đó chạy xe ngang qua nơi đó à?
Lê Tất Thành: Dạ không có. Người ta chạy lại đó. Người nào nghe nói cũng chạy lại coi hết trơn. Người có xe thì chạy xe lại, người không có xe thì chạy bộ lại.
Gia Minh: Anh nói làm sao mà người ta đồng ý chở anh?
Lê Tất Thành: Người ta chết nằm ngổn ngang, bị gài vô cây tùm lum mà hổng có phương tiện cứu. Tôi nói anh ta là anh chở tôi về liền đặng tôi lấy máy cưa. Người đó không chần chừ gì hết mà xách xe chạy về liền.
Nhiều nạn nhân được cứu sống
Gia Minh: Máy cưa đó là loại máy cưa như thế nào anh?
Lê Tất Thành: Máy cưa đó là loại máy cầm tay cắt phụ. Máy cầm để mình đi đốn cây đó.
Gia Minh: Nó chạy bằng dầu phải không ạ?
Người ta khóc. Người ta nói "Ráng cứu giùm con!". Chứ còn ngoài ra thì ngưòi ta cũng không nói gì được. Như cây đè trên giò thì mình kêu người ta tém ống quần lên để cắt cho vải khỏi nhảy vô thịt. Tôi nói rán ém ống quần đi để tôi cắt từ từ, đừng làm tôi run tôi căt không được, thì họ cũng nghe lời mình để cho mình cắt. Thành ra mình cắt cũng cẩn thận lắm. Cắt mà run lắm. Cây với thịt sát với nhau, nếu mình cắt qua cây hơi sơ suất chút xíu là đứt cái giò.
Lê Tất Thành: Nó chạy bằng xăng pha nhớt đó anh.
Gia Minh: Nhưng mà làm sao có đủ?
Lê Tất Thành: Lúc đó trong máy cưa lúc nào cũng châm đầy xăng. Mà nói chung cắt cây cũng không hao gì bao nhiêu xăng. Lúc đó mình vừa cắt vừa nói mấy anh phải có người nào tải xăng cho tôi, thì trong đó có người nào không biết đã có tải xăng thêm. Lúc đó cũng có nhiều anh em lòng vòng. Khi mình cắt đứt và dìu người ta ra thì có anh em ôm khiêng ngưòi ta ra.
Gia Minh: Khi đó chỉ có những người bị nạn nằm mé phía ngoài thôi phải không?
Lê Tất Thành: Phía ngoài phía trong luôn anh. Phía trong hầm đó. Trong hầm mình khai thác hầm ra, mé trong có cây đó. Mình khai thác miệng hầm ra bây giờ còn ở hiện trường đó.
Gia Minh: Khi cắt như vậy thì có gì trở ngại không?
Lê Tất Thành: Có cái cũng gặp khó, nhưng mình ráng khắc phục được, như cây đè trên giò.
Gia Minh: Anh lo cắt cây sát như vậy thì những người bị kẹt trong đó họ la lắm phải không?
Lê Tất Thành: Người ta khóc. Người ta nói "Ráng cứu giùm con!". Chứ còn ngoài ra thì ngưòi ta cũng không nói gì được. Như cây đè trên giò thì mình kêu người ta tém ống quần lên để cắt cho vải khỏi nhảy vô thịt. Tôi nói rán ém ống quần đi để tôi cắt từ từ, đừng làm tôi run tôi căt không được, thì họ cũng nghe lời mình để cho mình cắt. Thành ra mình cắt cũng cẩn thận lắm. Cắt mà run lắm. Cây với thịt sát với nhau, nếu mình cắt qua cây hơi s ơ suất chút xíu là đứt cái giò.
Gia Minh: Thế có đụng ai không?
Lê Tất Thành: Dạ không anh. Mình cố gắng cứu được người nào, mình quyết tâm cứu được người nào rồi, khi xong thì mới nhảy sang người khác. Người đó dù khó khăn cỡ nào thì minhc cũng cưú người đó rồi mới qua người khác chớ hổng có nửa chừng rồi bỏ để chạy qua người khác.
Gia Minh: Anh làm như vậy thì có biết cứu được bao nhiêu người không?
Lê Tất Thành: Lúc đó mình lấy ra được 9 người còn sống với 2 người chết.
Gia Minh: Được 9 người đó thì mất thời gian bao lâu vậy?
Lê Tất Thành: Dạ, em cũng hông biết nữa. Cứ làm tới thôi. Lúc đó không còn biết thời gian gì hết.
Gia Minh: Anh làm từ sáng cho tới lúc nào thì mới xong?
Lê Tất Thành: Em làm từ sáng tới tối luôn. Về nhà khoảng 8 giờ đó.
Quên cả những hiểm nguy cho bản thân
Gia Minh: Khi cắt như vậy anh có nghĩ đến sự nguy hiểm là mình cắt thì có thể các thanh sắt khác sẽ sập xuống không? Và như vậy nó lại càng gây nguy hiểm không?
Lê Tất Thành: Lúc đầu tiên mới vô hiện trường thì mình cũng có nghĩ tới, nhưng thấy chết nhiều quá thì mình không nghĩ tới nữa. Mình chỉ nghĩ tới anh em đang bị khổ chớ còn riêng bản thân lúc đó mình quên hết.
Gia Minh: Chớ không nghĩ đến chuyện nếu mình làm không cẩn thận thì cây sẽ sụp xuống và đè luôn mình sao?
Lê Tất Thành: Lúc đó mình quên bản thân mình.
Gia Minh: Khi cứu đựơc họ ra thì làm sao? Anh lo cắt, còn những người thoát ra rồi thì ai đưa họ đi?
Lê Tất Thành: Mình đưa ra những người ở phía ngoài đó. Dân cũng tham gia nhiều lắm. Khoảng 4-5 giờ chiều, lúc đó không còn xài máy nữa. Lúc đó không còn phát hiện người bị cây đè nên từ khoảng 4 giờ chiều về sau chỉ ngồi có việc gì mần thì mần chứ không có cắt nữa.
Lúc sau có các cơ quan ban ngành vô cứu. Người nào có đủ bản lĩnh thì phóng vô làm còn người nào không dám thì đứng ngoài để tải thương hoặc làm việc gì phù hợp với tính của người ta. Lúc đó không có phân công.
Gia Minh: Làm sao mà nhà báo họ biết để họ đến nói chuyện với anh Lê Tất Thành?
Lê Tất Thành: Bởi vì lúc đó có mấy anh bên quân khu, lúc mà hổng có cho người Việt mình lên lồng đó, mấy ảnh tức quá mới nói là anh này (tức Thành) ảnh biết hết trơn, từ sáng tới giờ tôi thấy và tôi biết. Lúc đó nhà báo mới phát hiện ra em chứ còn ngoài ra mình chỉ nghĩ cứu người chớ đâu có nghĩ chuyện gì.
Gia Minh: Anh có thể giải thích chuyện "lên lồng" là như thế nào không?
Lê Tất Thành: Lúc mình lên lồng (nhà lồng do cần cẩu kéo lên) thì mình nói với người điều khiển qua máy bộ đàm. Lồng đưa mình lên trên thì bên dưới người điều khiển cầm bộ đàm cho mình biết lên xuống sao sao đó cho vừa tầm cắt của mình.
Mình cắt mấy cây nằm ở miệng hầm cho vừa người mình chun vô. Mỗi miệng hầm mình cắt 2 cây cho trống rồi mình dùng dây bỏ xuống. Hầm đó là ở đầu cầu có khoảng trống như cái bộng chúc xuống giống như cái bộng cây mình dựng đứng. Rồi theo đường dây mình bò xuống.
Bên dưới bê tông không à nên mình đâu có vô được. Bên trên cây lòi ra ngoài nên mình cưa và khui miêng hầm ra rồi mình xuống dưới. Vô được hầm thì hết cây ở trỏng rồi. Vô được rồi thì mình dẹp ba cái que sắt vụn rồi mình xuống nữa. Mình xuống như vậy khoảng 3 miệng hầm mới tới đất.
Vô đó thì mình dùng tay thôi. Có miệng hầm cuối cùng phía trên bến phà đi xuống thì nó có miếng sắt nặng lắm, mình lôi không nổi. Phải lấy cái ba-lân (cái ròng rọc) kéo miếng săt tới. Còn riêng mấy miệng hầm kia thì dẹp bằng tay thôi.
Gia Minh: Vô trong miệng hầm đó rồi làm gì nữa? Anh có thể kể tiếp không?
Lê Tất Thành: Vô đó ngộp lắm. Ba cái đèn pin thường mang vô bị đứt bóng hết trơn. Vô đó mình lấy đèn rọi, và mình vừa gọi vừa đi kiếm thây hay kiếm người.
Anh Thành qua lời kể của người quen và chính quyền
Gia Minh: Còn người dân trong vùng từng biết về anh thợ cưa Lê Tấn Thành nói gì về con người này? Anh Tám Tâm, một người chuyên làm nghề đưa đò bên dòng sông Hậu, ngụ cùng quê với anh Thành cho biết đôi nét về người mà nay đã trở nên nổi tiếng:
Anh Tám Tâm: Nó ở tù mới ra.
Gia Minh: Vì sao phải ở tù ạ?
Anh Tám Tâm: Hồi xưa cũng bay nhảy chuyện này chuyện kia vậy đó. Nó bị đưa đi giáo dục mới về và vừa được phục hồi.
Gia Minh: Bây giờ ở nhà anh ấy làm việc gì?
Anh Tám Tân: Cưa cũi ở vườn cũng như đi mua cây bán lại.
Gia Minh: Gia cảnh của anh ấy như thế nào? Vợ con ra sao?
Anh Tám Tâm: Gia cảnh cũng nghèo, được 2 đứa con. Con người cũng tốt nhưng ham vui với xã hội với bạn bè. Bây giờ ảnh cũng khắc phục hậu quả nên đối với địa phương ảnh có lòng tốt cứu dân được mười mấy người lận.
Gia Minh: Còn chính quyền địa phuơng ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh , tỉnh Vĩnh Long, có ý kiến gì về việc làm của anh Lê Tất Thành, cũng như có kế họach ra sao giúp ổn định đời sống nguời dân bị nạn trong thời gian tới? Ông Nguyễn Văn Thành, bí thư xã phát biểu:
Ông Nguyễn Văn Thành: Nói chung là anh em ta tốt thôi.
Gia Minh: Sau khi đã có việc cứu người như vậy thì ấp có những khích lệ gì anh Thành này không?
Ông Nguyễn Văn Thành: Không, không. Đâu có khích lệ gì đâu.
Gia Minh: Ông thấy là mọi người trong ấp nghĩ sao?
Ông Nguyễn Văn Thành: Nói chung mình thấy bà con người ta khổ thì mình xúm nhau ùa vô tiếp, ngoài ra không có suy nghĩ gì. Lúc đó mình lo cứu người là chính mà.
Mục Sáng kiến & Đời sống tùân này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do. Gia Minh chào tạm biệt.