Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam khẩn cấp yêu cầu cho thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký kết

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam ngày 15/11 khẩn cấp yêu cầu chính phủ cho thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký bao gồm 200 ngàn tấn gạo phải giao hàng trong tháng 11 và 12. nếu thi hành lệnh ngừng xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực, có khả năng các doanh nghiệp sẽ phải bồi thường cho bạn hàng vì tự ý cắt hợp đồng. Phải chăng, đã đến lúc Việt Nam phải có tầm nhìn xa hơn về vấn đề xuất khẩu. Nam Nguyên tường trình.

RiceTrader200.jpg
Chợ bán gạo ở Ðông Hà, Quảng Trị. hôm 23-10-1997. AFP PHOTO

Theo quan điểm của Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam, việc huỷ bỏ toàn bộ hợp đồng xuất khẩu gạo từ nay tới hết năm 2006 có thể làm các doanh nghiệp mất mối giao dịch với các khách hàng quen thuộc.

Trong cuộc họp ngày 15/11 tại TP.HCM, Hiệp Hội cho rằng đến tháng 12, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ thu hoạch lúa mùa. Sản lượng bình thường khoảng 1 triệu 600 ngàn tấn, năm nay dù dịch bệnh ước tính vẫn thu hoạch khoảng 1 triệu 200 ngàn tới 1 triệu 300 ngàn tấn, như vậy vẫn có khoảng 400 ngàn tấn lúa hàng hoá, đủ cân đối dự trữ xuất khẩu cho mùa tới.

Mức thiệt hại

Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng thương mại Phan Thế Ruệ yêu cầu các doanh nghiệp cần xác định cụ thể mức thiệt hại vì lệnh ngừng xuất khẩu, không được giao hàng theo hợp đồng đã ký. Sự thiệt hại cần tính đến cả các khoản phạt theo thông lệ quốc tế do giao trễ hoặc không giao hàng.

Trả lời chúng tôi Luật Sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội cho rằng doanh nghiệp bị thiệt hại có quyền đòi chính phủ bồi thường:

“Các doanh nghiệp tư nhân có thể yêu cầu Nhà nước Việt Nam phải bồi thường. Các doanh nghiệp Nhà nước thì họ không dám đâu, đáng tiếc là ở Việt Nam phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu là Nhà nước. Trong vụ này tôi nghĩ là chính phủ sẽ phải đáp ứng , hiệp hội cần mạnh dạn lên tiếng nữa.”

Các doanh nghiệp tư nhân có thể yêu cầu Nhà nước Việt Nam phải bồi thường. Các doanh nghiệp Nhà nước thì họ không dám đâu, đáng tiếc là ở Việt Nam phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu là Nhà nước. Trong vụ này tôi nghĩ là chính phủ sẽ phải đáp ứng , hiệp hội cần mạnh dạn lên tiếng nữa.

Theo thông lệ quốc tế, khi ký hợp đồng xuất nhập khẩu các đối tác bên bán bên mua đều dự trù biện pháp chế tài, nếu có sự vi phạm không thi hành hợp đồng. Nhà xuất khẩu gạo chuyên nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Hùng Linh giải thích về vấn đề này:

“Những hợp đồng ký giao tháng 11, 12 thì phải thực hiện nếu ngừng thì phải họp bàn hai bên cùng thoả thuận...thiên tai bão lụt chiến tranh thì không phải đền, nhưng nếu tự mình ngừng thì bị phạt. Theo thông lệ mức bồi thường khoảng 10% trị giá hợp đồng, nếu hai bên không thoả thuận được.”

Lệnh của chính phủ là doanh nghiệp chỉ được giao gạo theo hợp đồng chính phủ đã ký với Cuba và Indonesia, nếu như tàu của bên mua vào cảng trước ngày 12/11. Trên thực tế, theo Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam, khoảng 200 ngàn tấn gạo đang bị kẹt vì lệnh ngừng xuất khẩu của chính phủ. Đây là số hàng đang được đưa lên tàu và số hàng đã đưa xúông cảng chờ tàu, tiếng trong nghề gọi là đã gọi tàu.

Trong cuộc họp ngày 15/11 tại TP.HCM các doanh nghiệp xuất khẩu chứng minh với Bộ thương mại rằng, lượng gạo của họ tồn kho còn rất lớn, nhiều hơn số phải giao theo hợp đồng. Tuy vậy Thứ trưởng thương mại Phan Thế Ruệ đưa ra lời yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm chỉ đạo tạm dừng xuất khẩu gạo, Bộ thương mại sẽ báo cáo chính phủ các khó khăn và xin phương án xử lý.

Ông Lương Anh Phúc, một giới chức trong ngành lương thực cho biết tình hình thực tế và giá cả hiện nay: "Lượng tồn kho là tương thích, sợ là biến động giá gạo nội địa thôi. Chính phủ cho ngưng là để bình ổn giá. Giá gạo Việt Nam hiện nay gạo 5% là 310 đô la/tấn, gạo 25% tấm thì 290 đô la/tấn. Nhưng đó là lấy giá gạo nội địa phiên qua chứ thực tế tr6en thị trường thế giới không ai giao dịch với giá này. Tôi nghĩ là không bao lâu giá cả sẽ ổn định trở lại."

Một chọn lựa khó khăn

Lệnh ngừng lập tức việc xuất khẩu gạo do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo ngày 13/11 là một chọn lựa khó khăn. Người đứng đầu chính phủ Việt Nam e ngại tình trạng thiếu lương thực sẽ diễn ra trong năm tới, nếu như dịch bệnh hại lúa không được ngăn chặn một cách hiệu quả trong vụ Đông Xuân sắp tới. Thủ tướng còn yêu cầu xuất kho dự trữ lương thực quốc gia để bình ổn thị trường, vì giá gạo tiêu thụ nội địa tăng chóng mặt trong thời gian 2 tháng vừa qua.

Theo các nguồn tin trong nước, 21 tỉnh thành phía nam đang bị dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn lùn xoắn lá hại cây lúa. Các chuyên gia nông nghiệp ước tính khoảng 150 ngàn hécta lúa Thu Đông và hơn 30 ngàn hécta lúa mùa 2006 ở miền nam bị thiệt hại.

Như vậy sản lượng lúa cả năm 2006 của vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt khoảng 18 triệu rưỡi tấn, giảm hơn 800 ngàn tấn so với năm 2005. Mức giảm vừa nói một nửa là do giảm diện tích, phần còn lại là tác động trực tiếp của bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá do rầy nâu truyền vi rút lây lan.

Định hướng xuất khẩu gạo năm 2007 hoàn toàn tuỳ thuộc vào việc có ngăn chặn được rầy nâu tác hại vụ Đông Xuân sắp tới hay không. Các nhà khoa học cho rằng nông dân làm lúa liên tiếp 3,4 vụ một năm là nguyên nhân cho rầy nâu phát triển. Giáo sư Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng trường Đại Học An Giang, cũng là một chuyên gia quốc tế về lúa gạo phát biểu với ban Việt ngữ:

“Các nước tiên tiến người ta chỉ trồng lúa một vụ thôi, còn để cho đất nghỉ. Nông dân mình làm ba, bốn vụ họ không muốn để đất không. Mà khi làm như vậy thì không bao giờ cắt được cây cầu nối cho sâu bệnh. Sâu bệnh có thức ăn nó cứ phát triển từ mùa này sang mùa kia, từ vùng này sang vùng khác.”

Từ đầu năm tới nay các doanh nghiệp Việt Nam đã thực xuất gần 4 triệu rưỡi tấn gạo, so với chỉ tiêu 5 triệu tấn. Thưa quí thính giả, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đã tới lúc Việt Nam phải thay đổi chiến lược về xuất khẩu gạo, quản lý lại đồng ruộng để cho đất đai nghỉ ngơi hợp lý, gia tăng sản xuất các loại gạo đặc sản giá trị cao, tuy xuất khẩu ít mà giá trị lại nhiều.

Theo dòng câu chuyện:

- Việt Nam ngừng xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực