Vịt ngan phát triển bất chấp lệnh cấm


2006.08.29

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Vịt ngan phát triển bất chấp lệnh cấm ở Việt Nam đang là mối bận tâm hàng đầu của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm. Giải pháp nào cho vấn đề này và liệu các quyết định mới đây có khả thi hay không.

BirdfluDuck200.jpg
Theo quy định mới, sau 1-9 tất cả đàn vịt con mới nở phải bị tiêu huỷ. AFP PHOTO

Ngăn chặn gia cầm buôn lậu qua biên giới có thể giảm nhiều nếu có đủ nhân lực và phương tiện. Nhưng cấm nuôi vịt chạy đồng, cấm ấp nở nuôi mới đàn thủy cầm là điều Bộ NN &PTNT ra lệnh từ 2 năm qua nhưng tỏ ra không mang lại kết quả, lần này quyết liệt hơn chính phủ ra lệnh tiêu huỷ toàn bộ vịt ngan ấp nở sau ngày 1-9.

Vịt chạy đồng

Vào thời điểm cuối tháng 8-2006 vịt vẫn chạy đồng từ địa phương này sang địa phương khác, như một lão nông ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói với chúng tôi:

“Vịt ở miền Nam, lúa mình gặt ở đây nhưng vịt ở đâu nó đem lại hết chỗ này nó dời chỗ khác nơi nào có lúa gặt. Tỉnh này huyện này hết lúa rồi thì đem lại tỉnh huyện người ta, lúa là thức ăn. Phải trả tiền, tuỳ theo chỗ một hecta từ 100 tới 300 trăm ngàn.”

Đúng ra thủy cầm trong đó có vịt ngan đã bị cấm ấp nở nuôi mới từ đầu năm 2005, rồi liên tục gia hạn hai lần trong năm 2006, lệnh cấm có hiệu lực tới cuối tháng 2-2007. Như vậy nếu luật pháp nghiêm minh, người dân chấp hành chính sách thì đàn thủy cầm ở Việt Nam hiện nay không nhiều đến mức 60, 70 triệu con.

Qua hai năm cấp ấp nở nuôi mới, nhưng đàn vịt ở Việt Nam mà nhiều nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long lúc nào cũng xấp xỉ 70 triệu con, còn đàn ngan ở bắc trung bộ và bắc bộ thì phát triển lên tới 8 triệu con.

Vịt ở miền Nam, lúa mình gặt ở đây nhưng vịt ở đâu nó đem lại hết chỗ này nó dời chỗ khác nơi nào có lúa gặt. Tỉnh này huyện này hết lúa rồi thì đem lại tỉnh huyện người ta, lúa là thức ăn. Phải trả tiền, tuỳ theo chỗ một hecta từ 100 tới 300 trăm ngàn.

Tại sao chính quyền lại quan tâm đến các loài thủy cầm như vịt ngan như vậy, đó là vì các chuyên gia cho biết các con vật nuôi này có thể sống hoàn toàn khoẻ mạnh mà bên trong cơ thể chúng lại tồn tại virus cúm H5N1 với độc lực rất cao. Như vậy vịt ngan là một trong các nguồn có thể phát tán virus cúm gia cầm ra môi trường và lây nhiễm cho đàn gà.

Áp dụng biện pháp mạnh

Trong phiên họp ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm ngày 28-8 tại Hà Nội, bộ trưởng NN &PTNT Cao Đức Phát đề nghị các địa phương áp dụng biện pháp mạnh, đó là sau 1-9 tất cả đàn vịt con mới nở phải bị tiêu huỷ. Vịt đã gầy đàn trước thời điểm 1-9 tức là khoảng từ 60 tới 70 triệu con, thì chủ đàn phải cam kết nuôi nhốt và thực hiện tiêm phòng vaccine.

Nếu người nuôi không chấp hành qui định này thì cả đàn vịt sẽ bị tiêu huỷ mà không được đền bù. Thế nhưng nuôi nhốt hay nuôi vịt trên cạn không phải là chuyện có thể làm ngay, qui trình chăn nuôi vịt theo kiểu công nghiệp được ông Phạm Văn Minh giám đốc công ty Phú An Sinh TP.HCM giải thích với chúng tôi:

“Cái khó nhất không phải con giống hoặc thức ăn mà là qui trình quản lý nước thải do nuôi vịt. Vịt thịt bây giờ không nuôi thả đồng di chuyển trên nguồn nước thiên nhiên nữa, mà có thể nuôi tại trại nuôi công nghiệp và giới hạn lượng nước nhưng vẫn phải xử lý nước thải và phải khép kín. Nếu đạt được điều đó thì chăn nuôi vịt sẽ trở thành khép kín và không ảnh hưởng hoặc lo ngại nhiều về dịch cúm mà con vịt là nguồn mang bệnh như người ta lo ngại.”

Lệnh cấm ấp nở nuôi mới đàn thủy cầm đã kéo dài 2 năm, nhưng rõ ràng là chính quyền địa phương lơ là không kiểm soát, người dân thì tay làm hàm nhai nuôi được con gì thì cứ nuôi. Nay có ra lệnh tiêu huỷ vịt con ấp nở sau ngày 1-9 thì cũng chỉ là nhắc lại lệnh cấm trước kia tuy có hiệu lực nhưng không được chấp hành.

Biến đổi chủng virus H5N1

Trong phiên họp ngày 28-8, Cục trưởng thú y Bùi Quang Anh cho biết ngày 25-8, trung tâm thú y vùng TP.HCM qua xét nghiệm phân tích đã xác định rằng một đàn vịt hoàn toàn khoẻ mạnh ở Thạnh Phú tỉnh Bến Tre có mang virus H5N1 trong cơ thể. Đàn vịt này chưa hề được tiêm ngừa cúm.

Và trước đó khoảng ba tuần, xét nghiệm huyết thanh một đàn ngan và vịt cũng ở Bến Tre, nhà chức trách thú y xác định là dương tính với H5N1. Trong dịp này cục trưởng Bùi Quang Anh cũng thông báo là chủng virus H5N1 ở Việt Nam đã có một số biến đổi. Tuy nhiên ông không nói rõ chi tiết về việc biến đổi như thế nào.

Theo nhận định của tiến sĩ Bùi Quang Anh được báo Tiền Phong Online trích thuật thì, trước tình trạng các nước láng giềng đã bùng phát dịch cúm gia cầm, Việt Nam đang đối mặt với 2 nguy cơ có thể khiến dịch bệnh bùng phát bất cứ lúc nào, đó là đàn thủy cầm thả rông chạy đồng phát triển nhanh chưa được tiêm phòng, đặc biệt đàn ngan hiện vẫn chưa có vaccine phòng chống đặc hiệu.

Tình hình buôn lậu gia cầm còn sống qua các tuyến biên giới phía bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, các tỉnh giáp Lào ở miền trung và Cambodia ở miền tây nam chưa thể ngăn chặn một cách hiệu quả.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.