Ðại sứ Michael Marine nói về Việt Nam sau gần 3 năm công tác


2007.06.23

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Nhân chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết, đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Marine để hướng dẫn và giới thiệu về đất nước mình. Theo dự trù của Washington thì đại sứ Marine sẽ rời Việt Nam sang nhận nhiệm vụ khác trong thời gian tới.

MichaelMarine200.jpg
Ðại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Marine tại New York hôm 20-6-2007. Photo RFA/ Do Hieu

Gặp tại New York bên lề cuộc nói chuyện của chủ tịch Nguyễn Minh Triết, đại sứ Marine đã giành cho biên tập viên Đỗ Hiếu của ban Việt ngữ cuộc phỏng vấn về những thành quả ông đã đạt được và về những dự phóng về một nước Việt Nam trong vài năm tới. Lời chuyển sang tiếng Việt do Lê Dân đọc.

Ðỗ Hiếu: Thưa đại sứ, nghe tin ông sắp có nhiệm vụ mới, xin ông cho biết nhận xét chung trong thời gian vừa qua làm việc tại Việt Nam ?

Ông Michael Marine: Tôi là Michael Marine, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và tôi đã công tác tại Việt Nam ba năm....gần ba năm. Trong quãng thời gian đó, tôi đã chứng kiến khá nhiều tiến bộ đáng kể về mặt quan hệ....

Ðỗ Hiếu: Ông có thể cho biết rõ hơn đó là những tiến bộ về mặt nào ? và còn những mặt nào cần cải tiến thêm ?

Ông Michael Marine: Hầu như lãnh vực nào cũng có. Từ cách làm doanh nghiệp cho đến cách giáo dục tương tác, và đặc biệt là các phong trào quần chúng.

Ðỗ Hiếu: Theo ông đại sứ thì vụ linh mục Nguyễn văn Lý bị tù đày thì sao ?

VnAmericanDCProtest200b.jpg
Cộng đồng người Việt biểu tình ở Quốc Hội Hoa Kỳ hôm 21-6-2007. Photo of Bui Manh Hung.

Ông Michael Marine: Như anh và chúng ta cùng biết, là linh mục Lý đáng lẽ không phải bị ở tù. Nhưng theo định nghĩa pháp lý của Việt Nam thì ông đã phạm luật. Tôi tin rằng những luật lệ đó đã giới hạn quá đáng về mặt những gì mà người dân có thể nói và làm.

Linh mục Lý chỉ kêu gọi thay đổi, thay đổi về chính trị, nhưng bằng một cách ôn hòa. Chúng tôi tin rằng không một ai có thể bị tù đày vì những hoạt động như vậy. Do đó, chúng tôi kêu gọi trả tự do cho ông và tiếp tục đòi hỏi cho đến khi ông được thả.

Ðỗ Hiếu: Như vậy thì nhìn chung, tình hình nhân quyền có gì khác, so với thời gian ông mới nhậm chức đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam hay không ?

Ông Michael Marine: Quả thật là nhân quyền có được cải thiện tại Việt Nam trên nhiều lãnh vực, như quyền tự do tôn giáo có thể là một thí dụ điển hình. Tôi có chứng kiến những tiến bộ đó trong thời gian tôi làm việc tại Việt Nam về mặt người dân có tự do hành đạo giữa các vùng miền, giữa các tôn giáo khác nhau. Nhưng điều đó không có nghĩa là xong, vì còn nhiều điều còn cần hoàn chỉnh.

Về mặt hoạt động chính trị thì tôi chưa thấy có tiến bộ. Đã có những lúc mình tưởng chừng như là tiến triển khả quan, nhưng rồi tình hình lại xấu đi, có khi còn ngược hẳn lại. Tơi khẳng định là chưa có tiến bộ về chính trị, và đó là lãnh vực còn cần nhiều cố gắng nữa.

Ðỗ Hiếu: Thưa đại sứ, ông cũng được báo chí ghi nhận là có nhiều quan tâm đến lãnh vực lao động, đặc biệt là về giới công nhân. Ông có nhận xét gì về mặt này tại Việt Nam trong thời gian vừa qua ?

Ông Michael Marine: Vâng, có hàng chục ngàn công nhân Việt Nam hiện đang hưởng những điều kiện làm việc tốt đẹp hơn trước. Họ làm nhiều tiền hơn, lợi tức họ dư dả hơn, họ thu thập được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng cao hơn có thể giúp cho việc thăng tiến kinh tế. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là ở đâu cũng khả quan như vậy.

Một số vụ đình công đã xảy ra trong vòng ba, bốn tháng qua đang có chiều hướng gia tăng, lan rộng thêm. Các vụ đình công có vẻ như xảy ra theo chu kỳ. Còn nhiều việc cần phải làm để đảm bảo cho người công nhân có khả năng trình bày quan điểm, khiếu nại của họ để được giải quyết. Tôi tin là chính phủ Việt Nam cũng nhận thấy điều đó và đang ra sức đối phó....

Ðỗ Hiếu: Một câu hỏi chót. Thưa ông đại sứ, trước khi rời Việt Nam để nhận nhiệm vụ mới, ông có những lời khuyên nào cho Hà Nội và cho người Việt Nam hay không ?

Ông Michael Marine: Tôi sẽ ca ngợi họ. Ca ngợi về công khó và thành tựu trong những năm gần đây. Tôi tin là Việt Nam đang theo đúng hướng và được thúc đẩy bằng sức năng động của dân chúng Việt Nam.

Ðỗ Hiếu: Cảm ơn ông Ðại sứ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.