Ỷ Lan, thông tín viên RFA
Ban lãnh đạo quốc tế tiến trình phi chính phủ, một thành phần của tổ chức Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, trong cuộc họp tuần qua tại New York đã đưa ra một nghị quyết về việc Việt Nam ứng cử làm thành viên không thưởng trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ tới.
Thông tín viên Ỷ Lan của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn ông Dick Rowson Chủ tịch Hội đồng liên lạc với Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ để tìm hiểu thêm về bản Nghị quyết đó.
Ỷ Lan: Thưa Ông Dick Rowson, là Chủ tịch Hội đồng liên lạc với Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, ông cũng là một trong những nhân vật hoạt động từ lâu cho các cộng đồng dân chủ. Xin ông cho biết đại cương Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ là gì, và Tiến trình Phi chính phủ liên hợp với Cộng đồng này như thế nào?
Dick Rowson: Cơ bản là một tổ chức khởi động từ thủ đô Varsovie năm 2000. Thời ấy có 106 quốc gia ký chung Tuyên ngôn Varsovie xác định nhân quyền và dân chủ là quyền của mọi con người. Trong tư thế quốc gia, họ tuyên bố hậu thuẫn dân chủ trong nước họ và hậu thuẫn cho một cộng đồng các quốc gia dân chủ ủng hộ tiến trình dân chủ tại các nước khác.
Tổ chức này bao hàm cả khía cạnh dân sự, khía cạnh xã hội dân sự. Chúng tôi gặp gỡ nhau trong tư thế những xã hội dân sự với các chính phủ, và cùng lấy chung trách nhiệm. Từ đó chúng tôi hỗ trợ các quốc gia trong Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ trong việc thăng tiến dân chủ. Đại biểu cho phía xã hội dân sự là Ban Lãnh đạo Quốc tế Tiến trình Phi chính phủ gồm có 21 đại biểu nổi danh thuộc các xã hội dân sự trong thế giới. Chúng tôi có một đại biểu cho Việt Nam là ông Võ Văn Ái.
Cuộc họp của Ban lãnh đạo quốc tế chúng tôi tại New York tuần này tập trung vào những điều chúng tôi, đại diện các xã hội dân sự, phải nói lên với các chính phủ tại Đại hội đồng LHQ cách thế thăng tiến dân chủ trong thế giới.
Mục tiêu hoạt động
Ỷ Lan: Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ thành lập năm 2000 như ông nói. Vậy là đã có 7 năm tuổi. Theo ông, những điều quan trọng nhất mà Cộng động các Quốc gia Dân chủ thực hiện được là gì ?
Dick Rowson: Trong chiều hướng nào đó, tôi nghĩ rằng tiến bộ quan trọng nhất, là bỗng nhiên, xã hội dân sự được nhìn nhận ngang hàng với các chính phủ. Chúng tôi gặp nhau thường xuyên. Sắp tới, chúng tôi sẽ sang Bamako tham dự Hội nghị Nhị niên lần thứ 4 của các Ngoại trưởng vào tháng 11 này. Chỉ trong vòng một tháng nữa thôi.
Chúng tôi sẽ ngồi ngang hàng với các Ngoại trưởng, bàn thảo chung vấn đề với họ trong tư thế bình đẳng. Đó là một tiến bộ vượt bực. Một tiến bộ to lớn khác là đã hình thành Cơ cấu thiết kế Dân chủ tại LHQ (UN Democracy Caucus).
Chúng tôi sẽ gặp gỡ Cơ cấu thiết kế Dân chủ này vào ngày mồng Một tháng 10 này, và đại diện của Ban Lãnh đạo Quốc tế Tiến trình Phi chính phủ sẽ phát biểu trước ít nhất là trên 100 Ngoại trưởng về những gì chúng tôi, các xã hội dân sự, quan niệm về sự thăng tiến dân chủ trong thế giới.
Một điều khác nữa trong dòng tiến bộ, mà chúng tôi đã thúc đẩy ở cấp độ xã hội dân sự, đó là Qũy Dân chủ LHQ. Qũy này hỗ trợ cho các dự án của các xã hội dân sự nhằm thăng tiến và củng cố dân chủ trong toàn thế giới. Qũy cung cấp cho chúng tôi phương tiện hậu thuẫn công trình của Ban Lãnh đạo Quốc tế Tiến trình Phi chính phủ điều hợp với các xã hội dân sự trên năm châu (Phi châu, Á châu, Mỹ châu, Trung Đông và Âu châu) để bảo đảm cho các cơ cấu thực hữu ở hạ tầng được hậu thuẫn cho tiến trình Phi chính phủ.
Nhưng từ cơ bản, tôi nghĩ rằng sự kiện Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ sẽ thiết lập văn phòng thường trực ở Varsovie, tức trở về với nơi xuất phát bảy năm rưởi trước đây, sẽ cho chúng tôi khả năng tiếp tục nhiệm vụ một cách hoàn mãn. Cùng lúc, xã hội công dân cũng có văn phòng thường trực nơi tổ chức chúng tôi gọi là Hội đồng liên lạc với Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, phục vụ Ban Lãnh đạo Quốc tế Tiến trình Phi chính phủ gồm 21 thành viên đầy uy thế.
Tiến trình dân chủ hóa Việt Nam
Ỷ Lan: Bài phỏng vấn hôm nay dành cho chương trình Việt ngữ Đài Á châu Tự do, nên tôi muốn hỏi một câu đặc biệt về Việt Nam. Hiển nhiên là Việt Nam không có chân trong Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ. Ông nghĩ bằng cách nào Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ và Ban Lãnh đạo Quốc tế Tiến trình Phi chính phủ có thể giúp đỡ để khích lệ tiến trình dân chủ hóa một nước như Việt Nam?
Dick Rowson: Vâng, trước tiên, trong cuộc họp tại New York chúng tôi đã ra một Nghị Quyết. Chúng tôi yêu cầu các chính phủ tham gia Đại hội đồng LHQ không nên bỏ phiếu cho ứng viên Việt Nam làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.
Việt Nam không là nước dân chủ, nên không có quyền đại diện cho các quốc gia khác tại Hội đồng Bảo an. Chúng tôi nghĩ rằng chỉ nên chọn làm thành viên không thường trực ở Hội đồng Bảo an những quốc gia nào tin vào dân chủ.
Qua Nghị Quyết chúng tôi đề nghị các chính phủ hãy lấy thái độ cứng rắn trong Cơ cấu thiết kế Dân chủ LHQ bao gồm 125 quốc gia thành viên và 20 quốc gia quan sát viên, không bỏ phiếu cho Việt Nam vào Hội đồng Bảo an. Chúng tôi nghĩ rằng dân tộc nào cũng được quyền có tiếng nói tại LHQ thông qua chính phủ đại biểu cho họ, nhưng Việt Nam thì không.
Ỷ Lan: Ông có bình luận gì khác thêm vào cuộc phỏng vấn này không ?
Dick Rowson: Điều tôi muốn kết luận là trước kia tôi từng phục vụ tại Đài Châu Âu Tự do, và chúng tôi rất ý thức đến sức mạnh tác động của các chương trình phát thanh trong việc thay đổi chính trị. Nay thì chúng tôi chứng kiến nền dân chủ hiện lên tại Đông Âu là thành quả của tác động ấy. Tôi hy vọng rằng Đài Á châu Tự do sẽ hoàn tất điều tương tự tại Việt Nam và trong những vùng Á châu khác, như Miến Điện cùng các nước láng giềng ở Đông Nam Á.