Trần Thanh Hiệp - Nguyễn An
Thời gian gần đây dư luận ở trong nước từ nhiều phía, thân cũng như không thân chính quyền, đã bàn luận rất nhiều về bản Hiến pháp 1946 ra đời cách đây trên nửa thế kỷ và đã hết hiệu lực từ cuối thập niên 1950. Nhân dịp năm nay kỷ niệm 60 năm Quốc khánh 2-9, Giáo sư Phạm Duy Nghĩa Đại học Quốc gia Hà Nội, khi được báo Tuổi Trẻ online phỏng vấn, đã tuyên bố rằng bản hiến pháp 1946 vẫn còn nguyên giá trị cho một xã hội dân chủ pháp quyền ở Việt Nam.
Để bàn sâu thêm về ý kiến này, Nguyễn An của Đài Á Châu Tự Do đã trao đổi với Luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về Nhân quyền ở Pari về Hiến pháp nói chung và Hiến pháp 1946 nói riêng. Luật sư Hiệp là tác giả của nhiều bài nghiên cứu về chủ thuyêt Hiến trị cũng như về các Nhà nước pháp quyền, Nhà nước pháp trị.
Về quan điểm của giáo sư Nghĩa, luật sư Hiệp cho rằng có thể bổ túc biểu văn của ông Nghĩa ít ra về hai điểm. Một là giá trị pháp lý của Hiến pháp năm 1946, và hai là cần phân biệt cho rõ, nói luật hay nói chính trị. Trứơc hết, ông Hiệp phân tích về giá trị pháp lý của bản hiến pháp năm 1946.
Trần Thanh Hiệp: Khi nói bản Hiến pháp năm 1946 vẫn còn nguyên giá trị là nói còn giá trị về mặt chính trị. Nhưng về mặt pháp lý thì không thể nói nó còn nguyên giá trị được. Tại vì bản Hiến pháp năm 1946 chưa bao giờ có giá trị pháp lý cả. Muốn có giá trị pháp lý thì nó phải hội đủ những điều kiện pháp định cả về hình thức lẫn nội dung.
Không nên nghĩ sai lầm rằng chỉ có nội dung của Hiến pháp mới quan trọng, còn hình thức thì đại khái thế nào xong thôi. Trên bình diện pháp lý, nếu một Hiến pháp có hà tì về hình thưc thì đương nhiên nó bị coi là vô hiệu, tức cũng như chưa hề bao giờ có bản Hiến pháp đó cả.
Hà tì của Hiến pháp 1946
Nguyễn An: Xin ông nói rõ về điều ông gọi là hà tì của hiến pháp năm 1946. Hà tì là gì, và hà tì của Hiến pháp 1946 là gì?
Trần Thanh Hiệp: Hà tì là một thuật ngữ luật học không thông dụng ở ngoài đời dưới dạng từ kép hán việt. Nhưng hai từ đơn chữ hán "hà" và "tì" đã được việt hoá thì rất thông dụng thí dụ "khoai hà", là khoai bị sâu ăn, hay "ngựa hà", là ngựa mà chân bị sâu ăn. Còn "tì" là vết xấu như có tì vết.
Trở lại nghĩa gốc của tữ kép chữ hán “hà tì” thì “hà” là ngọc có vết, nứt, sứt mẻ, không được toàn bích và “tì”, là những chỗ sai lầm, là vết xấu. Trong thuật ngữ luật học, hà tì dùng theo nghĩa bóng, và nói hà tì là nói một vật, một hành vi pháp lý nào đó, có khuyết điểm, khuyết tật, thiếu sót, thiếu điều kiện, nên không có giá tri, hay không được coi là hợp lệ v.v…
Bạn nghĩ gì về nhận định này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Hiến pháp năm 1946 có một số hà tì về hình thức, ở đây tôi chỉ nói về một hà tì thôi, đó là hà tì nó chưa được ban hành (promulguer, to promulgate), thuật ngữ cộng sản trước đây gọi là “ban bố”, nay gọi là “công bố”.
Hiến pháp năm 1946, nơi điều 49, đoạn (đ) định rằng quyền ban hành các đạo luật thuộc về Chủ tịch nước Việt NamDCCH, còn điều 31 thì buộc rằng các luật đã được quốc hội (Nghị viện) thông qua phải được Chủ tịch nước ban hành (ban bố) chậm nhất là 10 ngày sau khi được thông tri.
Trong thời hạn này, Chủ tịch có quyền yêu cầu quốc hội thảo luận lại. Nếu quốc hội sau khi thảo luận lại vẫn không sửa đổi thì Chủ tịch bắt buộc phải ban hành. Như vậy, ban hành không phải chỉ là cho đăng chính thức luật lên công báo mà là một thủ tục để xác nhận rằng luật đã được biểu quyết một cách hợp lệ và kể từ lúc nó được ban hành, luật bắt đầu có hiệu lực, mọi người kể cả công quyền phải tuân theo và áp dụng.
Nếu luật không được ban hành thì không ai bắt buộc phải tuân thủ. Hiến pháp 1946 là một đạo luật không được ban hành, không ở trong thời hạn 10 ngày, cũng không ngoài thời hạn này vì có lý do bất khả kháng. Vậy về mặt pháp lý, bản Hiến pháp năm 1946 phải coi như không có. Nói nó còn giữ nguyên giá trị là đưa ra một lý luận về mặt chính trị, chứ không phải để khẳng định rằng một bản văn pháp lý không được ban hành vẫn có giá trị pháp lý.
Là luật hay chính trị?
Nguyễn An: Xin bàn tiếp về về điểm Hiến pháp là luật hay là chính trị?
Trần Thanh Hiệp: Thật ra trong Hiến pháp có cả chính trị lẫn luật nhưng khi chính trị đã được luật hoá để trở thành Hiến pháp thì luật quay trở lại chi phối chính trị và từ đó nói Hiến pháp là phải nói luật. Giữa chính trị và luật ở trong Hiến pháp có quan hệ biện chứng.
Chính trị và luật ảnh hưởng qua lại để điều lý lẫn nhau trong khuôn khổ một cơ chế có tên gọi là Hiến trị (constitutionnalisme, constitutionalism) chứ không phải là “pháp quyền”. “Pháp quyền” là một thuật ngữ luật học mà nhà nứơc cộng sản Việt Nam mới đặt ra để gọi tên một chế độ trong đó luật chỉ là công cụ cầm quyền của đảng và Hiến pháp là một kỹ thuật pháp lý để thể chế hoá đuờng lối của Đảng.
Theo tôi, bây giờ nếu muốn đánh giá một cách khách quan Hiến pháp 1946 thì tất phải rút ra hai kết luận sau đây. Thứ nhất, về mặt luật. Nếu đặt nó vào thời điểm cuối năm 1946, lúc nó được thông qua mà xét thì Hiến pháp năm 1946 không có giá trị pháp lý vì đã không được ban hành.
Mặc dù vậy, chính quyền cộng sản sau đó vẫn cứ tiếp tục quy chiếu vào bản văn phải đựơc coi là vô hiệu này để mượn danh nghĩa “Ban Thường vụ” làm ra sắc luật, sắc lệnh mà cai trị. Cho đến đầu thập niên 1950, tuy vẫn chưa bầu lại quốc hội nhưng đã làm ra đạo luật cải cách ruộng đất là môt đạo luật vi hiến từ tinh thần đến văn tự, mà sự áp dụng đã thô bạo dẫm đạp lên công lý như Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã vạch ra.
Nếu chuyển dịch nó vào hoàn cảnh chế độ xã hội chủ nghĩa đương hành để áp dụng nó trong “nguyên trạng” thì nhất định không thể có chỗ đứng cực quyền “lãnh đạo” cho Đảng Cộng sản như bây giờ được.
Nguyễn An: Xin ông giải thích thêm về điểm này: tại sao nếu áp dụng nó trong "nguyên trạng" thì sẽ không thể có chỗ đứng cực quyền lãnh đạo cho đảng Cộng sản như bây giờ được?
Trần Thanh Hiệp: Nguyên trạng là một từ kép hán việt, hiểu một cách nôm na là "nguyên con". Nếu mang toàn văn bản Hiến pháp năm 1946, không thêm bớt, sửa chữa một chữ hay một điều khoản nào mà thay vào Hiến pháp đương hành năm 1992 để áp dụng thì Đảng Cộng sản Việt Nam không có bất cứ một quyền nào trong tất cả mọi quyền hiện nó đang có để lãnh đạo - thật ra là cai trị - cả nước, cả xã hội như hiện nay.
Vì bản Hiến pháp năm 1946 trong lời nói đầu không hề nói tới cơ chế “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý” và trong nội dung cũng không có điều nào giống điều 4 của Hiến pháp năm 1992. Vậy không có cơ sở pháp lý để cho Đảng Cộng sản trực tiếp hay gián tiếp độc chiếm quyền hành.
Về mặt chính trị
Nguyễn An: Bây giờ xin luật sư nói tiếp về điểm thứ hai.
Trần Thanh Hiệp: Thứ hai, về mặt chính trị. Phải công nhận một ưu điểm cho Hiến pháp năm 1946 là nó đã phản ánh rất phong phú tinh thần cộng hòa. Còn về mặt dân chủ thì cũng chỉ… thường thường bậc trung, so với những phát kiến của hai cuộc cách mạng tư sản dân quyền cuối thế kỷ XVIII ở Mỹ và ở Pháp.
Nhưng so với ba bản Hiến pháp kế tiếp là các Hiến pháp năm 1959, năm 1980 và năm 1992 thì Hiến pháp năm 1946 có hai nét ưu việt, đó là không chủ trương đấu tranh giai cấp và tôn trọng quyền tư hữu của người dân. Ưu việt là giữa người Việt Nam với nhau thôi chứ người dân các nước khác, phương Tây cũng như phương Đông, đã đi xa hơn thế nhiều từ lâu rồi.
Nếu chúng ta không dễ dàng hài lòng về thân phận tụt hậu đáng tủi hổ của đất nước, trải qua 60 năm hy sinh gian khổ, thì nên thành thật nhìn nhận rằng Hiến pháp năm 1946 chỉ là một “bánh vẽ dân chủ” mà vẻ hấp dẫn chưa tàn phai, thay vì đánh giá cao nó như khuôn vàng thước ngọc cho tương lai.
Nói như thế không phải là quá, vì nếu môn học luật hiến pháp so sánh được giảng dạy ở Việt Nam và không bị tinh thần giáo điều chỉ đạo thì chắc cũng sẽ đi tới kết luận như thế.
Trong phần thứ hai của cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn An của đài Á châu tự do và Luật sư Trần Thanh Hiệp, ông Hiệp đã phân tích về giá trị pháp lý, giá trị luật học và giá trị chính trị của bản hiến pháp năm 1946.
Trong buổi phát thanh tới, Luật sư Hiệp sẽ so sánh các bản hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992 của Việt Nam, đồng thời phân tích một số vấn đề liên quan đến Hiến pháp. Mong quý thính giả đón nghe.
Cũng xin thưa rằng quan điểm của luật sư Trần Thanh Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của ban Việt ngữ đài Á châu tự do, và chúng tôi mong sẽ nhận đựơc thêm ý kiến đóng góp về vấn đề này.