Tham nhũng tại Việt Nam sẽ đi về đâu? (phần 2)


2006.08.17

Việt Hùng, phóng viên đài RFA

Trong một buổi phát thanh trước, Giáo sư Hoàng Tụy từ Hà Nội đã đưa ra nhận định khi cho rằng, nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam không chống được tham nhũng thì uy tín sẽ mất hết, thế nhưng hoàn cảnh và yếu tố nào đã và đang kìm hãm sự phát triển của xã hội.

HoangTuy150.jpg
Giáo sư Hoàng Tụy. Photo courtesy Vietnam Net.

Tham nhũng sẽ đi về đâu? Ðó là những vấn đề được bàn đến trong cuộc trao đổi của Ðài Á Châu Tự Do với Giáo sư Hoàng Tụy, một người có nhiều uy tín trong giới trí thức khoa học tại Việt Nam. Xin nhường lời để anh Việt Hùng tiếp tục trong câu chuyện với Giáo sư Hoàng Tụy.

Việt Hùng: Trong Hội nghị Trung ương III, Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh có những lời tuyên bố "mạnh" về chống tham nhũng, nhưng mà trở ngược dòng thời gian vào năm 2002 khi lúc mới nhậm chức, ông Mạnh cũng tuyên bố "mạnh" như thế, vậy rồi tham nhũng vẫn tham nhũng.

Và lần này những tuyên bố dường như vẫn nội dung như lần trước, như vậy dư luận có thể hiểu như thế nào thưa Giáo sư?

Giáo sư Hoàng Tụy: ... à thì đấy tôi mới nói, đấy là cái khó khăn của Việt Nam.

Tôi phải nói một cách thành thật như thế này, cũng có người thành thật rất muốn chống tham nhũng chứ không phải không đâu, nhưng bây giờ anh xem cái tình trạng cứ tràn lan như thế thì phải có cách giải quyết như thế nào chứ..., chứ như con rắn 100 đầu anh đập đầu này thì nó có đầu kia thì làm sao mà anh chống nổi?

Tôi phải nói một cách thành thật như thế này, cũng có người thành thật rất muốn chống tham nhũng chứ không phải không đâu, nhưng bây giờ anh xem cái tình trạng cứ tràn lan như thế thì phải có cách giải quyết như thế nào chứ..., chứ như con rắn 100 đầu anh đập đầu này thì nó có đầu kia thì làm sao mà anh chống nổi?

Là vì nó liên quan hầu hết đến mọi người mà làm việc cho nhà nước. Rồi bây giờ ngoài nhà nước ra trong giới làm tư nhân đó thì cũng bị lôi kéo vào, muốn làm được việc thì nhiều khi phải "bôi trơn" cái bộ máy nhà nước, cho nên hầu như ai cũng ít nhiều có dính đến.

Cho nên ý kiến tôi vẫn kiên trì tôi nói đấy, không phải bây giờ mà tôi nói từ 25 năm về trước khi mà bắt đầu chớm nở tham nhũng từ dưới, nhưng mà người ta không nghe, người ta cho là chúng tôi "suy diễn" nó ra thôi, bản thân ý kiến mà tôi vừa nói đấy mà sau này tôi đã nói đi nói lại với rất nhiều vị lãnh đạo ở cấp cao, lần nào cũng gặp được sự "tán thành", nhưng mà các vị "tán thành" đấy nhưng cũng chưa tin thực sự và vì vậy nó cứ thế đấy, cứ kéo dài mãi.

Bây giờ nó lại trách có ông này ông kia không cương quyết. Ðúng!!!, nhưng mà cũng phải thấy rằng nó có những khó khăn khách quan như vậy. Bây giờ làm sao thuyết phục cho người ta thấy rằng, vấn đề là phải giải quyết tiền lương cơ bản thì mới được, cái điểm ấy đã được ghi rõ trong nghị quyết Ðại hội lần thứ IX, trước Ðại hội này, nhưng mà ghi rồi cũng không làm tích cực. Tôi nghĩ rằng, đến kỳ này nó có 2 yếu tố:

- Sức chịu đựng của xã hội cũng có giới hạn thôi, quá giới hạn đó là rất "nguy hiểm"

- Sắp sửa vào WTO, hội nhập với tham nhũng cứ kéo dài như thế này thì khó mà cạnh tranh được với các nước khác, khó mà thu hút được đầu tư ngoại quốc. Tôi nghĩ rằng, nhiều yếu tô như thế cộng lại sẽ tác động tích cực, nhưng mà tôi cũng nói lại, dẫu sao đi nữa thì cũng phải giải quyết vấn đề tiền lương, chưa giải quyết chuyện ấy thì nói đến chống tham nhũng chỉ chống cái "ngọn" thôi còn cái "gốc" chưa chống được.

Việt Hùng: Nhưng mà thưa Giáo sư, bên cạnh vấn đề Giáo sư nói cần phải giải quyết vấn đề "tiền lương", trong thời gian vừa qua một số nhân hào chí sĩ đã nói đến vấn đề hệ thống chính trị tại Việt Nam cần phải đa đảng, phải có tự do báo chí thì chống tham nhũng mới có hiệu quả.

Chẳng hạn như Giáo sư Tiến sĩ Phan Ðình Diệu cũng đã có những đề nghị theo chiều hướng Dân chủ Xã hội.... thì phải chăng, đó là con đường Việt Nam phải đi tới hay đó là....

Giáo sư Hoàng Tụy: Tình hình của Việt Nam nó có khác với các nước khác nhiều mặt, tôi cũng đã sống ở trong nước, đã làm việc cả ở trong thời kỳ chiến tranh, tất cả mọi giai đoạn đó tôi đã sống qua cho nên tôi hiểu rằng, nhiều vấn đề ở Việt Nam có những sắc thái mà cần phải có những xử lý thích hợp thì mới có thể tốt đẹp được. Còn chuyện dân chủ, đó là yêu cầu hết sức bức thiết.

Tôi thấy rằng, công bằng mà nói, dân chủ ở Việt nam có tiến triển thuận lợi nhiều chứ..., cũng không nên bi quan quá về chuyện đấy.....

(Xin theo dõi toàn bộ cuộc phỏng vấn trong phần âm thanh bên trên)

Theo dòng câu chuyện:

- Tham nhũng tại Việt Nam sẽ đi về đâu? (phần 1)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.