Quỹ Châu Á được tài trợ để chống nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em

0:00 / 0:00

Phương Anh, phóng viên đài RFA

WomenTrafficking200.jpg
Tình trạng buôn bán phụ nữ Việt sang Cambodia lên tới mức báo động. AFP PHOTO

Vào ngày 30 tháng 5 vừa qua, Bộ Ngọai Giao Hoa Kỳ đã cung cấp ngân khoản ba trăm ngàn Mỹ kim cho Quỹ Châu Á ở Việt Nam để xử dụng cho việc phòng chống nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Theo thông cáo báo chí từ Quỹ Châu Á, trụ sở ở Hà Nội cho biết, cho đến nay vẫn còn rất nhiều phụ nữ và trẻ em, vì kinh tế gia đình, muốn tìm kiếm một cuộc sống khá hơn nên đã bị bọn buôn người lợi dụng bán sang Campuchia, hay bán từ nông thôn lên thành phố.

Với ngân khoản được tài trợ từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Quỹ Châu Á sẽ làm việc chặt chẽ với một số tỉnh thành và địa phương để phần nào nhằm chận đứng tình trạng này. Mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này xin dành để gửi tới quí thính giả các chi tiết liên quan đến việc này.

Trước hết, Phương Anh đã liên lạc với chị Tô Kim Liên, là Giám Đốc Chương Trình Quỹ Châu Á ở Việt Nam, phụ trách chương trình phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, và được chị cho biết rằng:

“Khoản tài trợ này Quỹ Châu Á nhận được từ năm ngoái nhưng bây giờ mới chính thức là thông báo vì có một số hoạt động phải xây dựng từ chính phủ. Từ trước đến nay, Quỹ Châu Á vẫn hỗ trợ về truyền thông giáo dục phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, nhưng giai đoạn này sẽ áp dụng những phương pháp truyền thông sáng tạo và có hiệu quả hơn.

Ví dụ như hỗ trợ các điạ phương về việc truyền thông phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, và có thể đưa vào nhà trường nữa để cho cộng đồng hiểu biết hơn.”

Chỉ chọn một số địa phương

Về những tỉnh thành mà Quỹ Châu Á sẽ đến làm việc, chị Tô Kim Liên cho biết rằng vì ngân khoản cũng eo hẹp, không đủ để giúp cho tất cả những nơi nên chỉ chọn một số địa phương nào đó để thực hiệc chương trình này mà thôi. Chị nói tiếp:

“Quỹ Châu Á chỉ làm tiếp ở những tỉnh mà từ trước đến nay như An Giang và Kiên Giang ở ĐBSCL, tỉnh Quảng Ninh và ở miền Trung thì sẽ mở rộng ở Nghệ An và Thanh Hoá. Thực ra, ở tỉnh thì cũng không làm hết được cả tỉnh mà chỉ chọn một số huyện trọng điểm vì kinh phí không lớn lắm. Mỗi tỉnh sẽ hỗ trợ một số nhóm nhưng trong thời gian dự án thì các nhóm sẽ hoạt động thường xuyên.”

Bên cạnh đó, chị Đặng Thị Hạnh, một cán bộ dự án cũng cho biết rằng, tuy với ngân khoản ep hẹp, nhưng dự án được chia làm ba mảng rõ rệt. Chị cho biết:

“Hoạt động thứ nhất là phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em, thông qua hình thức nghệ thuật bằng việc thành lập một số nhóm ở địa phương cụ thể là ở các xã. Các nhóm này họ tự sáng tác, biểu diễn và họ chuyển tải những công việc liên quan đến phòng chống buôn bán trẻ em và di cư an toàn.

Hoạt động thứ hai là phối hợp với Campuchia để tổ chức nhữngbuổi hội thảo, những buổi chia xẻ thông tin. Và hoạt động thứ ba là khảo sát, xây dựng và lập danh sách ở cấp xã..Từ đó, tác động đến việc xây dựng ngân sách và phân bổ ngân sách đó ưu tiên hơn đối với quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.”

Kế hoạch thực hiện

Khi hỏi thăm về việc các phụ nữ sẽ được đóng góp tiếng nói vào phần xây dựng ngân sách của các xã bằng hình thức cụ thể như thế nào, chị Đặng thị Hạnh cho hay:

“Ngân sách của xã bao giờ cũng có những mục chi tiêu và bây giờ mình tìm hiểu xem bao nhiêu % ưu tiên cho nhu cầu phụ nữ và trẻ em. Một xã thì hàng năm đều lập ngân sách ví dụ chi cho cơ sở hạ tầng, chi cho giáo dục và y tế, chi cho các hoạt động khác…

Nhiều khi phụ nữ và trẻ em, người dân, không tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng ngân sách xã này mà chủ yếu là cán bộ chính quyền. Cho nên, bây giờ, mình sẽ khảo sát xem ngân sách đó người ta xây dựng như thế nào và sau đó thì tập huấn cho người dân và chính quyền, để người ta có thể biết được phần nào người ta có thể tham gia vào. Từ đó họ có thể có tiếng nói.”

Về điểm này, theo chị Hạnh, qua dự án này, vai trò của phụ nữ ở các vùng nông thôn sẽ được đánh giá cao hơn, và giúp giảm thiểu tình trạng tham nhũng ở địa phương. Chị nói:

“Nâng cao vai trò của phụ nữ và nó tăng cường sự tham gia của người ta., đồng thời, gọi là minh bạch hơn. Thật ra, điều này thì hơi xa vời. Có lẽ, chỉ nhắm đến làm sao cho người dân được biết đến ngân sách một năm của xã là bao nhiêu và nó được chi tiêu như thế nào trong mục nào đó và thêm một bước nữa là làm thế nào để ngân sách chi cho phụ nữ nhiều hơn.”

Được hỏi rằng với tư cách là cán bộ dự án, chị đánh giá việc thực hiện việc này có mang tính khả thi hay không, chị cho hay:

“Tất nhiên, bây giờ còn rất sớm để có thể nói bởi vì chúng tôi dự kiến trong quí tới mới tiến hành khảo sát. Và sau đó mới thiết kế chương trình, cuối cùng thì mới đánh giá xem hoạt động của nó đến đâu.”

Nhu cầu di cư

Trở lại với chị Tô Kim Liên, giám đốc Quỹ Châu Á ở Việt Nam, theo chị, hiện nay vì kinh tế, nên tình trạng các phụ nữ và trẻ em rời bỏ quê nhà để sang các nước láng giềng làm việc hay lên thành phố ngày càng nhiều. Chính vì nhu cầu di cư như thế nên đã bị bọn buôn người lợi dụng.

Vì thế, Quỹ Châu Á chú trọng đến việc làm thế nào để giúp những phụ nữ và trẻ em này được di cư an toàn. Chị cho hay:

“Nhiều thì vẫn còn nhiều nhưng phức tạp hơn hồi trước. Ví dụ như ở vùng Mekong, thì Quỹ Châu Á tập trung vào di cư an toàn. Mọi người đi xuất phát từ đi tự nguyện và đi tìm các cơ hội kinh tế tốt hơn, nghĩa là muốn làm việc hoặc đi các nơi khác…trong quá trình đó thì mới bị lừa bán và bị ép buộc làm gái mại dâm hay bóc lột sức lao động.

Cũng chính vì thế mà Quỹ Châu Á tăng cường giáo dục di cư an toàn hơn cho cộng đồng và cho nhà trường, để người ta có thể nắm được thông tin hơn trong quá trình người ta đi tìm kiếm việc làm.”

Song song với việc quảng bá rộng rãi thông tin, Quỹ Châu Á cũng kết hợp với Sở Giáo Dục ở địa phương để đưa vào nhà trường, giúp cho các em học sinh phổ thông, đang sắp sửa rời ghế nhà trường. Chị cho biết:

“Quỹ Châu Á cũng đưa những thông tin cho những em học ở cấp ba có những cơ hội nào ở thành phố và những việc làm đấy cụ thể như thế nào, mức lương bao nhiêu, và nếu làm việc ở những khu vực tư do không chính thức thì cần hiểu biết thêm về những cái gì và nếu có vấn đề gì thì phải liên hệ với ai, hay cơ quan nào, và điều cơ bản nhất là các em phải tìm hiểu về thông tin chủ làm việc, nơi làm việc.

Nhất là ở Nghệ An và Thanh Hoá, mức xuất khẩu lao động cũng nhiều nên cần đưa những thông tin về xuất khẩu lao động…”

Ngoài ra, chị cũng cho biết rằng, việc di cư là một vấn đề hết sức phức tạp. Hiện nay, có rất nhiều tổ chức khác và cơ quan nhà nước ở các tỉnh thành đã và đang nỗ lực làm giảm thiểu tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em. Riêng Quỹ Châu Á thì sẽ tập trung khai triển dự án ngay:

“ Dự án cũng đang bắt đầu tiến hành. Tuyên truyền thì đang đánh giá vì mỗi điạ phương có một văn hoá khác và đang khảo sát xem thành lập nhóm văn nghệ như thế nào thì có hiệu quả. Trong một hai tháng tới thì sẽ thành lập những nhóm văn nghệ ấy.

Các hoạt động khác thì sẽ bắt đầu vào tháng 6 hay tháng 7 năm nay. Cuối tháng 6 thì sẽ đi khảo sát quá trình lập ngân sách ở tỉnh An Giang…và trong tháng 6 hay tháng 7 hy vọng sẽ có diễn đàn trao đổi giữa Việt Nam và Campuchia để xem các tỉnh ở biên giới sẽ hợp tác như thế nào.”

Qúi vị và các bạn vừa nghe những thông tin liên quan đến việc Bộ Ngọai Giao Hoa Kỳ tài trợ cho tổ chức Quỹ Châu Á ở Việt Nam ngân khoản ba trăm ngàn mỹ kim để phòng chống nạn buôn người. Hiện nay, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực của các tổ chức quốc tế cung cấp nhiều ngân khoản để giúp cho Việt Nam ngăn chận việc buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Thế nhưng, theo các thông tin từ trong nước, tình trạng này hình như không giảm thiểu mà có chiều hướng ngày càng gia tăng hơn. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.