Bà Aung San Suu Kyi - lãnh tụ của Liên Minh Cho Dân Chủ ở Miến Điện
2006.06.26
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Vào ngày thứ hai, 19 tháng 6 vừa qua, nhân sinh nhật lần thứ 61 của bà Aung San Suu Ky, vị lãnh tụ của Liên Minh Cho Dân Chủ ở Miến Điện, một cuộc biểu tình đồng loạt tại 25 quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Ý, Úc, Israel, New Zealand, Jamaica, Nhật, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia... để yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc can thiệp với nhà cầm quyền Miến Điện thả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, người đã bị quản thúc tại gia hơn 10 năm qua.
Trang phụ nữ kỳ này xin dành để nói về người bà Aung San Suu Kyi, một phụ nữ rất can trường và là tấm gương cho phong trào đấu tranh cho dân chủ ở khắp nơi.
Sơ lược
Bà Aung San Suu Kyi sinh ngày 20 tháng 6 năm 1945 tại Rangoon. Cha bà là tướng Ang San, người đã có công trong việc giúp Miến Điện dành lại độc lập từ Anh Quốc vào năm 1947. Cũng trong năm này, cha bà bị ám sát chết. Thuở nhỏ, bà theo học trường Công Giáo tại Burma. Vào năm 1960, mẹ bà được đề cử là Đại sứ ở Ấn Độ.
Thế là bà theo mẹ sang Ấn và đi học tại trường Lady Shri Ram College ở New Delhi. Tốt nghiệp cử nhân năm 1964, bà tiếp tục theo học tại trường St Hugh’ College ở Oxford, Anh Quốc. Sau đó, sang New York, Mỹ học tiếp và làm việc cho Liên Hiệp Quốc. Năm 1972, bà lập gia đình với ông Michael Aris, một nhà nghiên cứu về văn hoá Tibetan. Sau đó, cả hai vợ chồng sinh sống tại Luân Đôn và sinh được hai người con.
Năm 1988, hay tin mẹ của bà lâm bệnh nặng, bà trở về Miến Điện. Cũng trong năm này, tướng Ne Win, đã xử dụng quân đội để lật đổ chính quyền đương thời, và từ đó, sự nghiệp chính trị của bà cũng bắt đầu. Chứng kiến sự cai trị sắt thép của nhà cầm quyền quân sự với dân chúng, bà lên tiếng bênh vực dân và chỉ trích chính sách độc tài của chế độ quân phiệt.
Thành phố nơi tôi hiện sống ngày càng vững vàng hơn. Vì tôi sao tôi nói như thế? Bởi, theo tôi, người dân tại thành phố này biết chống lại sự bất công và những hành vi đàn áp họ.
Áp dụng tinh thần bất bạo động của triết gia Mahatma Gandhi’s, vào ngày 27 tháng 9 năm 1988, bà thành lập đảng Liên Minh Cho Dân Chủ, kêu gọi toàn dân đứng lên đòi dân chủ tự do. Ngày 20 tháng 7 năm 1989, bà bị bắt giam và được thả tự do nếu đồng ý rời khỏi Miến Điện ngay lập tức, nhưng bà đã từ chối.
Đoạt giải Nobel Hoà Bình
Năm 1990, nhà cầm quyền quân sự Miến Điện tổ chức bầu cử, Đảng Liên Minh Dân Chủ của bà chiến thắng vẻ vang. Theo kết quả bầu cử, bà sẽ trở thành thủ tướng của Miến Điện, thế nhưng, nhà cầm quyền quân sự đương thời đã từ chối, không trao quyền lãnh đạo quốc gia cho bà. Điều này đã làm cho cả thế giới vô cùng bất mãn và lên tiếng ủng hộ bà.
Cũng trong năm 1990, bà được trao giải Sakharov và năm 1991, bà được trao giải Nobel Hoà Bình. Bà dùng tiền thưởng trị giá 1 triệu 300 ngàn Mỹ kim vào việc xây dựng hệ thống y tế và giáo dục cho người dân Miến Điện. Tuy bị khó dễ, đàn áp và đe dọa, bà vẫn một lòng kiên trì đấu tranh đòi hỏi nhân quyền cho người dân. Bà được sự ủng hộ của dân chúng khắp nơi.
Năm 1995, bà được nhà cầm quyền thả tự do và cho đi thăm chồng cùng hai con ở Luân Đôn. Biết chắc rằng bà sẽ không được phép trở lại, một khi rời Miến Điện, nên bà đã từ chối. Năm 1997, khi chồng bà bị ung thư, ông xin phép được đến Miến Điện để gặp bà lần cuối, nhưng bị từ chối không cho nhập cảnh.
Vào tháng 3, năm 1999, chồng bà qua đời. Tháng 9 năm 2000, bà lại bị bắt giam lần nữa. Ngày 6 tháng 5 năm 2002, với sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc, bà được thả tự do và tiếp tục hoạt động. Ngày 30 tháng 5 năm 2003, xe của bà bị tấn công gần làng Depaying. Bà chạy thoát nhờ sự giúp đỡ của tài xế nhưng sau đó, bà đã bị bắt khi đến Ye –U. Rất nhiều ủng hộ viên của bà đã bị chết trong trận tấn công này.
Bị giam giữ
Bà bị giam tại nhà tù Insein ở Rangoon. Tại đây, bà đã bị mổ cắt dạ con và tháng 9, nhà cầm quyền quân sự Miến đưa bà về giam lỏng tại nhà riêng ở Rangoon. Bà không được phép tiếp xúc với bất kỳ một ai. Các chính khách trên thế giới hay những nhà ngoại giao muốn gặp bà cũng đều bị nhà cầm quyền Miến Điện từ chối.
Kể từ đó tới nay, mặc dù có rất nhiều sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc, các vị lãnh đạo quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Úc…và ngay cả các nước lân bang như Nhật, Malaysia, Singapore…lên tiếng nhiều lần, kêu gọi nhà cầm quyền Miến Điện thả tự do cho bà Aung San Suu Kyi nhưng họ đều làm ngơ.
Ngày 28 tháng 11 năm 2005, Liên Minh Cho Dân Chủ của Miến Điện cho biết, nhà cầm quyền Miến Điện tiếp tục quản chế bà thêm một năm nữa. Rất nhiều quốc gia phương Tây đã phản đối điều này và lên tiếng bênh vực cho bà, nhưng nhà cầm quyền Miến Điện bất chấp. Ngày 20 tháng 5 vừa qua, ông Ibraham Gambari, phó Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, phụ trách các hoạt động chính trị đã gặp được bà Aung San Suu Kyi tại một nhà khách quân đội ở Rangoon.
Những người tranh đấu cho dân chủ ở trong nước cũng như ở hải ngoại học hỏi từ bà rất nhiều điều. Trong đó có 3 điều rất quan trọng: Thứ nhất là sự kiên trì trong sự tranh đấu cho dân chủ của bà, thứ hai là tinh thần bất bạo động, có lẽ bà học được khi bà ở bên Ấn Độ, được ảnh hưởng của ông Gandhi, thứ ba là không sợ sệt, can đảm.
Được biết, theo như thoả thuận thì vào ngày 27 tháng 5 năm 2006, bà được tự do, nhưng nhà cầm quyền Miến Điện lại tiếp tục gia hạn thêm một năm nữa. Thế là người phụ nữ can trường và dũng cảm này lại tiếp tục bị giam giữ. Cho đến bây giờ, người ta luôn nhớ đến bài diễn thuyết kêu gọi dân chủ cho Miến Điện, vào ngày 29 tháng 5 năm 2003, trước khi bà bị bắt, bà nói:
“Thành phố nơi tôi hiện sống ngày càng vững vàng hơn. Vì tôi sao tôi nói như thế? Bởi, theo tôi, người dân tại thành phố này biết chống lại sự bất công và những hành vi đàn áp họ.”
Tấm gương sáng
Thưa quí vị và các bạn, với tinh thần dũng cảm và bất khuất của bà, cùng với sự hy sinh hạnh phúc cá nhân để đòi hỏi công lý cho người dân, bà đã trở thành tấm gương sáng cho rất nhiều lãnh tụ các phong trào đấu tranh dân chủ ở khắp nơi trên thế giới. Không những người dân Miến Điện ủng hộ bà mà ngay cả dân chúng ở các quốc gia khác.
Mọi người đều dành cho bà sự ngưỡng mộ. Vào năm 2001, ban nhạc nổi tiếng U 2 của Irish, đã sáng tác nhạc phẩm Walk On, xin tạm dịch Cứ Bước Tới, để vinh danh bà. Lời nhạc rất cảm động, nói lên những hy sinh của bà cho sự nghiệp đấu tranh vì dân chủ. Mời quí vị nghe một đoạn trong bài Walk On do chính ban nhạc U 2 trình bày: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Đối với những nhà đang tranh đấu dân chủ cho Việt Nam ở hải ngoại, thì bà Ang San Suu Kyi thật là một tấm gương sáng. Bà Đỗ Thị Thuấn, một thành viên trong một tổ chức nhân quyền cho Việt Nam, hiện cư ngụ ở Washington Seattle, Hoa Kỳ nói:
“Tôi thấy bà ấy thật là một phụ nữ can đảm, bà ấy đã hy sinh tất cả cho dân tộc Miến Điện…Bà ấy bị giam cầm quá lâu rồi mà nếu các nước phương Tây không can thiệp được cho bà ấy thật là một điều thiếu sót.”
Ông Lê Minh Nguyên, ở miền Nam California, phụ trách tổ chức Mạng Lưới Nhân Quyền Cho Việt Nam phát biểu:
“Những người tranh đấu cho dân chủ ở trong nước cũng như ở hải ngoại học hỏi từ bà rất nhiều điều. Trong đó có 3 điều rất quan trọng: Thứ nhất là sự kiên trì trong sự tranh đấu cho dân chủ của bà, thứ hai là tinh thần bất bạo động, có lẽ bà học được khi bà ở bên Ấn Độ, được ảnh hưởng của ông Gandhi, thứ ba là không sợ sệt, can đảm.
Bà đã từng nói trong một cuộc nói chuyện của bà là sự sợ hãi làm thối tha xã hội, chứ không phải quyền lực. Sự sợ hãi cần phải được giải phóng. Trong 3 điều đó, tôi nghĩ, chúng ta học được nhiều nhất là tinh thần can đảm, không sợ hãi.
Nếu những người trang đấu ở hải ngoại cũng như ở trong nước làm sao cho dân chúng hiểu biết về quyền căn bản, và chúng ta phải đứng lên đòi hỏi những quyền đó, tức là vượt qua sự sợ hãi, để tranh đấu thì chúng ta mới có hy vọng sự tranh đấu đó mới có hiệu quả.”
Riêng ông Đoàn Việt Trung, Tổng Thư Ký Liên Hội Cộng Đồng Việt Nam Úc Châu thì cho rằng: “Theo tôi nghĩ, bà Aung San Suu Kyi là một tấm gương sáng cho tất cả những người có sự tin tưởng mãnh liệt vào niềm tin của họ. Bà ấy cho thấy rằng: cuối cùng lẽ phải sẽ thắng, bạo lực không thể nào tồn tại mãi được.
Sự tốt đẹp của việc tranh đấu của một phụ nữ một cách không bạo động, sức mạnh của một phụ nữ tranh đấu bằng sự cương quyết…Cái đó sẽ đem lại sự sụp đổ cho chế độ quân phiệt. Cái gương của bà Aung San Suu Kyi làm cho rất nhiều nhà tranh đấu cho dân chủ Việt Nam cũng đang theo.
Có thể nói họ tranh đấu không dùng bạo lực, chỉ bằng lý luận và kiên trì chịu đựng trước những sự đàn áp của nhà cầm quyền. Họ là những “bà Aung San Suu Kyi” mà không được quốc tế biết đến, ở Việt Nam chúng ta, có rất nhiều bà Aung San Suu Kyi cả nam lẫn nữ. “ Quí vị vừa nghe bài nói về bà Aung San Suu Kyi và những cảm nghĩ về bà của một số nhân vật trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.
Những bài liên quan
- Giới lập pháp kêu gọi ASEAN xem xét lại tư cách thành viên của Miến Điện
- Miến Điện tăng cường an ninh xung quanh tư gia bà Aung San Suu Kyi
- Chị Phạm Thị Huệ và nhóm Hoa Phượng Đỏ ở Hải Phòng
- Người Miến Điện lưu vong tổ chức mừng sinh nhật lãnh tụ Aung San Suu Kyi
- Bà Nguyễn Ngọc Xuân và dự án “Ngày Mới” ở Mũi Né – Phan Thiết
- Nhật Bản kêu gọi Miến Điện trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi
- Chính quyền quân sự Miến Điện có thể trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi
- Nữ nghệ sĩ Kim Cương
- Hoa Kỳ ca ngợi những nỗ lực của ASEAN trong việc thúc đẩy dân chủ hóa Miến Ðiện
- Phó tổng thư ký LHQ gặp gỡ lãnh tụ đối lập Miến Ðiện Aung San Suu Kyi
- Cha mẹ có nên nói chuyện với con cái về vấn đề tình dục?
- Những phụ nữ Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam
- Lưu xá La Vang cho nữ sinh nghèo ở Việt Nam
- Quấy rối tình dục: Nạn nhân phải tự bảo vệ mình
- Chị Trịnh Thị Mùi, một phụ nữ Việt thành công trong ngành kinh doanh ở Đức (phần 2)
- Chị Trịnh Thị Mùi, một phụ nữ Việt thành công trong ngành kinh doanh ở Đức (phần 1)
- Cô sinh viên Nguyễn Thị Phương Dung, gương mặt trẻ tiêu biểu 2005 của Việt Nam
- Chị Trần Thị Hằng, chuyện cổ tích giữa đời thường
- Quan niệm dạy con ngày nay
- Ngoại trưởng Malaysia hài lòng về kết quả chuyến viếng thăm Miến Ðiện
- Cuộc thi nhiếp ảnh Tôn Vinh Vẻ Đẹp Người Phụ Nữ Việt Nam
- Ngoại trưởng Malaysia đến Miến Điện
- Ngoại trưởng Malaysia đến Rangoon thảo luận với giới lãnh đạo Miến Điện
- Vai trò và trách nhiệm của người mẹ đi làm
- Tình trạng buôn bán phụ nữ Việt sang Cambodia lên tới mức báo động