Triều cường kỷ lục ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam

0:00 / 0:00

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Báo chí Việt Nam phát hành ngày thứ hai đều đưa tin và hình ảnh về cơn triều cường lịch sử gây ngập lụt ở nhiều khu vực thuộc thành phố Hồ Chí Minh như các quận 6, 8, 12, Bình Thạnh, Củ Chi, Thủ Đức.

SaigonFlood150.jpg
Cơn triều cường lịch sử gây ngập lụt ở nhiều khu vực thuộc thành phố Hồ Chí Minh như các quận 6, 8, 12, Bình Thạnh, Củ Chi, Thủ Đức. Hình của VnExpress.

Tuổi Trẻ online nói, tháng nào cũng ngập vài đợt, nhưng dự án đê bao sông Saigon đã có cách đây hơn 10 năm vẫn chưa duyệt, và còn phải chờ đợi lâu. Nhiều báo khác đưa lên mạng hàng loạt hình ảnh cho thấy mấy ngàn hộ dân khổ sở, vất vã vì nạn “giặc nước”.

Các báo cho hay nhiều đê bao liên tiếp bị vỡ, nhà nhà, người người đua nhau chạy lũ, gần như một nửa thành phố Hồ Chí Minh bị tràn ngập trong biển nước mênh mông, khi đỉnh triều cường chạm ngấn 1 mét rưỡi, là tai ương bất ngờ chưa từng xảy ra trong vòng 48 năm qua.

Cơ quan thủy lợi và phòng chống lụt bão thành phố Hồ Chí Minh giải thích là một số đê bao quận, huyện, nội thành bị vỡ trong cơn hồng thủy, gây lụt lội trên một diện rộng, đặc biệt tại các quận ngoại thành phía Đông Bắc và Tây Bắc thành phố.

Ủy Ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khẩn thông báo tình hình triều cường đến các khu vực có nguy cơ ngập lớn, vỡ đê, đồng thời báo động cho dân chúng chuẩn bị đối phó, di dời.

Tại một số vùng bờ bao bị vỡ như các phường An Phú Động, Thạnh Lộc thuộc quận 12, hoặc ở Thủ Đức, có nơi nghỉ làm, nghỉ học, vì các đoạn bờ bao bị nước khoan thủng từ 3 tới 5 mét. Nước ngập trắng xóa trên các con đường, tràn vào nhà dân, bếp ăn cũng lênh láng nước, nhiều nhà đóng chặt cửa ngăn nước tràn vào, nên cư dân đành sống chung với nước và chờ đợi “giặc hồng thủy” rút đi.

Nhiều hình ảnh cho thấy cha mẹ cõng con khi cần ra đường hay đi học, bạn hàng lội nước vất vả đi mua bán, học sinh di chuyển đến trường bằng bè.

Hồi đó dân tình ở đây ít, bây giờ thì càng ngày càng đông, cho nên đoạn nào lấp sông lấp suối được là họ lấp để có chổ ở. Và cứ đổ rác xuống sông, mà họ không nghĩ là nếu cứ đổ rác như vậy thì lòng sông sẽ bị bít, bị đầy. Thành ra cứ mưa đến là nước ngập lên

Bà Khoa, cư dân Bình Thạnh kể về cuộc sống luôn bị triều cường đe dọa, và tự tìm hiểu vì sao hiện tượng này lại xảy ra thường xuyên như vậy:

“Hồi đó dân tình ở đây ít, bây giờ thì càng ngày càng đông, cho nên đoạn nào lấp sông lấp suối được là họ lấp để có chổ ở. Và cứ đổ rác xuống sông, mà họ không nghĩ là nếu cứ đổ rác như vậy thì lòng sông sẽ bị bít, bị đầy. Thành ra cứ mưa đến là nước ngập lên. Bây giờ chính phủ cũng bơm nữa dữ lắm, nhưng cũng không được bao nhiêu vì người dân đang ở, những đoạn đường nứơc chảy ra thì người ta lấp lại. Cho nên cứ mỗi lần trời đổ mưa, ngay cả không có trời mưa đi nữa, mà triều cường vẫn cứ ngập lên và dơ vô cùng, thúi lắm. Bây giờ cứ chấp nhận chịu thôi chứ biết làm sao.”

Nhiều cư dân vùng bị triều cường hoành hành cho biết là họ phải thức trắng, vì nước lên ngang mép giường, có khi phải đi ngủ nhờ ở những nhà cao ráo hơn. Tháng nào cũng vậy, hể có triều cường là phải cam chịu sống chung với nước, mỗi đợt kéo dài trên một tuần, mỗi tháng có khi bị hai, đợt tổng cộng hơn 15 ngày.

Ở những khu bị triều cường, ai cũng bị lỡ loét chân, vì chân ngâm trong nước dơ bẩn liên tục ngày, đêm. Xe máy, TV, tủ lạnh, các vật dụng cần thiết cho sinh hoạt đều bị hư hỏng, khó có thể sửa chữa được.

Cô Hiệp, cư dân quận 12 kể về sinh hoạt hiện tại, và không biết khi nào mới chấm dứt được cơn triều cường: "Triều cường cứ tăng cao, ngập vào trong nhà, làm hư đồ đạt trong nhà. Bây giờ không làm gì được hết, phải đợi hết triều cường thì mới sửa lại đê bao thôi."

VnExpress cho biết, một dự án đê bao ven sông Saigon đã có từ năm 1997, với kinh phí 50 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn còn nằm trên giấy. Tờ Nhân Dân nói ở một số khu vực bị ngập, người dân đã khốn đốn lại khổ sở hơn vì thiếu nước sạch để sinh hoạt, phải mua nước từ nơi khác chở về bán ra với giá cắt cổ.

Tin tức từ vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng cho hay, tại thành phố Cần Thơ, thành phố Long Xuyên, trong một hai ngày tới, mực nước vẫn còn trên mức báo động 3, nên mặt đường nhiều nơi còn bị ngập nước sâu từng đoạn và bong tróc.

Đỗ Hiếu, RFA, BKK, Thailand