Các nạn nhân dịch cúm gia cầm trông chờ chính sách trợ giúp của chính phủ


2005.11.16

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Dịch cúm gia cầm năm nay bùng phát nhanh ảnh hưởng hàng triệu người chăn nuôi, doanh nghiệp chế biến, người kinh doanh và ngay cả những người nghèo nhất làm nghề thu gom lông vũ. Tất cả những nạn nhân trực tiếp của dịch cúm gia cầm đang trông chờ chính sách trợ giúp của chính phủ.

BirdFluCage200.jpg
Những lồng chim trống rỗng tại các tiệm bán thú vật nuôi ở Hà Nội hôm 10-11-2005. AFP PHOTO

Dịch cúm gia cầm năm nay tái phát nhanh, lan rộng nhưng tác động ghê gớm của nó là nhanh chóng làm thị trường gia cầm toàn quốc đóng băng. Năm 2004 có đến 46 triệu gia cầm phải tiêu huỷ, mà thị trường gia cầm không đến nỗi đóng băng nghiêm trọng như ngay lúc này, mới đầu mùa dịch 2005.

Có thể thấy rõ tác dụng của truyền thông đại chúng trong thời đại công nghệ thông tin. Nguy cơ đại dịch cúm toàn cầu, cùng với sự cảnh báo mạnh mẽ chưa từng thấy ở các nhà lãnh đạo Việt Nam, khiến cho đại bộ phận người dân thành thị thận trọng loại bỏ thịt và trứng gia cầm các loại.

Thị trường đóng băng

Thị trường đóng băng chính quyền địa phương lúng túng, người dân xin được tiêu huỷ đàn gia cầm chưa bệnh của mình, để lãnh một phần trợ cấp nhưng không được chấp nhận. Đến độ ở Bà Rịa Vũng Tàu có đại trại chủ nuôi 400 ngàn con gà, doạ thả rông hết số gà này vì không có nơi tiêu thụ. Điều này do chính ông Nguyễn Đình Bảo chi cục trưởng thú y Bà Rịa Vũng Tàu phát biểu trên báo Thanh Niên Điện Tử.

Cho đến nay chỉ có TP.HCM là có chính sách rõ ràng về việc giải quyết số gia cầm khoảng 300 ngàn con của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong thành phố, trước khi Saigon xoá sạch chăn nuôi gia cầm.

Người chăn nuôi ở Saigon được trả từ 15 tới 20 ngàn một con gà không mắc bệnh, ít ra đây cũng là giá trị 70% đồng vốn của họ.

Hiện nay người chăn nuôi đã khốn khó rồi lại càng khó khăn hơn. Chúng tôi đề nghị chính quyền: song song với biện pháp chống dịch thì đồng thời xem xét vấn đề hỗ trợ cho người dân, để tổ chức thu mua sản phẩm như thế nào cho đỡ lãng phí, tổ chức giết mổ và trữ đông, giúp ngừơi dân duy trì cuộc sống tối thiểu và khỏi lâm vào phá sản.

Ông Phạm Văn Minh, giám đốc công ty Phú An Sinh một trong 3 đơn vị được giao nhiệm vụ thu mua số gia cầm của dân để giết mổ công nghiệp và trữ đông nhận định rằng, các tỉnh thành khác trên cả nước cần có chính sách tương tự như của TP.HCM:

“ Ở các tỉnh thị trường đóng băng gia cầm không bán được vẫn phải nuôi cho ăn. Người dân ở đó trông chờ chính quyền của họ có chính sách giống như TP.HCM, thu mua số gia cầm không bán được để giết mổ và cấp đông…”

Hàng triệu hộ nông dân không bán được gà vịt, những người làm dịch vụ liên quan đều khẩn thiết trông chờ chính sách của chính phủ. Ông Trần Công Xuân chủ tịch hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng tỏ ra nóng lòng về vấn đề này:

“Hiện nay người chăn nuôi đã khốn khó rồi lại càng khó khăn hơn. Chúng tôi đề nghị chính quyền: song song với biện pháp chống dịch thì đồng thời xem xét vấn đề hỗ trợ cho người dân, để tổ chức thu mua sản phẩm như thế nào cho đỡ lãng phí, tổ chức giết mổ và trữ đông, giúp ngừơi dân duy trì cuộc sống tối thiểu và khỏi lâm vào phá sản.”

Sự chậm trễ

Trước nguy cơ đại dịch toàn cầu, Việt Nam được thế giới viện trợ khá hào phóng để ngăn chặn dịch từ gốc, cụ thể như Hoa Kỳ giúp 6 triệu rưởi đô la, Uỷ Ban Châu Âu EC viện trợ không hoàn lại gần 1 triệu đô la và Hà Lan đóng góp 1 triệu 200 ngàn đô la. Tuy nhiên báo chí Việt Nam qua thông tin đăng tải, cho thấy có sự lúng túng và chậm trễ về một chính sách để giúp đỡ người dân.

Hiện nay hàng triệu nông hộ chăn nuôi mất cả vốn liếng và kế sinh nhai, nhưng không chỉ có họ, biết bao gia đình khác trong những ngành nghề có liên quan tới gia cầm cũng điêu đứng không kém.

Chẳng hạn như mấy trăm người dân làng Triều Khúc xã Tân Triều Huyện Thanh Trì Hà Nội, vốn sinh sống bằng nghề thu gom sơ chế lông vũ, tức lông vịt lông ngan ngỗng để bán cho các nhà máy chế biến xuất khẩu. Một chủ đại lý lông vũ ở Thanh Trì cho chúng tôi biết:

“ Hiện nay người buôn lông vũ ở làng giảm đến 80%, hai nữa là nguồn lông vũ về làng cũng giảm đến 90%. Ảnh hưởng lớn tới công việc, không có lông để làm thì không có thu nhập…”

Mấy trăm người dân Triều Khúc cần cù nay mất kế sinh nhai đang bươn chải tìm công việc khác, họ cũng là nạn nhân trực tiếp của dịch cúm gà, bên cạnh những người chăn nuôi, người kinh doanh và thậm chí cả những ông chủ trại có từ vài chục tới vài trăm ngàn con gà giữa một thị trường không có đầu ra.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.