Dịch cúm gia cầm tái phát nghiêm trọng, nhất là vào mùa lạnh
2006.12.29
Thanh Quang, phóng viên đài RFA
Tin mới nhất cho biết Hậu Giang vừa phát hiện 3 ổ dịch cúm gia cầm, sau khi dịch bệnh tái phát ở Bạc Liêu và Cà Mau. Diễn biến mới nhất này cho thấy tình hình dịch bệnh có thể tái phát nghiêm trọng, nhất là lúc này là mùa lạnh - cao điểm của dịch cúm.
Qua cuộc phỏng vấn do Thanh Quang thực hiện từ Bangkok, Tiến sĩ Hoàng Văn Năm thuộc Cục Thú Y của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam cho biết.
Tiến sĩ Hoàng Văn Năm: Như chúng tôi đã nói từ trước, tức cảnh báo từ tháng 11 rồi đầu tháng 12, là nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm rất cao. Và điều này trở thành sự thực như đã xảy ra ở Cà Mau và Bạc Liêu. Và gần đây – vào ngày 24 tháng 12 này – cúm gia cầm xảy ra ở tỉnh thứ ba là Hậu Giang.
Chúng tôi vẫn nhận định là nếu không thực hiện một cách quyết liệt những biện pháp mà Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đưa ra, thì nguy cơ còn xảy ra nhiều nữa, bởi vì điều kiện của ĐBSCL tương đối giống nhau. Nhưng mà về quy mô thì chúng tôi nghĩ rằng dịch bệnh sẽ nhỏ lẻ hơn hồi các năm 2003, 2004, vì lý do đã có tiêm phòng.
Và cũng không ngọai trừ các tỉnh khác, mà đặc biệt là Đồng bằng sông Hồng. Theo kinh nghiệm mọi năm thì dịch bệnh tại ĐBSH sẽ phát chậm hơn so với ĐBSCL. Và các tỉnh ở Miền Trung cũng có khả năng bùng phát cúm gia cầm.
Chính vì vậy mà vừa hôm qua Bộ trưởng Cao Đức Phát, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, đã ban hành một công điện nữa cho các tỉnh chỉ đạo trên cơ sở kiểm tra và phải nói cho các địa phương cụ thể hơn các việc cần làm.
Trong đó tăng cường khâu giám sát và phản ứng nhanh, phát hiện dịch bệnh cho thật sớm và phải dập ngay, tiêu hủy ngay trong trường hợp nó còn nhỏ để tránh dịch bệnh lây lan sâu rộng. Và một điểm nữa là phải chú trọng tới công tác vệ sinh tiêu độc và tiêm phòng.
Cái này thì đã có chuyển biến lớn. Bệnh cạnh đó thì phải kể đến chính sách ban hành kịp thời cho người dân, khuyến khích người dân tăng cường hợp tác với ban chỉ đạo các cấp trong việc phòng chống cúm gia cầm.
Sáng mai tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn phối hợp với UBND tỉnh tổ chức phát động tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng từ mùng Một tháng Giêng năm 2007, kéo dài một tháng sau đó.
Thanh Quang: Tiến sĩ vừa đề cập tới các biện pháp ứng phó dịch cúm gia cầm của phía chính quyền, thế còn phía người dân, hiện thái độ và sự hợp tác của dân địa phương trong nỗ lực ngăn chận dịch bệnh như thế nào ?Họ có ý thức và nghiêm chỉnh trong vấn đề này không ?
Tiến sĩ Hoàng Văn Năm: Từ sau khi chính phủ chỉ đạo quyết liệt hai tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, và có công điện của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thì hiện nay ý thức của người dân được nâng lên và sự hợp tác của họ tốt hơn.
Một biểu hiện ở Hậu Giang là việc phát hiện dịch bệnh nhanh hơn; tức bệnh xảy ra ngày 24 thì 26 đã điều tra và lấy mẫu. Nhưng tôi muốn còn nhanh hơn nữa, tức dịch bệnh xảy ra hôm trước thì hôm sau phải biết ngay, hoặc là biết ngay tức thì.
Cái này thì đã có chuyển biến lớn. Bệnh cạnh đó thì phải kể đến chính sách ban hành kịp thời cho người dân, khuyến khích người dân tăng cường hợp tác với ban chỉ đạo các cấp trong việc phòng chống cúm gia cầm.
Thanh Quang: Thưa Tiến sĩ, nói chung, trước mắt dịch cúm gà có nguy cơ lây lan ở những vùng nào trong nước ?
Tiến sĩ Hoàng Văn Năm: Theo tôi nghĩ là dịch bệnh có thể lây lan ở các tỉnh ĐBSCL, nơi nuôi vịt nhiều, mà nhất là số vịt chưa được tiêm phòng. Thứ hai là các tỉnh ĐBSH, và thứ ba là các tỉnh biên giới.
Ba khu vực như vậy có nguy cơ – theo thứ tự này – bị dịch bệnh nhiều nhất. Ngoài ra tất cả các nơi khác đều có thể bùng phát dịch bệnh, nhưng ba khu vực vừa nói cần đặc biệt quan tâm.
Thanh Quang: Thưa trở lại Bạc Liêu, Cà Mau, nơi dịch bệnh tái phát, thì tình hình ở đó hiện ra sao ?
Tiến sĩ Hoàng Văn Năm: Tính từ khi phát hiện ban đầu thì dịch bệnh, như chúng tôi đã nhận xét, đã được khống chế. Tuy nhiên, do khâu tăng cường giám sát kịch liệt thì cũng phát hiện nhỏ lẻ nhưng không đáng kể.
Và Chúng tôi thấy có cái được là công tác chống dịch, công tác vệ sinh tiêu độc, tiêm phòng đang triển khai cho số gia cầm mới tái đàn mà chưa được tiêm phòng. Vấn đề là cũng phải chờ thời gian tới đây, dịch bệnh nhỏ lẻ có thể tái phát nữa. Tình trạng bùng phát như đầu năm 2004 hoặc cuối năm 2004 thì có lẽ không còn, dù vẫn có thể xảy ra.
Thanh Quang: Cảm ơn Tiến sĩ Hoàng Văn Năm.
Các tin, bài liên quan
- Thêm một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long phát hiện cúm gia cầm
- Dịch cúm gia cầm có thể bùng phát bất kỳ nơi nào ở Việt Nam
- Cúm gia cầm có thể bùng phát mạnh tại Việt Nam
- Nguy cơ dịch cúm gia cầm tái phát và lan rộng
- Việt Nam đẩy mạnh công tác phòng chống dịch cúm gia cầm
- Nguyên nhân của việc bùng phát cúm gia cầm ở hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau
- Tình hình dịch cúm gia cầm tái phát ở đồng bằng sông Cửu Long
- Việt Nam tăng cường theo dõi những diễn tiến của dịch cúm gia cầm
- Dịch cúm gia cầm tái phát tại Việt Nam