Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Dịch cúm gia cầm được loan báo là đã lắng dịu tại Việt Nam, chỉ còn 15 nơi có dịch ở Đồng Tháp, Điện Biên và Quảng Bình. Tuy nhiên, Bộ Y Tế lại xác nhận tin một bệnh nhân 15 tuổi ở Thanh Hoá tử vong vì cúm H5N1 vào ngày 3/8, trên đường chuyển viện về Hà Nội. Nam Nguyên phỏng vấn Tiến Sĩ Văn Đăng Kỳ chuyên gia dịch tễ thú y ở Hà Nội để cập nhật thông tin.

Nam Nguyên: Thưa ông ngày 3/8 vẫn có bệnh nhân ở Thanh Hoá bị tử vong vì cúm H5N1, sự kiện này được nhận định như thế nào?
Tiến sĩ Văn Đăng Kỳ: Chúng tôi cũng được thông tin từ Cục Y Tế Dự Phòng là có bệnh nhân ở Hoằng Hoá Thanh Hoá trên đường đi ra bệnh viện y học lâm sàng nhiệt đới thì bị tử vong. Tuy nhiên trường hợp này lại xảy ra ở vùng không có dịch cúm gia cầm.
Nam Nguyên: Thông tin cho biết nhà bệnh nhân có nuôi 20 con ngan và tất cả bị bệnh chết, sự kiện này có liên quan hay không?
Tiến sĩ Văn Đăng Kỳ: Thú y cơ sở chưa xác định được là đàn ngan chết có vì nhiễm H5N1 hay không. Nhưng ngan có thể chết vì nhiều nguyên do trong khi tại địa phương chưa xác định là có dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát.
Nam Nguyên: Bệnh nhân tử vong sống ở vùng không có dịch ? Sự kiện này có ý nghĩa gì?
Tiến sĩ Văn Đăng Kỳ: Có thể là bệnh nhân tiếp xúc với H5N1 ở nơi khác, chứ ở Thanh Hoá thì chúng tôi xác định là không có dịch cúm gia cầm H5N1. Tuy nhiên trứơc thông tin đàn ngan 20 con bị chết thì cần phải xem xét lại.
Hơn nữa qua kiểm tra chúng tôi xác định rằng mầm bệnh H5N1 vẫn tồn tại trong đàn thuỷ cầm, mầm bệnh này có thể bị thải loại ra môi trường bên ngoài, cộng với sự chủ quan của người dân nên mức độ lây nhiễm bệnh tăng cao. Từ tháng 5 đến nay Việt Nam xác định 7 người lây bệnh cúm H5N1 với 4 trường hợp tử vong.
Nam Nguyên: Gà vịt chết không nhiều trong đợt dịch hiện nay, nhưng lại có tới 7 người bị nhiễm bệnh và 4 ca tử vong kể từ tháng 5 tới nay. Có sự biến đổi đặc tính của virus H5N1 tại Việt Nam hay không?
Tiến sĩ Văn Đăng Kỳ: Virus chưa có biến đổi gì, chúng tôi đã thử nghiệm lại về vaccine thì mức độ tương đồng giữa vaccine và H5N1 tại Việt Nam hầu như không có gì thay đổi.
Chúng tôi cũng thử cả bên Trung Quốc thì kết quả cũng tương tự. Virus chưa có thay đổi gì về gene, nhưng tại sao người bị nhiễm bệnh tỷ lệ tử vong cao hơn, chúng tôi nhận định rằng, sau 17 tháng một thời gian dài không có dịch nên có tình trạng chủ quan trong nhân dân, người ta có thể ăn thịt gia cầm không rõ nguồn gốc.
Hơn nữa qua kiểm tra chúng tôi xác định rằng mầm bệnh H5N1 vẫn tồn tại trong đàn thuỷ cầm, mầm bệnh này có thể bị thải loại ra môi trường bên ngoài, cộng với sự chủ quan của người dân nên mức độ lây nhiễm bệnh tăng cao. Từ tháng 5 đến nay Việt Nam xác định 7 người lây bệnh cúm H5N1 với 4 trường hợp tử vong.
Nam Nguyên: Mặc dù đã có nhiều sự tuyên truyền, nhưng để bảo vệ sức khoẻ người dân xin ông một lời khuyên cho người tiêu dùng.
Tiến sĩ Văn Đăng Kỳ: Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền cho người dân là chỉ ăn thịt gia cầm rõ nguồn gốc, có dấu kiểm dịch. Chỉ mua thịt gia cầm ở những cơ sở an toàn, được giết mổ hợp vệ sinh có dấu kiểm dịch.
Hơn nữa, người chăn nuôi phải có phương tiện tiêu độc khử trùng , người giết mổ phải có trang thiết bị bảo hộ. Còn người tiêu dùng không được ăn thịt sống, phải nấu chín và nhất là không ăn tiết canh. Cả ba nhóm này đều phải thực hiện phòng bệnh và chúng tôi luôn luôn khuyến cáo điều này.
Nam Nguyên: Cảm ơn Tiến sĩ Văn Đăng Kỳ đã trả lời Đài RFA.