Khả năng bùng phát dịch cúm gia cầm trên diện rộng

0:00 / 0:00

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Cúm gia cầm đã xuất hiện ở ngoại ô Hà Nội, sau khi các ổ dịch bùng phát ở Hà Tây, Hải Dương thuộc đồng bằng sông Hồng và ở Vĩnh Long vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nam Nguyên phỏng vấn tiến sĩ Hoàng Văn Năm Cục Phó Cục Thú Y trụ sở ở Hà Nội.

BirdFluVaccine150.jpg
Dịch cúm gia cầm hiện tiếp tục de doạ đáng ngại ở Việt Nam giữa lúc có tin vaccine phòng chống virus cúm gà H5N1 không còn hiệu quả. AFP PHOTO

Nam Nguyên: Với tình hình như hiện giờ, khả năng dịch bùng phát trên diện rộng có thể là hiện thực ?

Tiến sĩ Hoàng Văn Năm: Chúng tôi đã nói là ở Việt Nam dịch cúm gia cầm lúc nào cũng có thể xảy ra. Nơi xảy ra là những nơi yếu nhất trong công tác phòng chống dịch, như tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc và kiểm dịch….

Quả nhiên những đàn gia cầm nhiễm bệnh là chưa được tiêm phòng. Khả năng phát dịch có xảy ra nhưng ở qui mô lẻ tẻ và được khoanh vùng. Như ở Hải Dương từ 14/2 tới nay chưa tái phát thêm. Ở Hải Dương hay Vĩnh Long thì mỗi nơi chỉ một đàn nhiễm dịch thôi, chứ không phải qui mô như ở Cà Mau, Bạc Liêu trước đây tức là nhiều.

Tuy nhiên nói vấn đề này cũng chỉ là chủ quan của tôi thôi, theo nhận định rằng những đàn khác sau đợt dịch xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long, toàn quốc đã có chấn chỉnh như tiêm phòng bổ xung … những cái đó giúp cho việc bảo hộ đàn gia cầm tốt hơn. Dịch có thể vẫn xảy ra nhưng phát thành đợt lớn thì khả năng này ít thôi.

Nam Nguyên: Thưa Tiến sĩ, các biện pháp đưa ra như vậy đã được thực hiện tốt ?

Tiến sĩ Hoàng Văn Năm: Không thể nói như vậy được, các biện pháp đưa ra thì đồng bộ, khá hoàn chỉnh. Nhưng việc thực hiện ở các địa phương thì chưa được tốt lắm, biểu hiện rõ rằng nơi nào thực hiện tốt thì dịch không xảy ra và ngược lại.

Chúng tôi đã nói là ở Việt Nam dịch cúm gia cầm lúc nào cũng có thể xảy ra. Nơi xảy ra là những nơi yếu nhất trong công tác phòng chống dịch, như tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc và kiểm dịch….

Với phạm vi toàn quốc rộng lớn như vậy, với qui mô chăn nuôi nhỏ lẻ, cơ sở vật chất trang trại chưa được tốt lắm, theo tôi giữ được như thế này cũng là một thắng lợi về khâu phòng chống dịch bệnh hiện nay. Một số địa phương làm chưa được tốt, có thể là cấp thôn ấp xã nên dịch xảy ra.

Nam Nguyên: Thưa có thông tin nào về việc vi rút biến đổi hay không. Vaccine TQ đang sử dụng còn tác dụng phòng dịch tốt hay không?

Tiến sĩ Hoàng Văn Năm: Đặc tính của vi rút cúm là liên tục biến đổi, nhưng biến đổi về kháng nguyên hay độc tính thì chưa có. Từ đó nói rằng vaccine hiện nay đang sử dụng ở Việt Nam là vẫn bảo hộ được đối với các chủng vi rút gây bệnh.

Nam Nguyên: Thông tin nói là vaccine cung cấp đang bị thiếu ? thực tế ra sao?

Tíên sĩ Hoàng Văn Năm: Vaccine thiếu là với thời điểm người ta cần thì chưa có. Theo kế hoạch tới 11/3 sẽ về 20 triệu liều và sau đó về liên tục. Kế hoạch có đầy đủ nhưng chậm một thời gian ngắn thì có xảy ra, điều này phụ thuộc vào nhà cung cấp vaccine.

Nam Nguyên: Kế hoạch của Việt Nam đặt chủ yếu vào việc tiêm phòng toàn quốc, tình hình cung cấp vaccine lại không được điều hoà. Nhận định gì về việc này?

Tiến sĩ Hoàng Văn Năm: Vaccine trên thực tế có ảnh hưởng trong khâu tổ chức. Nhưng không ảnh hưởng gì lắm tới vấn đề phòng chống dịch bệnh, vì hàng tháng chúng tôi vẫn tổ chức tiêm phòng bổ sung, phần lớn gia cầm vẫn được miễn dịch.

Chậm vaccine một vài ngày không ảnh hưởng nhiều, bản thân con gia cầm vẫn còn trong thời gian miễn dịch. Có khó khăn trong khâu tổ chức là bị động, đã lên lịch thời gian tiêm phòng nhưng phải lùi lại thì đó là khó khăn cho khâu thực hiện.

Nam Nguyên: Ổ dịch rơi vào những đàn chưa được tiêm phòng, có sự khó khăn trong triển khai tiêm phòng đều khắp ?

Vaccine trên thực tế có ảnh hưởng trong khâu tổ chức. Nhưng không ảnh hưởng gì lắm tới vấn đề phòng chống dịch bệnh, vì hàng tháng chúng tôi vẫn tổ chức tiêm phòng bổ sung, phần lớn gia cầm vẫn được miễn dịch.

Tiến sĩ Hoàng Văn Năm: Ở những chỗ ấy không phải trách nhiệm Nhà nước, mà trách nhiệm ấy của người dân. Quy định rõ, người nuôi phải tiêm phòng, khai báo, phải nhận được vaccine. Nhưng nhiều khi ở những trại lớn, chủ nuôi phải bỏ tiền ra, vì lý do này lý do khác đã không khai báo và không tiêm.

Còn những trại nhỏ, không phải vì tiếc tiền vì được Nhà nước chi phí, nhưng với tư tưởng chủ quan, lại nữa đàn gia cầm nhỏ lẻ nên họ không mặn mà với việc tiêm phòng cho nên mới xảy ra dịch. Nếu trường hợp dân yêu cầu tiêm mà thú y không tiêm không có vaccine thì đấy là trách nhiệm của chúng tôi, nhưng đây dân hoàn toàn không có ý kiến gì.

Nam Nguyên: Với tình hình như hiện nay thì kế hoạch cho ấp nở nuôi mới đàn thuỷ cầm từ 15/3 có trở ngại gì không?

Tiến sĩ Hoàng Văn Năm: Phải nói thật là có trở ngại, trở ngại ở đây là quyết định có ra rồi, chủ trương có hết rồi nhưng thực hiện như thế nào, nhất là đối với con vịt thả đồng ở đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi vẫn băn khoăn là sẽ thực hiện sẽ quản lý như thế nào đây.

Nếu thực hiện đúng qui định thì tốt quá, nhưng phải tăng cường khâu kiểm tra và điều quan trọng là sự tự nguyện của người chăn nuôi tham gia các biện pháp của Bộ NN&PTNT đưa ra, đây là vai trò rất quan trọng.

Với đất nước Việt Nam rộng lớn như vậy, dân trí thì khác nhau của từng vùng, có thể nói là không thể thực hiện tốt 100% qui định này. Nhưng chúng tôi hy vọng rằng tựu chung phần lớn sẽ thực hiện đúng.

Nam Nguyên: Cảm ơn Tiến sĩ Hoàng Văn Năm Cục Phó Cục Thú Y.