Tình hình thực tế về dịch cúm gia cầm ở trong nước


2005.02.24

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Theo kế hoạch đã định, hội nghị quốc tế về cúm gia cầm lần này diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 23 vừa qua và kết thúc vào ngày 25 này. Trong khi các tổ chức quốc tế và cơ quan chức năng Việt Nam nhóm họp vì quan ngại về khả năng gây đại dịch toàn cầu do virus cúm gia cầm H5N1, thì thực tế trong nước ra sao?

Tin tức báo chí cho hay vào ngày 22 tháng 2 vừa qua có thêm 17 điểm phát dịch tại 13 xã thuộc 10 huyện của 4 tỉnh Long An, Bến Tre, Đồng Tháp và Trà Vinh. Trong khi đó thì 12/35 tỉnh, thành không phát thêm ổ dịch suốt 21 ngày qua.

Biện pháp phòng chống

Dù tình hình có khả quan như thế nhưng vào ngày 21 tháng 2, tức đầu tuần này, thủ tướng Việt Nam cũng có ý kiến yêu cầu Bộ Y tế phối hợp cùng các bộ liên quan, các tỉnh thành phố thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm.

Trước đây một trong những biện pháp chính để chống cúm gia cầm là kiểm soát nguồn gia cầm đưa từ địa phương này sang địa phương khác khi chưa được kiểm dịch. Việc buôn bán gia cầm sống tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh bị cấm.

Ở Sài Gòn, nhiều người muốn ăn gà, vịt phải mua các sản phẩm sạch được bán tại các siêu thị. Do tâm lý sợ dịch bệnh dịch nhiều người dân thành phố không ăn gà, vịt nữa. Thế nhưng tại ngoại thành và những vùng xa thành phố thì hầu như trong thời gian gần đây việc tiêu thụ và buôn bán gia cầm chẳng khác trước là bao.

Ở những vùng quê gà vịt, ngan ngỗn vẫn được nuôi thả quanh nhà, ngoài đồng vịt lội từng đàn, ven chợ nhỏ vẫn có nhiều lồng gà nhỏ lớn được bày bán cho khách mua.

Tự thực hiện mọi công tác phòng cúm gia cầm, không nhận được kinh phí gì từ trung ương.

Một người dân cho biết về tình hình tiêu thụ sản phẩm gia cầm trong thời gian tết vừa qua cũng như hiện nay trong cuộc trong đổi ngắn sau đây: “Việc tiêu thụ vẫn bình thường và người dân rất chủ quan về cúm gia cầm.”

Một cán bộ thú y tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái nơi có phát dịch hồi năm ngoái và một ổ dịch nhỏ hiện nay cho biết công tác mà trạm của ông phải làm trong thời gian qua: “Tự thực hiện mọi công tác phòng cúm gia cầm, không nhận được kinh phí gì từ trung ương.”

Tài trợ của quốc tế

Trong khi ấy thống kê cho biết kể từ đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tại khu vực châu Á từ cuối năm 2003 cho đến nay, các nhà tài trợ quốc tế đã chi ra chừng 18 triệu đô la Mỹ cho việc chống dịch. Trong khỏan này riêng Việt Nam nhận được 8 triệu đô la Mỹ.

Người đứng đầu Tổ chức Lương Nông Quốc tế FAO, ông Josepth Domenech, phát biểu tại hội nghị quốc tế về cúm gia cầm diễn ra tại thành phố Hồ Chí rằng nếu thêm đầu tư thì sẽ có thể kiểm soát được tác động của dịch bệnh.

Cho đến lúc này thì chưa biết được qua hội nghị này với những phân tích, đánh gia và cảnh báo mới thì các nhà tài trợ quốc tế sẽ tăng thêm kinh phí cho công tác phòng chống dịch cúm gia cầm là bao nhiêu; thế nhưng việc chi dùng các khỏan tài trợ cho thật hiệu quả tại Việt Nam là một vấn đề lớn trong tình hình hiện nay khi mà nhiều người vẫn còn chủ quan như phát biểu của người dân thành phố mà quí thính giả vừa nghe.

Ông hỏi ban tổ chức hội nghị.

Người đứng đầu Cơ quan thú y của Việt Nam, ông Bùi Quang Anh, cũng tỏ ra mệt mỏi khi được hỏi về những điểm mới được đưa ra tại hội nghị: “Ông hỏi ban tổ chức hội nghị.”

Tại hội nghị ở thành phố Hồ Chí Minh, tiến sĩ Dewan Sibartie thuộc Tổ Chức Thú Y Thế giới viết tắt là OIE còn nhắc đến nghiên cứu của Bộ Y Tế Nhật Bản về trường hợp ruồi nhiễm virus cúm gia cầm dù rằng đến nay chưa có bằng chứng về việc ruồi có thể lây lan virus gây bệnh sang cho vật khác hoặc cho con người.

Dù sao thông báo này cũng cần quan tâm vì ruồi thì vô số kể tại nhiều nơi ở Việt Nam nhất là tại các bãi rác lộ thiên, các chợ và hàng quán dọc đường.

Xin được nhắc lại, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 8 quốc gia châu Á hồi cuối năm 2003. Tại Việt Nam có 32 người bị thiệt mạng vì virus H5N1 và 44 trường hợp được xác định phản ứng dương tính với loại virus này. Thái Lan có 12 nạn nhân tử vong do cúm gia cầm.

Trong đợt dịch đầu tiên, Việt Nam phải tiêu hủy hơn 43 triệu gia cầm. Riêng số bị tiêu hủy từ đầu năm đến nay khi dịch bùng phát lại tại 35 trên 64 tỉnh, thành phố thì vẫn chưa được thống kê chính xác.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.