Dịch tai xanh ở Quảng Nam có nguy cơ lây lan ra các tỉnh thành lân cận

0:00 / 0:00

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Dịch tai xanh làm heo chết hàng loạt ở Quảng Nam có nguy cơ lây lan ra các tỉnh thành lân cận ở miền Trung. Chính quyền và người chăn nuôi đối phó ra sao với chứng bệnh mới mẻ này. Nam Nguyên tường trình.

PigMeatFood150.jpg
AFP PHOTO

Bệnh tai xanh còn gọi là hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản của Heo đang làm Quảng Nam khốn đốn và Đà Nẵng lo âu vì có dấu hiệu lây lan. Gần hai chục ngàn con heo của người chăn nuôi ở Quảng Nam bị nhiễm bệnh, số chết là khoảng 1 ngàn con, nhưng số heo bệnh bán chạy về các nơi như Đà Nẵng và các tỉnh lân cận là một nguy cơ về sự bùng phát dịch toàn miền trung.

Bệnh tai xanh được thế giới biết đến chưa lâu cụ thể là vào năm 1987 ở Hoa Kỳ, bệnh chủ yếu làm chết heo con và giảm sinh sản ở heo nái. Bệnh chưa có thuốc đặc trị, cách đề phòng hiệu quả là tiêm vắc xin ngừa bệnh, và chăn nuôi hợp vệ sinh. Trước Quảng Nam, hồi tháng Tư 5 tỉnh miền Bắc cũng bị dịch tai xanh làm nhiều hộ chăn nuôi bị phá sản.

Chi phí chăn nuôi hiện nay tăng cao do giá cả thức ăn gia súc, phí vận chuyển tăng theo giá xăng dầu, thành ra chuyện tiêm vắc xin ngừa bệnh tai xanh cho heo khó được hộ chăn nuôi hưởng ứng. Chuyên gia dịch tễ thú y ở Hà Nội, tiến sĩ Văn Đăng Kỳ nhận định:

“May là bệnh heo tai xanh không lây cho con người…Vắc xin phòng bệnh tai xanh cho heo thị trường có loại của Singapore giá khoảng 10 ngàn, nhưng với người dân thì đây cũng là chi phí quá cao cho họ. Chỉ có các trại nuôi lớn thì họ mới tiêm thôi.”

Tình hình ở Quảng Nam được mô tả là nghiêm trọng vì sự chậm chạp của chính quyền địa phương. Khi đàn heo ở 40 xã thuộc 6 huyện nhiễm bệnh và chết hàng loạt hàng trăm con từ cuối tháng 6, địa phương vẫn chưa có biện pháp đối phó.

May là bệnh heo tai xanh không lây cho con người…Vắc xin phòng bệnh tai xanh cho heo thị trường có loại của Singapore giá khoảng 10 ngàn, nhưng với người dân thì đây cũng là chi phí quá cao cho họ. Chỉ có các trại nuôi lớn thì họ mới tiêm thôi.

Người chăn nuôi không muốn tốn chi phí chôn heo chết đã quăng bừa bãi bất cứ chỗ nào, sông hồ ao mương xác heo trương phình hôi thối, gây ô nhiễm và là nguồn phát tán vi rút. Để tìm hiểu tình hình dịch bệnh cũng như khả năng dịch tai xanh lan rộng ở miền Trung, Nam Nguyên đã trao đổi nhanh với tiến sĩ Hoàng Văn Năm, Phó Cục Trưởng Cục Thú Y ở Hà Nội:

Ông Hoàng Văn Năm cho biết khả năng lây lan dịch tai xanh từ Quảng Nam ra các tỉnh khác là rất cao. Độc tính đợt dịch này mạnh hơn trước, Cục Thú Y đã gởi ra nước ngoài kiểm tra. Việc quảng bá thông tin dịch bệnh không tích cực, ngành chức năng ở địa phương phản ứng quá chậm hơn nữa lực lượng thú y quá mỏng gặp nhiều khó khăn.

Ý thức người dân còn kém và cũng do thiếu thông tin nên người dân hoang mang. Không chỉ đối với dịch lợn, cúm gia cầm cũng vậy người chăn nuôi vẫn còn thói quen quăng xác vật nuôi xuống đồng ruộng sông hồ.

Thiệt hại kinh tế của dịch lợn tai xanh ở Việt Nam sẽ lớn hơn các nước khác, vì Việt Nam chăn nuôi nhỏ lẻ manh mún và điều kiện chăn nuôi còn kém. Người dân ảnh hưởng trực tiếp vì lợn chết, đồng thời giá thịt lợn sẽ tăng cao ở những vùng có dịch.

Đó là nhận định của ông Hoàng Văn Năm Phó Cục Trưởng Thú Y Việt Nam. Thông tin cập nhật cho biết, chính phủ đồng ý trên nguyên tắc đề nghị của Bộ NN&PTN trợ cấp cho người chăn nuôi có heo bị bệnh dịch tai xanh phải tiêu huỷ. Mức trợ cấp có thể là 10 ngàn đồng cho một kg heo phải tiêu huỷ để chống dịch.