Thuyền nhân và Bão lụt


2005.09.13

Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA

Một khía cạnh đáng chú ý trong trận bão Katrina tại Hoa Kỳ là cách ứng xử của người Việt, đa số là thuyền nhân đã dạt vào nước Mỹ sau khi trắng tay. Lần này, đa số lại trắng tay nữa, nhưng lại có một cộng đồng người Việt rất đông đảo ở chung quanh… Diễn đàn Kinh tế xin đặc biệt tìm hiểu về khía cạnh này qua phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, do Nguyễn An thực hiện sau đây…

KatrinaVNDonation200.jpg
Những người Việt chạy bão Katrina đang chọn những quần áo gom góp bởi những người hảo tâm tại nhà thờ ở Texas. AFP PHOTO/Stan HONDA

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, không riêng gì nước Mỹ mà hầu như cả thế giới đã bị chấn động vì những tai họa do trận bão Katrina gây ra tại Hoa Kỳ. Điều đáng chú ý cho nhiều người Việt ở trong và ngoài nước là tại ba tiểu bang bị nạn lại có một cộng đồng người Việt khá đông đảo. Chúng tôi xin đề nghị kỳ này ta sẽ đề cập đến cộng đồng ấy. Trước hết, xin ông cho thính giả biết về khung cảnh sinh hoạt chung của cộng đồng người Việt tại đây.

Đáp: Rõ ràng là ta cần tìm hiểu về cách ứng xử của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ khi xã hội đã mở rộng vòng tay đón nhận mình lại lãnh một tai họa ghê gớm. Chúng ta có thấy sự xúc động và nhiệt tình cứu trợ của cộng đồng tỵ nạn này khi Hoa Kỳ bị vụ khủng bố 9-11, xảy ra đúng bốn năm trước. Lần ấy, người Việt khắp nơi đã tự động tổ chức quyên góp để cứu trợ nạn nhân khủng bố, với kết quả khiến dư luận Mỹ ngạc nhiên và khâm phục. Lần này, tai họa lại ập xuống một khu vực có nhiều người Việt cư ngụ nên càng đáng cho cộng đồng quan tâm.

Hỏi: Riêng về người Việt sinh sống trong vùng bị bão lụt lần này, họ có những đặc điểm gì?

Đáp: Theo cuộc khảo sát dân số cuối cùng, vào năm 2000, thì có khoảng 24.000 người Việt cư ngụ tại Louisiana, năm ngàn tại Mississippi và năm ngàn tại Alabama, tổng cộng là 34.000. Ngày nay có thể cao hơn, những ước đoán vừa qua nêu ra con số 55.000. Trong số này có khoảng 1.500 gia đình là ngư dân tại vịnh Mexico. Nhiều người thành công sau mấy chục năm chật vật đánh cá nuôi tôm nên thế hệ thứ hai đã qua đại học, đổi nghề hoặc trở thành doanh gia.

Nói chung, sau những thách đố ghê gớm của hiểm nguy và biển cả trên đường vượt biển, người Việt tại đây rất sùng đạo. Cộng đồng Công giáo có tổ chức rất quy củ trong khoảng 12 giáo xứ khác nhau trên toàn khu vực và Đức cha Mai Thanh Lương đang phụ trách Giáo phận Orange County tại miền Nam California đã phục vụ 27 năm tại New Orleans.

Cộng đồng Việt Nam ở đây có tinh thần hợp quần và liên đới cao sau khi tranh đấu gay go để vượt trở ngại ban đầu, kể cả sự kỳ thị và cạnh tranh nghề nghiệp chừng hai chục năm trước. Các gia đình sống về ngư nghiệp thường tập trung tại New Orleans của Louisiana hay các thị trấn Biloxi và Gulf Port của Mississippi và Mobile cùng Bayou La Batre của Alabama…

Hỏi: Và những vùng này lại là nơi bị trận bão Katrina tàn phá nặng nhất phải không?

Đáp: Thưa vâng, nhưng trước đấy, cộng đồng ngư dân Việt Nam đã chịu chung nỗi khó khăn về ngư nghiệp của cả khu vực vì hai yếu tố. Thứ nhất là giá xăng dầu, kể cả dầu cặn diesel, tăng quá cao nên nâng phí tổn rất mạnh; thứ hai là sức cạnh tranh nhờ giá quá rẻ của thủy sản nhập vào từ châu Á, trong đó có tôm cá Việt Nam, khiến giá bán lại sụt.

Thí dụ như giá tôm từ năm đồng một pound, là 450 gram, nay chỉ còn hơn ba đồng, khiến kỹ nghệ nuôi tôm tại đây đã sụt mất nửa trong năm năm qua, từ một tỷ nay chỉ còn 500 triệu Mỹ kim một năm. Vì hoàn cảnh ấy, nhiều người Việt trong vùng đã nghĩ đến chuyện bỏ nghề thủy sản mà chưa biết đi đâu.

Hỏi: Và trong khi chưa biết đi đâu, làm gì để sống, thì thiên tai lại giáng xuống đầu họ…

Đáp: Thưa vâng, bây giờ, trận bão Katrina đã dập nát tài sản của họ, từ thuyền bè ra khơi đến các cơ sở khai thác hay nhà cửa trên bờ. Nhìn trên toàn cảnh thì vùng Vịnh cung cấp chừng 30% thủy sản cho thị trường Hoa Kỳ, bây giờ các phương tiện sản xuất như tàu bè hay thiết bị, hầm đông lạnh, đã tan tành, môi trường đánh bắt bị ô nhiễm vì nước tràn vào New Orleans được bơm ra ngoài cùng mọi phế vật kỷ nghệ hóa chất, thậm chí vi trùng. Vì vậy mà người ta dự đoán là ngư nghiệp tại vùng Vịnh Mexico có thể bị tê liệt cả năm, có khi đến 18 tháng.

Hỏi: Nhân đây, xin hỏi ông là ba tiểu bang bị nạn cũng là nơi có tranh chấp về chuyện cá ba sa nhập khẩu từ Việt Nam. Thái độ của ngư dân Việt Nam tại đây là thế nào trong vụ này?

Đáp: Tôi xin được nói ngay là vụ tranh chấp không có ý đồ chính trị xuất phát từ ác ý của chính quyền Hoa Kỳ như Việt Nam ưa giải thích cho ngư dân ở nhà trong khi lại không hướng dẫn họ về các tiêu chuẩn vệ sinh và khoa học cần thiết. Vấn đề chính là quy định tinh tế và chi ly của các cơ quan hữu trách Mỹ ở từng địa phương.

Thứ nữa, nhiều ngư dân Việt tại vùng bị nạn cũng đã đa dạng hóa hoạt động kinh doanh và nhập khẩu tôm cá từ Việt Nam rồi bị họa lây khi bốn trăm tấn cá basa, cua và tôm đang nằm trong chế độ kiểm dịch vì sản phẩm của Việt Nam có lượng kháng sinh quá lớn. Tức là trong vụ Katrina này, con cá basa của Việt Nam cũng bị chết chìm….

Bây giờ, khi ngư nghiệp Mỹ bị nạn và thị trường Mỹ cần tới nguồn cung cấp thay thế về tôm, cá, cua, hào, thì ngư nghiệp ở Việt Nam có biết kịp thời cạnh tranh với các xứ châu Á khác để khai thác trong thời gian tới hay không, chúng ta chưa biết.

Hỏi: Bây giờ, ta mới trở về trận bão Katrina và cách ứng xử của người Việt tại Mỹ, ông có nhận xét thế nào về những hiện tượng đã theo dõi trong suốt hai tuần qua?

Đáp: Thưa tình hình mỗi nơi mỗi khác và tin tức nhiều khi vẫn chưa được cập nhật, nhưng nói chung, ta có thể thấy ra một vài đặc điểm chung, của người bị nạn và của cộng đồng còn lại.

Dư luận Mỹ có nhìn thấy và tường thuật ngày càng nhiều về sự bình tĩnh của người Việt trong thảm kịch đang làm cả nước Mỹ rúng động. Họ kết luận rất hời hợt là vì người Việt đã quen với việc tản cư, chạy loạn.

Thực ra, người Việt tại đây đã có một đặc tính mà các nhà xã hội học cần nghiên cứu là không ỷ lại vào chính quyền, chẳng đổ lỗi cho ai khác mà ưu tiên cứu giúp lẫn nhau khá hữu hiệu. Người ta không quên một hình ảnh rất lạ là một người Việt tỵ nạn bão lụt đã kịch liệt bênh Tổng thống Bush khi tranh luận với một người Mỹ tỵ nạn khác!

Từ dân thọ nạn tại ba tiểu bang bị thiên tai, ta có thấy đặc điểm nổi bật là tinh thần tự túc và phấn đấu. Thứ nhất, người Việt có tính tự chủ rất cao nên chấp hành mệnh lệnh của nhà chức trách nhưng không ỷ lại vào chính quyền mà sáng tạo tìm lấy giải pháp. Thứ hai, họ có tình lân tuất, vừa chạy bão vừa cố trợ giúp người khác- bất kể Mỹ-Việt, chứ không có chuyện thừa nước đục thả câu, thổ phỉ hay trục lợi bất chính. Thứ ba, vì là một cộng đồng có tính hợp quần liên đới, cư dân trong vùng bị bão có hệ thống liên lạc và thông báo tin tức cho nhau rất sớm.

Tôi thấy nguy kịch nhất trong vụ Katrina là nạn mất thông tin và liên lạc khiến chính quyền các cấp không nắm vững tình hình và kịp thời phối hợp việc cứu trợ, sau đấy mới là ách tắc về pháp lý liên hệ tới trách nhiệm của từng cấp chính quyền. Trong hoàn cảnh chung đó, người Việt lại có gia đình, nhà thờ, chùa chiền, các họ đạo và hội đoàn để tự phát lập ra mạng lưới thông tin hầu thông báo nhau những tin tức cần thiết, nhất là tin tức về thân nhân là điều ta quan tâm nhất khi xảy ra khủng hoảng. Và sau cùng, họ không tranh cãi nhau về trách nhiệm. Những ưu điểm ấy, tinh thần tự túc, chịu đựng, sáng tạo và liên đới khiến họ phải thành công về kinh tế.

Hỏi: Đó là về phần những người chạy bão, về phần cộng đồng còn lại thì phản ứng ra sao?

Đáp: Trong vụ này, tôi vẫn chú trọng nhiều nhất đến khía cạnh thông tin. Dư luận Mỹ tất nhiên theo dõi tình hình qua truyền thông Mỹ bằng Anh ngữ, trong đó, tin tức về người Mỹ gốc Việt là hạt muối bỏ biển vì ta chỉ có tỷ lệ dân số khoảng 0,5% dân số toàn quốc, lại không có gì gay cấn như nạn thổ phỉ bắn giết trước sự bất lực của nhà chức trách. Vậy mà người Việt ở trong và ngoài bão tố vẫn có hệ thống truyền thông của mình, là báo chí, phát thanh và truyền hình bằng tiếng Việt.

Ngoài ra, đây là lần đầu mà người Việt gặp cảnh hỗn loạn trong thời đại thông tin điện tử, nên qua Internet và rất nhiều trang nhà, ta biết được tin tức và tình hình của nhiều nơi để lo việc liên lạc và điều hợp cứu trợ. Khả năng thông tin và vận động của truyền thông Việt trên đất Mỹ là một điều rất mới, và được thử nghiệm qua trận bão Katrina.

Hỏi: Phải chăng nhờ thế mà cộng đồng khắp nơi mới kịp thời tổ chức việc tiếp đón và cứu trợ?

Đáp: Thưa vâng, và đấy cũng là một đặc tính đáng chú ý. Nổi bật từ đầu là việc các Dì phước Dòng Đa Minh đã tự động lập ra trung tâm cứu trợ mấy trăm người, rồi khi cư dân lánh bão được đưa qua nơi khác thì gần như nơi nào cũng có người Việt ra nhận lãnhp và phối hợp tiếp tế.

Thí dụ đang làm dư luận chú ý là trong khi đa số cư dân New Orleans được đón vào Houston đã tạm trú trong vận động trường Astrodome và các cao ốc phụ cận thì người Việt lại vào khu thương xá Hong Kong hay các nhà thờ nhà chùa trong vùng. Hàng quán tại đây cũng thông báo là nạn nhân bão lụt Katrina sẽ được ăn miễn phí, dân chúng thì tự động giúp họ phương tiện di chuyển để tìm kiếm thân nhân, tìm nơi tạm trú.

Các tôn giáo, hội đoàn, tổ chức thiện nguyện cũng tự động phối hợp cứu trợ trên quy mô toàn quốc. Tinh thần liên đới và đùm bọc của cộng đồng người Việt là điều rất đáng chú ý trong vụ khủng hoảng xuyên bang này.

Hỏi: Nhìn theo một khía cạnh nào đó thì trong vụ bão lụt vừa qua, người Việt chẳng nhờ cậy gì nhiều vào chính quyền mà chủ yếu nương vào gia đình và cộng đồng nhiều hơn?

Đáp: Thưa đúng như vậy nhưng hiện tượng ấy không phải là không có mặt trái của nó. Tôi không có thống kê chính xác và không muốn mang tiếng kỳ thị, nhưng tin là cộng đồng người Việt tại Mỹ - vốn là một cộng đồng thiểu số - lại không đòi hỏi hay sống nhờ chế độ trợ cấp của nhà nước bằng nhiều cộng đồng thiểu số da màu khác.

Có lẽ đây là đặc tính chung của các cộng đồng gốc Á, vốn không ưa, không tin hoặc không trông chờ vào nhà nước. Tuy nhiên, và đây là mặt trái ta cần nói tới, trước thiệt hại quá lớn và còn di hại rất lâu do trận bão Katrina gây ra, cộng đồng người Việt không thể mãi mãi tự túc đảm đương việc cứu trợ được.

Chính quyền Hoa Kỳ đã bước đầu bỏ ra hơn sáu chục tỷ Mỹ kim và sẽ còn thực hiện nhiều chương trình cứu trợ và tái định cư nạn dân để họ sớm trở lại sinh hoạt bình thường. Người Việt tại Mỹ có quyền thừa hưởng các chương trình ấy để an cư, lạc nghiệp và trước mắt là chu toàn giáo dục cho con em. Muốn vậy thì phải qua một số thủ tục và trước tiên phải có mặt, tức là tiếp xúc với giới chức hữu trách.

Vì vậy, tôi tin là trong những ngày tới, việc cứu sống và cứu đói sẽ dời trọng tâm vào việc hướng dẫn nạn nhân giải quyết các thủ tục cần thiết để hòa vào dòng chính lưu, vào tập thể nạn nhân bão lụt, hầu sớm có phương tiện lập lại sự nghiệp. Đây cũng có thể là dịp cho nhiều ngư dân đổi nghề, nếu cộng đồng tìm ra cơ hội, giải pháp và vận động chính quyền giúp họ sớm thành công trong giai đoạn chuyển tiếp./.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.