Thở ra tham nhũng
2005.09.27
Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
Trong thời gian qua, dư luận Việt Nam bàn tàn nhiều về dự thảo Đạo luật Chống tham nhũng, và mới nhất vào hôm Thứ Sáu tuần qua là một bài góp ý của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt về đề tài này. Diễn đàn Kinh tế xin trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về vấn đề trên qua chương trình chuyên đề hàng tuần do Việt Long thực hiện sau đây.
Tham nhũng
Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, tham nhũng là vấn đề đang gây sôi nổi tại Việt Nam, chúng tôi xin đề nghị là tuần này chúng ta sẽ đề cập tới vấn đề trên, trước tiên là qua khía cạnh kinh tế rồi đến nhiều khía cạnh khác mà ông có thể trình bày cho thính giả cùng rõ…
Đáp: Tôi xin thú thật là mình khó nói đến đề tài quá bao quát ấy, vì tại Việt Nam tham nhũng đã thành tự nhiên như bụi bậm trong không khí đến độ người ta thở ra tham nhũng mà không hay.
Thí dụ gần nhất là bài góp ý tuần qua của ông Võ Văn Kiệt về vấn đề này, loại vấn đề mà bản thân ông ta có lẽ biết rõ và nắm chặt hơn ai hết trong thời gian làm Thủ tướng. Bây giờ, vì được yêu cầu phân tách hiện tượng này, tôi xin được phép đi từ chuyện rộng đến hẹp, từ cao xuống thấp, trước khi mình nói đến những việc thiết thực để giải trừ tham nhũng.
Hỏi: Thưa vâng, trước tiên, xin ông cho một định nghĩa về tham nhũng, sau đó ta mới nói đến các đặc tính, điều kiện phát triển, rồi hậu quả và phương cách giải trừ.
Đáp: Tôi xin đề nghị một định nghĩa rộng, mình sẽ điều chỉnh sau cho sát vào từng lãnh vực. Tôi nghĩ rằng "tham nhũng là trục lợi bất chính", tức là nhờ vị trí đặc biệt mà kiếm lợi không chính đáng. Ta có tham nhũng chính trị khi chế độ nắm quyền hoặc cai trị không chính đáng.
Từ tham nhũng chính trị ấy mới dễ nảy sinh tham nhũng tài chính, là hiện tượng mọi người nói tới, qua các biểu hiện như hối mại quyền thế, tức là đổi chác quyền thế lấy bạc tiền, hoặc như cấu kết trong và ngoài chính quyền để chia chác quyền lợi.
Hiểu theo nghĩa rộng như vậy thì xứ nào cũng có thể gặp nạn tham nhũng. Lấy tiền thuế của dân để phục vụ thành phần cử tri hoặc nhóm quyền lợi của mình là loại tham nhũng chính trị phổ biến của xu hướng mị dân tại các xứ dân chủ. Khi thiểu số giàu có tung tiền mua chuộc chính giới để tác động vào luật lệ theo hướng có lợi cho họ thì đấy cũng là tham nhũng chính trị đi cùng tham nhũng tài chính.
Vì vậy, sự đổi chác ngấm ngầm giữa quyền lực và quyền lợi là loại tham nhũng phổ biến ở mọi nơi, nhưng còn có thể bị dư luận và luật pháp ngăn ngừa, nếu dư luận có tự do và luật pháp có khả năng cưỡng hành, là điều Việt Nam chỉ có trên giấy.
Tham nhũng tại Việt Nam
Hỏi: Suy từ định nghĩa bao quát ấy vào Việt Nam, ông nghĩ thế nào về tham nhũng ở xứ này?
Đáp: Tôi xin đi từ trên xuống. Khi lãnh đạo Việt Nam khẳng định rằng "đảng Cộng sản Việt Nam là người tổ chức ra mọi thắng lợi cho dân tộc Việt Nam" và vì vậy có quyền lãnh đạo mà không ai được bàn cãi thì đấy là nạn tham nhũng chính trị khủng khiếp nhất. Đó là mẹ đẻ của mọi loại tham nhũng, là sự bất chính cho phép nảy sinh mọi sự bất chính, là cái gốc của tham nhũng tài chính mà không cơ chế hay hình thức pháp lý nào ngăn ngừa được.
Ở cấp thấp hơn, nếu nhìn vào thực tế của lợi tức thì công nhân viên chức nhà nước nào mà đi xe hơi và ăn tiệm ở ngoài, chưa nói đến việc cho con học trường tư hoặc du học nước ngoài, thảy đều phải tham nhũng, vì đồng lương của họ không thể nào cho phép nếp sống ấy. Nhưng, đấy lại là hiện tượng phổ biến, hầu như được mọi người chấp nhận và bắt chước.
Ta không thể đơn giản phê phán nếp sinh hoạt ấy mà phải phăng lên cái cơ chế chính trị và chính sách quản lý đã sản sinh ra nghịch lý đó vì nó mặc nhiên bình thường hóa nạn tham nhũng khiến người ta không coi là xấu nữa. Từ đấy, tham nhũng mới thành tự nhiên như hơi thở và khó diệt trừ. Khi tham nhũng đã thành một thuộc tính của xã hội mà đảng kêu gọi chống tham nhũng thì cũng chỉ là năm năm lại diễn cho vui, trong mùa chuẩn bị đại hội, tới khóa sau lại diễn nữa.
Hỏi: Ông có vẻ đặc biệt bi quan, chứ quốc tế đánh giá Việt Nam ra sao về tham nhũng?
Đáp: Theo quốc tế, Việt Nam vẫn thuộc loại bị tham nhũng nặng ở châu Á. Tuy nhiên, quốc tế cứ hay "đánh bùn sang ao" vì loay hoay chạy từ nguyên nhân này qua lý do nọ. Các định chế viện trợ quốc tế thường gặp cảnh đó vì khó nói thẳng vào cái gốc của vấn đề tại các nước nghèo, chung cuộc thì cũng lại đề nghị cải tổ hành chính hay cải cách luật lệ mà không kết quả.
Thí dụ là nhân hội nghị thường niên của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cuối tuần rồi, ta biết là 30 năm qua, thế giới đã viện trợ 450 tỷ Mỹ kim cho các nước Phi châu. Vậy mà ngày nay số lợi tức bình quân một đầu người ở đấy lại thấp hơn vào cuối thập niên 60, và gần 40% tài sản từ các xứ miền Nam Sahara bị tẩu tán ra ngoài thay vì đầu tư tại chỗ.
Theo khảo sát của Đại học Massachusetts thì số tài sản tẩu tán từ 30 nước miền Nam Sahara trong giai đoạn từ 70 đến 96 đã tới gần 190 tỷ Mỹ kim, cao hơn số ngoại trái là nợ nước ngoài của các nước này. Đây là hậu quả đáng sợ của tham nhũng khiến Phi châu đang là mối nhục và nỗi lo của nhân loại. Việt Nam rồi cũng không khác và nói về tẩu tán tài sản thì đã đi nhanh hơn Phi châu.
Nguyên nhân
Hỏi: Theo ý ông, vì sao mà tham nhũng lại dễ hoành hành như vậy tại Việt Nam?
Đáp: Theo thiển ý, tham nhũng nảy sinh mạnh tại Việt Nam cũng vì hàng loạt lý do sau đây, tôi xin tạm gom thành sáu loại.
Thứ nhất, vì tham nhũng chính trị là mẹ đẻ của mọi loại tham nhũng nên tham nhũng mới dễ nảy sinh trong một hệ thống cai trị bất lương hay bất chính. Chế độ độc tài -thiếu dân chủ- hay chuyên quyền -vì quyền lực được tập trung vào một thiểu số - là mụ đỡ cho tham nhũng.
Thứ hai, vì tham nhũng là sự toa rập ngấm ngầm giữa đặc quyền với đặc lợi nên tình trạng thiếu minh bạch mới tạo hoàn cảnh cho tham nhũng. Thiếu minh bạch là khi chính quyền không công khai hóa các quyết định và dân chúng không có tự do ngôn luận, tự do báo chí .
Thứ ba, tham nhũng được bình thường hóa, thậm chí còn có vẻ chính đáng, khi công bộc nhà nước lãnh lương chết đói mà lãnh đạo ở trên có đầy dịp khai thác tài nguyên quốc gia. Vì ít cơ hội làm giàu chính đáng nên công chức phải nắm chặt lấy con dấu, để đổi quyền thành tiền.
Thứ tư, tham nhũng hoành hành khi người dân không rõ về quyền hạn của mình, ù lì không dám phản ứng, hoặc chẳng biết phản ứng thế nào. Dân trí thấp và dân khí yếu là dễ sinh tham nhũng, thí dụ như người chống tham nhũng bị kẻ tham nhũng bỏ tù mà dư luận cứ thờ ơ.
Thứ năm, tham nhũng khó chặn vì sự yếu kém của pháp quyền nhà nước và sự thô thiển của hạ tầng luật pháp. Đây là đề mục ăn khách của các lý thuyết gia quốc tế, chứ khi đảng ra nghị quyết hay ký pháp lệnh để giành độc quyền chống tham nhũng thì đấy chính là tham nhũng.
Thứ sáu, tham nhũng sẽ ăn sâu vào xã hội khi người dân không có quyền, xã hội công dân không phát triển, tư doanh không thể cạnh tranh bình đẳng mà phải toa rập hoặc luồn lách với tay chân nhà nước. Nhà nước lắm quyền hơn dân là tham nhũng sẽ trở thành miên viễn.
Hỏi: Ở trên ông có nói rằng xứ nào cũng có thể gặp tham nhũng, kể cả các nước dân chủ, như vậy, phải chăng là hậu quả tham nhũng dù sao cũng không đến nỗi khủng khiếp nguy ngập?
Đáp: Người khoẻ mạnh thì khó chết vì cảm cúm, kẻ suy yếu mà bị cảm là dễ thành lao. Với nước nghèo yếu thì tham nhũng làm lệch lạc tiến trình phát triển, nó điều hướng tài nguyên quốc gia vào khu vực kém giá trị kinh tế nên cản trở việc xoá đói giảm nghèo, gây bất công xã hội, bất công cho giới bần cùng và tư doanh, là thành phần có thể làm giàu cho xứ sở.
Từ kinh tế lên chính trị, tham nhũng làm rữa nát hệ thống cai trị. Qua đến văn hóa thì nó làm người dân mất nhân cách và tự tin, nhất là sự tự tin. Hậu quả là tham nhũng kéo dài tình trạng chậm tiến của các nước nghèo, làm các xứ này dễ mất chủ quyền khi vận mệnh người dân lại do xứ khác định đoạt mà người dân không biết.
Giải pháp chống tham nhũng
Hỏi: Bây giờ, ta bước qua phần kê toa bốc thuốc, tức là tìm giải pháp chống tham nhũng. Ông nghĩ sao về những việc cần làm và có thể làm được để chống tham nhũng?
Đáp: Nói cho gọn thì có hai điều kiện tiên quyết về nguyên tắc là giải trừ ách độc tài và đồng thời phát huy ý thức tham gia của người dân. Xuất phát từ hiện tượng tham nhũng chính trị, ta có thể nói là một chế độ dân chủ vẫn còn có khả năng bị tham nhũng, chứ một xứ độc tài chắc chắn là bị nạn tham nhũng.
Do đó, việc giải trừ tham nhũng cần bắt đầu bằng giải trừ độc tài, là điều người dân trong nước phải tự lo lấy, chứ chẳng thể trông cậy gì vào quốc tế. Hãy nhớ đến 30 năm viện trợ cho Phi châu, đa số là độc tài, với biết bao tiền bạc và khuyến cáo của quốc tế mà vẫn gặp kết quả ấy thì mình biết.
Nhưng giải trừ ách độc tài là điều kiện cần thiết mà chưa ắt đủ để chống tham nhũng. Cùng với việc giải trừ - và là tiền đề cho việc xây dựng dân chủ về sau - ta cần phản ứng tích cực của người dân, nam như nữ. Đó là dân cần tham gia, tìm hiểu và vận động để chính quyền phải chịu trách nhiệm và giải trình mọi việc cho mình biết. Khi chế độ độc tài bắt đầu phải giải thích trước sự đàn hặc của quần chúng thì ta chưa có dân chủ ngay đâu, nhưng ít ra cũng giảm được tham nhũng.
Vì vậy, cần đòi hỏi sự minh bạch từ chính quyền và quyền tự do thông tin của báo chí và dư luận, kể cả dư luận của giới dân cử trong Quốc hội. Nói tóm lại thì giải ách độc tài là việc cần làm, nhưng tham gia vận động là việc có thể làm được, từ lúc này.
Hỏi: Từ hai việc có tính chất nguyên tắc ấy đi vào loại biện pháp cụ thể khả dĩ áp dụng ngay thì người ta còn những gì nên thi hành để diệt trừ tham nhũng?
Đáp: Tôi cho là cũng về nguyên tắc thì phải hồi phục và phát huy xã hội công dân, hay xã hội dân sinh tùy lối gọi, phải tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng cho tư doanh, xây dựng loại cơ chế có khả năng giới hạn và kiểm soát vai trò của chính quyền và tăng cường khả năng quản trị của khu vực công quyền. Đây là loại chương trình hành động mà một chính quyền có thực tâm chống tham nhũng phải áp dụng, loại hòn đá thử vàng để suy xét thiện chí của chính quyền.
Đi vào cụ thể thì ta cần trước tiên minh bạch hóa mọi chuyện. Càng công khai hoá là càng tránh được chuyện khuất tất. Thứ nhất, phải kê khai tài sản của viên chức chính quyền và thân nhân, trong đảng, nhà nước, tòa án. Thứ hai, phải công khai hóa nội dung các buổi họp, các cuộc thảo luận hay văn kiện sẽ trở thành luật, để dân biết là ai nói gì, làm gì, đảng và nhà nước muốn những gì về cuộc sống người dân.
Thứ ba, phải thẩm xét lại hệ thống luật lệ hiện hành và các dự luật đang được bàn cãi, để xem có mâu thuẫn về quyền lợi hay không: ai có lợi, ai bị thiệt, vì sao, là những chi tiết công chúng phải được biết. Thứ tư, phải chấm dứt chế độ cùm mồm báo chí và kiểm soát Internet để truyền thông có thực quyền về thông tin và tư nhân được tự do về ngôn luận.
Thứ năm, phải công khai hóa ngân sách quốc gia, từ các khoản chi cho địa phương đến các khoản thu từ đầu tư của nước ngoài - thí dụ như hoa lợi về xuất khẩu dầu khí hay điện lực chẳng hạn. Chủ quyền quốc gia hay sự công bằng với các địa phương nghèo túng có thể được thấy phần nào từ những thông tin này….
Kết luận của tôi là tham nhũng có thể làm ta mất nước vì một thiểu số có thể lũng đoạn quốc gia và rốt cuộc lại rơi vào vòng khuynh đảo của nước ngoài mà người dân không được biết.
Các tin, bài liên quan
- Liệu có giải pháp nào để đối phó với tình trạng tham nhũng tại Việt Nam?
- Dự thảo luật chống tham nhũng của Việt Nam theo nhận xét của một thanh niên Hà Nội
- Phân phát gạo mốc cho người dân, ban lãnh đạo vẫn được hưởng án treo
- Mức lương tối thiểu tăng không theo kịp vật giá thị trường
- Ước mơ mua nhà trong nước của Người Việt hải ngoại vẫn còn nhiều trở ngại
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 22-9-2005)
- Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về tình trạng tham nhũng hiện nay(IV)
- Bầu cử và Cải cách Kinh tế
- Hà Nội: hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong các công trình nhà chung cư
- RFA phỏng vấn tiến sĩ Lê Đăng Doanh về tiến độ phát triển của Việt Nam
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 15-9-2005)
- Việt Nam cần nổ lực hơn trong công tác xoá đói giảm nghèo
- Việt Nam là một trong 12 nước cải tổ nhanh nhất trong năm qua
- Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về tình trạng tham nhũng hiện nay(III)
- Thuyền nhân và Bão lụt
- Tây Ninh: Thu hồi đất của dân chia cho các quan chức trong Tỉnh
- Thu tiền nước sạch, bán nước bẩn: Trách nhiệm của Tổng công ty cấp nước ra sao?
- Cựu Thứ trưởng thương mại Mai văn Dâu khai nhận hối lộ 6.000 đôla
- Phỏng vấn ông Arunabha Ghosh của UNDP về tình hình phát triển tại Việt Nam
- Việt Nam khó có thể gia nhập WTO vào cuối năm nay
- Tình trạng bán, cá độ bóng đá tại Việt Nam
- Thi cử ở Đà Lạt: nhất thế nhì tiền
- Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về tình trạng tham nhũng hiện nay(II)
- Hiệu ứng Katrina
- 5 viên chức cấp huyện bị khởi tố về tội tham ô trong các chương trình trợ giúp người nghèo