Phim Mùa Len Trâu và đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh
2006.05.23
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Trong hai ngày cuối tuần vừa qua, cư dân ở vùng Hoa Thịnh Đốn đã có dịp thưởng lãm bộ phim Mùa Len Trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, là cuốn phim đầu tay và đã đoạt rất nhiều giải thưởng quốc tế, như giải phim hay nhất tại liên hoan phim quốc tế Palm Spring, giải Đạo Diễn Mới Xuất sắc tại đại hội điện ảnh quốc tế ở Chicago, giải đặc biệt về Môi Sinh ở đại hội điện ảnh Locarno -Thụy Sĩ.

Mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này xin dành để nói đôi chút về đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh và cuốn phim Mùa Len Trâu.
Thưa quí vị, những âm thanh mà quí vị vừa nghe đó chính là âm thanh trong cuốn phim Mùa Len Trâu. Lấy cảm hứng từ trong tập truyện ngắn Hương Rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã viết thành kịch bản và đổ rất nhiều công sức để hoàn thành cuốn phim này.
Theo lời anh cho biết, tiếng “len ”, nguyên thuỷ của gốc tiếng Khmer có nghĩa là thả về thiên nhiên, nhưng đối với người dân đồng bằng sông Cửu Long có nghĩa là lùa trâu lên vùng đất cao hơn trong mùa nước lụt. Nội dung cuốn phim có những tình tiết phức tạp, trong đó nổi bật lên tình người, sự yêu thương và tha thứ. Đặc biệt, mô tả cuộc sống vô cùng cơ hàn của những người dân Nam Bộ thuở khai hoang.
Từ nhà khoa học trở thành đạo diễn
Được biết, đối với Nghiêm Minh, đạo diễn không phải là nghề chính của anh. Sinh ra và lớn lên ở Vũng Tàu. Sau khi tốt nghiệp trung học, anh sang Pháp du học năm 1974 và sau đó chuyển qua Mỹ, tốt nghiệp tiến sĩ Vật Lý tại trường đại học Univeristy California of Los Angles. Cùng vợ, là một bác sĩ, và hai con đang sống rất hạnh phúc ở miền Nam California, hiện nay, anh chỉ còn dậy học bán thời gian ở một trường đại học gần nhà và dành hết thời gian cho điện ảnh. Vì sao đang là một nhà khoa học, anh lại trở thành đạo diễn như thế, anh tâm sự:

“Một kinh nghiệm đã xảy ra cho tôi trong thời ấu thơ, đã để lại trong tôi thật mạnh và một trong những động lực mà tôi đi vào ngành điện ảnh từ khoa học. Lúc đó tôi ở Vũng Tàu, bên ngoài thành phố có một sân bay, có rất nhiều trận đánh nhau khốc liệt, phi đạn pháo kích rớt vào thành phố.
Đối vối một đưá trẻ 10 tuổi thì đó là một cái gì đó rất ghê rợn. Và lúc đó, ba mẹ tôi là quản lý cho một rạp hát nhỏ, tôi lén vào xem phim một cách dễ dàng, và thế là điện ảnh là một lối thoát cho tôi ra khỏi sự bạo tợn của chiến tranh. Dần dà, nó như một cửa sổ mở rộng cho một đưá bé thấy được thế giới bên ngoài và nó để lại ấn tượng trong tôi.
Nhưng khi lớn lên, tôi lại đam mê về khoa học và tôi làm việc trong ngành vật lý rất nhiều năm trời. Bỗng dưng trong một giây phút nào đó, điện ảnh trở lại đối với tôi và thúc dục tôi đi vào ngành này sau rất nhiều năm xa cách. Cách làm việc cũng không khác nhau bao nhiêu, vì tôi làm trong ngành vật lý thì tôi làm về nghiên cứu quang học.
Tôi luôn luôn tìm phương thức mới để làm việc một cách hiệu quả hơn, nên khi tôi làm việc với điện ảnh, tôi cũng làm việc với tinh thần như thế. Có nghĩa là luôn tìm những ngôn ngữ mới, những ngữ vựng mới để kể một câu chuyện bằng hình ảnh. Tôi luôn luôn cố gắng, còn thành công hay không là một chuyện khác.”
Truyện Hương Rừng Cà Mau
Thưa quí vị và các bạn, thật là thú vị, khi bắt đầu nghĩ đến viết truyện phim, bỗng dưng, đạo diễn Nghiêm Minh lại nhớ đến tập truyện Hương Rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam mà anh đã được đọc khi còn học ở trường trung học Vũng Tàu, anh kể lại:
“Khi tôi học ở trung học Vũng Tàu thì tôi may mắn được đọc tác phẩm này, nhưng trong nhiều năm, tôi cũng quên mất tác phẩm này. Tuy nhiên, trong tiềm thức của tôi có hai truyện ngắn: Một Cuộc Biển Dâu và Mùa Len Trâu là còn ám ảnh trong đầu óc của tôi, nên khi làm phim đầu tiên, không biết vì lý do gì hai truyện ngắn này đã trở lại với tôi.
Khi ngồi viết kịch bản, dần dà, tôi mới khám phá ra rằng, nhà văn Sơn Nam đã có ngụ ý khi viết hai truyện này, càng ngày tôi càng khám phá ra cái ẩn dụ. những cái lớp đã gói ghém dưới hai câu chuyện của Sơn Nam.
Tôi cảm thấy là trong hai câu chuyện đó cũng như phim Mùa Len Trâu, nhân vật chính là nước luôn luôn hiện hữu. Trong văn hóa Việt Nam cũng như văn hóa các nước khác, nước luôn luôn là biểu hiện cho sự sống. Do đó, khi làm phim Mùa Len Trâu, tôi lại không muốn nó biểu hiện bình thường như trong văn chương, nên nước trong phim kết hợp với sự chết và sự mục rữa.
Tôi cảm thấy là trong hai câu chuyện đó cũng như phim Mùa Len Trâu, nhân vật chính là nước luôn luôn hiện hữu. Trong văn hóa Việt Nam cũng như văn hóa các nước khác, nước luôn luôn là biểu hiện cho sự sống. Do đó, khi làm phim Mùa Len Trâu, tôi lại không muốn nó biểu hiện bình thường như trong văn chương, nên nước trong phim kết hợp với sự chết và sự mục rữa.
Nhưng, từ môi trường chết và mục rữa này, người dân mới có luá gạo và tôm cá, là hai nguồn thực phẩm quan trọng nhất. Cho nên, nước trong Mùa Len Trâu là biểu hiện hỗn hợp của sự sống và sự chết, hai yếu tố đối kháng không thể tách rời nhau ra được. Đó là lý do chính tôi đã thực hiện phim Mùa Len Trâu.”
Các nhân vật trong phim
Đối với Nghiêm Minh, các nhân vật trong truyện phim phải được dựng nên thật đặc biệt, vì thế anh cho rằng:
“Câu chuyện đối với tôi không phải là quan trọng nhất, chỉ là cái cớ để mà có tác phẩm làm về điện ảnh. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là các nhân vật không có giá trị gì, ngược lại, nó phải rất sống động và chân thật, phải có tất cả chiều sâu thì người xem mới rung động được và có thể giao hưởng với những lớp ẩn dụ mà người làm phim gói ghém.
Trong phim, tôi muốn kết thúc phải được mở ra để người xem phim có thể hiểu nhiều cách khác nhau, không có cách nào đúng với cách nào cả. Tôi hy vọng là khi thưởng thức một tác phẩm điện ảnh, thì sẽ có cái cửa mở rộng để người xem có thể cùng vào, cùng sáng tạo với người làm phim, làm nghệ thuật, chứ không thể chỉ là tiếp nhận một cách thụ động.”
Ngoài ra, trong phim Mùa Len Trâu, có 3 phụ nữ, không hề có trong truyện, điển hình cho 3 hoàn cảnh khác nhau. Một bà mẹ nuôi đầy tính toán và cuối cùng bỏ xứ ra đi, một bà già tốt bụng, hy sinh cuối cùng chết trong thế giới của riêng mình, một thiếu phụ trẻ quyết định ra đi để tìm một lối thoát mới. Nguyên nhân vì sao anh lại dựng lên ba nhân vật nữ như thế? Anh cho biết:
“Ba nhận vật nữ này thể hiện 3 tính cách khác nhau của người phụ nữ trong một xã hội hoàn toàn bị kềm kẹp, đè nén bởi những người đàn ông và người đàn bà họ có những chiến thuật khác nhau để tiếp tục sống trong một khung cảnh không gian hết sức khắc nghiệt.”
Khi hỏi anh có gặp khó khăn và thuận lợi gì khi làm phim ở Việt Nam, anh nói:
“Chúng tôi gặp nhiều khó khăn,vì là Việt kiều về nước làm việc, như cách làm việc khác nhau, phải thích ứng vào những thủ tục mà chúng tôi phải đi theo. Nhưng khó khăn quan trọng hơn hết là phải quay phim trong mùa nước nổi, làm việc trên xuồng bè, lúc nào cũng lắc lư, cơn bão có thể đến bất cứ lúc nào…và phải làm việc với hơn 300 con trâu, có hai diễn viên thiếu nhi…tất cả những điều đó đã gây ra khó khăn hết sức cho chúng tôi về kỹ thuật, máy móc bị hư, đèn đuốc bị hư…
Mỗi lần quay là phải có người chèo ghe ra, điều chỉnh đèn cũng rất khó khăn, mặt nước không cố định…Về thuận lợi, tôi được làm việc trên mùa nước nổi, trước một cảnh trời nước mênh mông, không những cho tôi mà còn cho các diễn viên, do đó, khi ra đến hiện trường, tự nhiên chúng tôi có một cảm xúc rất mạnh trong long, và các diễn viên có thể nhập vai được dễ dàng hơn…và nó làm cho các hình ảnh, các nhân vật sống động hơn, thực tế hơn.”
Tham gia các giải Liên hoan phim quốc tế

Thưa quí vị và các bạn, được biết, phim Mùa Len Trâu được thực hiện với sự hợp tác của 3 B của Pháp, hãng Novak của Bỉ và hãng phim Giải Phóng hợp tác sản xuất. Một điều rất thú vị là khi đi tranh giải ở các liên hoan phim quốc tế như ở Pháp, Mỹ, Brazil, Switzerland, South Africa, phim Mùa Len Trâu luôn luôn đụng đối thủ là phim Tostsi của Nam Phi.
Và lần chạm trán gay gắt nhất là lần tham dự giải Cape Town World Cinema Festival ngay trên lãnh thổ nhà của phim Tostsi, tức Nam Phi, nhưng cuối cùng ban giám khảo đã lựa Mùa Len Trâu để trao giải đạo diễn xuất sắc nhất.
Sau đó, phim được mời trong 50 cuốn phim trên toàn thế giới để tham dự giải Oscas ở Hollywood -dành cho phim tiếng nước ngoài hay nhất trong kỳ đại hội điện ảnh lần thứ 78 vừa qua. Tiếc thay, vì cách tổ chức của giải Oscar hoàn toàn khác với những nơi khác nên phim Mùa Len Trâu đã không vào được vòng bán kết. Trong khi đó, khi tranh giải tại liên hoan phim quốc tế Palm Springs, cũng ở Hoa Kỳ vào tháng giêng năm 2006, thì phim được chiếm giải phim hay nhất trong năm qua. Về điểm này, anh cho hay: “Ban giám khảo của Oscar khi làm việc họ chia ra 5 nhóm nhỏ, mỗi nhóm chỉ xem 10 phim và mỗi nhóm đó họ lựa ra một phim cho là hay nhất, từ đó họ cho vào vòng bán kết, nên nhiều người giám khảo họ đã được xem qua phim Mùa len Trâu, họ rất muốn lưạ vào nhưng phim Mùa Len Trâu lại không có trong nhóm của họ, thành ra, họ không lựa chọn được.
Đó là cách làm việc rất kỳ quái và nhiều người đã phê bình ban tổ chức Oscar về vấn đề này, nhưng ban tổ chức rất cứng đầu, đã không thay đổi cách làm việc và đã xảy ra chuyện như vậy. Tuy nhiên, đối với tôi, nó không làm cho tôi bực mình vì đó là thực tế như vậy rồi. Phim Mùa Len Trâu đã được nhiều giải thưởng trong liên hoan phim quốc tế, và nó nặng tính chất giá trị nghệ thuật hơn.”
Đơn giản, nhưng cảm động
Thưa quí vị và các bạn, một thanh niên tên Huy, sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ, hiện đang theo học ngành xã hội ở Washington DC, coi phim Mùa Len Trâu xong, phát biểu bằng tiếng Anh, Phương Anh xin phép được chuyển dịch qua giọng đọc của Gia Minh:
“Cuốn phim rất đơn giản, nhưng rất cảm động. Tôi là một thanh niên lớn lên ở Hoa Kỳ. Tôi không hiểu về lịch sử Việt Nam thời bấy giờ, nhất là dưới thời Pháp đô hộ Việt Nam. Cho nên, thật là thích thú khi được cuốn phim về miền quê Việt Nam và thật là cảm động. Cuốn phim thật hay quá.
Tôi nghĩ rằng tôi đã có cơ hội hiểu thêm về văn hoá Việt Nam vì trong phim đã thể hiện rất nhiều vấn đề về nét văn hoá và bản sắc của dân tộc Việt Nam, chẳng hạn như tôn kính người già, chẳng hạn như trong gia đình có những sai lầm, nhưng sự kính trọng và thương yêu cha mẹ phải đặt trên hết mọi thứ.
Ba nhận vật nữ này thể hiện 3 tính cách khác nhau của người phụ nữ trong một xã hội hoàn toàn bị kềm kẹp, đè nén bởi những người đàn ông và người đàn bà họ có những chiến thuật khác nhau để tiếp tục sống trong một khung cảnh không gian hết sức khắc nghiệt.
Đó là những gì tôi học được từ cuốn phim này. Chắc chắn là tôi sẽ giới thiệu cuốn phim này cho các bạn cùng lứa tuổi với tôi xem nữa và tôi cũng mong là các bạn trẻ nên đi xem để có thể hiểu được cha ông chúng ta từ đâu đến, những di sản của cha ông ta để lại, nhất là những gì cha ông chúng ta đã phải trải qua…”
Và cũng được biết, khi cuốn phim được trình chiếu ở Hà Nội vào năm ngoái, anh Thắng, một người đang làm việc trong ngành truyền thông ở Việt Nam, đã có dịp xem qua, phát biểu:
“Tôi đã xem cuốn phim hai lần trong vòng một tuần, tôi nghĩ là nếu tôi có cơ hội thì tôi sẽ đi xem nữa. Nói một cách thật ngắn gọn, mùa len trâu cho tôi nhận diện một gương mặt của quê hương và hơn thế nữa, nhận diện tình người. Đến những rạp chiếu phim ở Việt Nam, quả thật chất lượng khán giả đến với điện ảnh không nhiều.
Nhưng hôm đó, tôi đi mua vé xem, người có khoảng 2/ 3 rạp và đặc biệt nhất là không có ai bỏ về cho đến giờ phút cuối cùng, khi đèn bật sáng. Khi xem xong tôi thấy buồn, một nỗi buồn nó không quá mạnh mẽ cho người ta khóc, nhưng cái buồn rất thi vị. Đây là lần đầu tiên tôi được xem một tác phẩm điện ảnh về những người nông dân Nam Bộ chân chất.
Họ là những người đi mở đất và phải đối mặt rất nhiều với gian nan thử thách, và cực kỳ dũng cảm…Thậm chí có một chút máu giang hồ nhưng mới có thể sống được và chiến thắng được thế lực của thiên nhiên, nhưng đó chính là nhờ tình người, tình yêu thương đồng loại…Trong sâu thẳm mỗi nhân vật như thế có trái tim nhân hậu và có tâm hồn rộng mở, như trời cao đất rộng.”
Thưa quí vị và các bạn, thật là một niềm tự hào cho Việt Nam nói chung và cộng đồng người Việt ở hải ngoại nói riêng. Đã từ lâu, thật khó tìm được một cuốn phim nào về đề tài miền Nam mà được khán giả cũng như giới chuyên môn đánh giá cao như thế.
Theo lời đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, sau bộ phim này, anh đang dự định thực hiện cuốn phim thứ hai sẽ quay ở Los Angeles, California. Mong rằng chúng ta lại được thưởng thức một tác phẩm điện ảnh rất nghệ thuật khác cũng không kém gì Mùa Len Trâu.
Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.
Những bài liên quan
- Làm thế nào để ngăn chận nạn buôn người ở Việt Nam?
- Tình trạng của các nạn nhân buôn người ở một số quốc gia
- Nạn trẻ em mại dâm ở Việt Nam
- Nghĩa trang Đồng Nhi ở Nha Trang
- Trung tâm massage của người khiếm thị ở Sài Gòn
- Hà Nội ngày nay: Các quan chức và những cô “con nuôi”
- Nhóm Xướng Nghĩa Nhân Đạo
- Lớp học tình thương ở Vạn Đò, Kim Long, Huế
- Trung Tâm Phân Tích ADN và công nghệ di truyền ở Việt Nam
- Phố “Tây Ba Lô” ở Sài Gòn (phần 2)
- Phố “Tây Ba Lô” ở Sài Gòn (Phần 1)
- Xem bói ngày Tết
- Biếu xén trong dịp Tết của người Việt ở trong nước
- Người nghệ sĩ chơi đàn Hạ Uy Cầm ở Phố cổ Hội An
- Lễ Giáng Sinh tại trại cùi Quả Cảm ở tỉnh Bắc Ninh- Việt Nam
- Tình trạng buôn bán phụ nữ Việt Nam ở Đông Âu (II)
- Tình trạng buôn bán phụ nữ Việt Nam ở Đông Âu
- Lớp Văn Hoá Việt Nam cho các sinh viên Mỹ tại trường Đại Học Cần Thơ
- Phỏng vấn bà Khúc Minh Thơ về chương trình HR 2005
- Cuộc triển lãm tranh “Hồn Việt: Transcending Traditions”