Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
Đang có những dấu hiệu cho thấy Washington có thể thay đổi chính sách tại Iraq. Dấu hiệu thứ nhất là chính Tổng thống George W. Bush tuyên bố ông muốn nghe ý kiến của tất cả mọi phía trước khi quyết định xem chính sách của Hoa Kỳ tại Iraq cần phải thay đổi thế nào.

Lời phát biểu này của ông được đưa ra khi ông trở lại Washington sau chuyến di Trung đông. Tại đó, ông gặp Thủ tướng Nuri AL-Maliki của Iraq. Trong cuộc hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Bush cam đoan sẽ hỗ trợ mạnh mẽ chánh phủ Baghdad trong những ngày tới. Công việc mà hai nước cần xúc tiến ngay là ráo riết huấn luyện lực lượng an ninh và quân đội Iraq.
Dấu hiệu thứ hai là lời tuyên bố của ông Stephen Hadley, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ đưa ra hôm chủ nhật. Ông Hadley nói là Tổng thống Bush sẽ loan báo chính sách của Hoa Kỳ với Iraq trong một tương lai rất gần.
Vẫn theo cố vấn an ninh quốc gia Hadley thì Tổng thống Bush sẽ không đặt vấn đề triệt thoái quân nhân Mỹ khỏi mặt trận Iraq. Ông nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ chưa thất bại ở Iraq, nhưng Hoa Kỳ sẽ thất bại tại đó nếu rút quân trước khi có thể giúp người Iraq thành công trong việc ổn định đất núơc của họ. Và ông Hadley cũng nói rằng Tổng thống biết là Hoa Kỳ phải có một đường lối để tiến tới ở Iraq sao cho có hiệu quả hơn. Ông còn tiết lộ rằng Tổng thống Bush đồng ý với một số đề nghị mà cựu tổng trưởng quốc phòng đưa ra hai ngày trước khi ông này từ chức hồi thượng tùân tháng trước. Bản đề nghị ấy nói Hoa Kỳ cần thay đổi mạnh chính sách với Iraq chẳng hạn như rút quân khỏi những vùng dễ bị tấn công và chuyển quân đội trú đóng thành lực lượng phản ứng nhanh.
Dân biểu Dân Chủ John Murtha thuộc bang Pensylvania, là người sẽ là chủ tịch uỷ ban chuẩn chi quốc phòng Hạ Viện thì tuyên bố mới đây rằng, chính sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Iraq đã khiến khủng bố gia tăng, vì mục tiêu mà phe nổi dậy muốn tấn công là người Mỹ, vốn bị xem là những kẻ khiêu khích.
Và ông cũng cho là Hoa Kỳ phải triển khai lại lực lượng đang có mặt tại Iraq theo một phương cách khác, mà ý kiến của cựu tổng trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld là một hướng.
Cũng phải nói đến cuộc tiếp xúc quan trọng ngày hôm thứ hai tại Washington giữa Tổng thống Bush với ông Abdul Aziz Al Hakim, lãnh tụ uy tín của Hồi giáo Shiites, chứng tỏ ông Bush đặc biệt quan tâm đến tình hình chính trị nội bộ Iraq, trong nỗ lực tìm kiếm một chiến lược mới cho chính sách của Mỹ tại Iraq. Ông Akim là lãnh tụ của tổ chức “Hội đồng tối cao Cách Mạng Hồi giáo,” đang chiếm đa số ghế tại quốc hội Iraq.
Cuộc gặp gỡ diễn ra chỉ hai ngày trước khi ông Bush dự trù nhận được phúc trình từ nhóm nghiên cứu Iraq do cựu ngoại trưởng Mỹ James Baker phụ trách, bao gồm 10 thành viên. Theo những tin tức được tiết lộ, thì nhóm nghiên cứu đề nghị hành pháp đẩy mạnh công cuộc vận động ngoại giao kể cả việc đối thoại với Iran và Syria, tuy nhiên thời điểm rút quân Mỹ khỏi Iraq chưa được nói tới.
Sau hết là cụôc gặp gở giữa Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush với Thủ tướng Anh Tony Blair dự định diễn ra vào ngày thứ năm, một ngày sau khi nhóm nghiên cứu Iraq nộp phúc trình của họ, bản phúc trình được chờ đợi từ lâu.
Sau khi có trên 2900 binh lính Mỹ hy sinh tại mặt trận Iraq, dư luận Hoa Kỳ đặt vấn đề với hành pháp là phải có kế hoạch rút quân một cách cụ thể. Hiện có 140 ngàn quân nhân Mỹ tham chiến tại đây.
Tuy nhiên theo giới quan sát thời cuộc quốc tế thì một khi quân đội Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Iraq, những vụ xung đột đẫm máu giữa các phe nhóm và sắc tộc thù nghịch sẽ trầm trọng hơn.