Tổng Thống Bush chọn ông Jon Bolton làm Ðại Sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc.
2005.08.02
Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Bấp chấp sự phản đối của Thượng Viện Liên Bang, sáng hôm qua tại Washington, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đã chính thức thông báo quyết định chọn ông John Bolton làm Ðại Sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc.
Lên tiếng trong cuộc họp báo ngắn diễn ra tại Nhà Trắng, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush nói rằng ông quyết định chọn nhà ngoài giao kỳ cựu này làm đại diện cho quốc gia tại Liên Hiệp Quốc.
Không thể để trống chức vụ
Theo lời Tổng Thống Hoa Kỳ, chức đại sứ ở Liên Hiệp Quốc là một chức rất quan trọng, không thể tiếp tục để trống như vậy nữa, đặc biệt là trong thời gian chiến tranh đang xảy ra và Liên Hiệp Quốc sắp sửa bắt đầu cuộc thảo luận quan trọng để cải tổ tổ chức.
Vì thế "Tôi quyết định dùng quyền hạn được hiến pháp cho phép để cử ông Bolton làm đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc."
Tổng Thống Hoa Kỳ nói tiếp: "Tôi chọn ông Bolton làm đại sứ ở Liên Hiệp Quốc với tất cả sự tin tưởng. Trách nhiệm của ông Ðại Sứ là giúp cải tổ Liên Hiệp Quốc, để làm mới lại những mục tiêu cho thế kỷ thứ 21.
Tôi quyết định dùng quyền hạn được hiến pháp cho phép để cử ông Bolton làm đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc.
Ông Ðại Sứ sẽ thay tôi để trình bày quan điểm của Hoa Kỳ về những vấn đề quan trọng của cộng đồng thế giới, và ông đại sứ cũng sẽ đảm bảo rõ nước Mỹ đánh giá tiềm lực của Liên Hiệp Quốc là nền tảng của hy vọng, phẩm giá và hòa bình."
Quyết định được Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush thông báo vào đúng thời điểm Quốc Hội Liên Bang tạm ngưng họp để nghỉ hè, và đúng như vị nguyên thủ đã nói, điều ông làm là điều hoan toàn hợp hiến, vì hiến pháp của nước Mỹ quy định tất cả mọi người được Tổng Thống đề cử vào bất kỳ chức vụ nào đều phải được Thượng Viện thông qua, nhưng đồng thời cũng cho phép Tổng Thống đưa thẳng người được chọn vào chức vụ đã định mà không cần phải đi qua Thượng Viện khi Quốc Hội không nhóm họp.
Những tranh cãi
Năm nay 56 tuổi, ông John Bolton là một nhân vật thuộc phe bảo thủ và đã từng được trao phó nhiều chức vụ quan trọng khác nhau, gần nhất là chức Phụ Tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Ðặc Trách Kiểm Soát Võ Khí Và An Ninh Thế Giới. Trong thời gian đảm nhận chức vụ vừa nói, ông đã nặng lời chỉ trích những quốc gia mà bị Hoa Kỳ liệt vào thành phần các nước gây hấn, như Iran và Bắc Hàn.
Nhưng ông chỉ thật sự được chú ý đến sau khi Washington thất bại trong cuộc vận động Liên Hiệp Quốc ủng hộ trước khi đưa quân vào Irad lật đổ Saddam Hussein, qua lời ông chỉ trích tổ chức quốc tế này, với đại ý rằng trụ sở Liên Hiệp Quốc có mấy chục tầng lầu và nếu có phải đóng cửa một nửa số văn phòng cũng chẳng thiệt hại gì đến ai.
Ông cũng là người cầm đầu cuộc vận động nhằm loại bỏ ông Mohammed El Baradei ra khỏi chức Giám Ðốc Nguyên Tử Năng Quốc Tế, vì ông El Baradei đưa ra những bằng chứng, lập luận, không mấy thuận lợi cho ý định đưa quân đánh Iraq mà Tổng Thống George W. Bush muốn thực hiện.
Chính những lời phát biểu và hành động vừa kể đã khiến ông gặp trở ngại ngay sau Tổng Thống George W. Bush đề cử ông làm đại sứ Liên Hiệp Quốc, cho dù ngay chính các vị Thượng Nghị Sĩ chống đối cũng công nhận ông là một nhà ngoại giao tài ba.
Ảnh hưởng đến quan hệ trong tương lai?
Câu hỏi đầu tiên muốn đặt ra với anh là rõ ràng, Tổng Thống Bush qua mặt Quốc Hội. Liệu điều này có ảnh hưởng gì đến quan hệ tương lai giữa hành pháp và lập pháp Mỹ không?
Đương nhiên là có. Mặc dù hiến pháp cho phép Tổng Thống Bush làm điều ông mới làm, nhưng các vị Thượng Nghị Sĩ vẫn tin rằng, trước hết, ông Bush đã chọn không đúng người, và kế đến, thái độ của một vị Tổng Thống Cộng Hòa là ông Bush sẽ được các vị dân cử của Ðảng Dân Chủ coi là thái độ coi thường Quốc Hội, cho dù tôi xin nhắc lại, ông Bush làm điều hiến pháp cho phép. Ðến đầu tháng tới khi các đại biểu trở lại làm việc, chắc chắn chuyện này sẽ được nhắc lại, sẽ tạo ồn ào ở Washington.
Các nhà quan sát cho rằng có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những đề nghị, những dự luật mà Nhà Trắng gửi sang Quốc Hội. Chẳng hạn như có thể trong những ngày tới, ông Bush đề cử một nhân vật nào đó làm đại sứ chẳng hạn, và Thượng Viện Liên Bang sẽ viện hết lý do này đến lý do khác để không thông qua.
Nhưng có lẽ phải nhắc ở đây là đa số các vị Nghị Sĩ ở Thượng Viện Liên Bang Mỹ đều là người của Ðảng Cộng Hòa, tức là người cùng Ðảng với Tổng Thống Bush.
Một chế độ dân chủ thật sự
Đó là điểm đặc biệt và khác biệt giữa một chế độ dân chủ thật sự và dân chủ nửa vời, hay nói rõ hơn là khác biệt giữa dân chủ thật sự và độc tài giả dạng dân chủ. Ở chế độ dân chủ thật sự, cùng đảng không có nghĩa là phải gật đầu mọi chuyện đảng đưa ra.
Ông Bush là người đang lãnh đạo Ðảng Cộng Hòa, ông Bolton là người của đảng Cộng Hòa, nhưng không được Thượng Viện thông qua vì chính một vài nghị sĩ cũng của đảng Cộng Hòa đặt nghi vấn, cho rằng đưa một người như ông Bolton vào ghế đại sứ Liên Hiệp Quốc chưa hẳn đã là điều hay, dẫn đến kết quả là lãnh đạo Thượng Viện Mỹ không đưa ra bỏ phiếu.
Ðồng ý là phe Dân Chủ phản đối, nhưng rõ ràng, chuyện ông Bolton gặp trục trặc chính vì các vị dân cử Cộng Hòa. Ngay chính việc ông Bush dùng quyền hiến định để đưa ông Bolton lên New York vào lúc Quốc Hội ngưng họp cũng chứng tỏ cho thấy Nhà Trắng hiểu rõ nếu cứ để yên thì chẳng bao giờ ông Bolton được chọn cả.
Chỉ trong một thời gian ngắn
Dựa theo quy định của hiến pháp thì ông Bolton chỉ đảm nhận chức vụ này cho đến tháng Giêng năm 2007, là lúc Quốc Hội sẽ nhóm khóa họp mới. Ðến thời điểm đó, Tổng Thống Hoa Kỳ lại phải đề cử người được chọn để đại diện cho quốc gia ở Liên Hiệp Quốc, và ông Bush có quyền tiếp tục chọn ông Bolton hay chọn 1 người khác.
Tổng thống Bush nói Hoa Kỳ phải có đại sứ vì Liên Hiệp Quốc đang sửa soạn thảo luận cải tổ. Tháng tới, Liên Hiệp Quốc sẽ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, kế đến là thượng đỉnh 2005 và sau đó bắt đầu cuộc thảo luận cải tổ, trong đó có cả bàn thảo về đề nghị tăng thêm hội viên thường trực và không thường trực ở Hội Ðồng Bảo An.
Dự đoán trước mắt, chúng ta thấy ông Bolton chỉ làm đại sứ có 15, 16 tháng, và khoảng thời gian ngắn đó không đủ để hoàn tất các cuộc bàn cãi về các đề tài quá lớn sẽ được đưa ra trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc.
Những bài liên quan
- Ngày càng nhiều người ngoại quốc đầu tư vào thị trường bất động sản Hoa Kỳ
- Liên minh Mỹ-Nhật không chỉ nhắm vào Trung Quốc và Bắc Hàn
- Chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Châu Á trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Bush (II)
- Chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Châu Á trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Bush (I)
- Lễ quốc táng ông Nicola Calipari hy sinh tại Iraq
- Iran sẽ được hưởng quyền lợi kinh tế nếu ngưng chương trình hạt nhân
- Phát huy nhân quyền là mối quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ
- Mỹ, Nhật tăng cường thế đồng minh chiến lược ở Châu Á
- Hoa Kỳ phản đối việc bãi bỏ lệnh cấm vận võ khí đối với Trung Quốc
- Vẫn còn một số dị biệt giữa Tổng thống Bush và Thủ tướng Schroeder
- Tổng thống Bush đạt được nhiều thành quả trong chuyến công du Âu Châu
- Giải pháp nào tốt nhất cho Iraq trong lúc này?
- Nhiều khác biệt giữa Tổng thống Bush với các nước đồng minh tại Trung Đông
- Bà Rice tuyên bố đã đến lúc bỏ qua những bất đồng giữa Hoa Kỳ và Âu Châu
- Trung Quốc qua mặt Hoa Kỳ về mức giao thương với Nhật Bản trong năm 2004