Tổng thống Bush ở Hà Nội, chiến thắng cho cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ

Việt Long, phóng viên đài RFA

Trong dịp Tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam, báo chí Hoa Kỳ và thế giới có nhiều bài vở nói về mối quan hệ ba chìm bảy nổi giữa hai nước Việt Mỹ, kể từ ngày các sĩ quan OSS của Mỹ nhảy dù xuống núi rừng Việt bắc, huấn luyện cho trung đội Vệ quốc quân đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam.

0:00 / 0:00
BushApecVietnam200.jpg
Vợ chồng Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush và vợ chồng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Hà Nội hôm 18-11-2006. AFP PHOTO

Một trong những bài có thể được coi là nói lên suy nghĩ của nhiều người Mỹ về mối quan hệ ấy, là của báo Christian Science Monitor, phát hành vào khi Tổng thống Bush của Hoa kỳ tới thăm Việt Nam. Bài báo mang tựa đề: “Bush ở Hà Nội, chiến thắng cho cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ”. Việt-Long tóm lược.

Di sản Hồ Chí Minh

Chủ nhật này ở Hà Nội, Tổng thống Bush sẽ mặc lên người chiếc áo dài lụa truyền thống của Việt Nam trong lễ bế mạc thượng đỉnh APEC. Nơi diễn ra buổi lễ đó không xa quảng trường nơi ông Hồ chí Minh sớm tuyên bố nền độc lập non trẻ cho Việt Nam hồi năm 1945, trong đó ông trích dẫn lời từ bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ.

Theo chủ nghĩa dân tộc đồng thời với chủ nghĩa Cộng sản, con người từng trải qua một phần tuổi trẻ ở New York và Boston ấy đã chưa bao giờ thấy được niềm hy vọng về một vai trò quan trọng của nước Mỹ trên quốc gia Viễn Đông nhỏ bé của ông trở thành hiện thực.

Giấc mơ ấy của ông bị bốn cuộc chiến tranh đẩy lùi xa: trứơc hết là với Pháp thực dân, rồi với Mỹ thời chiến tranh lạnh, với Khmer Đỏ Kampuchea, và rồi với Trung Quốc, kẻ bắt nạt.

Nhưng dịp cuối tuần này, Việt Nam rốt cuộc cũng hội nhập vào sân chơi thế giới sau 20 năm dấn thân vào kinh tế thị trường. Không những chỉ tổ chức môt hội nghị thượng đỉnh APEC hoành tráng, Việt Nam còn đón tiếp một Tổng thống Hoa Kỳ chính thức viếng thăm, 31 năm sau khi chíêc trực thăng cuối cùng rời khỏi Sài Gòn trong một kết thúc chẳng vinh dự gì cho cuộc chiến.

Chuyến thăm của ông Bush có ý nghĩa một chiếc nhẫn đính hôn cho tình yêu giữa hai kẻ cựu thù. Hoa Kỳ xem Việt Nam như một đối tác chiến lược để kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc. Washington đưa tàu chiến và Bộ trưởng quốc phòng đến thăm nước Việt, cùng với những cuộc thảo luận về tập trận chung.

Ðối tác chiến lược, phát triển kinh tế

Nhưng buổi liên hoan hội ngộ lần này là vì nền kinh tế Việt Nam hơn là vì tiến bộ chính trị của xứ này.

Vẫn là một nước Cộng sản độc đảng bỏ tù hằng trăm người bất đồng chính kiến, Việt Nam đi theo sau mô thức phát triển của Trung Quốc. Mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam ngày nay đứng hạng nhì sau Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán tăng giá nhanh nhất châu Á. Sẽ gia nhập Tổ chức thương mại thế giới vào tháng giêng này. Và nói mà không sợ sai, thì Bill Gates của Microsoft đã gần như là một vị anh hùng của tuổi trẻ thành thị Việt Nam, chẳng khác gì thần tượng Hồ chí Minh.

Chuyến thăm của ông Bush có ý nghĩa một chiếc nhẫn đính hôn cho tình yêu giữa hai kẻ cựu thù. Hoa Kỳ xem Việt Nam như một đối tác chíên lược để kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc. Washington đưa tàu chiến và Bộ trưởng quốc phòng đến thăm nước Việt, cùng với những cuộc thảo luận về tập trận chung.

Việt Nam cũng là một nước có nhân công rẻ cho các công ty Mỹ, trong đó Intel mới đầu tư 1 tỉ đô la. Thương mại Mỹ Việt đạt gần 8 tỉ đô la trong năm ngoái.

Vẫn còn một số vướng mắc

Không may, Hạ viện Mỹ quên đi những điều đáng nhớ. Trong một thái độ đựơc coi là chống tự do mậu dịch hơn là chống Hà Nội, Hạ viện không thông qua dự luật tháo gỡ cho Việt Nam những hạn chế thương mại kiểu thời chiến tranh lạnh.

Các lãnh đạo đảng Cộng hoà Mỹ tuyên bố dự luật sẽ được thông qua trong cuộc biểu quyết tháng 12. Thế là ông Bush đến Hà Nội mà không mang theo món quà PNTR ấy.

Tuy nhiên, để được Mỹ ủng hộ gia nhập WTO, Việt Nam đã nới lỏng cho các tổ chức tôn giáo và vận động dân chủ. Dù cho sự khoan dung này có thể sẽ bị đảo ngược, thì những thị trường mở cửa cũng đã giúp truyền bá những giá trị dân chủ nhiều hơn những gì súng đạn Mỹ làm được. Hôm thứ ba, bộ ngoại giao Mỹ đã rút tên Việt Nam khỏi danh sách những nước cần đặc biệt lưu ý vì đàn áp tôn giáo thường đựơc gọi tắt là CPC.

Không có một nền dân chủ đa đảng, Việt Nam cũng như Trung Quốc sẽ khó lòng ngăn chặn được tệ tham nhũng lan tràn và sự bất ổn ngày càng tăng ở nông thôn, vốn là những điều mãi đeo đuổi những người Cộng sản cai trị, mặc dù Việt Nam đã giảm đáng kể mức nghèo đói của 84 triệu dân trong thập niên qua.

Những nghịch lý ở Việt Nam, như những ngôi nhà chọc trời mọc lên giữa những người dân chỉ có thu nhập bình quân một năm chừng 700 đô la, có thể giảm bớt nhờ quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Và không gì gần gũi cho bằng hình ảnh một vị Tổng thống người Texas mặc chiếc áo dài truyền thống ở Hà Nội.