Phỏng vấn ông Bob Dietz về lá thư ngỏ của CPJ gửi chủ tịch nước Việt Nam


2006.08.26

Ðỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Tổ chức tranh đấu cho quyền tự do báo chí CPJ, có trụ sở tại New York, Hoa kỳ đã lên tiếng kêu gọi nhà nước Việt Nam chấm dứt gây phiền nhiễu, bắt bớ và giam cầm những người cầm viết độc lập, đồng thời sớm ban bố quyền tự do ngôn luận, báo chí.

CPJLetter200.jpg
Trang web của http://www.cpj.org

Tổ chức này cho rằng những biện pháp ấy tác hại đến sự phát triển một chính phủ minh bạch, và khiến quốc tế quan tâm vào khi Việt Nam đang trước nguỡng cửa gia nhập WTO.

Mời quý vị nghe thêm chi tiết qua phần trình bày của Đỗ Hiếu và cuộc trao đổi sau đây với ông Bob Dietz, điều phối viên của CPJ đặc trách khu vực Á Châu.

Sự gia tăng rõ nét

Trong một lá thư ngỏ gửi đến chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mới đây, tổ chức bảo vệ các nhà báo gọi tắt là CPJ nói, là họ quan ngại về việc nhà nước Việt Nam mới đây quyết định phạt tiền đối với những bài viết chưa xin phép, cũng như gia tăng giám sát Internet.

Trong bức thư, CPJ nói đến việc nhà nước Việt Nam câu lưu năm nhà bất đồng chính kiến khi họ dự định phát hành báo Tự do Dân chủ cũng như những ngừơi tham gia nhóm vận động dân chủ trong Khối 8406.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Ban Việt Ngữ chúng tôi, về nguyên do chính, khiến CPJ gởi thơ phản kháng đến ông Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước Việt Nam, ông Bob Dietz từ New York nhấn mạnh rằng:

Ủy ban bảo vệ ký giả nhận định rằng, hiện nay dưới chế độ cầm quyền ở Việt Nam, chánh phủ Hà Nội chủ trương đối xử mạnh tay với những người cầm bút muốn nói lên sự thật, cũng như các nhân vật bất đồng chính kiến, các nhà vận động cho dân chủ nhân quyền.

“Ủy ban bảo vệ ký giả nhận định rằng, hiện nay dưới chế độ cầm quyền ở Việt Nam, chánh phủ Hà Nội chủ trương đối xử mạnh tay với những người cầm bút muốn nói lên sự thật, cũng như các nhân vật bất đồng chính kiến, các nhà vận động cho dân chủ nhân quyền, qua tin tức từ giới truyền thông quốc tế thì, dường như ngày càng có sự gia tăng rõ nét những hành động hà khắc chứ không hề có sự cải tiến nào.”

Ông Dietz nói tiếp, mặc dù Việt Nam đang cố gắng vận động dư luận khắp nơi cùng các đối tác thương mại bằng đủ mọi cách như chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội đến kinh tế, để họ có thể được sớm kết nạp vào WTO, tức tổ chức thương mại thế giới, trong tương lai không xa.

Tuy nhiên, CPJ ghi nhận cụ thể là từ vài tuần nay, nhà nước Việt Nam lại gia tăng sự theo dõi, kiểm soát, bắt bớ, rình rập, hạch hỏi những người đấu tranh cho dân chủ trong nước, kể cả một số nhân vật bất đồng chính kiến cũng như những người truy cặp Internet để tìm hiểu thông tin trung thực.

Thời điểm thuận lợi nhất

Qua những điều vừa sơ lược thì CPJ thấy, đây là thời điểm thuận lợi nhất để tổ chức mạnh dạn lên tiếng với chánh quyền Hà Nội cũng như công luận khắp năm Châu, về những khó khăn mà những người cầm bút và những người có chính kiến khác với nhà nước Việt Nam, đang phải hàng ngày đối phó.

Vẫn theo lời ông Bob Dietz thì tình trạng đàn áp dân chủ, giới hạn quyền tự do ngôn luận, xử lý người cầm bút chân chính là chuyện hầu như xảy ra thường xuyên tại Việt Nam hiện giờ, ông Dietz nhấn mạnh:

“CPJ được biết hiện có 5 nhân vật đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam đang cùng nhau hợp tác để cho ra mắt tập san “Tự Do, Dân Chủ” phát hành dưới hình thức một tờ báo, đồng thời quảng bá trên Internet, đây là tiếng nói độc lập của các chiến sĩ dân chủ, dự tính ra mắt dân chúng trong nước và hải ngoại từ hôm 15 tháng 8 vừa qua, nhưng mọi bước chuẩn bị, giờ chót bị bất thành.

Cách đây hai tháng, bộ văn hóa thông tin Việt Nam đã cho ban hành một số quy định mới về việc kiểm soát các loại ấn loát phẩm, được in trên giấy hay quảng bá quan mạng Internet. Trên thực tế đây là những hình thức ràng buộc, kiểm duyệt tinh vi hơn mà thôi.

Chính vì thế mà CPJ không tin là Việt Nam sẽ gặp thuận lợi như điều họ mong muốn, trong việc gia nhập WTO hay được hưởng quy chế PNTR, trong hoàn cảnh thời cuộc hiện giờ, tức là giữa lúc Hà Nội đang bị công luận quốc tế chỉ trích mạnh mẽ là thiếu nhân quyền, chưa thật sự có dân chủ.

Thêm vào đó, việc ngăn cấm khối 8406 hoạt động và phát triển cũng có thể là một trong những phương pháp mà Hà Nội triệt để áp dụng để giới hạn quyền tự do ngôn luận, và tư tưởng của người dân.”

Gia nhập WTO

Mặt khác, theo ông Bov Dietz thì vấn đề Hà Nội gia nhập WTO hay hy vọng là Washington sẽ ký kết với họ quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn, sẽ ảnh hưởng ít nhiều bởi chuyện dân chủ, và nhân quyền :

“Qua các cuộc tiếp xúc gần đây giữa đại diện CPJ với một số nghị sĩ và dân biểu Hoa Kỳ, thì các dân cử Mỹ này đánh giá rằng, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ đáng kể trên các lãnh vực kinh tế, tài chánh, thương mại, tuy nhiên họ cũng công nhận rằng, vấn đề dân chủ, nhân quyền, cần phải luôn song hành với nhau.

Chính vì thế mà CPJ không tin là Việt Nam sẽ gặp thuận lợi như điều họ mong muốn, trong việc gia nhập WTO hay được hưởng quy chế PNTR, trong hoàn cảnh thời cuộc hiện giờ, tức là giữa lúc Hà Nội đang bị công luận quốc tế chỉ trích mạnh mẽ là thiếu nhân quyền, chưa thật sự có dân chủ.”

Sau hết, trong phần kết luận, ông Bob Dietz, điều phối viên của CPJ đặc trách Châu Á nhấn nhủ giới lãnh đạo Hà Nội rằng:

“Qua những điều vừa trình bày thì rõ ràng là Việt Nam chưa đáp ứng đúng tiêu chuẩn quốc tế về dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí.

Nếu muốn hội nhập với nền kinh tế tòan cầu, thì nhà nước Việt Nam không chỉ đơn thuần phát triển các sinh hoạt kinh tế, tài chánh mà phải có một đường lối trong sáng, có nghĩa là cải tổ đường lối chính trị hiện giờ, mà vấn đề ưu tiên hàng đầu là chấp nhận tự do thông tin, tự do báo chí, vì đó chính là nguyên tắc căn bản của một chế độ dân chủ và một xã hội cởi mở và tiến bộ.”

Vừa rồi là câu chuyện với ông Bob Dietz thuộc văn phòng trung ương CPJ ở New York nói về kháng thư gởi chủ tịch nước Việt Nam, yêu cầu Hà Nội tôn trọng nhân quyền và thực thi tự do báo chí.

Thông tin trên mạng:

- VIETNAM: CPJ protests growing curbs on journalists

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.