Bê bối bầu cử ở California: ứng cử viên gốc Việt có thể bị điều tra


2006.10.21

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Hôm thứ Sáu 20-10, một buổi họp báo được tổ chức tại quận Cam miền Nam California, nhằm công khai trước dư luận phản ứng của cộng đồng Việt Nam trước vụ hàng loạt thư mạo danh đến các công dân Mỹ gốc Latino để báo rằng di dân đi bỏ phiếu là bất hợp pháp và có thể bị bắt giữ. Tổng hợp các thông tin liên hệ, Thanh Trúc tường thuật nội vụ.

Buổi họp báo hôm thứ Sáu là một sự phối hợp giữa các đoàn thể Mỹ gốc Việt và Mỹ gốc Latinô ở quận Cam, nơi định cư của rất nhiều người tị nạn và di dân thuộc hai sắc tộc này.

Các nhóm tham dự buổi họp báo gồm Liên Minh Lá Phiếu Cho Con Em Chúng Ta, cũng là tổ chức đứng ra tập hợp buổi họp báo, cùng Liên Minh Cộng Đồng Mỹ Gốc Châu Á Thái Bình Dương Ở Quận Cam, Uỷ Ban Chuyên Trách Các Vấn đề Công Cộng Mỹ Việt, Hội Chuyên Gia Việt Mỹ, Trung Tâm Pháp Lý Ngừơi Mỹ Gốc Châu Á Thái Bình Dương. Cạnh đó còn nhiều tổ chức của các cộng đồng bạn như Los Amigos Quận Cam, Liên Đoàn Công Dân Mỹ Gốc Latinô, Hội Đồng Quan Hệ Mỹ Gốc Hồi Giáo.

Lên tiếng với đài Á Châu Tự Do từ quận Cam, luật sư Đỗ Khánh, thành viên của Liên Minh Lá Phiếu Cho Con Em Chúng Ta, chuyên kết hợp thường dân cộng đồng Việt và Latinô trong mục đích vận động cải thiện giáo dục cho học khu Westminster, giải thích rằng:

“Sự đàn áp chính trị và đe dọa cử tri trong tiến trình bầu cử là tình trạng thường thấy ở các chế độ độc tài hoặc chuyên chế. Là cư dân của một quốc gia tự do dân chủ, ông nói tiếp, người Mỹ gốc Việt không thể chấp nhận hành động đe dọa cử tri, do đó phải lên tiếng để bảo đảm rằng lá thư đe dọa kia không thể khiến cử tri các cộng đồng di dân nản lòng hay e ngại khi đi làm nhiệm vụ công dân củ mình”.

Lá thư gây nhiều phản ứng

Vụ việc bắt nguồn từ nghi vấn xoay quanh bức thư bị tình nghi là gởi ra từ văn phòng ông Nguyễn Đức Tân, ứng cử viên đảng Cộng Hoà tại khu vực 47.

Lá thư viết bằng tiếng Tây Ban Nha, ký tên Sergio Ramirez, nội dung khuyến cáo di dân mà đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử liên bang là phạm tội hình sự, có thể dẫn tới chuyện bị tù hay bị trục xuất.

Một chi tiết khác trong thư là chính quyền Hoa Kỳ có lập lập một hệ thống điện toán để truy lùng di dân đi bầu bất hợp pháp.

Trên thực tế và theo luật hiện hành ở Mỹ, khi một di dân đã có quốc tịch thì đương nhiên có quyền đi bầu. Lại nữa chính phủ Mỹ không hề thiết lập một mạng lưới điện toán nhằm truy lùng di dân đi bỏ phiếu bất hợp lệ như lời đe dọa trong thư.

Tiến sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh, uỷ viên giáo dục học khu Westminster, nơi có những chương trình giáo dục đa văn hoá vì có nhiều học sinh Mỹ gốc Việt, Mỹ gốc Latinô và học sinh bản xứ, góp ý là trong lãnh vực bầu cử thì hành vi đe dọa hay làm nản lòng cử tri là sai trái.

Giám đốc Phòng Di Dân Và Tị Nạn thuộc Hội Bác Ái Công Giáo ở thành phố Los Angeles, ông Nguyễn Nam Lộc, nói rằng Hoa Kỳ là một quốc gia có nhiều di dân, và bức thư bị nghi ngờ gởi đi từ văn phòng ứng cử viên Nguyễn Đức Tân là điều không chấp nhận được .

Giải thích của ông Nguyễn Ðức Tân

Được biết khi nội vụ xảy ra , ông Nguyễn Đức Tân nói với báo chí là một nhân viên trong văn phòng ông đã tự ý thảo bức thư rồi gởi đi mà không có sự chấp thuận của ông. Ông còn cho hay ngừơi nhân viên này đã bị ông sa thải.

Ông Tân cũng báo tin sẽ triệu tập một buổi họp báo tại quận Cam buổi chiều thứ Sáu để trả lời mọi thắc mắc liên quan đến lá thư.

Tưởng cần nói rõ tại cuộc bầu cử sơ bộ tháng Sáu năm nay, ứng cử viên Nguyễn Đức Tân, 32 tuổi, đạt số phiếu cao hơn tổng số phiếu của hai đối thủ Rosemarie Avila và Angelita Campos. Kết quả này dẫn tới cuộc chạy đua quyết định với dân biểu tiểu bang Loretta Sanchez thuộc đảng Dân Chủ trong vòng đầu phiếu tháng Mười Một tới đây.

Ông Trần Thái Văn, đại diện lập pháp khu vực 68 miền Nam California, cho biết Phòng Tư Pháp tiểu bang đang mở cuộc điều tra để xem ai là ngừơi gởi đi bức thư này.

Ban Việt Ngữ cũng đã cố gắng liên lạc với ông Nguyễn Đức Tân nhưng không ai trả lời điện thoại.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.