Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
Chánh phủ Phnom Penh vừa bắt giam thêm một nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền là người bản xứ. Tính đến nay, Cambodia đã bỏ tù sáu chính trị gia và nhân vật đối lập với chế độ Hun Sen.

Tất cả những người vừa kể đều bị cáo buộc tội phỉ báng ông Hun Sen, nhưng sự thật là họ đã dám mạnh dạn lên tiếng chỉ trích việc ông cắt nhượng một phần đất đai của Xứ Chùa Tháp cho Hà Nội.
Mời quý vị nghe Đỗ Hiếu trình bày thêm chi tiết về hành động lạm dụng pháp luật để bưng bít quyền tự do bày tỏ ý kiến của người dân.
Quyền tự do phát biểu ý kiến
Trong thông cáo báo chí phổ biến từ Luân Đôn hôm thứ năm vừa qua, Amnesty International tức Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế yêu cầu chánh phủ Cambodia hãy chấm dứt mọi hành động làm áp lực với toà án, để xử lý những ai công khai trình bày quan điểm của mình, nhưng xét thấy bất lợi cho chế độ cầm quyền.
Lên tiếng với phóng viên đài Á Châu Tự Do chúng tôi, bà Sariah, trưởng phòng báo chí đặc trách Châu Á thuộc Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế nhấn mạnh rằng quyền tự do phát biểu ý kiến đang bị chánh phủ Cambodia thu hẹp dần bằng cách sử dụng hệ thống luật pháp như một công cụ để trấn áp những ai lên tiếng công kích chế độ.
Được biết, nhân vật đấu tranh cho nhân quyền vừa bị tống giam là ông Pa Nguon Teang, phó chủ tịch trung tâm nhân quyền Cambodia. Ông bị chặn bắt hôm thứ tư vừa qua tại tỉnh Stung Treng, là một vùng đất nằm sát biên giới Cambodia với Lào.
Tính đến nay đã có sáu chính khách và nhân vật đối lập bị chánh quyền Phnom Penh bỏ tù vì họ đã công khai chỉ trích thủ tướng Hun Sen bán một phần lãnh thổ Cambodia cho Việt Nam.
Hôm 31 tháng 12 năm 2005, cơ quan an ninh cũng cùng lúc tống giam ông Kem Sokha, chủ tịch trung tâm nhân quyền Cambodia và ông Yeng Virak giám đốc trung tâm giáo dục pháp lý cộng đồng. Cả hai ông đều bị cáo buộc tội phỉ báng thủ tướng Hun Sen vì họ đã sử dụng trong lễ kỷ niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10 tháng 12, một biểu ngữ mang nội dụng chỉ trích cá nhân ông là cộng sản, đồng thời phê phán việc ông này cắt nhượng đất đai cho Hà Nội.
Hệ thống tư pháp và hành pháp
Một viên chức khác của Amnesty International là ông Brittis Edman thì nói rằng, hệ thống tư pháp là một cơ quan hoàn toàn độc lập với ngành hành pháp, do đó chế độ cầm quyền của ông Hun Sen không có quyền chi phối, sai khiến hay áp đặt mọi mệnh lệnh đối với toà án. Theo ông thì mọi sự lạm dụng sẽ khiến công luận mất tin tưởng vào thế độc lập của ngành tư pháp tại Cambodia.
Vẫn theo ông Brittis Edman thì thật là chuyện khôi hài khi những người tranh đấu cho nhân quyền lại bị bắt bớ chỉ vì họ có can dự vào một cuộc tuần hành nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Nhân quyền.
Ông cũng yêu cầu chánh phủ Cambodia phải sớm phục hồi quyền tự do ngôn luận và tôn trọng quyền làm người đồng thời miễn tố những chính khách và nhân vật đối lập bị giam giữ chỉ vì bị cáo buộc tội phỉ báng thủ tướng Hun Sen.
Mặt khác, trong cuộc tiếp xúc mới đây với phóng viên Ban Việt Ngữ chúng tôi, ông Vincent Brossel giám đốc điều hành RSF tức Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới ở Pháp nói rằng, lâu nay Cambodia vẫn cho phép làng báo sinh hoạt tự do, nhưng thời gian gần đây chánh phủ Phnom Penh lại có thái độ cứng rắn với giới truyền thông và bắt giam một số phóng viên cùng các nhà hoạt động cho nhân quyền.
Ông Vincent Brossel cũng nhắc tới vụ hai ông Mam Sonando, giám đốc đài phát thanh Con Ông và ông Rong Chhun, một lãnh tụ công đoàn của Cambodia bị ngồi tù từ trên hai tháng qua, chỉ vì họ phê phán ông Hun Sen bán một phần đất xứ Chùa Tháp cho Việt Nam.
Cả hai ông Mam Sonando và Rong Chhun đều được Amnesty International công nhận là tù nhân lương tâm.
Ông Vincent Brossel cho biết là Amnesty International đang vận động với các quốc gia thuộc liên hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ để khuyến cáo chánh phủ Cambodia phải tôn trọng nhân quyền và tự do ngôn luận.