Lê Dân, phóng viên đài RFA
Chuyến viếng thăm Việt Nam vừa qua của Thủ tướng Kampuchia không được dư luận Việt Nam chú ý, nhưng lại gây nhiều sôi nổi trên xứ Chùa Tháp. Lý do vẫn là đề tài lãnh thổ, vốn được nhiều chính trị gia Kampuchia sử dụng để khơi dậy lòng dân tộc những mong tìm thêm hậu thuẫn. Lê Dân lược thuật một số diễn tiến liên quan như sau.

Nỗi lo bị lấn luớt
Vốn nằm giữa hai láng giềng đông dân và đất rộng hơn là Việt Nam và Thái Lan, Kampuchia từ mấy thế kỷ qua lúc nào cũng phải lo canh cánh e rằng bị lân bang lấn lướt.
Thế nhưng nhìn lại lịch sử, việc xứ Chùa Tháp phải mất đất mất biển xảy ra từ nhiều triều đại trước, khi hoàng thân, quốc thích của Vương quốc Angkor chia rẽ, tranh đoạt quyền bính. Người thì chạy sang Bangkok cầu viện, kẻ ra tận Huế xin trợ giúp, do đó mới có việc Trương Minh Giảng, Thoại Ngọc Hầu chinh Tây. Cái giả phải trả là những lời cam kết, hứa hẹn cắt đất, nhượng tỉnh cho hai thế lực lân bang.
Chuyến đi Việt Nam hồi đầu tuần này của Thủ tướng Hun Sen từ trước khi khởi hành đã bị nhiều chỉ trích. Đặc biệt là vào lúc phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Phnom Penh.
Các thành viên của tổ chức Khmer Krom, tức người Khmer Hạ, gốc gác sinh sống ở miền Nam Việt Nam, đã tổ chức biểu tình song song với các sinh viên, cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng sang Kampuchia là nhằm chuẩn bị cho ông Hun Sen ký hiệp ước bổ sung về biên giới hai nước.
Hiệp ước biên giới
Vào ngày 11 tháng Mười, Việt Nam và Kampuchia ra tuyên bố chung kết thúc chuyến viếng thăm của Thủ tướng Hun Sen. Trong đó có viết rằng "hai bên hài lòng về việc ký kết Hiệp ước Bổ sung Hiệp ước Hoạch định Biên giới giữa hai nước ký hồi tháng Mười Hai năm 1985".
Tuy nhiên, cũng giống như các hiệp ước về biên giới mà Hà Nội ký kết với Bắc Kinh, tất cả các văn kiện này đều không được công bố. Mà hễ ai lên tiếng là đều bị tù đày, như trường hợp nhà báo Việt Nam Nguyễn Vũ Bình, đã bị gán cho tội gián điệp chỉ vì chỉ trích trên mạng Internet Hiệp ước Biên giới Việt-Trung.
Nhà cầm quyền hứa hẹn là nếu ông nhận tội thì có thể sẽ được tự do sớm, nhưng ông không mắc bẫy. Vợ ông, bà Vũ Thúy Hà cho biết: "Việc làm của chồng tôi không hề vi phạm pháp luật. Bây giờ có yêu cầu chồng tôi phải nhận cái tội đấy..."
Biên giới vốn là vấn đề hết sức nhạy cảm đối với người Khmer vì lý do chúng tôi đã trình bày ở đầu bài. Người ta còn nhớ một diễn biến hồi vài năm trước, một nữ diễn viên truyền hình Thái Lan dù được đại đa số khán giả Kampuchia hâm mộ, nhưng bị một chính trị gia xứ Chùa Tháp cố tình trích thuật một câu thoại trong phim để vu cho cô này nói là khu đền cổ Angkor Wat là thuộc xứ Thái.
Vậy là công luận Kampuchia sôi sục và do có thêm kích động, đám đông đã đổ xuống đường bao vây tòa đại sứ Thái, đốt phá cùng nhiều trụ sở doanh nghiệp khác của Thái Lan.
Chuyện đảo Phú Quốc
Kỳ này người Khmer bức xúc với Hiệp ước Biên giới Kampuchia-Việt Nam là do được ký kết hồi năm 1985, là lúc ông Hun Sen đang làm Ngoại trưởng trong chính phủ Kampuchia do Hà Nội dựng lên, vừa được cất nhắc lên làm Thủ tướng xứ Chùa Tháp, và bây giờ lại sang Việt Nam để ký thêm Hiệp ước bổ sung.
Một nhân vật Kampuchia đối lập lưu vong bên Pháp là ông Sean Pengse trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh FM 015 ở Phnom Penh rằng ông Hun Sen đã ký nhượng cho Việt Nam đảo Phú Quốc và đảo Móng ngựa, mà người Kampuchia gọi là Pulo Panjang.
Bị chỉ trích nặng nề, ông Hun Sen đã phản ứng mạnh mẽ ngay trước khi lên đường sang Việt Nam. Ông nói không bao giờ nhượng bất cứ phần đất nào, mà kỳ này còn có thể lấy lại là đằng khác.
Theo ông thì đảo Phú Quốc là thuộc về Kampuchia vì có người Kampuchia sinh sống từ nhiều thế kỷ trước, mà lại nằm sát tỉnh Kampot trên bờ, hơn là gần duyên hải Việt Nam. Ông dọa sẽ truy tố kẻ nào dám tố cáo ông nhượng đất.
Truy tố giám đốc đài FM105
Đi Việt Nam về, Thủ tướng Hun Sen không cho quốc dân biết là đã đòi được đảo Phú Quốc hay chưa, nhưng ông đã ra lệnh truy tố giám đốc đài phát thanh FM 015 và ông Sean Pengse, chủ tịch Ủy ban Biên giới Kampuchia ở Hải ngoại.
Hôm thứ Hai, ông Mom Sonando, giám đốc đài phát thanh, đã cho chúng tôi biết về viễn tượng tù tội khi dám phát thanh cuộc phỏng vấn mà bản thân ông Hun Sen không thích.
Sáng thứ Ba, ông này đã bị bắt và hôm sau, khi từ Việt Nam trở về, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố sẽ truy tố ra trước Tòa với tội phỉ báng tất cả những ai chỉ trích ông nhượng đất cho Việt Nam.
Nhiều nhà quan sát cho là Kampuchia vẫn có phần văn minh về pháp lý khi không truy tố và bỏ tù những người đó về tội "gián điệp".