Lê Dân, phóng viên đài RFA
Hôm thứ Hai Sở Tài nguyên-Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho báo chí biết đang nỗ lực đàm phán với Ngân hàng Phát triển Á châu để cứu vãn dự án Cải thiện Môi trường, sau khi bị cắt giảm hơn phân nửa ngân khoản đầu tư. Lê Dân tìm hiểu thêm sự việc và trình bày như sau.

Hiện nay, Sàigòn vẫn còn rất nhiều chỗ bị ngập, không chỉ sau cơn mưa lớn, mà ngay mưa nhỏ cũng khiến người dân lầy lội. Tin tức cho biết Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa đồng ý cấp 7 tỷ rưỡi cho các quận, huyện để gia cố, nạo vét các công trình đê bao xung yếu để phòng tình trạng vỡ đê trong mùa mưa năm nay.
Theo Sở Giao thông-Công chánh thì hiện Sàigòn có 85 điểm thường bị ngập, chủ yếu quanh các khu vực kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè có 12 điểm, Hàng Bàng có 28 điểm, các kênh Tàu Hũ-Bến Nghé-Kênh Đôi-Kênh Tẻ có 7 điểm, Tân Hóa-Lò Gốm có 11 điểm....
Càng ngày càng thêm
Theo những người quan tâm theo dõi, thì chỉ trong vòng 4 năm nay, con số điểm ngập trong Thành phố Hồ Chí Minh do Sở Giao thông-Công chánh đưa ra ngày càng thêm, chứ không giảm.
Hồi năm 2003, lãnh đạo Sở Giao thông-Công chánh thành phố Hồ Chí Minh cho báo chí biết là "cứ xóa được 3 điểm ngập, lại phát sinh ra 2 điểm mới". Lý do, theo lãnh đạo, là vì Sàigòn chưa có cốt san nền.
Người dân cũng băn khoăn không kém các quan chức trách nhiệm. Một sinh viên Sàigòn cho biết: ".....tại vì....em nghĩ chắc cống hẹp nên thoát nước không kịp. Nhưng sao mà càng sửa thì càng ngập, báo chí nêu lên quá trời luôn, mà không biết sao sửa không được......."
tại vì....em nghĩ chắc cống hẹp nên thoát nước không kịp. Nhưng sao mà càng sửa thì càng ngập, báo chí nêu lên quá trời luôn, mà không biết sao sửa không được..
Sang năm 2004, Sở Giao thông-Công chánh báo cáo với Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là đã xóa được 56 điểm ngập, nhưng phát sinh 36 điểm mới, nguyên nhân là do các hạng mục của dự án thoát nước đang trong giai đoạn đàm phán lại với tổ chức tài trợ là Ngân hàng Phát triển Á châu, do thiết kế sai nên phải làm lại dự án.
Sang năm 2005, thành tích xóa điểm ngập nước của Sở Giao thông-Công chánh thành phố được nâng lên 61 điểm, nhưng Sàigòn vẫn tồn tại 79 điểm ngập, lý do lần này là hệ thống kênh rạch bị dân lấn chiếm, dòng chảy tắc nghẽn.
Năm nay Sở lại công bố thành phố có 85 điểm ngập chưa kể điểm mới phát sinh. Khi được báo chí hỏi về dự án thoát nước, cải thiện môi trường Thành phố Hồ Chí Minh do Ngân hàng Phát triển Á châu ADB tài trợ $100 triệu đôla với lãi suất ưu đãi 1%, ông giám đốc Trần Thế Ngọc khẳng định kiên quyết tiếp tục đàm phán với ADB dù mới bị cắt hơn phân nửa ngân khoản do tiến độ chậm chạp.
Theo dõi thông tin của Ngân hàng Phát triển Á châu qua mang www.adb.org, người ta thấy từ khi hiệp định vay giữa chính phủ Việt Nam với Ngân hàng Phát triển Á châu có hiệu lực từ năm 2000 cho đến nay, sự đánh giá của ADB về mục tiêu phát triển dự án đều rất cao, satisfactory cho đến highly satisfactory.
Còn đánh giá về tiến trình thì họ chỉ hài lòng với thời gian đầu là nghiên cứu và thiết kế, còn kế tiếp là không bằng lòng, unsatisfactory, sau đó là chỉ hài lòng một phần, partly satisfactory.
Dự án bị thu hẹp
Ông Nguyễn văn Phước, phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, cho báo Người Lao Động biết là từ năm 2000 đến 2003 dự án do Sở Giao thông-Công chánh đảm trách tiến độ gần như dẫm chân tại chỗ. Từ cuối năm 2003 dự án mới được giao cho Sở Tài nguyên-Môi trường mới thành lập thì tiến độ khả quan hơn.
Tuy nhiên dự án đã bị thu hẹp lại. Ngân hàng Phát triển Á châu ADB loan báo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hủy bỏ một phần dự án, không cho gia hạn thời gian thực hiện. Thủ tướng Chính phủ phải cơ cấu lại dự án từ 100 triệu đôla, xuống còn hơn 42 triệu mà thôi.
Cái đường không xử lý được hoài, cả chục năm nay luôn là đường Hùng Vương, đoạn từ Phú Lâm cho tới bùng binh Cây Gõ. Đoạn đó mỗi lần ngập là thôi....không còn...giống như là kẹt xe suốt luôn....
Báo Tuổi Trẻ hôm thứ Tư viết rằng "chẳng biết cơ quan chuyên môn sẽ còn nghiên cứu đến lúc nào, nhưng có thể thấy ngay dự án cải thiện môi trường Thành phố Hồ Chí Minh giá 100 triệu USD nhằm nâng cấp hạ tầng môi trường, cải thiện việc thoát và xử lý nước thải ở khu vực đông dân nhất thành phố thì công ì ạch suốt....bảy năm qua mà chưa xong".
Người dân cũng không khỏi ngao ngán cảnh quan chức làm việc. Cô sinh viên Sàigòn nhận xét về một điển hình:
“.....cái đường không xử lý được hoài, cả chục năm nay luôn là đường Hùng Vương, đoạn từ Phú Lâm cho tới bùng binh Cây Gõ. Đoạn đó mỗi lần ngập là thôi....không còn...giống như là kẹt xe suốt luôn.......”
Ngân hàng Phát triển Á châu thì không kiên nhẫn chờ đợi như người dân Sàigòn. Tiến độ thi công không đúng cam kết là vi phạm yêu cầu của tổ chức cấp viện. Báo Người Lao Động viết
" một lãnh đạo Sở Tài nguyên-Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh "trên lý thuyết thì dự án vẫn có thể đàm phán, bởi thành phố cũng đã đáp ứng nhiều yêu cầu do ADB đặt ra. ADB không thể một sớm một chiều đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không xem lại những gì đã cam kết với thành phố...."
Người đọc câu đó có thể thấy kỳ này lỗi là hoàn toàn ở phía Ngân hàng Phát triển Á châu ADB chứ không phải phía quan chức thành phố.
Ông Trưởng ban Kinh tế Ngân sách của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh là nếu không còn nguồn vốn của nước ngoài giúp, thì thành phố sẽ sử dụng vốn ngân sách để thực hiện bằng được tiểu dự án cải tạo lưu vực Hàng Bàng vì dự án có ý nghĩa rất quan trọng.
Để kết luận, người ta có thể dùng câu của ký giả Đoan Trang viết trên tờ Tuổi Trẻ rằng "nếu các chuyên gia thoát nước còn ngồi trong phòng máy lạnh để đưa ra các giải pháp thì chắc chắn mùa mưa năm nay và nhiều năm sau nữa vẫn sẽ là "chống cứ chống, ngập cứ ngập".