Trường Văn, phóng viên đài RFA
Trong những năm gần đây, người dân nuôi trồng thủy sản tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn trong công việc làm ăn của mình. Khi thì mang nợ do nạn cá chết vì dịch bệnh do nguồn nước bị ô nhiễm.

Lúc khác thì lao đao vì giá thu mua tôm cá các lọai bị sụt giảm do cung cầu trên thị trường quốc tế thay đổi hoặc do sai lầm của các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Mới đây tại hai tỉnh Cần Thơ và An Giang, bà con nông dân nuôi cá tra bị điêu đứng vì các công ty xuất khẩu thủy sản không tôn trọng hợp đồng tiêu thụ, không thu mua cá đúng thời hạn qui định để ép giá.
Tại huyện Thốt Nốt thuộc tỉnh Cần Thơ, phần lớn các hộ nuôi cá tra đều ký hợp đồng tiêu thụ với công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Nam Việt.
Bị ép giá
Tuy nhiên theo bà con cho biết thì mỗi lần công ty cho người đến kiểm tra thì công ty đều chê ỏng, chê eo, tìm mọi cách để ép giá. Khi thì họ chê cá còn mồi trong bụng, lúc thì bảo thịt cá đã trở màu vàng hoặc bị nhiễm kháng sinh, vi sinh. Một hộ nuôi cá tra tại huyện Thốt nốt phát biểu: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Trước tình trạng đó, bà con có thể bán cá cho các công ty khác với giá cao hơn nhưng công ty ngăn chặn không cho bán và lại còn nhờ công an can thiệp.
Tại tỉnh An Giang cũng vậy, Hợp Tác xã Thới An ký hợp đồng bán cho một công ty thuộc thị xã Mỹ Tho, Tiền Giang với điều kiện khi cá đạt đến trọng lượng thỏa thuận thì công ty sẽ cho người đến nhận cá tại hầm.
Vào lúc này nhiều doanh nghiệp thu mua của các tỉnh khác đến đòi mua cá cao hơn giá đã ký trong hợp đồng với công ty tại Mỹ Tho. Tuy nhiên để giữ chữ tín và làm ăn lâu dài, bà con dưới sự chỉ đạo của ông chủ tịch hợp tác xã cương quyết không bán.
Bà con muốn giữ chữ tín, nhưng công ty thu mua đã ký hợp đồng lại không giữ chữ tín. Kêu gọi năm lần bảy lượt, công ty mới chịu đến nhận cá nhưng với giá rẻ hơn đã ký. Đến chừng giá cá da trơn trên thị trường tụt dốc thì công ty bỏ mặc cho bà con chịu trận.
Hợp đồng mua bán
Nguyên nhân nào khiến bà con nuôi cá tra bị thiệt thòi như vậy nhưng phải bấm bụng chịu thua. Đó là vì hợp đồng ký với các công ty thu mua hoàn toàn có nội dung bất lợi cho nông dân.
Chẳng hạn hợp đồng không được ký do người có trách nhiệm ký. Người ký thay lại không có giấy ủy quyền gì cả do đó hợp đồng coi như vô hiệu nếu xảy ra tranh tụng.
Mặt khác hợp đồng không ấn định thời gian thực hiện có nghĩa là công ty thu mua muốn mua lúc nào cũng được. Trong khi đó đối với người nuôi cá, thời gian rất quan trọng bởi vì nếu chậm trễ, cá tăng trọng quá mức qui định giá thu mua sẽ giảm xuống.
Nông dân muốn bán cá cho các doanh nghiệp khác vào lúc cá có trọng lượng tối ưu cũng không được vì như thế phải bồi thường cho công ty đã ký hợp đồng với mình.
Một điểm quan trọng khác nữa là hợp đồng mua bán lại qui định là hợp đồng chỉ có giá trị ba hay bốn tháng kể từ ngày ký. Quá hạn này hợp đồng coi như hết hiệu lực.
Một luật sư ở thành phố Cần Thơ phát biểu là để tránh thiệt thòi cho các người nuôi trồng thủy sản, các hợp đồng mua bán cần có sự trợ giúp của luật sư: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Được hỏi thêm là tại sao các hộ nuôi cá lại trong huyện lại không kết hợp lại thành hiệp hội để cùng nhau tương trợ cũng như đối phó với các công ty thu mua thì được biết: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Bà con nuôi trồng thủy sản mong mõi nhà nước ban hành những qui chế chặt chẻ trong việc thu mua thủy sản để tránh tình trạng người dân bị ép giá như hiện nay.