Cá Ba Sa: Một thách thức giao thương cho Việt Nam


2005.09.01

Mai Thanh Truyết - Nguyễn An

Vào trung tuần tháng 8 năm 2005, ba tiểu bang Alabama, Mississippi, và Louisiana quyết định cấm bán khoảng 350 tấn cá Ba sa nhập cảng từ Việt Nam với lý do tìm thấy dấu vết chất kháng sinh thuộc họ fluoro-quinolones.

CatFish150.jpg
Ba tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ ra lệnh cấm bán các mặt hàng hải sản nhập từ Việt Nam. AFP PHOTO

Cho tới nay, chính phủ Hoa Kỳ đang nghiên cứu xem có nên cấm bán loại cá nầy trên cả nước hay không. Tin bất ngờ trên làm cho Việt Nam có phản ứng mạnh mẽ. Để tìm hiển thêm chúng tôi liên lạc với tiến sĩ Mai Thanh Truyết về vấn đề vừa nêu trên đây.

Hỏi: Trước hết xin tiến sĩ cho biết sự việc như thế nào?

Đáp: Thưa anh. Theo như hầu hết các tin tức trên báo chí thì sự việc đã xảy ra như sau: Vào tháng 6-2005, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra lời cảnh báo đối với hai công ty Việt Nam vì phát hiện được lượng cá xuất cảng qua Hoa Kỳ của hai công ty nầy chưá chất kháng sinh thuộc họ fluor-quinolones.

Từ đó, vào giữa tháng 8, ba tiểu bang vừa kể trên đã ra quyết định cấm bán lượng cá nhập cảng trên và đang làm thủ tục hoàn trả về nguyên quán. Và Hoa Kỳ, qua đề nghị của một số dân biểu đang cứu xét việc ngưng nhập cảng toàn bộ loại cá nầy từ Việt Nam.

Chất kháng sinh fluoro-quinolones

Hỏi: Trước khi đi vào chi tiết của sự việc, xin tiến sĩ cho biết chất kháng sinh fluoro-quinolones là gì và ảnh hưởng của chúng ra sao?

Đáp: Đây là một họ kháng sinh có tác dụng nghịch lại với một số kháng sinh thông thường. Thay vì làm tăng khả năng đề kháng và miễm nhiểm của con người, loại kháng sinh nầy ngược lại, làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể con người đối với các loại vi trùng xâm nhập vào cơ thể.

Do đó, khi chúng được chuyển từ cá sang người qua dạng thức ăn, chất kháng sinh trên có thể làm giảm hiệu năng của các thuốc kháng sinh khác. Trong một số trường hợp chúng có thể làm dị ứng và gây nên một số trường hợp bị ngộ độc nữa.

Hỏi: Như vậy, cung cách nuôi cá Ba sa nầy của Việt Nam như thế nào thưa ông?

Đáp: Đây là một loại thủy sản nước ngọt rất thích hợp cho môi trường chăn nuôi ở vùng ĐBSCL. Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh và khuyến khích công cuộc nuôi công nghiệp loại cá nầy vì chúng đem lại nhiều hiệu quả kinh tế. Cách nuôi cá dựa trên hai phương pháp chính là, hoặc nuôi bè hay nuôi trong hồ.

Hỏi: Tiến sĩ có thể nói cho thính giả rõ hơn về hai phương pháp chăn nuôi nầy?

Đáp: Nếu chúng ta về vùng ĐBSCL trong những năm gần đây, chúng ta sẽ thấy lòng sông Tiền và sông Hậu “hẹp” đi. Hẹp đi không phải vì bị đất bồi hay sạt lở, mà hẹp đi vì sự hiện diện của hàng trăm bè cá mọc dài theo sông và làm cho dòng chảy và lưu thông trên sông ở nhiều nơi bị thu hẹp lại. Còn những nơi thụân tiện về đất đai dọc theo hai bên bờ sông, nhiều hồ nuôi cá cũng hình thành chen giữa các cơ sơ chế biến thức ăn cho cá.

Các điểm khác biệt

Hỏi: Các điểm khác biệt của hai phương pháp chăn nuôi nầy như thế nào?

Đáp: Thưa anh. Cả hai phương pháp chăn nuôi nầy có nhiều ưu và khuyết điểm tuỳ theo điều kiện địa dư và cung cách suy tính của người nuôi trồng. Đối với cung cách nuôi bè, lợi điểm là tạo được dòng chảy liên tục vì nằm trên dòng sông, do đó cá ít bị nhiễm trùng và lượng kháng sinh xử dụng đôi khi không cần thiết.

Ngược lại, nhà chăn nuôi phải tốn nhiều lương thực cho cá nhiều hơn vì sự thất thoát do dòng chảy. Ngược lại, nếu nuôi cá trong hồ, cá sẽ tăng trưởng nhanh hơn vì được chăm sóc dồi dào lương thực.

Nhưng một vấn đề được đặt ra cho phương pháp nầy là vì được nuôi trong hồ và với số lượng quá tải so với dung tích nước trong hồ, lượng oxy trong nước không đủ, lại thêm dư lượng của thức ăn và chất phế thải của cá sẽ tạo điều kiện cho nhiều vi khuẩn sinh ra.

Chính vì thế người chăn nuôi phải trộn một số thuốc kháng sinh vào thức ăn để bảo vệ cá. Và điều nầy đã tạo nên một số tranh cãi giữa chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam từ mấy năm nay qua việc nhập cảng thủy sản từ Việt Nam.

Hỏi: Trở qua vụ cấm bán và có thể đưa đến việc cấm nhập cảng tòan bộ cá ba sa của Việt Nam, dư luận ở Việt Nam như thế nào thưa tiến sĩ?

Đáp: Các tin tức về việc Hoa Kỳ có thể cấm nhập cảng cá Ba sa đến với Việt Nam thật bất ngờ vì sự việc xảy ra quá nhanh. Tuy nhiên chúng tôi cũng thu nhận được một số ý kiến và quan điểm về phiá Đaị diện của công nghệ nầy, cũng như thái độ của người dân và phản ứng của nhà cầm quyền Việt Nam.

Trước hết, Hiệp Hội Chế biến & Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố ngày 23-8 qua lời phát biểu của Ông Chủ tịch Hồ Quốc Lực là “quyết định của Hoa Kỳ đã vượt quá phạm vi và mức độ của sự việc và đã thể hiện đối xử không công bằng đối với thủy sản Việt Nam”. Ông còn nói thêm “Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về An toàn Vệ sinh”.

Ông còn yêu cầu chính quyền của 3 tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ xem xét lại lịnh ngừng tiêu thụ phi lê cá ba sa Việt Nam vì đây chỉ là trường hợp cá biệt không thể quy kết cho tòan bộ cá ba sa được.

Phản ứng từ phía Việt Nam

Hỏi: Còn quan điểm của các cơ quan nhà nước liên hệ đến sự việc nầy thì sao?

Đáp: Cho đến nay, Bộ Thương mại và Thủy sản, hai cơ quan đại diện của Việt Nam trong giao dịch với chính phủ Hoa Kỳ về vấn đề nầy vẫn chưa công bố chính thức cũng như chưa chắc chắn Mỹ có cấm bán thủy sản trên tòan nước Mỹ hay không.

Các cơ quan trên cũng đã nhận được thông cáo của Hiệp Hội Thủy sản Hoa Kỳ đề cập đến tình hình thu giữ sản phẩm hiện nay ở Louisiana rằng: “Hiệp hội phản đối việc xử dụng kháng sinh bị cấm trong bất cứ sản phẩm nuôi nào. Hiệp hội đang làm việc với chính phủ Việt Nam để họ thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình nhằm đưa ra những biện pháp mạnh và thiết thực để loại trừ việc xử dụng thuốc kháng sinh trong thủy sản”.

Tuy nhiên, một nhân vật Việt Nam có thẩm quyền đã tuyên bố là đây cũng có thể là một chiêu bài chính trị của Mỹ và đối xử không công bằng đối với Việt Nam và câu hỏi được đặt ra là tại sao các quốc gia sản xuất cá da trơn khác như Thái Lan, Bangladesh, Trung Quốc sản xuất qua Mỹ mà không bị ngưng bán?

Hỏi: Còn phía các công ty xuất cảng cá thì sao, thưa tiến sĩ?

Đáp: Trước hết, phản ứng của của một số nhà sản xuất, chế biến, xuất cảng thủy sản nói rằng, các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam trong lãnh vực nầy như Bộ Thủy sản đã không cập nhật thường xuyên những quy định mới nhất về phẩm chất, an tòan vệ sinh từ các thị trường nhập cảng, dẫn tới việc bị động như hiện nay.

Ông Bửu Huy, Cty Nông sản Thực Phẩm An giang cho biết, chất kháng sinh nêu trên đã bị cấm từ lâu trên các thị trường ngoại quốc nhất là ở Liên hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ. Chất Fluoro-quinolones đã được FDA đưa vào danh mục cấm xử dụng từ năm 1997, nhưng trong quyết định 07-2005 do Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc ký ban hành vẫn cho xử dụng hạn chế!

Ảnh hưởng đến người chăn nuôi

Hỏi: Rốt ráo lại những người bị ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cá nhân và gia đình là người chăn nuôi lẽ, tiến sĩ cho biết quan điểm của họ như thế nào?

Đáp: Trước hết, những thông tin dồn dập trên đã tạo một tâm lý hoang mang cho bà con ngư dân. Hiện tượng bán tháo cá bắt đầu xuất hiện gần đây. Giá cá bán ra sụt giảm cả về giá cả và về lượng: đối với loại cá thịt trắng ngon nhất trước kia bán trên 15 ngàn-kílô, nay chỉ còn 10 ngàn mà thôi, và số lượng vẫn còn tồn đọng rất nhiều.

Dù muốn dù không, người dân cũng phải bán ra với bất cứ giá nào vì không thể chu tòan được số lượng thức ăn quá lớn vì cá đã trưởng thành. Vì vậy nạn nhân đầu tiên trong sự việc nầy vẫn là những người dân thấp cổ bé miệng.

Hỏi: Một câu hỏi sau cùng cho tiến sĩ là trước tình trạng như đã nói ở phần trên, tiến sĩ nghĩ như thế nào về sự việc cá ba sa vừa xảy ra vừa qua?

Đáp: Thưa anh. Dù muốn dù không đây cũng là một sự kiện đáng tiếc cho Việt Nam. Từ khi có các vụ kiện bán phá giá cá da trơn và tôm trên thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam còn phải chống đở với những cáo buộc khác liên quan đến lượng kháng sinh trong thủy sản. Các quốc gia Tây phương rất chặt chẽ trong việc kiểm soát và giới hạn các loại kháng sinh trộn trong thức ăn nuôi thủy thủy sản.

Chúng ta vẫn không quên dư lượng kháng sinh cloramphenicol trong tôm và đã làm thiệt hại không nhỏ cho ngành nuôi tôm nầy. Gần đây nhất, ngày 24-8 vừøa qua, Liên Hiệp Âu Châu mới vừa ra thông cáo việc khám phá ra thủy ngân trong các phi lê cá lưỡi kiếm (swordfish) từ Việt Nam và đã ra Báo động cho tất cả các thành viện trong Liên Hiệp.

Chúng tôi thiết nghĩ, Việt Nam đã biết và biết rất rõ những quy định nghiêm ngặt về an tòan thực phẩm của các quốc gia Tây phương. Biết mà không tư điều chỉnh và điều tiết để đi vào cuộc chơi của thế giới. Đỗ lỗi cho việc kỳ thị từ phía Hoa Kỳ hay Tây Âu không phải là một hành động sáng suốt, mà phải chấp nhận thực tế của cuộc chơi tòan cầu.

Đó là qua việc cá ba sa, đã đến lúc Việt Nam cần nhìn lại cung cách quản lý và hành xử trong công tác nuôi trồng nầy. Hướng dẫn và cung cấp thông tin đầy đủ và cập nhật cho người nuôi trồng. Tiêu chuẩn hoá các quy định nuôi trồng áp dụng cho từng loại thủy sản hay nông sản. Giúp nông dân có thêm điều kiện an tòan phẩm chất và kiểm soát phẩm chất (QA-QC) bằng cách thiết lập những cơ sở phân tích sản phẩm trước khi xuất cảng.

Làm được như thế mới hy vọng hôị nhập vào tiến trình tòan cầu trong lãnh vực kinh tế như hiện nay. Cũng cần nên biết rằng Hoa Kỳ đã tìm thấy một lượng không nhỏ arsenic trong gạo ở Bangladesh và Ấn Độ do việc xử dụng hóa chất Bảo vệ thực vật quá liều lượng cũng như nguồn nước ở hai nơi nầy đã bị ô nhiễm arsenic từ hơn 30 năm qua. Hy vọng chúng ta sẽ không thấy được tin nầy xảy ra cho gạo ở ĐBSCL, một nơi đã có chỉ dấu ô nhiễm arsenic trong nguồn nước.

Kính chào Qúy thính giả của Đài ACTD

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.