Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
Con đường 350 ở trung tâm thủ đô Phnpm Penh của Xứ Chùa Tháp có một Trung Tâm Nuôi Dưỡng Trẻ Mồ Côi Việt Nam với khoảng sáu mươi em nhỏ, hoạt động gần hai năm nay. Trẻ mồi côi ở đây là những em nhỏ không may bị nhiễm HIV từ cha mẹ. Khi cha mẹ qua đời vì bệnh AIDS, ông bà cô bác vì quá nghèo không cưu mang nỗi đành gởi các em vào đây.

Nhưng không hẳn tất cả đều là trẻ mồi côi, bởi một số còn cha còn mẹ cũng đến trung tâm dưỡng dục này để có thể đi học và được ăn uống đầy đủ, và lý do quan trọng nhất là để tránh cho các em cảnh bị cha mẹ đem bán đi.
Hầu hết mấy chục trẻ trong số này là con cái của những người Việt trôi dạt từ Việt Nam sang Cambodia để tìm kế sinh nhai. Họ tụ lại trong các xóm lao động tồi tàn nhơ bẩn dọc bờ Tonlesap chảy qua Phnom Penh như Chắc Nghệ Lơ, Tucốt, Bồ Nâu, Cây Số Chín, Cây Số Mười Một, Cây Số Mười Ba.
Đây là những chỗ Thanh Trúc từng mời quí vị đến để mục kích đời sống cơ cực của người lớn cũng như thảm cảnh trẻ con Việt Nam ở Cambodia trong những bài trước.
Năm 2003, từ một dự án bảo trợ trẻ đường phố có tên The River Kid Project do một tổ chức ngoài chính phủ của New Zealand đảm trách, chiều chiều đi gom trẻ lang thang ngoài bờ sông lại để cho chúng một chổ ăn một chổ ngã lưng an toàn, nhờ đó một vài người Việt Nam thuộc hội thánh Cơ Đốc có tên là Đắc Thắng đã có cơ hội tiếp cận với những em trai em gái nheo nhóc bẩn thỉu ấy.
Cuối 2005 bước qua 2006, Trung Tâm Nuôi Dưỡng Trẻ Mồ Côi Việt Nam ra đời và hoạt động độc lập, qui tụ một số trẻ em Việt chuyên đi bán rong hoặc lượm rác bên bờ sông. Trung tâm sinh hoạt như thế đã được hai năm, chi phí hàng tháng do hội thánh Cơ Đốc bên Hoa Kỳ giúp đỡ.
Ngăn chặn tệ nạn buôn bán trẻ em
Đây không phải hoàn toàn dành cho trẻ mồ côi, nhưng trung tâm này là một sự ngăn chặn cái tệ nạn buôn bán trẻ em của những gia đình người Việt Nam khó khăn, sống trong hoàn cảnh mà có nhiều kẻ có tư tưởng muốn trục lợi qua con đường của những người nghèo khổ. Họ đến ve vãn, bắt mối, khích lệ và xúi dục.
Thanh Trúc đang đưa quí vị vào Trung Tâm Nuôi Dưỡng Trẻ Mồ Côi Việt Nam rồi. Lúc này là giờ ra chơi, nhưng vẫn còn một số lớp đang học. Phó giám đốc trung tâm, anh Hoàng Tuấn, cho biết:
Hoàng Tuấn: Đây không phải hoàn toàn dành cho trẻ mồ côi, nhưng trung tâm này là một sự ngăn chặn cái tệ nạn buôn bán trẻ em của những gia đình người Việt Nam khó khăn, sống trong hoàn cảnh mà có nhiều kẻ có tư tưởng muốn trục lợi qua con đường của những người nghèo khổ. Họ đến ve vãn, bắt mối, khích lệ và xúi dục.
Cha mẹ thì khổ quá bắt buộc phải bán con đi để làm gái hoặc bị bán sang Thái Lan hay nước khác. Ví dụ gia đình nghèo quá mà có một người bệnh nặng mà không có tiền, vay tiền người ngoài không được, khi ấy sẽ có người đến nói là nếu cần tiền thì bây giờ mang bán một đưa con gái nào đó đi.
Theo giá gốc thì người bỏ tiền ra mua để sử dụng đưa em gái đó là năm trăm đô la, nhưng tiền đến tay cha mẹ sau khi qua trung gian là mất hết một trăm rưỡi, chỉ còn khoảng chừng ba trăm rưỡi thôi. Thì đấy là cái cách mua bán như vậy mà những gia đình Việt Nam nghèo khổ dễ bị đưa vào.
Cũng không ngoại trừ là có người sống theo cách bất cần đời, cũng ham vui cũng đua đòi, muốn cho con em đi làm nghề đó thì bán vào trong các động chẳng hạn.
Thanh Trúc: Thanh Trúc cũng biết là có nhiều cha mẹ không phải vì nghèo không mà còn ham cờ bạc…
Hoàng Tuấn: Đấy đấy.
Thanh Trúc: Rồi họ cứ nghĩ chuyện đem bán một hai đứa con gái đi để nó đem tiền về cho mình, phải không..
Hoàng Tuấn: Đấy đấy…

Thanh Trúc: Thưa hiện tại trong Trung Tâm Nuôi Dưỡng Trẻ Mồ Côi có bao nhiêu em?
Hoàng Tuấn: Khoảng chừng sáu chục em.
Thanh Trúc: Tất cả đều là người Việt Nam?
Hoàng Tuấn: Vâng, người Việt Nam, cũng có em là người Cambodia nhưng mà Cambodia Krom, khoảng hai gia đình.
Thanh Trúc: Trẻ Việt Nam đến Trung Tâm Nuôi Dưỡng Trẻ Mồ Côi này đến từ vùng nào?
Hoàng Tuấn: Vùng dọc bờ sông, tại vì ngày cái tên đầu tiên đặt ở trung tâm của chúng tôi là River Kid Project, là cái chương trình dành cho các trẻ dọc bờ sông Mekong. Nhưng bây giờ dọc bờ Mekong thì những người nghèo khó di chuyển dần vào phía trong.
Cũng có một số khác đi xa vì dọc bờ sông bị đuổi người ta phải đi tìm chổ khác ở. Những vùng như là Tucốt hoặc Cây Số Mười Một ngày xưa là tụ điểm của các quán gái, những nơi có nhiều gái mãi dâm.
Thanh Trúc: Độ tuổi của các em trong Trung Tâm Nuôi Dưỡng Trẻ Mồi Côi Việt Nam là bao nhiêu?
Hoàng Tuấn: Nếu mà bé nhất thì khoảng bốn tuổi, lớn nhất khoảng chừng mười lăm mười sáu tuổi.
Thật ra bọn tôi chỉ lo được một phần thế thôi, chứ thật ra còn nhiều lắm, nhưng mà đáp ứng nhu cầu đó thì chưa biết ai có thể lo được hết. Tôi thấy có rất nhiều tổ chức lo, nói chung mỗi người một tay thôi, chứ nói đủ thì không thể nào đủ được, nhu cầu quá lớn và nguồn tài trợ vào thì không cho phép.
Thanh Trúc: Đã có em nào bị bán đi rồi trở về nơi đó ở?
Hoàng Tuấn: Ở chỗ chúng tôi các em mà đã vào thì chưa em nào bị bán đi. Chúng tôi là ngăn chặn mà, vì sợ nguy cơ đó chúng tôi đến nói với gia đình để đưa ccác cháu vào đây?
Thanh Trúc: Vào đó thì hàng ngày các em sinh hoạt như thế nào?
Hoàng Tuấn: Buổi sáng thì đi đón các em về, đưa các em đi học, các em được học ở trường nhà nước. Trưa thì về ăn cơm trưa, sau đó ngủ một giấc, một giờ rưỡi dậy thì các em được học tiếng Anh hoặc là tiếng Khmer. Dạy tiếng Khmer thì có người Khmer, còn nhân viên thì có cả người Khmer lẫn người Việt Nam.
Có nhiều cách giúp đỡ
Thanh Trúc: Với con số sáu mươi em trong trung tâm, trong lúc bên ngoài xã hội Cambodia thì quá nhiều người Việt Nam rất là nghèo, chuyện bán con xảy ra thường xuyên. Việc làm của trung tâm quả là không xuể ?
Hoàng Tuấn: Thật ra bọn tôi chỉ lo được một phần thế thôi, chứ thật ra còn nhiều lắm, nhưng mà đáp ứng nhu cầu đó thì chưa biết ai có thể lo được hết. Tôi thấy có rất nhiều tổ chức lo, nói chung mỗi người một tay thôi, chứ nói đủ thì không thể nào đủ được, nhu cầu quá lớn và nguồn tài trợ vào thì không cho phép.
Chúng tôi hoạt động thì được tài trợ hàng tháng chứ không phải như các ong- ca khác, ong- ca khác thì người ta thí dụ có sẵn năm bảy chục ngàn hay một trăm ngàn trong nhà băng cứ đến tháng thì đi lấy, còn chúng tôi thì nhận tiền vào cuối tháng để chi cho đầu tháng mới.
Thanh Trúc: Theo ý của ông thì làm thế nào để có thể giảm bớt được nạn buôn bán trẻ em trong cộng đồng người Việt Nam ở Cambodia ?

Hoàng Tuấn: Tôi nghĩ không phải chỉ giúp đỡ các em mà chúng ta cũng phải giúp đỡ đến gia đình. Có nhiều cách giúp đỡ, một là mình tư vấn cho họ trong cách sống, lối sống, rồi sau đó có thể giúp về kinh tế cho họ nữa.
Thật sự có những gia đình quá nghèo khổ, họ không biết làm cách nào, vốn liếng thì không có, biết làm sao mà xoay sở. Những lúc yếu đuối đó mà có người nào đến gợi ý, đánh vào lòng yếu mềm hoặc lòng tham của họ thì chuyện dễ xảy ra.
Còn một lớp đó đương học, các lớp Ba và lớp Bốn đang ra chơi, lúc thì học tiếng Anh lúc thì học tiếng Khmer. Nói tiếng Việt Nam cũng được vì đa số là biết tiếng Việt Nam, nhưng mà các em lại thường nói tiếng Khmer.
Thanh Trúc: Nếu mà không đến được trung tâm này để học thì có phải là cả ngày các em lang thang ngoài đường không?
Hoàng Tuấn: Ở nhà thì không có cơ hội đến trường và được học như thế này đâu.
Thanh Trúc: Mục đích chính là tránh cho các cháu trở thành nạn nhân của tệ nạn buôn bán trẻ em?
Hoàng Tuấn: Và cái thứ hai là giúp các em trở thành những công dân tốt, hoà nhập vào với xã hội Cambodia.
Thanh Trúc: Cái này mình có thể xin chính phủ Cambodia tài trợ phần nào không hay vẫn phải nhờ vào Hội Thánh ở bên Hoa Kỳ?
Hoàng Tuấn: Phải nhờ thế thôi chứ còn chính phủ Cambodia cũng đang rất là khó khăn, nếu tính ong-ca ở đây thì theo thống kê mà chúng tôi biết được là trên một ngàn ong-ca đấy chứ không phải ít đâu. Họ giúp cho Cambodia nhiều điều lắm. Ong-ca là tổ chức phi chính phủ đấy.
Thanh Trúc: Ông nhìn thấy tương lai của trẻ em Việt Nam ở Cambodia như thế nào?
Nếu thật sự mà hướng cho đúng hướng thì đời các cháu sẽ khá hơn. Khá hơn thì có trình độ, đã học được viết được tiếng Khmer thì có thể đi làm, ngay sự kỳ thị dân tộc cũng hạn chế cũng giảm bớt.
Hoàng Tuấn: Nếu thật sự mà hướng cho đúng hướng thì đời các cháu sẽ khá hơn. Khá hơn thì có trình độ, đã học được viết được tiếng Khmer thì có thể đi làm, ngay sự kỳ thị dân tộc cũng hạn chế cũng giảm bớt.
Rõ ràng là như vậy. Trước đó người ta cứ phân biệt chủng tộc quá, họ cứ nói mình là yuồn..yuồn, rất là khó. Biết tiếng, biết chữ và học cao, thì dân Cambodia người biết chữ không phải là nhiều, do đó mà mình học và biết được giống người ta thì mình dễ hoà đồng hơn.
Đổ tội cho cái nghèo?
Đó là câu chuyện tại Trung Tâm Nuôi dạy Trẻ Mồ Côi Việt nam trên đường 350 thủ đô Phnom Penh. Thanh Trúc nhân dịp này trình bày thêm vài dữ kiện về tệ nạn buôn thiếu nhi vào đường mãi dâm nói chung ở Đông Nam Á và nói riêng về trẻ Việt ở đất Chùa Tháp.
Tại Đông Nam Á từ một thập niên qua, càng ngày càng có nhiều thiếu nhi bị bán qua biên giới, bị mua đi bán lại từ nhà chứa này qua động mãi dâm khác nhà chứa khác. Đó là những con số và những thảm cảnh hãi hùng.
Theo UNICEF tức Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc và các tổ chức ngoài chính phủ chuyên phòng chống tệ nạn buôn người cũng như bảo vệ nạn nhân của tệ nạn này, thí dụ AdHoc, Oxfam, Actionaid International, Save The Children UK vân vân, thì trong ba nước Thái Lan, Cambodia, Việt Nam, tình trạng buôn trẻ vào đường mãi dâm, tình trạng trẻ thơ bị lạm dụng và xâm hại tình dục ở Cambodia là cao nhất và kinh hoàng nhất.
Nói chuyện với Thanh Trúc trong một lần gặp gỡ tại Phnom Penh, Bà Brown, cố vấn phòng chống tệ nạn buôn bán thiếu nhi và bảo vệ nạn nhân bị xâm hại trong Tổ Chức Di Dân Quốc Tế, cho biết con số thiếu nhi tại các nước đang mở mang ở Đông Nam Á, bị bán ngay nội địa hoặc đưa qua biên giới để hành nghề mãi dâm, tăng cao theo mức độ phát triển kinh tế tại các quốc gia đó.
Về mặt xã hội, bà Brown phân tích, Châu Á là nơi những du khách bịnh hoạn phương Tây, những kẻ thích chung đụng với trẻ con, tìm đến để thoả mãn nhu cầu. Mặt khác, sự đe doạ của HIV/AIDS khiến không riêng du khách phương Tây mà cả khách Châu Á cũng sẳn sàng chi khá tiền để có được những em gái nguyên trinh. Chuyện này xảy ra tại các quốc gia đang mở mang mà luật bảo vệ trẻ vị thành niên không nghiêm khắc như ở đất nước của họ.
Nói xa nói gần thì hai năm rõ mười là trên đất Cambodia đầy dẫy thiếu nữ và những em gái nhỏ Việt Nam hành nghề mãi dâm trong tận cùng những hang ổ chằng chịt đèn xanh đèn đỏ. Tuổi thơ sa vào con đường nô lệ tình dục là tuổi thơ đáng cay, tủi nhục và nước mắt.
Của đáng tội tất cả đều từ cái nghèo mà ra, cha mẹ mang con đi bán thì các chủ chứa hoặc các chủ tiệm mát xa –cũng là người Việt đấy- kỳ kèo mặc cả chê ỏng chê eo như món hàng rẻ tiền của một phiên chợ chiều.
Nhưng chả nhẽ chuyện gì cũng đổ tội cho cái nghèo cái khó sao? Cambodia có hơn một ngàn năm trăm tổ chức ngoài chính phủ đang hoạt động, Việt Nam cũng thế.
Quý vị hoàn toàn đúng khi nói với Thanh Trúc rằng để giảm thiểu tệ nạn buôn bán con trẻ thì Cambodia và Việt Nam cần và cần lắm một nền giáo dục cộng đồng chuyên sâu, một chính sách xoa đói giảm nghèo đẩy mạnh hơn, một hệ thống luật pháp chặc chẽ và nghiêm túc để bảo vệ thiếu nhi, đồng thời trừng trị những kẻ xâm hại tình dục con trẻ.
Quí vị cũng rất có lý khi bảo rằng bây giờ là giai đoạn của hành động chứ không còn trong giai đoạn nói suông hay cảnh giác suông nữa.
Phải chẳng công việc dù rất đỗi khiêm tốn của Trung Tâm Nuôi Dưỡng Trẻ Mồ Côi Việt Nam ở Phnom Penh hay các lớp học chơ vơ của thầy giáo Út Thi bên bờ Mekong hoặc xã Chroy Chva ở Phnom Penh mà chúng ta đi thăm trước đây, thì chí ít đều có nghĩa là “Thà Thắp Lên Một Ngọn Nến Còn Hơn Ngồi Đó Mà Nguyền Rủa Bóng Tối”
Thanh Trúc kính chào và mong quí vị tiếp tục đón nghe mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tối thứ Năm tuần tới nhé.