Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á châu Tự do tại Quốc hội Châu Âu
Sau buổi điều trần tại Quốc Hội Châu Âu về tình trạng nhân quyền ở 3 nước Đông Dương: Việt Nam, Cambodia, và Lào. Phái viên Ỷ Lan của đài Á Châu Tự Do có dịp phỏng vấn Phó chủ tịch phân ban nhân quyền của Quốc Hội Châu Âu, Dân biểu Charles Tannock, về ý kiến của ông trong các vấn đề nhân quyền tại 3 nước Việt, Miên, Lào.

Phần chuyển ngữ lời Việt của ông Dân biểu Charles Tannock do Việt Long trình bày. Xin mời quý thính giả nghe cuộc phỏng vấn sau đây.
Ỷ Lan: Thưa ông Tannock, ông là Phó chủ tịch Phân ban Nhân quyền của Quốc hội Châu Âu. Ông là một trong những người thúc đẩy tích cực tổ chức cuộc điều trần về tình trạng nhân quyền tại ba nước Cam Bốt, Lào và Việt Nam. Xin ông cho biết lý do?
Một bài học lớn
Charles Tannock: Một phần vì tôi có quan hệ với các nước Đông Nam Á trong quá khứ. Tôi từng là tác giả của nhiều câu chất vấn Quốc hội hoặc những Quyết nghị của Quốc hội Châu Âu về các vấn đề tôn giáo và dân tộc thiểu số, đặc biệt là Phật giáo, Thiên Chúa giáo, người Thượng ở Việt Nam và Cam Bốt...
Cuộc điều trần hôm nay là một bài học lớn. Tôi học được rất nhiều điều về sự nghèo khốn, khổ đau của những người bị cô thế... Thật kinh khủng cho tình trạng những ai tuyên xưng nhân quyền, dân chủ và cai trị theo minh đức (good governance). Tham nhũng là vấn nạn nghiêm trọng tại ba nước. Đặc biệt tại Việt Nam. Mười năm qua, hàng trăm triệu đồng Euros đổ vào ba nước. Nhưng người ta thấy được gì từ số tiền ấy?
Sau khi nghe các chứng nhân, thẳng thắng mà nói, thật chán nản vô cùng. Nhưng tôi nghĩ điều đệ nhất quan trọng, là nhân quyền vẫn thường được nhắc nhở tại Quốc hội này, bởi vì chúng tôi rất quan tâm đến những gì xẩy ra tại ba nước. Chúng tôi nỗ lực không ngừng để vẽ lên khuôn mặt vi phạm nhân quyền. Nhân quyền không chỉ là vấn đề nội bộ của ba nước, và có rất nhiều vấn đề mà Quốc hội Châu Âu phải can dự.
Tôi bị cú sốc với tập Sách Trắng về Nhân quyền của chính quyền Việt Nam vừa công bố, mà căn bản là sự bác bỏ tuyệt đối bất cứ sự xâm phạm nào vào chuyện nội bộ chủ quyền quốc gia trên lĩnh vực nhân quyền
Tôi bị cú sốc với tập Sách Trắng về Nhân quyền của chính quyền Việt Nam vừa công bố, mà căn bản là sự bác bỏ tuyệt đối bất cứ sự xâm phạm nào vào chuyện nội bộ chủ quyền quốc gia trên lĩnh vực nhân quyền. Sách Trắng đặt CHXHCNVN vào hàng số dách, ở vị trí nhất thế giới, trên lĩnh vực luật pháp quốc tế, luật pháp nhân đạo, nhân quyền, quyền thiểu số, vân vân và vân vân...
Nói cho thực, thì không phải thế đâu. Thái độ thực tế của nhà cầm quyền Việt Nam phản ảnh thái độ của các quốc gia độc tài cộng sản khác, như Trung Cộng, là thái độ mà tôi hoàn toàn phủ bác. Liên hiệp Châu Âu và các quốc gia dân chủ Tây phương không thể nào chấp nhận và hậu thuẫn một thái độ như thế.
Chúng ta phải nói thẳng với các nước này rằng, nếu họ muốn có quan hệ làm ăn buôn bán với Liên hiệp Châu Âu, thì họ phải tôn trọng các quyền cơ bản về nhân quyền, dân chủ và cai trị theo minh đức (good governance).
Ỷ Lan: Hình như ông có mời các Đại sứ Cam Bốt, Lào và Việt Nam đến nghe điều trần. Vậy phản ứng họ ra sao?
Charles Tannock: Ba Đại sứ đến gặp bà Flautre, Chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu, để phản đối và nói lên sự bất đồng ý kiến của họ, nhưng từ chối không đến tham dự. Dù tôi được biết như thế, nhưng có lẽ nghĩ lại sao đó, nên Việt Nam đã cử một nhà ngoại giao đến tham dự điều trần và xin phép phát biểu.
Nhưng bà Flautre, Chủ tọa cuộc điều trần, đã rất giận dữ khi đọc tập Sách Trắng về Nhân quyền, nhất là bà thấy rõ chính quyền Việt Nam bác bỏ thẳng thừng và phỉ báng các tổ chức Phi chính phủ quốc tế, chính quyền Việt Nam cưc lực khinh miệt toàn bộ công trình tốt đẹp mà các tổ chức này thực hiện. Bà nói rằng, người phát ngôn cho chính quyền Việt Nam chẳng có quyền gì để đến đây phát biểu.
Tác động của cuộc điều trần
Ỷ Lan: Phần tiếp theo cuộc điều trần này sẽ là gì? Cuộc điều trần sẽ có tác động gì lên chính sách của Liên hiệp Châu Âu đối với ba nước Cam Bốt, Lào và Việt Nam, thưa ông?
Charles Tannock: Tôi tin tưởng mãnh liệt rằng cuộc điều trần rất có ích. Nó làm mới lại trí nhớ của chúng tôi về tấn thảm kịch của những ai đang đau khổ tại ba nước, về Việt Nam nơi nạn tham nhũng hoành hành mà nạn này nằm ngay trong chính quyền, về cuộc đàn áp Phật giáo, Thiên chúa giáo và những ai đối lập với Đảng-Nhà nước Cộng sản.
Thông qua những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ người Việt Nam, tôi nhận thấy rằng người Việt rất văn minh, lịch sự, tiến bộ.
Tôi tin rằng sẽ có một Quyết nghị mới trong phiên họp Quốc hội vài tháng tới như lời ông Võ Văn Ái đề nghị qua cuộc điều trần. Tôi sẽ rất sung sướng làm đồng tác giả cho bản Quyết nghị này, bởi vì tôi học được rất nhiều điều qua cuộc điều trần.
Thật cần thiết để chúng tôi nghiêm chỉnh xem xét tới cuộc chọn lựa, mà tôi gọi là nút bấm nguyên tử (nuclear button), để trong cương vị dân biểu Quốc hội, chúng tôi khước từ chuẩn y gia hạn Hiệp ước hợp tác song phương với Việt Nam, Lào và Cam Bốt. Hiệp ước này tự động triển hạn mỗi năm, nhưng nếu có sự phản đối thì Hiệp ước có thể bị xét lại hay hủy bỏ.
Tôi nghĩ rằng, nếu không có những dấu hiệu chuyển động đúng hướng để cải tiến nhân quyền và dân chủ, thì thành thật mà nói rằng, chúng tôi phải phế bỏ Hiệp ước hợp tác song phương này.
Mọi nhân quyền càng được tôn trọng
Ỷ Lan: Thưa ông, là Dân biểu Quốc hội Châu Âu, ông có đủ thứ quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, ăn nói tự do theo ý ông. Nhưng cuộc điều trần lại cho biết tại Việt Nam không có tự do ngôn luận, không có tự do tư tưởng. Ông nghĩ sao về hai thái cực này?
Charles Tannock: Rất buồn là tôi chưa bao giờ đến Việt Nam. Nhưng tôi vừa đọc xong cuốn sách của bạn tôi, anh Kenneth Murphy đã từng đi Việt Nam. Câu trả lời của tôi sẽ là, thông qua những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ người Việt Nam, tôi nhận thấy rằng người Việt rất văn minh, lịch sự, tiến bộ.
Từ đây mà thấy ra Việt Nam là một quốc gia văn hiến. Những người Việt như thế hẳn phải phục vụ giỏi dắng hơn một đảng Cộng sản độc tài. Những người Việt như thế xứng đáng đại biểu cho các tự do cơ bản, các quyền cơ bản mà chúng ta đang hưởng tại Liên hiệp Châu Âu và các xứ sở yêu chuộng tự do phương Tây.
Tôi tin rằng tương lai đang có nhiều hy vọng cho Việt Nam lấy lại tự do, dân chủ, và được sống trong hoàn cảnh mà mọi nhân quyền được tôn trọng.
Ỷ Lan: Xin cám ơn ông Tannock.