Ðại Hội Ðảng lần thứ 17 của ĐCSTQ sẽ đưa Hoa Lục đưa về đâu?
2007.10.26
Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Ðại Hội lần thứ 17 của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc đã kết thúc hôm Chủ Nhật đầu tuần này. Một ngày sau đó, Bộ Chính Trị đã được giới thiệu với dân chúng. Hình ảnh ông Tổng Bí Thư Hồ Cẩm Ðào đứng bên cạnh những nhân vật trẻ tuổi mới được chọn để cùng ông điều khiển chính trường và hoạch định đường lối cho quốc gia trong 5 năm tới là hình ảnh được trình chiếu toàn cầu.
Nhưng bên cạnh những tấm hình với nội dung tương tự như vừa nói, giới quan sát quốc tế còn chú ý đến những điểm nào khác ở Ðại Hội Ðảng mới kết thúc ở Trung Quốc, cũng như dự đoán Ðại Hội sẽ đưa Hoa Lục đưa về đâu?
Những câu hỏi mới được đặt ra chính là đề tài chúng tôi nói đến trong buổi thảo luận với vị khách mời tuần này. Khách mời là Giáo Sư Tiến Sĩ William Ho, một trong những nhà bình luận chính trị được nhiều người biết đến ở Châu Á. Giáo Sư Ho trước đây giảng dạy ở các đại học Bắc Kinh, Thượng Hải, và trong nhiều năm trời ông tham gia vào chương trình nghiên cứu Trung Quốc do Viện Ðại Học Quốc Gia Singapore tài trợ, và hiện ông dành hầu hết thì giờ để viết bộ sách nói về Hoa Lục dưới thời đại Giang Trạch Dân.
Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện và Ban Việt Ngữ chúng tôi xin gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.
Điểm nổi bật
Nguyễn Khanh: Ðại Hội lần thứ 17 của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc mới kết thúc và giới truyền thông cũng như các nhà quan sát đều nói đến các điểm nổi bật như sự kiện một thời đại mới mang tên “thời đại Hồ Cẩm Ðào”, hoặc nói đến “thế hệ kế thừa” vì có nhiều nhân vật trẻ được trao phó các chức vụ rất quan trọng trong đảng. Riêng với Giáo Sư, điểm nổi bật của Ðại Hội Ðảng lần này nằm ở chỗ nào?
Giáo Sư Tiến Sĩ William Ho: mỗi Ðại Hội Ðảng đều khác nhau, nhưng nói chung thì thể hiện đậm nét cá tính của ông Tổng Bí Thư. Ðại Hội Ðảng lần thứ 16 rất ồn ào, được báo chí, truyền hình, truyền thanh Hoa Lục nói ròng rã cả tháng trời, hầu như ngày nào người dân Trung Quốc cũng phải nghe những bài bình luận hướng đến Ðại Hội Ðảng. Ðại Hội lần thứ 17 thì ngược lại, tôi không dám nói là âm thầm, nhưng không có tính phô trương như những lần trước.
Ðiều đó chứng tỏ hai chuyện. Chuyện thứ nhất là các đảng viên cao cấp đoàn kết nhất trí với nhau, nên dân chúng không phải nghe những khẩu hiệu kêu gọi mọi người phải là một như họ đã từng bị nghe và học thuộc lòng trước đây. Ðiều thứ nhì là các đảng viên được gọi, hay được chọn, về thủ đô Bắc Kinh đều biết mục tiêu của Ðại Hội Ðảng là giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, chưa không nhất thiết để khoe thanh thế đảng.
Chuyện thứ nhất là các đảng viên cao cấp đoàn kết nhất trí với nhau, nên dân chúng không phải nghe những khẩu hiệu kêu gọi mọi người phải là một như họ đã từng bị nghe và học thuộc lòng trước đây. Ðiều thứ nhì là các đảng viên được gọi, hay được chọn, về thủ đô Bắc Kinh đều biết mục tiêu của Ðại Hội Ðảng là giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, chưa không nhất thiết để khoe thanh thế đảng.
Ðiều tôi vừa nói lại dẫn đến một sự việc khác, đó là trước khi Ðại Hội Ðảng kết thúc, đích thân ông Ôn Gia Bảo đưa ra lời phát biểu cuối cùng. Lời phát biểu của ông Thủ Tướng Trung Quốc là “trái tim vui mừng vì Ðại Hội thành công, nhưng trong đầu thì vẫn đầy những lo âu khi nghĩ đến những thử thách đang chờ đợi ở phía trước”.
Một điểm khác tôi thấy cũng cần phải nói đến là chuyện tuổi tác của thành phần lãnh đạo mới. Năm năm trước, tuổi trung bình của các vị trong bộ chính trị là 66, lần này giảm xuống còn có 62. Ðiều này thể hiện rõ quyết tâm muốn trẻ trung hóa thành phần lãnh đạo mà ông Hồ Cẩm Ðào từng nhiều lần nói đến trong 3 năm qua.
Tiêu chuẩn được đặt ra và được thành phần lãnh đạo chấp nhận là nếu ông hay bà sinh từ năm 1940 trở về trước, xin quý ông bà nghỉ hưu, chuyện tương lai để cho đàn em họ lo. Không những thế, ông Hồ Cẩm Ðào còn đưa vào Ủy Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị hai nhân vật rất trẻ là Ông Tập Cận Bình, 54 tuổi và ông Lý Khả Cường, mới 52 tuổi. Cả hai nhân vật trẻ này được đưa thẳng vào Ủy Ban Thường Vụ, thay vì phải có kinh nghiệm làm việc với Bộ Chính Trị trước đã.
Tất cả những điểm tôi vừa trình bầy cũng chứng tỏ cho mọi người thấy Ðại Hội lần thứ 17 của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc là dấu tích hay di sản mà ông Hồ Cẩm Ðào muốn để lại, trong đó bao gồm cả việc xác định vai trò của Ðảng đối với đất nước, với người dân, những kế hoạch phát triển kinh tế, khoa học, thay đổi khuôn mặt xã hội mà ông đã hoạch định ngay sau ngày được chọn để thay thế cho ông Giang Trạch Dân.
Làm được đến đâu, thành công như thế nào là điều các nhà quan sát và ngay cả giới học giả vẫn đang tranh cãi với nhau, nhưng không thể chối cãi là Ðại Hội thành công, đúng với những gì ông Hồ Cẩm Ðào đã vạch ra và mong đợi.
Tranh giành ảnh hưởng
Nguyễn Khanh: một vài nhà quan sát mà tôi có dịp nói chuyện ở Washington cho rằng dù có thành công đi chăng nữa, vẫn thấy bàng bạc đâu đó chuyện tranh giành ảnh hưởng, quyền lực trong giới lãnh đạo Trung Hoa. Ông có đồng ý với nhận xét đó không?
Giáo Sư Tiến Sĩ William Ho: không chỉ ở Washington, mà theo tôi hiểu thì ngay cả ở Bắc Kinh cũng có những dư luận như thế và xem đó là chuyện quan trọng. Với tôi, cái nhìn của tôi khác. Tôi thấy giới lãnh đạo Ðảng Cộng Sản Trung Quốc có những việc làm khác nhau trong những thời đại khác nhau.
Thế hệ thứ tư mà ông Giang Trạch Dân dựng lên là những người nắm lý thuyết đảng và lãnh trách nhiệm duy trì đường lối của Ðảng. Công tác này họ đã làm, và ngay trong Ủy Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị vẫn còn 2 người thuộc thành phần này là các ông Giả Khánh Lâm và Ngô Bang Quốc.
Nhưng cũng chính thành phần lãnh đạo cũ cũng thấy bây giờ là lúc phải có một thế hệ mới, mà người ta hay gọi là “thế hệ thứ năm”, với chức năng phải đẩy mạnh phát triển. Phát triển mà tôi muốn nói ở đây là phát triển bền vững, phân bổ sao thành quả cho đồng đều, hay ít nhất thì cũng phải tốt hơn tầm phân bổ hiện nay. Ðó chính là mục tiêu mà ông Hồ Cẩm Ðào và những người sẽ làm việc với ông đang nhắm đến, theo đúng khuôn khổ xây dựng một “xã hội hài hòa” mà họ đã đặt ra, đã nói với người dân trước ngày Ðại Hội Ðảng khai mạc, và được nhắc lại ở buổi kết thúc.
Ít nhất về mặt hình thức, chúng ta thấy ông Hồ Cẩm Ðào và những nhân vật điều hành Ðảng đã làm được điều họ muốn làm, còn nội dung như thế nào thì chúng ta phải chờ.
Nguyễn Khanh: có dấu hiệu nào đáng chú ý cho cái “nội dung” mà Tiến Sĩ mới nói đến không?
Giáo Sư Tiến Sĩ William Ho: cả hai nhân vật trẻ mới được đưa vào Ban Thường Vụ là những người được nói là rất có khả năng. Ông Tập Cận Bình xuất thân từ một gia đình cách mạng, cha ông ta là một trong những người đã góp phần xây dựng Ðảng trong những ngày đầu tiên. Ông Lý Khả Cường thì lại khác, con đường tiến thân của ông ta bắt đầu từ các sinh hoạt của Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản Trung Quốc.
Tôi coi đây là một kết hợp thật hai hòa, một người thì có gốc gác để đảm bảo sự ủng hộ của giới lãnh đạo cũ và của các đảng viên, một người tiêu biểu cho thành phần trẻ, là tương lai của Hoa Lục. Ðến bây giờ cả hai đều được ngợi khen là trong sạch, thẳng thắn, thực tế, không giáo điều, và tôi coi đó là những yếu tố quan trọng để họ có thể đẩy mạnh công tác bài trừ tham nhũng đang lan rộng trong lãnh thổ Trung Quốc.
Nếu nhìn lại Ðại Hội Ðảng kỳ trước, người ta thấy tất cả những người trong Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị đều xuất thân từ các trường đào tạo kỹ sư. Lần này thì khác. Có những ông tốt nghiệp các trường đào tạo chuyên viên kinh tế, có ông theo học luật, có cả ông từng là nhà báo.
Đổi mới chính trị
Ðảng Cộng Sản Trung Hoa không nói gì đến đổi mới về chính trị, nhưng nếu quan sát thật kỹ, người ta sẽ thấy ngôn từ được sử dụng ở Ðại Hội Ðảng lần này khác hẳn những lần Ðại Hội trước đây. Tôi xin đơn cử một thí dụ, trong các bài phát biểu, chữ “cải cách” được dùng tới 60, 70 lần, chứng tỏ là giới cầm quyền biết phải thay đổi, thay đổi từ tư duy cho đến hành động.
Nguyễn Khanh: nhưng thưa Tiến Sĩ, họ chỉ nói đến đổi mới kinh tế, xã hội mà chưa thấy nói gì đến đổi mới chính trị…
Giáo Sư Tiến Sĩ William Ho: Ðảng Cộng Sản Trung Hoa không nói gì đến đổi mới về chính trị, nhưng nếu quan sát thật kỹ, người ta sẽ thấy ngôn từ được sử dụng ở Ðại Hội Ðảng lần này khác hẳn những lần Ðại Hội trước đây. Tôi xin đơn cử một thí dụ, trong các bài phát biểu, chữ “cải cách” được dùng tới 60, 70 lần, chứng tỏ là giới cầm quyền biết phải thay đổi, thay đổi từ tư duy cho đến hành động.
Nguyễn Khanh: thưa Tiến Sĩ tại sao vậy?
Giáo Sư Tiến Sĩ William Ho: theo tôi, động lực thúc đẩy họ phải thay đổi vì xã hội Trung Quốc ngày nay đang biến thể, từ từ trở thành một xã hội với thành phần trung lưu chiếm đa số. Không thể phủ nhận điều này đang diễn ra cho dù ở mưc độ vẫn còn chậm.
Khi xã hội thay đổi, suy nghĩ của người dân về dân chủ cũng đương nhiên thay đổi. Ðảng Cộng Sản Trung Hoa biết điều đó, nên theo tôi hiểu thì ngay chính trong nội bộ Ðảng đã có những buổi thảo luận về đổi mới chính trị, và trong những cuộc thảo luận này, từ “dân chủ” đã nhiều lần được nói đến.
Ðã từng có những viên chức cao cấp của Ðảng bảo với tôi rằng họ biết phải thay đổi chính sách, thay đổi đường lối, và đã có người nói thẳng rằng Trung Quốc sẽ phải có một thể chế chính trị khác. Có phải là thể chế chính trị không cộng sản không? Chưa hẳn như thế, vì hiện giờ Ðảng Cộng Sản vẫn khẳng định uy quyền trong tất cả mọi hoạt động, nhưng sẽ khác với những gì chúng ta đã từng thấy.
Tôi cho rằng nếu muốn thấy Trung Quốc sau này như thế nào, người ta nên chú ý đến những điểm đã được thay đổi hay bắt đầu thay đổi, không nên chỉ nhìn vào những điểm chưa thay đổi và kết luận Trung Quốc đang đứng một chỗ. Cũng theo tôi, đó là điều mà Ðại Hội lần thứ 17 của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc muốn nhắn gửi mọi người.
Nguyễn Khanh: xin cám ơn Tiến Sĩ William Ho.
Các tin, bài liên quan
- Có cần phải sửa đổi Hiến Pháp để cải cách Tư Pháp?
- Đại hội đảng Trung Quốc: Vài phân Dân chủ
- Nhận định về bài diễn văn của ông Hồ Cẩm Đào tại đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 17
- Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đến Bình Nhưỡng
- Việt Nam và Trung Quốc trao đổi về cải cách tư pháp
- Chủ tịch Hồ Cẩm Đào kêu gọi cải cách chính trị chậm, chắc
- Hà Nội nghe ngóng các diễn biến của Đại hội đảng CS Trung Quốc
- Đảng CS Trung Quốc lấy ý kiến dân chúng về dự thảo báo cáo chính trị
- Việt Nam sửa chữa Cương lĩnh đảng trước khi sửa Hiến pháp