Bạch thư về Dân chủ tại Trung Quốc


2005.10.23

Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Long

Lần đầu tiên trong lịch sử, hôm 19 vừa qua đảng Cộng sản Trung Quốc vừa công bố một tài liệu trình bày những nguyên tắc về dân chủ của đảng, đó là cuốn “Bạch thư về Dân chủ”, dài mấy chục trang gồm hơn 22 nghìn chữ.

ChinaParliament150.jpg
AFP PHOTO

Việt Long có cuộc trao đổi sau đây với ông Nguyễn Xuân Nghĩa, một nhà kinh tế và cũng là một chuyên gia theo dõi tình hình Trung Quốc từ nhiều năm nay, về bản văn quan trọng này.

Việt Long: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, đảng Cộng sản Trung Quốc vừa gây ngạc nhiên khi lần đầu tiên công bố cuốn Bạch thư, hay là Sách trắng, về Dân chủ tại Trung Quốc. Ông đã có đủ thời giờ tham khảo, vui lòng trình bày nhận xét tổng quát của ông tài liệu này.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tài liệu được Cục Thông tin của Quốc vụ viện, tức là của Hội đồng Chính phủ, công bố hôm Thứ Tư 19 vừa qua, nhưng nội dung hiển nhiên đã được chuẩn bị từ lâu và được thông qua tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương kỳ 5 của khóa 16 vừa kết thúc hôm Thứ Ba 11 vừa rồi.

Nhận xét đầu tiên của tôi là đây là một tài liệu cần thiết của đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm giải tỏa những sức ép từ cả bên trong lẫn bên ngoài để có thời giờ đối phó với rất nhiều khó khăn trong xã hội.

Với dư luận Hoa lục ở bên trong, cuốn Bạch thư muốn công nhận là phải có cải cách chính trị như nhiều thành phần dân chúng, kể cả đảng viên, đã nêu ra, nhưng khẳng định là cải cách để gìn giữ vai trò ưu việt của đảng. Với dư luận của quốc tế, tài liệu muốn vừa biện bạch vừa thuyết phục rằng mô thức dân chủ với màu sắc Trung Hoa của đảng là giải pháp tốt nhất.

Ðây là một tài liệu cần thiết của đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm giải tỏa những sức ép từ cả bên trong lẫn bên ngoài để có thời giờ đối phó với rất nhiều khó khăn trong xã hội.

Tôi sở dĩ nghĩ là đối tượng quan trọng của việc tuyên truyền này có cả dư luận quốc tế vì Bắc Kinh công bố cùng lúc hai bản tiếng Hoa và tiếng Anh của tài liệu, hầu thế giới có thể đọc được ngay, thay vì phải mất thời giờ phiên dịch lại. Yếu tố thời điểm vì vậy cũng đáng chú ý.

“Ðặc tính Trung Quốc”

Việt Long: Đi vào nội dung, ông thấy tài liệu này có những gì đặc biệt?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nói theo lối nói dân gian thì nội dung là “tử công phu”, rất công phu. Dưới tiêu đề “Xây dựng Dân chủ Chính trị tại Trung Quốc,” tài liệu gồm 12 phần, lần lượt đề cập tới những đặc điểm của xã hội Trung Hoa và sự xuất hiện có ý nghĩa lịch sử của đảng Cộng sản Trung Quốc để vừa giải thích nguyên tắc hay những việc đã làm vừa thông báo những bước cải cách để tiến tới cái gọi là “một nền dân chủ chính trị xã hội chủ nghĩa”, nhưng với đặc tính Trung Quốc.

Việt Long: Ông nói là “với đặc tính Trung Quốc” là thế nào? Và “dân chủ chính trị xã hội chủ nghĩa” là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đấy là điều đáng chú ý của tài liệu. Triết lý chính trị của đảng là thế giới có nhiều hình thái dân chủ chính trị khác nhau, trong đó có hình thái dân chủ của xã hội chủ nghĩa. Nhưng, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa do đảng Cộng sản Trung Quốc đang xây dựng lại còn có đặc tính nữa là phù hợp với hoàn cảnh duy nhất của Trung Hoa.

Nôm na dễ hiểu là “một nền dân chủ của toàn dân dưới sự lãnh đạo của đảng”, dựa trên nguyên tắc tập trung về tổ chức. Nguyên tắc này hàm ý là mọi chức năng của chính quyền vẫn tập trung vào đảng và sự uyên áo ở đây là nhờ đảng Cộng sản Trung Quốc, người dân Trung Hoa mới có dân chủ, theo kiểu riêng.

Từ nguyên tắc này, suốt trong mấy chục trang, bản Bạch thư nêu ra một số lãnh vực xưa nay vẫn gây vấn đề cho đảng và chính phủ, như dân chủ từ cấp cơ sở tại nông thôn và thành thị, hoặc quyền tự trị của các sắc tộc hay đặc khu, và việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền.

Cũng qua tài liệu này, ta thấy một điều rất lạ là đảng chấp nhận chế độ đa đảng xuyên qua Hội nghị Hiệp thương, một cơ chế hiện hữu trước khi đảng Cộng sản được thành lập, nhưng các đảng nằm ngoài đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ có vai trò tư vấn mà thôi, quyền quyết định tối cao vẫn nằm trong tay một đảng duy nhất là đảng Cộng sản.

Chỉ để tăng cường vai trò lãnh đạo

Một điều rất lạ là đảng chấp nhận chế độ đa đảng xuyên qua Hội nghị Hiệp thương, một cơ chế hiện hữu trước khi đảng Cộng sản được thành lập, nhưng các đảng nằm ngoài đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ có vai trò tư vấn mà thôi, quyền quyết định tối cao vẫn nằm trong tay một đảng duy nhất là đảng Cộng sản.

Việt Long: Chúng tôi chưa thấy điều gì khác lạ hoặc cần thay đổi cho đảng cầm quyền, qua tài liệu này, như ông vừa trình bày. Xưa nay các đảng Cộng sản vẫn tập trung quyền lực trong tay, nhân danh điều này điều khác. Chẳng lẽ đảng công bố Bạch thư chỉ để tái khẳng định quyền tập trung đó mà thôi sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa không, tài liệu được công bố để qua đó đảng công nhận rằng phải tiến hành một số cải cách chính trị nhằm gìn giữ ổn định và nhất trí xã hội. Sở dĩ phải cải cách vì có tệ quan liêu và tham nhũng, có nạn lỏng lẻo trong thanh tra kiểm soát, có nhiều vi phạm không bị trừng phạt trong khi người dân chưa tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động của chính quyền hay xã hội.

Tức là đảng cho nhân dân biết là đảng đã thấy vấn đề và đưa ra một số đường hướng sửa đổi. Tuy nhiên, nội dung sửa đổi lại nhắm vào các cấp chính quyền ở dưới hơn là thay đổi cơ chế lãnh đạo ở trên.

Nói cho dễ hiểu thì việc cải cách nếu có chỉ nhắm vào hai hướng, Ở trên cùng là tăng cường vai trò lãnh đạo và kiểm soát của trung ương, ở bên dưới là nâng cao khả năng tham dự của người dân vào loại vấn đề xã hội. Quyền lực chính trị vẫn ở trong tay đảng. Vì lý luận này tôi mới nghĩ rằng đảng muốn trì hoãn chứ trước sau thì vẫn chỉ để tăng cường vai trò lãnh đạo của mình.

Mục đích của cuốn Bạch thư

Việt Long: Ông có thể giải thích vì sao họ phải công phu soạn thảo một tài liệu như vậy mà rốt cuộc vẫn chỉ để tăng cường vai trò lãnh đạo của đảng, chẳng khác gì luận cứ xưa nay?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Cách đây chừng mươi năm, hai viện sĩ của đảng là Hồ Yên Cương và Vương Thiệu Quang đã từng nêu vấn đề là cái lẽ hợp tan của lịch sử Trung Quốc. Khi tập trung quyền lực thì xã hội có ổn định nhưng không tiến được. Muốn phát triển thì phải tản quyền từ trung ương xuống các địa phương, nhưng lại bị cái loạn phân hóa từ phiên trấn dội về trung ương. Muốn giải quyết bài toán “hợp-tan” ấy, tập trung hay tản quyền, hai học giả đó nói đến ưu thế của dân chủ.

Cách đây hai năm, khi các ông Hồ Cẩm Đào và Ôn gia Bảo lên cầm quyền trong đảng và chính phủ, họ cũng nói đến nhu cầu phải cải cách chính trị. Tuy nhiên, cải cách thế nào để đảng không bị mất quyền và cơ sở đảng ở dưới vẫn thực thi những quyết định ở trên, trong một nền kinh tế đang tạo ra những đổi thay rất lớn lao của cả xã hội? Bản Bạch thư tuần qua có thể là câu trả lời. Đó là cải cách hệ thống cai trị ở cấp địa phương nhằm giải quyết nạn tham nhũng của cán bộ và nâng cao hiệu năng quản lý của nhà nước.

Giải tỏa các sức ép

Bản Bạch thư tuần qua có thể là câu trả lời. Đó là cải cách hệ thống cai trị ở cấp địa phương nhằm giải quyết nạn tham nhũng của cán bộ và nâng cao hiệu năng quản lý của nhà nước.

Việt Long: Ở phần đầu, ông nhận xét là tài liệu này cũng nhắm vào dư luận quốc tế. Vì sao lại như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta không quên rằng Trung Quốc đang gặp sức ép của quốc tế, nhất là Mỹ, trong nhiều vấn đề như Bắc Hàn, tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân tệ, hoặc gia tăng ngân sách quốc phòng.

Bản Bạch thư này muốn giải tỏa sức ép đó vào đúng lúc Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld đang thăm Bắc Kinh, khi Tổng trưởng Ngân khố John Snow vừa kêu gọi Bắc Kinh tiến hành cải cách hầu ứng phó nổi với các thách đố trước mắt, và Tổng thống George W. Bush sẽ thăm Bắc Kinh ngày 19 tháng tới.

Bắc Kinh muốn thuyết phục các nước rằng thứ nhất, đảng là sức mạnh có thể ổn định xã hội, thứ hai, việc ổn định ấy là cần thiết nếu các nước muốn hợp tác kinh doanh để kiếm lời tại Hoa lục. Thuyết phục được hay chăng thì ta chưa biết.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.