Khí hậu toàn cầu thay đổi ảnh hưởng đến sức khỏe con người

0:00 / 0:00

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Tình hình thay đổi khí hậu toàn cầu và ô nhiễm không khí đang và sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người. Đây là cảnh báo mới nhất được đưa ra tại một hội nghị diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur trong những ngày này.

RiverDroughtEnvironment150.jpg
Chiếc thuyền nhỏ đậu trên phần khô cạn của sông Hồng ở Hà Nội hôm 19-4-2007. AFP PHOTO

Đây là đề tài mà Gia Minh trình bày cùng quí thính giả và các bạn trong chuyên mục Khoa học và Môi trường kỳ này.

Vào sáng thứ hai đầu tuần này, các nhà khoa học tham dự hội nghị ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia lại một lần nữa đưa ra một viễn cảnh không mấy sáng sủa đối với tình trạng sức khỏe của những người dân sinh sống tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Đây là một trong những vùng đông cư dân nhất thế giới. Và Việt Nam cũng là một trong những quốc gia ở đó.

Ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe dân chúng

Cảnh báo của giới khoa học cho thấy tình trạng nhiệt độ gia tăng sẽ có ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe dân chúng tại khu vực vừa nêu.

Theo phân tích của các nhà chuyên môn thì nạn hạn hán làm giảm năng năng suất mùa màng ở nhiều nơi sẽ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Thế rồi bão cát, cháy rừng gây ra những chứng bệnh về hô hấp. Bên cạnh đó bão tố, lụt lội gây ngập úng gia tăng tình trạng dịch bệnh, và thuơng tổn cho người dân.

Đích thân ông Omi Shigeru, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, khu vực Tây Thái Bình Duơng, hôm thứ hai lên tiếng cảnh giác là đã đến giai đọan nguy kịch khi mà tình trạng ấm nóng toàn cầu tác động nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe con người. Theo ông thì điều đó tạo ra một thách thức lớn lao trong những thập niên tới nếu như ngay từ bây giờ, mọi người không ra tay hành động.

Tình trạng gây ô nhiễm theo các nhà nghiên cứu thì ảnh hưởng, nhất là ở Hà Nội, là do bụi, giao thông khiến các bệnh về đường hô hấp khiến, nhất là trẻ con và người nhà khó chịu. Tuy nhiên để đón đầu chạy trước, Hà Nội cũng phải theo con đườngphát triển bền vững là không gây ô nhiễm môi trường.

Theo đánh giá thì khu vực Châu Á- Thái Bình Dương đang nhận thấy tác động của tình trạng trái đất ấm dần lên. Thống kê cho thấy là hằng năm trong khu vực có đến 77 ngàn người chết do tác động trực tiếp hay gián tiếp của nguyên do khí hậu thay đổi. Con số này chiếm đến phân nửa số người chết vì ảnh hưởng của khí hậu thay đổi trên toàn thế giới.

Tổ chức Y tế Thế giới nêu rõ là số 77 ngàn nạn nhân vừa nêu là chưa tính đến số tử vong do môi trường không khí đô thị bị ô nhiễm. Về mặt này thì chỉ riêng ở Hoa Lục, mỗi năm có đến 400 ngàn người phải từ giã cõi đời. Ông Omi Shigeru còn cho biết số ca tử vong do những đợt nắng nóng trên 40oC xảy ra ngay tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc đã tăng gấp ba lần so với mức chuẩn năm 1998.

Tiểu quốc Singapore là nơi có số ca sốt xuất huyết nhiều hơn do nhiệt độ tăng cao. Trong khỏang thời gian 20 năm từ 1978 cho đến 1998, số trường hợp bị sốt xuất huyết ở tiểu quốc này tăng 10 lần, khi mà nhiệt độ tăng từ 26.9oC lên 28.4oC.

Gần đây bệnh sốt rét bắt đầu lây lan đến Bhutan và một số vùng của Papua Tân Guinea. Trước đây, muỗi truyền bệnh sốt rét không thể sinh sôi trong điều kiện khí hậu mát tại những nơi đó; thế nhưng nay do khí hậu nóng lên chúng có đất để sinh sản.

Ủy Ban Liên chính phủ về thay đổi khí hậu, IPCC, trong thời gian qua có đưa ra đánh giá là những nguồn cung cấp lương thực và nước uống cho con người tại nhiều khu vực cũng bị tác động do tình trạng ấm nóng toàn cầu. Những quốc gia nghèo nhất tại Châu Á và Châu Phi là những nơi phải chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Theo cảnh báo của IPCC thì nhiệt độ gia tăng có thể là điều kiện thuận lợi cho những lọai tảo gây hại phát triển; khi con người ăn những loài thủy sản sống bằng những loài tảo đó sẽ bị bệnh tật. Thế rồi số cư dân sinh sống tại những vùng duyên hải sẽ gặp nhiều bão tố, lụt lội hơn. Tình hình xâm nhập mặn cũng làm giảm bớt nguồn nước ngọt để sử dụng hằng ngày.

Tình hình khí hậu thay đổi, và ô nhiễm môi trường gây tác động đến Việt Nam ra sao? Một viên chức Việt Nam cho biết:

“ Tình trạng gây ô nhiễm theo các nhà nghiên cứu thì ảnh hưởng, nhất là ở Hà Nội, là do bụi, giao thông khiến các bệnh về đường hô hấp khiến, nhất là trẻ con và người nhà khó chịu. Tuy nhiên để đón đầu chạy trước, Hà Nội cũng phải theo con đườngphát triển bền vững là không gây ô nhiễm môi trường.”

Biện pháp giải quyết

Trách nhiệm được giao cho các nhà họach định chính sách. Theo các đại biểu tham dự hội nghị Kuala Lumpur thì điều quan trọng là những nhà họach định chính sách phải nắm bắt mối liên quan giữa tình trạng khí thải do hiệu ứng nhà kính gây nên ra sức khỏe con người.

Theo các đại biểu từ 16 quốc gia trong khu vực tham dự hội nghị thì chính phủ các nước cần dành thêm tài lực cho vấn đề sức khỏe. Những vấn đề này đang gây tác hại cho khu vực rồi và chỉ khi có thêm nỗ lực thì mới có thể giảm thiểu những ảnh hưởng trầm trọng thêm của tình hình thay đổi khí hậu toàn cầu.

Những biện pháp được nhiều đại biểu đưa ra, trước hết phải tiến đến ứng dụng các lọai công nghệ tiết kiệm nhiên liệu và sử dụng nguyên liệu xanh sạch hơn. Những quốc gia đang phát triển nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ cần phải đi đầu trong lĩnh vực này. Riêng Trung Quốc, thì vào tháng qua, Cơ quan Thẩm định Môi trường Hoà Lan, cho biết nước này đã vượt Mỹ trở thành quốc gia hàng đầu thế giới trong việc thải khí gây hịêu ứng nhà kính.

Ông Carlos Corcvalan, chuyên gia của Tổ Chức Y Tế Thế Giới thuộc bộ phận phụ trách can thiệp vì môi trường sức khỏe, cho rằng một mặt phải quản lý mức độ tăng trưởng, mặt khác là bảo vệ môi trường. Theo ông thì nhiều quốc gia chọn con đường phát triển nhanh cho dù có gây ô nhiễm; thế nhưng cách thức này tạo ảnh hưởng về sau. Vấn đề là phải nhận thức rằng theo cách thức đó thì phải trả giá, dù phải trả ngay hay sau này cũng vậy.

Chính phủ Việt Nam đang thực hiện những biện pháp nào? Viên chức Nhà nước Việt Nam có ý kiến:

“Việt Nam cũng nằm trong toàn khối cộng đồng thế giới nên trong quá trình phát triển phải coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường. Việt Nam phải thực hiện chương trình 21 của Liên Hiệp Quốc. Việt Nam đã ban hành luật môi trường, và nay phải có khung pháp lý để có thể thực hịên luật đó để các cơ sở sản xuất không gây ô nhiễm. Việt Nam theo hướng phát triển bền vững.”

Người dân trong nước nghĩ gì về những biện pháp mà cơ quan chức năng đang thực hiện để giảm thiểu những tác động do thay đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân?

“Tôi thì đi làm không quan tâm mấy; nhưng cũng thấy báo đài tuyên truyền phải bảo vệ môi trường, dân sinh không nên làm tác hại đến môi trường; nhưng mọi người chỉ chấp hành khỏang 60%.”

Hội nghị kéo dài bốn ngày tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia đuợc tổ chức chỉ hai tháng sau khi Ủy ban Liên chính phủ về thay đổi khí hậu, gọi tắt là IPCC cho công bố bản báo cáo thứ ba về tình hình liên quan. Mục tiêu của hội nghị này là chuẩn bị cơ sở cho cuộc gặp cấp bộ trưởng về vấn đề thay đổi khí hậu sẽ diễn ra ở Bangkok vào tháng tới.