Trà Mi, phóng viên đài RFA
Cách đây mấy ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu xác nhận dịch tiêu chảy cấp bùng phát tại miền Bắc chính là đợt dịch tả lớn nhất và phức tạp nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Bệnh tả là một bệnh nhiễm trùng đường ruột hết sức nguy hiểm, có khả năng "hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn", tức gây tử vong cao chỉ trong thời gian rất ngắn.
Để giúp bà con chú ý phòng bệnh và tự bảo vệ mình trước sự tấn công của vi trùng tả, Trà Mi có cuộc trao đổi với bác sĩ Ngọc Khanh, chuyên khoa tiêu hoá, hiện đang hành nghề tại Sài Gòn. Trước hết ông cho biết :
Bác sĩ Ngọc Khanh: Theo những thông tin mới nhất của Bộ Y Tế thì Bộ Trưởng Bộ Y Tế đã thông báo là có 2.000 ca tiêu chảy cấp, trong đó có 226 ca bệnh phân lỏng có vi trùng tả. Thực sự ra Bộ Y Tế đã thông báo chính thức trong 15% là có những vi khuẩn tả. Bệnh tả là một bệnh đã có từ lâu đời rồi. Đã có những trận dịch rất lớn xảy ra trên toàn thế giới rồi chứ không phải là mới đây. Do con vi trùng tên khoa học chúng tôi gọi là con Vibrio cholerae.
Những triệu chứng của Dịch Tả
Trà Mi: Xin Bác sĩ cho biết những triệu chứng giúp có thể nhận biết bệnh tả là gì?
Bác sĩ Ngọc Khanh: Triệu chứng chính của bệnh tả là bệnh nhân sốt, ói nhiều, đi tiêu chảy nhiều và mất sức rất nhanh. Có thể là rất nặng, truỵ mạnh, hạ huyết áp, suy thận. Đã có những trận dịch xảy ra rất lớn và tiêu diệt gần một làng ở Châu Âu thời xưa.
Trà Mi: Thưa Bác Sĩ, giữa tiêu chảy cấp và dịch tả thì những đặc điểm cơ bản nào giúp phân biệt hai loại bệnh này?
Bác sĩ Ngọc Khanh: Tiêu chảy cấp mà nặng với dịch tả rất là khó phân biệt. Nhưng mà đặc biệt bệnh tả diễn biến rất là đột ngột và nó nặng hơn nhiều so với tiêu chảy thường. Dịch tả thường kèm theo ói rất nhiều và tiêu chảy rất nhiều, tiêu chảy liên tuc, không cách nào cầm được hết. Và khi tiêu chảy ra nước dịch giống như nước vo gạo và bệnh nhận truỵ tim mạch rât nhanh. Truỵ tim mạch tức là không còn mạch, không còn huyết áp nữa là đi tới kiệt sức rất nhanh vì mất nước.
Trà Mi: Để xác định là bị tiêu chảy cấp hay bệnh tả thì có những dấu hiệu nào giúp phân biệt với những trường hợp bị tiêu chảy thông thường khác?
Bác sĩ Ngọc Khanh: Cái này thì chúng tôi nói tới một yêu tố gọi là yếu tố dịch tễ. Trong mùa này nếu bệnh nhân mà đi tiêu chảy cấp, bị ói nhiều và kiệt sức nhanh, truỵ tim mạch nhanh, bệnh nhân mất nước nhiều thì mình phải nghĩ ngay đến yếu tố dịch tả, tại vì đang trong mùa dịch đó.
Bình thường nếu nhà nước không thông báo về dịch tả hoặc là những phưong tiện thông tin đại chúng không có nói về dịch tả thì đối với những trường hợp đó chúng ta cũng điều trị như một trường hợp tiêu chảy cấp thôi.
Trà Mi: Vi trùng của bệnh tả có mặt ở những môi trường như thế nào? Nó lây lan chủ yếu qua những đường nào, thưa Bác sĩ?
Bác sĩ Ngọc Khanh: Bệnh tả thường thường lây qua đường ăn uống, thường do những thức ăn đã nhiễm vi trùng tả hoặc là những nước uống. Vi trùng tả sống trong những môi trường như là nước bẩn, phân người bệnh, chất thải, chất nôn ói của người bệnh đi vào môi trường chung quanh, lây nhiễm vào trong nước, trong rau (rau thường được tưới bằng loại phân bắc - tức phân người). Hoặc do ruồi đậu vào chất dịch nôn ói đó, chất tiêu chảy có vi trùng tả, rồi lại đậu vào thức ăn của chúng ta mà truyền mầm bệnh. Hoặc chúng ta có thể tiếp xúc trực tiếp qua tay cầm nắm những vật bị nhiễm đó.
Làm thế nào để tự bảo vệ
Trà Mi: Như Bác Sĩ vừa trình bày và báo chí trong nước có khẳng định là vi trùng tả đã có hiện diện trong nguồn nước uống của nhiều địa phương, như vậy người dân làm thế nào có thể tự bảo vệ mình?
Bác sĩ Ngọc Khanh: Cách chắc ăn nhứt vẫn là phải nấu sôi. Nếu chúng ta nấu sôi nước ở nhiệt độ 100 độ C trong vòng 10 phút tới 15 phút là vi trùng tả không còn tồn tại được. Mình nấu chín thức ăn và mình uống các loại nước đã được nấu sôi để nguội, và cách tốt nhứt là chúng ta nên đậy đồ ăn thật kỹ, đừng để nhiễm ruồi; rồi chúng ta rửa tay thật kỹ trước khi ăn thì chúng ta sẽ có thể không bị vướng vào bệnh tả.
Trà Mi: Cho tới nay những loại thức ăn nào đã được xác định là có sự hiện diện của vi khuẩn tả ở Việt Nam, thưa Bác sĩ?
Bác sĩ Ngọc Khanh: Thực sự ra thì tất cả các loại thực phẩm đêù có thể nhiễm vi trùng tả được hết. Việt Nam bây giờ thì đang hay gặp thịt chó, mắm tôm, thực sự ra các loại bánh phở, bánh cuốn, rau sống, tất cả các loại thực phẩm nếu chưa được xử lý bằng nhiệt, nấu chín 100 độ C trong vòng 15 phút thì đều bị nhiễm vi trùng tả hết. Có thể do bàn tay của người chế biến hoặc do ruồi đậu vào thức ăn. Trong mùa dịch tả chúng ta nên tránh hàng quán, ăn cơm ở hàng quán hay căng-tin. Nên tới nơi nào đã đựoc thông báo là vệ sinh an toàn chứ đừng nên ăn hàng quán nhiều, đó là cái nguồn lây lan bệnh tả dễ nhứt.
Trà Mi: Còn về biện pháp vaccin phòng ngừa tả thì Việt Nam có nghĩ tới chưa, có trường hợp nào được tiêm chủng trong mùa dịch này chưa?
Bác sĩ Ngọc Khanh: Thường tiêm chủng không phải tiêm là mình có ngay kháng thể đâu. Kháng thể chỉ phát sinh sau 7 ngày tới 15 ngày. Tiêm chủng nửa tháng mới bắt đầu có kháng thể. Cho nên tiêm phòng là biện pháp thụ động thôi. Cái chính để đề phòng bệnh tả vãn là ăn chín uống chín, chống ruồi, rửa tay trước khi ăn.
Chuyện phong chống bằng vaccin là phòng chống từ trước, có nghĩa là phải cách đây một tháng hoặc hai tháng chích ngừa thì bây giờ mới có kháng thể trong cơ thể bệnh nhân. Chứ ngay bây giờ chích ngừa, tức nếu chích ngừa hôm nay mà ngày mai ăn phải mắm tôm có nhiễm vi trùng tả thì vẫn có thể mắc bệnh như thường, bởi vì trong thời gian đó cơ thể chúng ta chưa sản xuất được đủ lượng kháng thể để chống lại con vi trùng đó.
Trà Mi: Bây giờ dịch tả đó đang hoành hành ở Miền Bắc, Miền Nam thì chưa có dấu hiệu về việc phát dịch, thì giới chuyên môn có khuyên người dân Miền Nam nên tự phòng vệ cho mình bắt đầu từ bây giờ bằng cách đi tiêm ngừa vaccin ngừa tả hay không?
Bác sĩ Ngọc Khanh: Bây giờ cả nước thì chưa thấy các trung tâm y tế dự phòng đưa ra lời khuyên người dân nên di chích ngừa dịch tả, nhưng mà về mặt dự phòng thì cũng đã lấy các mẩu mắm tôm, mắm nêm, lấy mấy thứ thức ăn trên chợ, quán ăn để phân lập.
Trà Mi: Như vậy là chỉ mới dừng lại ở việc nâng cao cảnh báo ở Miền Nam thôi.
Bác sĩ Ngọc Khanh: Vâng.
Trà Mi: Chúng tôi được biết là Bộ Y Tế cũng có ban hành phác đồ điều trị bệnh tả. Bác Sĩ cho biết phác đồ này ra sao?
Bác sĩ Ngọc Khanh: Cái phác đồ bệnh tả bây giờ, bởi vì Việt Nam mình con Vibrio cholerae mình phát hiện kỳ này là con Vibrio Cholerae nó có type là type Ogawa là một type kháng thuốc rất nhiều. Trước kia đối với vi trùng tả nó rất nhạy với kháng sinh chẳng hạn như Tetracycline, Menocycline, rồi Doxycyclin, Chloramphenicol, nhưng mà bây giờ hầu như là những kháng sinh đó đều bị lờn thuốc hết rồi, cho nên Bộ Y Tế mới cho phác đồ chính. Ngoài vấn đề truyền các chất muối, khoáng, truyền dịch để mà bảo đảm bệnh nhân không bị truỵ tim mạch thì mình dùng kháng sinh nhóm Azithromycin là một kháng sinh mới, và nhóm Quinolone thế hệ 3 ít có đề kháng, còn những kháng sinh đời cũ thì bị đề kháng hết.
Trà Mi: Thế còn cách xử lý kịp thời nhất, hữu hiệu nhất mà ngay từ khi phát bệnh ở nhà, giới chuyên môn có lời khuyên nào đối bới người dân?
Bác sĩ Ngọc Khanh: Mấy cái phương pháp mà dùng nước gừng hoặc là uống Emodium thì rất là nguy hiểm. Bệnh tả không thể trị bằng cách đó được vì bệnh tả đâu có hập thu những nước của mình, lúc đó nó không hấp thu vào đường tiêu hoá được mà nó chỉ "tả" ra thôi, tức là tháo tống ra.
Bây giờ muốn cứu bệnh nhân thì phải truyền dịch vào mạch máu chứ còn không thể uống nước hoặc Oresol. Truyền dịch vào mạch máu với lượng rất nhanh, có thể là khi tiêu chảy cấp chúng ta phải cắm một lượt 3 chai dịch truyền vào hai tay và hai chân thì mới có thể cứu bệnh nhân. Chứ còn uống nước gừng là không đủ sức để chống cự lại sự mất nước.
Vê Emodium thì không nên dùng vì Emodium làm cho chậm thải trừ vi trùng. Lẽ ra vi trùng tả có thể thải ra phân nó lại cứ giữ ở trong ruột, nó làm cho bệnh nhân không hết được bệnh. Cho nên người ta khuyên là giai đoạn đầu tuyệt đối không được dùng Emodium.
Những trường hợp tử vong trong mùa dịch này đa số là do tới bệnh viện quá trễ. Bệnh nhân cứ tưởng là bệnh tiêu chảy thông thường nên mua Emodium, mua Tetra uống, mua Oresol uống, và đến khi nặng quá đưa đi bệnh viện thì lúc đó đã bị truỵ tim mạch rồi, suy thận, suy tim rồi thì không cưú được nữa.
Trà Mi: Bác Sĩ vừa nói tới những biến chứng tai hại cần lưu ý của bệnh tả thì cũng xin được hỏi thêm Bác Sĩ là những biến chứng này, cái thời gian, cái quá trình phát triển như thế nào, xin Bác Sĩ cho biết thêm.
Bác sĩ Ngọc Khanh: Những biến chứng nặng của bệnh tả thì diễn biến rất nhanh, không phải giống như tiêu chảy cấp là 2-3-4 ngày bệnh nhân mới tử vong. Trong trường hợp tả nếu mình không cứu chữa kịp thì bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 24 tiếng đồng hồ cho tới 48 tiếng đồng hồ.
Trà Mi: Cũng xin hỏi thăm Bác Sĩ là trong những gia đình mà có nạn nhân mắc phải dịch tả này rồi thì những người thân của bệnh nhân đó cần có những điều gì đáng lưu ý.
Bác sĩ Ngọc Khanh: Những người thân trong gia đình, những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân thì vấn đề quan trọng nhứt là phải làm sao chất nôn ói, chất tiêu chảy của bệnh nhân phải cho vào một cái bô, sau đó đổ Chlorine (dung dịch Chlor) hay dùng vôi tôi để sát trùng. Sau đó đem chôn sâu hoặc đổ vào một hầm cầu được xử lý (hầm tự hoại). Những đồ dùng, quần áo của bệnh nhân phải được tẩy uế thật kỹ lưỡng.
Trà Mi: Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Bác Sĩ về thờì gian cũng như những thông tin rất hữu ích mà Bác Sĩ đã dành cho chương trình ngày hôm nay.
Bác sĩ Ngọc Khanh: Vâng. Xin chào chị.
