Hàng giáo phẩm ở Bùi Chu cứu giúp hàng ngàn nạn nhân bão số 7
2005.10.11
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Trong lúc cộng đồng người Việt ở hải ngoại đang ra sức tổ chức gây quỹ và giúp đỡ cho các nạn nhân người Việt bị bão Katrina vừa qua, thì ở trong nước, hàng ngàn người dân ở các tỉnh phía Bắc lại lâm vào cảnh màn trời chiếu đất sau cơn bão số 7 vừa qua. Thiệt hại nặng nề nhất là ở hai tỉnh Yên Bái và Nam Định.
Mặc dù không tác động trực tiếp nhưng đã gây những hậu quả rất nặng nề, nhất là những ngày tháng tới đây… Do bị vỡ đê, nước biển tràn vào, đã biến cả khu vực trở thành biển nước mênh mông… Rồi nước rút đi, có những đoạn đê đã được đắp nhưng rồi hoa mầu cứ héo dần… Cây lúa trổ bông giờ đây rũ úa…
Có những ngôi nhà chỉ còn trơ nền đất…Rồi bị lũ tràn về, hàng trăm gia đình bị ngập nhà trong nước, nhiều gia đình mất cả người thân lẫn tài sản… Cho đến hôm nay, người dân vẫn bàng hoàng vì mọi chuyện xảy ra thật bất ngờ và không ai có thể lường trước được.
Nước ngập khắp nơi
Sơ Thu Hương, thuộc dòng Đa Minh Phú Nhai, Xuân Trường, Nam Định cho biết: "Nặng nhất là ở vùng Hải Hòa, Hải Thịnh, và Hải Triều. Coi như là nước xoáy thẳng vào đê vỡ đó…Nó xóa sạch 16 gia đình và thành chỗ vũng sâu…
Còn đa số là nước ngập. Trước khi bão thì chỉ biết là bão rất là mạnh, và bắt buộc dân phải di tản hết. Một số hộ dân họ không di tản. Nhà nước họ đưa súng đến họ bắn và cúp điện, bắt buộc phải đi ra đê để cho các xe của nhà nước người ta chở lên Hà Nội…
Cơn bão số 6 thì nó kinh khủng không thể tưởng tượng đựơc. Nước dâng lên như là hồng thủy…Nhưng nó chưa vỡ đê. Đến cơn bão số 7, nước nó dâng lên rất nhanh và vỡ đê…Chỗ đê vỡ nó vô cùng thê thảm, người ta xây xi măng với đá rất là kiên cố, ở ngoài nó không thể đập vào được, nhưng mà nước vượt qua đê, xong rồi nó xoáy vào, lòn hết đất ở bên trong, dần dần nó mới sụp cái đá bao bên ngoài đi và nó vỡ hết ra như vậy."
Trôi cả nhà và người
Người dân chạy không kịp vì nước đổ về rất nhiều. Qua thông tin truyền hình thì chỉ có mấy ngày trước đó, cũng ít người biết lắm. Thực ra, những người dân ở trên vùng cao thì người ta lại không có thông tin, cho nên người ta cũng không để ý mà cái bão lũ này chưa năm nào như vậy. Đa số là người dân không biết những thông tin.
Thầy Giuse Lưu Văn Định, hiện đang sinh hoạt ở giáo xứ Vĩnh Quang, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, kể lại tình hình lũ quét:
"Lũ vào lúc mười một giờ rưỡi đêm, người dân đang trong tình trạng nghỉ…Có nhiều nhà đang ngủ. Người dân chạy không kịp vì nước đổ về rất nhiều. Qua thông tin truyền hình thì chỉ có mấy ngày trước đó, cũng ít người biết lắm.
Thực ra, những người dân ở trên vùng cao thì người ta lại không có thông tin, cho nên người ta cũng không để ý mà cái bão lũ này chưa năm nào như vậy. Đa số là người dân không biết những thông tin. "
Ngay đêm lũ tràn về, thầy Định chứng kiến cảnh mực nước cứ dâng lên dần. Đứng trước cổng nhà xứ Vĩnh Quang, là một vùng đất cao ở Văn Chấn, thầy Định thấy nước đã dâng lên khoảng 80 cm , thầy nói:
"Cái cảnh mà người ta trôi nhà…Có mấy gia đình người ta trôi cả nhà và người ta ngồi trên đó…Nước đưa đi cả nhà, cả người."
Cảnh đổ nát, hoang tàn
Thưa quí vị và các bạn, sau khi bão tan và nước đã rút, người dân tản cư về lại nhà để chứng kiến cảnh hoang tàn, đổ nát. Ông Nguyễn Minh Nhâm, 61 tuổi, ở Khu 23, thị trấn Thịnh Long, Hải Hậu, Nam Định, nơi bị bão tàn phá nặng nề kể lại:
"Toàn bộ ruộng vườn cát bồi lên cao một mét, coi như bị hủy diệt toàn bộ, coi như không còn gì… Trước khi bão, chúng tôi cũng được báo, để chạy, nhưng chỉ có phụ nữ và trẻ em thôi, còn toàn bộ thanh niên, đàn ông phải ở lại chống chọi với bão…Đến lúc không thể chống chọi được nữa phải cho toàn quân rút…
Và đê vỡ, nước tràn vào và coi như không còn gì nữa. Hiện nay, chúng tôi đang sống màn trời chiếu đất, chúng tôi cũng hỏi nhà nước nhưng nhà nước nói phải chờ vì nơi đó không còn ở được. Chưa có ai dựng lại được nhà cửa, chỉ có lấy cái bạt giăng lên để ở thôi. Nhà nào chưa đổ thì toàn là bùn, thu dọn để ở nhưng nơi đó bây giờ toàn là nước mặn, không có nước để sinh hoạt…Không đèn điện, coi như bị phá hủy…"
Ông Vũ Đức Tuyến, 66 tuổi, cũng ở Thịnh Long, thì cho biết:
"Tình hình chung bây giờ ngập nước mặn, lúa mạ, đất không trồng cấy gì được… rất là gặp khó khăn trong đợt tới đây…Trong thị trấn Thịnh Long này thì không ai còn trồng cấy được nữa. Một số gia đình người ta có anh em, người ta chạy vào miền Nam…còn ở lại đây là người già, vườn thì nó mặn, không còn việc làm."
Cứu giúp nạn nhân
Đứng trước tình cảnh vô cùng khốn khó của người dân, các tu sĩ tại địa phương đã tìm đủ mọi cách trong khả năng của mình để cứu giúp những nạn nhân trong cơn ngặt nghèo. Linh Mục Trần Đức Hoàn, hiện làm việc ở Toà Giám Mục Bùi Chu, được giao trách nhiệm trực tiếp giúp các nạn nhân đã lập tức đi thăm các vùng bị bão, linh mục nói:
"Chúng tôi có hơn 20000 dân bị vào trong tâm của cơn bão đó. Sau buổi chiều hôm xảy ra đó, chúng tôi đã có 500 thùng mì tôm phát cho dân trực tiếp. Hai hôm sau, chúng tôi chuyển xuống 10 tấn gạo nữa.
Ngay trước bão, thì các dòng tu ở địa phận đã đón nhận 1000 người tá túc để tránh bão. Cho đến ngày hôm nay, đa số đều không có ăn, có gạo, kèm theo đó là bệnh tật, dịch vì nó ô nhiễm môi trường rất lớn do các động vật như heo, gà không chạy được nên chết…
Dân hầu như chạy vào nhà thờ hết để cho các cha xứ ở đó nuôi. Các cha xứ ở đó thì tự lo lấy thôi, ngay lúc xảy ra như vậy thì chẳng ai lo cho mình hết, mình tự lo cho mình thôi… Bây giờ thì nhờ sự giúp đỡ của lân cận, nhà nước thì cũng lo cho được một ít..Họ cũng chuyển cho được một ít mì tôm, gạo và nước sạch…
Cơn bão này thật là kinh khủng, sóng gió quá to, nó phá huỷ hết hệ thống đê điều…Thiệt hại rất lớn về tài sản của dân…Cá tôm các cái người ta làm ăn là trôi hết…Bây giờ chúng tôi vẫn trực tiếp phát gạo, các dòng đã phát gần chục tấn gạo rồi…Cái nhiệm vụ chính là nuôi cái ăn chính cho bà con đã…Bởi vì dân ở đó họ làm đến đâu họ ăn đến đó, gạo chợ nước sông. Cái ăn bây giờ rất quan trọng."
Linh mục Phạm Văn Tứ, chánh xứ giáo xứ Phương Chính thì cho biết tình cảnh của những người dân hiện nay: "Cái hậu quả về sau này quá là thiệt hại. Trong vùng bị nước ngập hiện nay ao nuôi tôm, thuỷ sản mất trắng, ruộng vườn bị muối… dân chúng sống về đồng màu, rau quả, bây giờ nước mặn vào coi như xoá sổ hết, mất trắng…
Có đồng lúa sắp thu hoạch bây giờ héo khô. Ít nhất là 2 đến 5 năm nữa mới có thể trở lại để người ta trồng được màu. Khi chúng tôi đến thăm, có gia đình không có ăn, không có rau, có gạo…chỉ có mì tôm, có gia đình lại không có nước thì ăn mì sống.
"Một miếng khi đói bằng một gói khi no"
Linh mục Nguyễn Đức Hiệp, ở Hải Thịnh, hiện trông coi 17 ngàn giáo dân ở Thịnh Long cũng kể về tình cảnh hiện nay:
Nhưng khi qua tổ chức xã hội thì lại nói là các sơ phát tượng trưng thôi, để hết đấy cho họ phát cho, nhưng mà em không chịu, em nói là cái này là của nước ngoài người ta giúp mà người ta muốn đưa tận tay, mà các sơ cũng muốn đưa tận tay…mà người dân người ta cũng muốn được nhận tận tay, nếu không thì nó cũng” rò” hết đi các nơi, thì dân không được mấy tí…
"Cũng có sự hỗ trợ của xã hội, nhưng sự giúp đỡ đó cũng gọi là một miếng khi đói bằng một gói khi no thôi, nói chung là chỉ có ở Thủ đô với Sài gòn thôi, chứ còn ở Thịnh Long này thỉ chỉ “gọi là” vậy thôi chứ chưa có cái gì là đáng kể lắm đâu. Mì tôm là chính thôi…
Về đê thì Đảng bộ, với lại chính quyền nói chung, huyện, huy động nhân dân toàn huyện về đắp đê…Số bà con di tản cũng nhiều, họ đi vào trong sâu họ ở, bên cạnh đó là họ đi vào Nam họ làm, họ kiếm sống chứ còn ở nhà nước muối nó ngập vào rồi, không cầy cấy được gì nữa…Họ nói rằng họ vào miền Nam kiếm sống mấy năm rồi họ mới về tái thiết được, chứ còn ở nhà như thế này thì họ không thể nào tái thiết được nhà cửa của họ."
Sơ Thu Hương, người nữ tu ở dòng Đa Minh Phú Nhai, nhờ quen biết với hội Từ thiện Teresa ở Hoa Kỳ và vài người quen khác, ngay lập tức đã xin trợ cấp khẩn. Sơ kể:
Em phát cho mỗi hộ 10 ký. Em đong được hơn chục tấn, nhưng mới chỉ đem xuống được hơn 7 tấn, vì những khu ấy ngày xưa em quen thì em đưa, còn những chỗ em không quen, thì em gọi cho cha xứ, nhưn cha xứ bảo là nên qua tổ chức xã hội một tí…
Nhưng khi qua tổ chức xã hội thì lại nói là các sơ phát tượng trưng thôi, để hết đấy cho họ phát cho, nhưng mà em không chịu, em nói là cái này là của nước ngoài người ta giúp mà người ta muốn đưa tận tay, mà các sơ cũng muốn đưa tận tay…mà người dân người ta cũng muốn được nhận tận tay, nếu không thì nó cũng” rò” hết đi các nơi, thì dân không được mấy tí…
Cuối cùng thì họ bảo đến chiều họ mới thông báo, thế là em phải đợi hết một ngày mới phát hết. Nhiều khi họ không muốn cho mình phát tận tay, chỉ muốn đưa cho xã hội, nhưng em không đưa thì lâu, nó kềnh rềnh, thì báo bổ nó lâu tí thôi, còn chỗ biết dân rồi thì có danh sách thì cứ vậy phát thôi…"
Tái dựng lại cuộc sống mới
Thưa quí vị và các bạn, trong những ngày này, người dân ở các vùng bị bão và lũ quét đang cố gượng để tái dựng lại cuộc sống mới. Hầu hết đã nghèo nay lại càng nghèo hơn, hàng ngàn gia đình vẫn còn sống trong cảnh màn trời chiếu đất, hoặc bỏ xứ ra đi tha phương cầu thực, như lời linh mục Nguyễn Đức Hiệp tâm sự :
Đến bữa nay thì đê đắp được rồi, nhưng các nhà cửa đổ bây giờ họ chán, coi như họ mất trí khôn, họ chẳng sửa chữa, họ cứ để vậy thôi… những người trong gia đình họ đi nơi này nơi kia…"
Giờ đây, bên cạnh sự giúp đỡ phần nào của nhà nước, những người dân khốn khổ chỉ còn trong mong vào lòng từ tâm của mọi người ở khắp nơi. Phương Anh xin ngừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.
Những bài liên quan
- Cần có một giải pháp chiến lược cho đồng ruộng bị nhiễm mặn do vỡ đê
- Người dân Yên Bái chia sẻ hoạn nạn và dựng lại cuộc sống sau thiên tai
- Công tác cứu trợ nạn nhân bão lụt Katrina tại chùa Vạn Đức ở Biloxi
- Cuốn sách hình "Những Người Bị Lãng Quên"
- Công tác cứu trợ nạn nhân của Toà Giám Mục Bùi Chu ở Nam Định
- Nơi cơn bão số 7 đi qua
- Công tác phòng chống thiên tai tại Việt Nam
- Trận lũ kinh hoàng qua lời kể của một cư dân tại Nghĩa Lộ
- Tỉnh Yên Bái bị ảnh hưởng mạnh bởi trận cuồng phong số 7.
- Vùng duyên hải Trung và Bắc Bộ thiệt hại năng do bão số 7
- Tàu thuyền Việt Nam được trang thiết bị báo bão ra sao
- Giáo sư tiến sĩ âm nhạc Nguyễn Thuyết Phong
- Bão số 7 tàn phá nhiều khu vực ven biển miền Bắc và Trung Bộ Việt Nam
- Mô hình nuôi cá rô phi giúp người nghèo kiếm thêm thu nhập
- Bão số 7 đổ bộ vào các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam-Đà Nẵng
- Vì sao người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long không muốn di tản tránh lũ?
- Bão số 7 với sức gió 130km/h đang trên đường tiến vào các tỉnh ven biển miền Bắc
- Chính phủ Việt Nam yêu cầu các chính quyền địa phương chuẩn bị đối phó với bão số 7
- Tấm lòng nhân hậu của phụ nữ Việt giúp đỡ hàng ngàn gia đình nạn nhân bão Katrina
- Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung