Hy vọng của LS Bùi Quang Nghiêm trước phiên tòa phúc thẩm 2 LS Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân
2007.11.26
Trường Văn, phóng viên đài RFA
Ngày 27 tháng 11 này, tòa phúc thẩm Hà Nội sẽ đem ra xét lại bản án của tòa sơ thẩm về vụ luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình Sự.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, phó chủ nhiệm đòan luật sư thành phố Hồ Chí Minh, một trong những luật sư biện hộ cho hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, đã dành cho Trường Văn của đài chúng tôi cuộc phỏng vấn sau đây. Trước hết luật sư Bùi Quang Nghiêm phát biểu:
LS Quang Nghiêm: Tòa sơ thẩm kết tội về việc tuyên truyền chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam, xử phạt bị cáo Đài 5 năm và bị cáo Công Nhân cũng vậy. Tôi ở thành phố HCM thì có luật sư Lê Công Định, luật sư Đặng Dũng và tôi nhận bào chữa cho các bị cáo. Tôi và luật sư Dũng thì bào chữa cho bị cáo Đài cùng các đồng nghiệp ở Hải Phòng, Hà Nội.
Theo tôi thì việc này không phạm tội trầm trọng đến mức như bản án sơ thẩm nêu là phạt 5 năm tù. Chúng tôi đang suy nghĩ xem là điều 88 của Bộ Luật Hình Sự nó có phù hợp với hiến pháp hay không? Nó có đảm bảo quyền tự do của người dân theo điều đó hay không. Nhưng nó có cái khó là như thế này, mình chưa có tòa án hiến pháp cho nên không thể nói rằng điều 88 của bộ luật hình sự là có giá trị hay không có giá trị, xem xét trong trường hợp này rất khó.
Cho nên chúng tôi đang chờ xem ý kiến của bị cáo Đài và bị cáo Công Nhân ở phiên tòa phúc thẩm như thế nào thì bọn tôi mới định ra nội dung bào chữa cho bị cáo đó. Khi tôi gặp bị cáo Đài tôi có nói rõ là trước khi bị khởi tố thì đều là đồng nghiệp của chúng tôi cho nên chúng tôi xác định chúng tôi làm luật sư bào chữa nhưng có lẽ chúng tôi là chỗ dựa tinh thần cho bị cáo nhiều hơn là chỗ dựa về chuyên môn, bởi vì đó nguyên là các đồng nghiệp cho nên họ cũng khó khả năng bào chữa ít nhất là tốt như chúng tôi vậy.
Trước mắt chúng tôi chỉ nhận là chỗ dựa tinh thần cho các vị ấy, cho các bị cáo ấy. Còn có là chỗ dựa chuyên môn hay không thì nó phải phụ thuộc vào lời khai của bị cáo và nội dung trình bày của bị cáo trước phiên tòa phúc thẩm tới này.
Trường Văn: Thưa luật sư, theo như luật sư nói là xem điều 88 trái hiến pháp và nêu điều đó ra, thì...
LS Quang Nghiêm: Tôi sẽ nêu điều đó ra, nó sai trái như thế nào. Tất nhiên là điều đó đang hợp pháp. Hợp pháp bởi vì hiện nay nó là một nội dung của bộ luật hình sự mà luật đấy là quốc hội đã thông qua. Nhưng tôi cho rằng điều đó trái với hiến pháp là quyền tự do ngôn luận của công dân.
Luận cứ của chúng tôi là chúng tôi sẽ phân tích cho hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng điều 88 trong mối liên hệ với điều 66 của hiến pháp, chúng tôi sẽ phân tích rất kỹ. Tôi cũng đã làm việc với luật sư Dũng bào chữa cho bị cáo Sang là bác sĩ trong thành phố HCM rồi, tuy nhiên tòa không chấp nhận toàn bộ, nhưng đã giảm án cho các bị cáo. Tôi hy vọng rằng trong phiên xử này tôi vừa hy vọng nhiều hơn bởi vì chủ tịch Nguyễn Minh Triết cũng nói là bất đồng chính kiến là chuyện bình thường.
Tôi cho rằng đấy là điều rất tiến bộ trong việc nhìn nhận vấn đề của các cấp lãnh đạo của Việt Nam liên quan đến những hành vi như ông Đài là Lê Thị Công Nhân đã thực hiện. Nếu như có thì mức độ nguy hiểm đến xã hội như thế nào. Nó có nguy hiểm cho xã hội hay không? Điều 88 còn phù hợp hay không? Tất cả những cái đó thì có thể chúng tôi kiến nghị rất rõ ràng ở phiên tòa phúc thẩm.
Trường Văn: Tức là mình xoáy vào chuyện là điều 88 có phù hợp với hiến pháp hay không? Và những hành vi của ông Nguyễn Văn Đài có phải là muốn lật đổ…
LS Quang Nghiêm: Có phải là hành vi bất lợi cho xã hội hay không? Nhằm mục đích gì? Vì vậy phải phân tích về hành vi khách quan của họ để thấy được rõ mục đích của họ là gì? Có phải lật đổ hay không? Có phải là để khủng bố để lật đổ hay không? Và gây nên sự bất ổn cho xã hội hay không? Hay người ta mong muốn một điều gì tốt hơn, sự phát triển nhanh hơn của xã hội.
Mong muốn là một chuyện, còn người ta làm được hay không là chuyện khác. Mỗi người mỗi một phương pháp, mỗi một suy nghĩ, một cách làm, cách nghĩ khác. Như những người có chức thì phải chọn lọc ra một cái phù hợp, còn người ta đề nghị thì cứ đề nghị thôi.
Trường Văn: Thành ra luật sư căn cứ vào những chứng cứ của bên viện kiểm sát, bên cơ quan điều tra để xem họ có đưa ra những chứng cứ đó có nội dung muốn lật đổ chính quyền nhà nước hiện nay hay không? Hay là chỉ muốn có đa nguyên đa đảng, muốn có tự do hơn để dân chúng có quyền tham gia vào chính quyền hay không. Thành ra những cái đó là chuyện khác nữa, phải không Luật Sư? Thành ra như vậy Luật Sư thấy là hy vọng của luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân là như thế nào, thưa Luật Sư?
LS Quang Nghiêm: Tôi thì hy vọng rất là nhiều, và tôi hy vọng rằng hội đồng xét xử thấy rằng ý kiến của chúng tôi là đúng, ý kiến của Ông Đài và Lê Thị Công Nhân cũng là đúng. Mục đích của họ không nhằm tiêu cực mà họ lập ra một mục đích tích cực. Tất nhiên, xã hội chấp nhận hay không đấy là chuyện khác, nhưng ý định của người ta là như thế. Và cái chính là hành vi đó có nguy hiểm cho xã hội hay không?
Tôi rất hy vọng là hội đồng xét xử chấp nhận rằng cái này không nguy hiểm, có thể là trả tự do cho bị cáo, đình chỉ xét xử phúc thẩm. Tôi nghĩ rằng hội đồng xét xử chấp nhận ý kiến của chúng tôi. Chúng tôi phải có niềm tin như vậy cái đã để chúng tôi làm.
Trường Văn: Cám ơn Luật Sư.
Các tin, bài liên quan
- USCIRF lên tiếng về phiên phúc thẩm 2 luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân
- Quốc tế kêu gọi Việt Nam trả tự do cho 2 luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân
- Quan điểm bào chữa của Luật sư Trần Lâm cho 2 Luật sư Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài (phần 2)
- Quan điểm bào chữa của Luật sư Trần Lâm cho 2 Luật sư Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài (phần 1)
- Liên đoàn Luật sư Quốc tế không nhân được hồi âm từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
- Trao đổi thư tín với thính giả (ngày 15-11-2007)
- Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê thị Công Nhân sẽ ra toà phúc thẩm vào ngày 27-11 tới đây
- Hà Nội ngăn cản mẹ LS Lê thị Công Nhân sang Pháp dự hội nghị
- Hội luận Trong–Ngoài về quyền tự do bày tỏ ý kiến tại Việt Nam (phần 1)