Những tranh cãi về đề nghị cổ phần hóa bệnh viện Bình Dân

0:00 / 0:00

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Bệnh viện Bình Dân xưa nay vốn nổi tiếng là một bệnh viện công có khả năng chữa bệnh vào hàng giỏi nhất, hiện nay đang phải đối diện với đề nghị cổ phần hóa từ Sở Y Tế Thành Phố Hồ Chí Minh, đơn vị chủ quản của bệnh viện.

HopitalDoctor200.jpg
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Bình Dân. Hình của báo Lao Ðộng.

Đề nghị cổ phần hóa này đang bị phản đối dữ dội từ nhiều phía từ nhiều vấn đề mà trong đó sự lo ngại cho người nghèo sẽ không được tiếp tục chăm sóc miễn phí sau khi Bệnh viện được cổ phần hóa là một.

Vấn đề thứ hai là việc định giá quá thấp tài sản hiện hữu sẽ khiến tài sản nhà nước nhảy vào túi những kẻ chức quyền, thông qua những cổ phiếu ưu đãi. Mặc Lâm tìm hiểu vấn đề sau đây mời quý thính giả theo dõi.

Ý định cổ phần hóa Bệnh Viện Bình Dân đã có từ năm 1999 nhưng sau bao nhiêu lần trì hoãn mới đây Giám đốc Sở Y Tế Thành Phố Hồ Chí Minh là ông Nguyễn Thế Dũng lại đem vấn đề này ra mổ xẻ với lập luận là bệnh viện Bình Dân đang cần một ngân khoản 60 tỷ đồng để tu bổ và cải tạo hệ thống hạ tầng mà trong đó có trang thiết bị đã trở nên lạc hậu không đáp ứng với việc chữa trị và phục vụ bệnh nhân.

Có hai vấn đề được nêu lên qua đề nghị này, thứ nhất là sau khi cổ phần hóa bệnh viện Bình Dân có còn phục vụ miễn phí cho người nghèo nữa hay không. Vấn đề thứ hai là liệu việc định giá cổ phần bệnh viện quá thấp có tiếp tay với tiêu cực để ăn chặn tài sản công hay không.

Xã hội hóa

Vấn đề thứ nhất thuộc quan tâm của xã hội mà trong đó không ít bác sĩ cũng như bệnh nhân những người trực tiếp có liên quan đến sự sống còn của bệnh viện. Trong một lần phỏng vấn trước đây bác sĩ Huỳnh Hòa Thanh đã cho phóng viên Nam Nguyên của đài biết những quan ngại của ông về vấn đề chăm sóc cho người nghèo mà cụ thể là việc bảo hiểm y tế, ông nói:

Hiện nay người ta dựa vào cái lý do xã hội hóa nhưng theo tôi xã hội hóa không có nghĩa là cổ phần hóa. Không chỉ tôi phản đối cái bệnh viện Bình Dân mà tôi không đồng ý cổ phần hóa các bệnh viện công lập trong giai đoạn hiện nay. Còn trong tương lai khi xã hội kinh tế đi lên đời sống người dân lên cao thì chúng ta sẽ tính sau nữa.

“Tình hình Việt Nam hiện nay chưa làm được, khi nào tới đó, bảo hiểm y tế nó phải nâng cao hơn. Như các nước trên thế giới khi trình độ bảo hiểm nâng cao thì người dân vào bệnh viện công hay tư gì cũng được miễn phí hết, còn ngày nay chỉ vào bệnh viện công mới được miễn phí còn bệnh viện tư hay bán tư thì không được miễn phí do đó người dân không thể đảm bảo nổi, người dân mức sống còn nghèo mà!

Mà mức sống còn nghèo thì cái bảo hiểm y tế chưa bao giờ phù hợp với cái thực tế của kỹ thuật cao hết.”

Bác sĩ Huỳnh Hòa Thanh cũng chia sẻ việc xã hội hóa mà nhà nước đang kêu gọi, ông nêu rõ: "Hiện nay người ta dựa vào cái lý do xã hội hóa nhưng theo tôi xã hội hóa không có nghĩa là cổ phần hóa. Không chỉ tôi phản đối cái bệnh viện Bình Dân mà tôi không đồng ý cổ phần hóa các bệnh viện công lập trong giai đoạn hiện nay. Còn trong tương lai khi xã hội kinh tế đi lên đời sống người dân lên cao thì chúng ta sẽ tính sau nữa."

Yếu tính hiện nay trong vấn đề y tế tại Việt Nam vẫn là chính sách chung từ nhà nước ban hành. Chính sách này hiện nay vẫn còn nhiều trở ngại khi ngân sách chi cho y tế hàng năm vẫn còn quá khiêm tốn dẫn đến việc chăm sóc miễn phí cho một số lớn bệnh nhân nghèo không thể tốt hơn.

Đề nghị nâng cấp cho bệnh viện Bình Dân lẽ ra phải được xã hội đồng thuận nếu không thông qua giải pháp cổ phần hóa vì khi thực hiện giải pháp này lấy đâu ra lợi nhuận để chia cho cổ đông khi bệnh viện chủ trương chăm sóc cho người nghèo?

Giữa lợi nhuận và chính trị, bệnh viện Bình Dân khó có chọn lựa thứ hai. Khi được hỏi ý kiến về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết ý kiến của ông về những xung đột trong việc chuyển hóa hệ thống phục vụ của bệnh viện. Ông nói:

“Tôi thấy trong này có vấn đề kinh tế và trước đấy nó có vấn đề y tế. Chính sách về y tế công cộng của Việt Nam ra làm sao mà quyết định cổ phần hóa một công ty, một cái bệnh viện mang tên bệnh viện Bình Dân với khả năng phục vụ một số quần chúng bình dân có lợi tức thấp thì phải như thế nào?

Còn về lĩnh vực kinh tế, tôi nghĩ rằng đầu tiên khi cổ phần hóa cái bệnh viện Bình Dân thì tính giá cả nó ra làm sao? và lúc đó hiển nhiên là đã có những quy định rồi. Bây giờ Bệnh Viện này bị lồng trong cơn sốt của chứng khoán thì tôi thấy nó dễ gây ra những tác động nguy hại cho bệnh viện là một và thứ đến là thị trường chứng khoán nữa.”

Cổ phần hóa

Ở đây có vấn đề là khi cổ phần hoá thì bệnh viện phải hoạt động kinh doanh, mà như vậy thì người nghèo gặp khó. Bệnh viện sẽ có thể từ chối bệnh nhân nghèo vì lý do phải bảo vệ quyền lợi cổ đông tư nhân.

Khi chúng tôi nêu lên những quan ngại về những thông tin cho thấy những người chủ trương cổ phần hóa đã cho định giá tài sản của bệnh viện bao gồm bất động sản, trang thiết bị và số thu nhập với một con số rất thấp. Việc kê khai giá trị tài sản thấp đến mức khó hiểu này được Ông Nguyễn Xuân Nghĩa nhìn nhận:

“Riêng về việc gian lận sổ sách để hạ giá cổ phiếu xuống thấp sau đó thổi lên về mặt kỹ thuật thì việc này tương đối dễ làm trong bối cảnh của luật lệ còn quá thô sơ như Việt Nam hiện nay. Tôi cho rằng đây là một quyết định mà nó nói lên cả bi kịch về y tế lẫn kinh tế của Việt Nam.”

Những diễn biến đang xảy ra chung quanh việc cổ phần hóa Bệnh Viện Bình Dân là một thử nghiệm thực tiễn cho những gì sắp xảy ra khi nhà nước có chủ trương cổ phần hóa hàng loạt công ty quốc doanh sắp tới. Chia sẻ những lo ngại của chúng tôi về việc sẽ có những thủ đoạn phía sau bức màn cổ phần hóa mà người chịu thiệt thòi vẫn là người dân nếu định nghĩa tài sản do nhà nước quản lý là tài sản nhân dân, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết:

“Theo tôi thì cách tốt nhất để tránh những việc mà ông vừa đề cập đến thì phải tiến hành các cuộc đấu thầu công khai, minh bạchvà tiến hành việc cổ phần hóa rất công khai từng bước một.

Riêng về việc đánh giá thì nhờ các công ty tư vấn, còn mua bán cổ phần thì đưa ra đấu giá công khai và mọi người từ công nhân đến những người bên ngoài đều phải được tiếp cận một cách bình đẳng và không có sự ưu đãi mờ ám nào. Lúc đó sẽ có sự thỏa thuận, đi đến sự đồng thuận nhất định.

Theo tôi biết việc cổ phần hóa này ở phương tây luôn luôn là một quá trình tranh cãi rất phức tạp và khó mà có thể đạt được cho mọi người một sự đồng thuận, cho nên đề cập đến cổ phần hóa nói chung hiện nay cho thấy ở Việt Nam có xu hướng chưa đánh giá đầy đủ giá đất, giá bất động sản, giá thương hiệu và vì vậy cho nên có ý kiến cho rằng nhà nước mất một khoản tài sản lớn.”

Giá trị thật

Một kinh nghiệm mà chúng ta có thể học hỏi trong chuyện cổ phần hóa là sau khi Liên Xô tan rã, hàng loạt công ty quốc doanh được cổ phần hóa trong đó có cả những công ty khai thác dầu khí.

Các quan chức đang làm việc trong những cơ quan này toa rập nhau định giá tài sản công thấp hơn giá trị thật của chúng nhiều lần và sau đó khi được hưởng những ưu đãi mua cổ phiếu của công ty với giá hạ vài chục phần trăm những cổ phiếu này được bán lại ra thị trường chứng khoán và họ kiếm lợi hàng triệu Mỹ kim. Bài học này được Tiến sĩ Lê Đăng Doanh chia sẻ:

“Theo tôi đây là một ý kiến rất nghiêm túc cần phải được xem xét nghiêm chỉnh và phải được sửa đổi một cách mạnh mẽ cái cơ chế cái thủ tục về cổ phần hóa ở Việt Nam để tránh lập lại như có người đã cảnh báo như vậy.”

Bệnh viện Bình Dân dù sao cũng còn quá nhỏ nếu so với những công ty hay tập đoàn khác đang được nhắm tới. Những đóng góp ý kiến cũng như tư vấn từ giới chuyên gia luôn luôn cần thiết cho chính phủ và các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng.

Vết xe mà Liên Xô đã lăn qua trong tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn để di hại tới ngày nay. Nhiều người quan tâm cho rằng Bộ Y tế cần có chủ trương về việc cổ phần hóa các bệnh viện công lập, thay vì giao khoán cho các Sở Y tế định đoạt.