Thẩm phán và luật sư tham nhũng phá hỏng hệ thống tư pháp
2007.05.25
Lê Dân, phóng viên đài RFA
Hôm thứ Năm, tổ chức chống tham nhũng Transparency International, tức Minh bạch Quốc tế, công bố bản phúc trình thường niên về tình hình tham nhũng toàn cầu. Năm nay kết quả nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh đến một lãnh vực đặc biệt gây bức xúc nhiều nhất, đó là tư pháp. Thanh Trúc tìm hiểu thêm và trình bày như sau.
Bản "Phúc trình Tham nhũng Tòan cầu 2007" khẳng định rằng 'tham nhũng đã phá hỏng công lý tại nhiều phần của thế giới, không cho các nạn nhân và cả người bị tố cáo được hưởng quyền con người cơ bản nhất là phiên xử công bằng, không thiên vị'.
Trong cuộc nghiên cứu tiến hành ở 32 quốc gia, tổ chức Transparency International nhận thấy nạn tham nhũng trong tư pháp thường rơi vào hai loại. Một là sự can thiệp có tính chính trị vào tiến trình tư pháp do quan chức chính phủ hay ngay trong ngành tư pháp, kiểm sát. Và hai là do tiền bạc đút lót.
Toà án bị chi phối
Chủ tịch tổ chức chống tham nhũng Transparency International, bà Huguette Labelle, khẳng định trong bản thông cáo phổ biến hôm thứ Tư rằng "Sự đối xử đồng đều trước pháp luật là một trụ cột chính của xã hội dân chủ.
Nên khi Tòa án bị chi phối bởi lòng tham, hay vì động lực chính trị, thì cán cân công lý đã bị nghiêng lệch, và người dân bình thường phải chịu thiệt. Nền tư pháp bị tha hóa có nghĩa là tiếng kêu của người dân bị bỏ mặc và kẻ thủ ác vẫn bình chân như vại".
Để lấy làm thí dụ điển hình, bản phúc trình nêu lên trường hợp một thẩm phán có thể cho phép, hoặc loại trừ một chứng cớ đưa ra trước phiên xử trong mục đích tha bổng hay giảm nhẹ hình phạt bị cáo, vốn là quan chức cao cấp.
Sự đối xử đồng đều trước pháp luật là một trụ cột chính của xã hội dân chủ. Nên khi Tòa án bị chi phối bởi lòng tham, hay vì động lực chính trị, thì cán cân công lý đã bị nghiêng lệch, và người dân bình thường phải chịu thiệt. Nền tư pháp bị tha hóa có nghĩa là tiếng kêu của người dân bị bỏ mặc và kẻ thủ ác vẫn bình chân như vại
Thẩm phán hay viện Kiểm sát còn có thể ấn định ngày giờ xử án để cho có lợi cho bên này, hay bên kia. Ở những nước mà việc ghi chép hay ghi âm tiến trình xét xử chưa chu đáo, thì thẩm phán hay đại diện công tố có thể đưa ra những luận điểm không chính xác, hoặc tệ hại hơn, là bóp méo lời xác minh của nhân chứng.
Tất cả chỉ nhằm để đưa ra một bản tuyên án đã được "bỏ túi" định sẵn, hay cho phù hợp với sự mong muốn của bên bỏ tiền ra mua.
Nhận định của tổ chức chống tham nhũng Transparency International nếu đối chiếu với những vụ án mới diễn ra hồi gần đây tại Việt Nam thì người ta thấy không có khác biệt nhiều. Một người dân Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ ý kiến về các phiên xử một số người khác biệt chính kiến với nhà cầm quyền và bị ghép tội hình sự theo điều 88.
“Những phiên tòa trước đây, cũng như những phiên tòa sau này mà xét xử những người đó với tội danh này, hay tội danh khác, với múc án này hoặc với mức án khác, thì tôi nghĩ với việc làm đó, chính nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay đã phủ nhận, đã tự phủ nhận sự chính đáng của chính mình.”
Tìm hiểu thêm về nhận xét của tổ chức chống tham nhũng Transparency International, chúng tôi liên lạc với ông Jesse Garcia, đại diện tổ chức. Từ Berlin, ông nói:
“Chúng tôi thấy tại những nước có lợi tức thấp, kể cả Việt Nam, họ đã bớt hỗ trợ hệ thống tòa án và nhân viên tư pháp, nên tạo cơ hội cho tham nhũng và phá hỏng chế độ pháp trị.”
Khuyến cáo cho Việt Nam
Khi được hỏi là liệu tổ chức Transparency International, tức Minh bạch Quốc tế, có khuyến cáo nào giành cho nhà cầm quyền và dân chúng Việt Nam để vực dậy sự hiệu quả của hệ thống tư pháp hay không ? Ông Jesse Garcia cho biết:
“Chúng tôi có vài khuyến nghị chung cho các nước. Chúng ta cần làm nhiều việc mới có được một hệ thống tư pháp độc lập, có nghĩa là không bị chính trị chi phối, đồng thời hệ thống đó phải chứng tỏ sự khả tín của nó. Một mặt thì nó phải không bị nhà nước tác động, mặt khác nó phải chịu trách nhiệm về những phán quyết đưa ra.”
Cụ thể, bản phúc trình phổ biến hôm thứ Tư nêu lên vài khuyến nghị như việc bổ nhiệm thẩm phán phải căn cứ vào tinh thần chí công vô tư. Nếu không thì chỉ tạo thêm cơ hội cho tham nhũng, vào khi lương bổng không đủ nuôi gia đình, sự huấn luyện lại thiếu kém, càng làm hệ thống tư pháp tàn hại thêm.
Mọi khiếu tố, khiếu nại về thẩm phán phải được điều tra, nghiên cứu cặn kẽ. Nếu họ bị cách chức thì tiến trình đó phải được thi hành công khai, minh bạch và đúng chuẩn mực. Nếu có bằng chứng cụ thể về tham nhũng thì các thẩm phán phải bị rtuy cứu hình sự như mọi quan chức khác.
Cùng với bản phúc trình về Tình hình Tham nhũng Tòan cầu 2007, tổ chức Transparency International cũng đưa ra bản Chỉ số Nhận thức Tham nhũng năm 2006 Miến Điện và Haiti bị xếp cuối sổ và Phần Lan được đứng đầu bảng.
Thông tin trên mạng:
- IN FOCUS: GLOBAL CORRUPTION REPORT 2007 - Corruption in Judicial Systems
Những bài liên quan
- Giới đầu tư ngoại quốc trông đợi gì vào thị trường chứng khoán Việt Nam?
- Việt Nam khẳng định quyết tâm chống tham nhũng
- Thủ đô Hà Nội có 2 triệu 200 ngàn mét vuông đất thuốc tài sản công cộng bị bỏ phế
- Việt Nam tổ chức hội nghị với các nước và tổ chức cấp viện về nỗ lực chống tham nhũng
- FPT bị công ty Việt Mỹ kiện đòi bồi thường thiệt hại 1 triệu đôla
- Liệu TP HCM có cứu vãn được dự án Cải thiện Môi trường do ADB tài trợ không ?
- Cán bộ nhận quà tặng không đúng qui định phải trả lại
- Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam
- Các thẩm phán thường hay hoãn xét xử các vụ án dân sự vì e ngại phán quyết sẽ bị huỷ bỏ