Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Xì dầu nước tương có độc tố gây ung thư cho người sử dụng đang là một cuộc khủng hoảng kéo dài ở Việt Nam. Nam Nguyên trình bày vấn đề này.

Nếu mỗi năm một người dân Việt Nam sử dụng hết 1 lít nước tương hay còn quen gọi là xì dầu, tàu vị yểu, thì các nhà sản xuất đã bán ra được hơn 80 triệu lít xì dầu. Không biết tự bao giờ, có thể 50 năm hoặc xưa hơn nữa, nước tương xì dầu trở thành một loại nước chấm, hay là phụ gia nêm nếm của các bà nội trợ Việt Nam.
Người nghèo ở Việt Nam, công nhân lao động, sinh viên xa nhà cứ đến tuần lễ cuối tháng chưa nhận tiền, thì cơm chan xì dầu, hay bánh mì xịt nước tương là chuyện thường tình.
Để có hương vị đậm đà khó quên của xì dầu, từ bao nhiêu đời nay các cơ sở chế biến nước tương ở Việt Nam đều chế biến theo phương pháp truyền thống, mà công đoạn quan trọng nhất là thuỷ phân bánh dầu bằng acid clorhydric (HCL).
Năm 2001, các nhà khoa học ở Saigon đã có công trình nghiên cứu chứng minh rằng, cách làm như vừa nói có khả năng tạo ra chất 3-MCPD, 1 tiền chất gây ung thư. Nhưng điều gọi là cuộc khủng hoảng nước tương mới chỉ bắt đầu trong tháng 5, người tiêu dùng tẩy chay nhiều thương hiệu xì dầu nổi tiếng từ bao nhiêu năm qua.
Ảnh hưởng đến người tiêu dùng
Chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Chí Nguyện, tổng thư ký Hội Lương Thực Thực Phẩm TP.HCM chung quanh vấn đề này:
Trong tình hình dư luận xôn xao về vụ nước tương có chất 3-MCPD, chúng tôi khuyến cáo hội viên phải thay đổi công nghệ sản xuất để có thể tồn tại với sản phẩm sạch được người tiêu dùng chấp nhận. Về phần mình chúng tôi sẵn sàng đàm phán với các nhà khao học các viện, trường để cung cấp cho chúng tôi công nghệ sản xuất nước tương sạch.
Chúng tôi bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp pháp của hội viên. Nhưng điều quan trọng hơn là bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Chúng tôi chủ trương là ngừng sản xuất những sản phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong tình hình dư luận xôn xao về vụ nước tương có chất 3-MCPD, chúng tôi khuyến cáo hội viên phải thay đổi công nghệ sản xuất để có thể tồn tại với sản phẩm sạch được người tiêu dùng chấp nhận. Về phần mình chúng tôi sẵn sàng đàm phán với các nhà khao học các viện, trường để cung cấp cho chúng tôi công nghệ sản xuất nước tương sạch.
Vấn đề này đã từng được đưa ra từ năm 2005, nhưng thực tế có chậm là vì sản phẩm sạch theo công nghệ mới chưa đáp ứng khẩu vị quen dùng.”
Đó là những thông tin từ ông Nguyễn Chí Nguyện TTK Hội Lương Thực Thực Phẩm TP.HCM Trong nhiều năm báo chí có nhiều bài viết về vấn đề nước tương có tạp chất và độc tố, tuy nhiên vấn đề này vẫn không được giải quyết.
Phải đến khi có tin một thương hiệu nước tương xuất khẩu của Việt Nam, bị nhà chức trách EU phát hiện có chất cấm 3-MCPD, thì lúc này bộ y tế Việt Nam và đặc biệt sở y tế TP.HCM mới cố gắng bào chữa về việc đã che dấu thông tin, không công bố tên các nhà sản xuất nước tương vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm vì trong sản phẩm có dư lượng 3-MCPD cao hơn mức cho phép 1mg/kg.
Không kể các tỉnh thành khác, chỉ riêng TP.HCM có khoảng 20 cơ sở sản xuất xì dầu mà sản phẩm của họ có dư lượng 3-MCPD vựot mức cho phép, có loại cao hơn 2 ngàn lần.
Phản ứng của người tiêu dùng ra sao, một người dân TP.HCM phát biểu: "Nước tương cũng như nước mắm không thể thiếu được trong bữa ăn của người Việt Nam. Tôi lo quá hết tương ớt có chất sudan nay tới nước tương có độc tố. Hiện nay nước tương ngoại bày bán ở siêu thị được người tiêu dùng lựa chọn."
Để giải quyết cuộc khủng hoảng nước tương hiện nay, thì các nhà sản xuất buộc phải thay đổi công nghệ, phải chi phí hàng trăm triệu đồng cho công nghệ nước tương sạch. Nhiều nhóm chuyên gia đang bắt tay vào công tác này, tuy nhiên cho tới nay chưa có một công nghệ nào được biết tới ở Việt Nam có thể làm ra xì dầu với hương vị mà người Việt Nam đã quen dùng.
Có những ý kiến cho rằng, chính quyền phải vào cuộc để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, còn người tiêu dùng sẽ phải chấp nhận thay đổi khẩu vị của mình.