Cần có một giải pháp chiến lược cho đồng ruộng bị nhiễm mặn do vỡ đê


2005.10.07

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Bão số 7 thổi vào Việt Nam hồi cuối tháng 9 đã làm vỡ đê ở Nam Định và Thanh Hoá gây nhiều thiệt hại, hoa màu mất trắng. Tuy nhiên, đồng ruộng nhiễm mặn là một vấn đề lâu dài và cần một giải pháp có tính chiến lược.

FloodFarmer200.jpg
Hai vợ chồng bác nông dân trên đường đến cánh đồng của mình. AFP PHOTO

Nam Nguyên phỏng vấn Tiến Sĩ Tống Khiêm Giám Đốc Trung Tâm Khuyến Nông Quốc Gia trụ sở tại Hà Nội. Mời quí thính giả theo dõi.

Nam Nguyên: Thưa ông, theo thông tin thì bão số 7 đã làm đất đai một số tỉnh ven biển bị nhiễm mặn, nông dân không thể canh tác được nữa. Vấn đề này được cơ quan chuyên môn đánh giá thế nào?

Tiến sĩ Tống Khiêm: Chủ yếu các vùng bị nhiễm mặn do đê vỡ là ở hai tỉnh Nam Định và Thanh Hoá. Có thể phân tình trạng đất đai nhiễm mặn do đê vỡ làm hai loại, loại thứ nhất nước mặn ào vào một hai ngày rồi rút đi ngay.

Tuy đất nhiễm mặn nhưng chắc chắn là mức độ nhẹ hơn loại thứ hai, đây là những nơi nước mặn lưu lại trong đồng ruộng khoảng năm tới bảy ngày.

Giải pháp nào cho vấn đề này, thì vừa qua Bộ NN &PTNT đã cử những đoàn đi kiểm tra đồng ruộng để đo đếm khẳng định xem độ nhiễm mặn thực sự thế nào.

Trên cơ sở đó đưa ra giải pháp, đối với nhiễm nhẹ thì trồng cái gì xử lý ra sao, và đối với đất nhiễm mặn nặng thì như thế nào.

Ví dụ mức độ nhiễm mặn không vượt quá 0,6 hoặc 0,8 phần trăm tức là từ 6 tới 8 phần nghìn về độ mặn, thì có thể trồng một số cây thích hợp chịu mặn như khoai tây khoai lang, rau củ, một số loại đậu như đậu xanh đậu đen để trồng trong vụ đông này.

Theo cá nhân tôi, là bên Khuyến Nông Quốc Gia đưa ra khuyến cáo nông dân nên trồng cái gì nuôi con gì ở vùng đất nào. Trước hết phải xác định xem độ nhiễm mặn là bao nhiêu phần nghìn, trên cơ sở ấy đưa ra giống cây trồng phù hợp.

Ví dụ mức độ nhiễm mặn không vượt quá 0,6 hoặc 0,8 phần trăm tức là từ 6 tới 8 phần nghìn về độ mặn, thì có thể trồng một số cây thích hợp chịu mặn như khoai tây khoai lang, rau củ, một số loại đậu như đậu xanh đậu đen để trồng trong vụ đông này.

Nam Nguyên: Vụ đông thưa ông bây giờ có còn kịp thời gian hay không? Và vụ xuân thì thế nào?

Tiến sĩ Tống Khiêm: Vụ đông tới tháng 11 vẫn còn kịp thời vụ, còn vụ xuân thì có thể trồng các giống lúa chịu mặn như là MT6, M35, M, CM1, CM5 một số giống B dòng lúa CM.

Đấy là trước mắt và vụ xuân tới. Chúng tôi đã triển khai việc này. Cách đây vài hôm chúng tôi đã chuyển tiền cho các tỉnh để hỗ trợ cho nông dân, chúng tôi hướng dẫn để họ mua giống gieo trồng kịp mùa vụ.

Nam Nguyên: Xin phép ngắt lời ông, thế những nơi nhiễm mặn nghiêm trọng thì có giải pháp nào?

Tiến sĩ Tống Khiêm: Còn chỗ mặn qúa thì phải nghĩ ngay tới chuyện 'thau chua rửa mặn', đây là một công việc làm hết sức tốn kém tức là cứ đưa nước ngọt vào ngâm một thời gian ngắn rồi lại cho rút đi rửa lại…rất tốn kém nên phải đưa ra giải pháp là: nếu mặn quá nếu có điều kiện thì chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản trong một thời gian nhất định, sau đó sẽ cải tạo dần nếu muốn trồng lại cây trồng cũ.

Nhưng theo chúng tôi nghĩ, các vùng ven biển chuyển đổi nuôi trồng thuỷ sản thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn. Tuy nhiên việc này cũng rất tốn kém.

Theo tôi được biết, chính phủ Việt Nam có chủ trương hỗ trợ vùng bão lụt hàng nghìn ty, số liệu cụ thể thì hiện nay Bộ NN & PTNT đang trình chính phủ chưa có kết quả với số liệu sau cùng, nhưng chắc chắn là có sự hỗ trợ lớn cho người dân trong các vùng đê vỡ nước biển xâm nhập vào.

Nam Nguyên: Với tình hình như thế thì nông dân Nam Định Thanh Hoá vô cùng khó khăn hoàn toàn phải trông đợi vào cứu trợ, tình hình này ra sao?

Tiến sĩ Tống Khiêm: Chính phủ Việt Nam sẽ tìm mọi giải pháp để hỗ trợ. Trước hết là sẽ không để người dân lâm vào cảnh bị đói, rồi dần dần khôi phục lại. Ngay từ những ngày đầu đã có nhiều đơn vị nhiều cơ quan đã hỗ trợ người dân.

Chẳng hạn riêng khuyến nông quốc gia ngoài số tiền 5 tỷ cho phía bắc để làm vụ đông, mà chỉ riêng phía bắc mới có vụ đông, thì vừa rồi chúng tôi đã hỗ trợ ngay 1 tỷ trong số 5 tỷ đó. Sắp tới chính phủ sẽ có sự hỗ trợ lớn hơn nhiều lần.

Tôi nghĩ rằng cùng với sức dân và sự hỗ trợ của nhà nước, rồi kêu gọi trong ngoài nước đùm bọc lẫn nhau, tôi tin rằng khó khăn của người dân vùng này sẽ giảm nhiều và dần dần họ sẽ trở lại làm ăn bình thường.

Nam Nguyên: Chúng tôi nhận được thông tin là người dân Nam Định ở một số vùng như Hải Hậu đã bỏ làng đi vào miền Nam tìm đất sống, thưa ông nhận định thế nào về việc này?

Tiến sĩ Tống Khiêm: Thông tin này chúng tôi chưa được nghe, nhưng tôi nghĩ rằng có lẽ không đến nỗi như vậy. Tuy là lâu nay chưa xảy ra bão lớn như vậy, nhưng thiên tai hàng năm ở Việt Nam tương đối nhiều, nhờ sự hỗ trợ đùm bọc lẫn nhau và nỗ lực của nhà nước, tôi tin là không để xảy ra tình trạng đó.

Nam Nguyên: Cảm ơn tiến sĩ Tống Khiêm, giám đốc trung tâm khuyến nông quôc gia đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
19/01/2012 20:33

Việc xd bờ bao kín(đê điều)ngăn mặn hoặc lũ, sóng...giống như"bon nổ chậm"khi bị chuột hay mối đục khoét gây sac lở(như thuyền buồm-hở thì tồn-kín thì rách toạc khi gió to)nên trồng rừng đước có bộ rễ khoẻ vừa ngăn,lọc mặn hay cản sóng tốt.