Kinh tế Hoa Kỳ Bất trắc
2005.10.11
Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
Kinh tế Hoa Kỳ có thể bị suy trầm trong năm tới. Vì sao như vậy và hậu quả sẽ ra sao cho nền kinh tế Đông Á? Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa phân tách vấn đề này trong phần trao đổi của tiết mục chuyên đề hàng tuần Diễn đàn Kinh tế, do Việt Long thực hiện sau đây.
Hỏi: Trên diễn đàn này, ông thường nói là thế giới quá lệ thuộc vào đầu máy kinh tế Hoa Kỳ, vì nước Mỹ sản xuất dưới 25% của tổng sản lượng toàn cầu nhưng lại đóng góp đến hơn 60% vào đà tăng trưởng của kinh tế thế giới. Với những biến cố vừa và đang xảy ra tại Hoa Kỳ, liệu có khi nào đầu máy kinh tế ấy bị chững lại không? Và nếu có thì hậu quả sẽ ra sao?
Đáp: Tôi thiển nghĩ rằng việc dự đoán kinh tế là điều cần thiết mà lại rất khó vì tùy thuộc vào nhiều yếu tố không ai nắm vững được. Thiên tai là trường hợp điển hình khi ta nhớ đến những gì đã xảy ra cho Hoa Kỳ và vừa xảy ra cho khu vực Nam Á. Đây là mình chưa nói đến một mối nguy khác mà ai cũng nói đến dù chưa biết sẽ ra sao là nạn khủng bố, sau khi đã thấy đảo Bali của Indonesia bị tấn công và thành phố New York của Mỹ đang phập phồng e sợ.
Tuy nhiên, nhìn trên toàn cảnh thì sau khi có một số chỉ dấu lạc quan hơn từ nền kinh tế đứng hàng thứ nhì thế giới về sức sản xuất là Nhật Bản, người ta cũng thấy quầng mây đen đang đe dọa kinh tế Hoa Kỳ, có thể dẫn tới một nạn suy trầm vào năm tới.
Hỏi: Hiện tượng dễ thấy nhất là Hoa Kỳ chi nhiều hơn thu, mua nhiều hơn bán. Liệu đấy có thể là lý do chăng? Hay là hậu quả của thiên tai dồn dập? Ông có thể trình bày khung cảnh chung và những yếu tố cần phải theo dõi để dự đoán hay chăng?
Đáp: Kinh tế Mỹ hàm chứa nhiều nghịch lý khiến người ta có thể nói tốt hay xấu cũng đều đúng, và chính vì vậy mà dư luận càng hoài nghi không rõ sự thể ra sao. Tôi xin nói về những yếu tố tích cực trước, sau đó mới trình bày vài dữ kiện làm cơ sở cho những dự đoán sau này.
Nhật Bản bị nạn bể bóng đầu tư cách đây 15 năm, từ đầu bị suy thoái hoặc suy trầm liên tục cho đến nay mới phục hồi. Hoa Kỳ cũng bị nạn đó vào năm 2001, rồi còn bị khủng bố ngày 11 tháng Chín năm 2001 - mà tôi cứ xin gọi tắt là vụ 9-11- và chiến tranh quân sự ở hai mặt trận. Vậy mà kinh tế chỉ bị suy trầm nhẹ trong có tháng rưỡi thôi, rồi hơn ba năm qua lại đạt tốc độ tăng trưởng quá 3%, cao nhất trong các xứ công nghiệp hóa.
Lý do ở đây có thể thuộc ba lãnh vực. Thứ nhất, tính năng động và khả năng thích ứng của xã hội Mỹ, loại lý do thuộc diện văn hóa mà có ảnh hưởng kinh tế rất mạnh. Thí dụ như khi thấy vài hãng hàng không Mỹ phá sản mình có thể nghĩ là tư bản giãy chết mà không thấy là nhiều hãng khác đã lập tức cải tiến để chiếm ngay khoảng trống ấy. Quy luật ứng biến hay đào thải là lý do thứ nhất, mà nhiều xã hội khác không hiểu được vì quen thói sống lâu lên lão làng và e sợ thay đổi.
Hỏi: Tức yếu tố tích cực thứ nhất thuộc về lãnh vực tạm gọi là văn hóa kinh tế của người Mỹ, vậy thưa ông, yếu tố tích cực thứ hai là gì?
Đáp: Yếu tố ấy là việc sung đương hay sử dụng tư bản là tiến trình quyết định chủ yếu của tư nhân, dựa trên tính toán về lời lỗ, hơn là quyết định của chính quyền mà Việt Nam gọi là “thuộc diện chính sách”. Vì quy luật “của đau con xót” giới sản xuất tính toán đầu tư một cách thực tế và quản lý tài chính một cách chặt chẽ.
Việt Nam và nói chung nhiều nước Đông Á thì để chính trị hay chính quyền quyết định việc ấy, qua đầu tư của khu vực công hoặc chế độ ưu đãi đầu tư trong khu vực tư, với kết quả là đạt mức tăng trưởng rất cao mà bị rủi ro rất lớn và sau cùng vẫn cứ trông cậy vào nguồn tài trợ rất rẻ của nhà nước, là điều đã xảy ra cho Nhật.
Thứ ba, cũng vì loại tính toán chặt chẽ về cách dùng vốn hay tư bản mà kinh tế Mỹ tận dụng một yếu tố khác là công nghệ, hay kỹ thuật. Nhờ vậy, đầu tư có hiệu năng cao hơn nhưng cũng vì vậy mà gây nhiều thay đổi thường xuyên cho loại tư bản nhân sự, là lao động, là công nhân viên. Về mặt kinh tế thì đấy là điều hay, về xã hội, đó là điều chóng mặt.
Hỏi: Nếu vậy, vì sao ông lại có ý cảnh báo là nền kinh tế ấy có thể bị suy trầm, phải chăng vì chi nhiều hơn thu, hay vì Hoa Kỳ có tỷ lệ tiết kiệm quá thấp như ông thường trình bày?
Đáp: Thưa đúng là vì chi nhiều hơn thu, nhưng vấn đề là ai chi? Kinh tế Mỹ có bị nhập siêu - nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu - nhờ vậy mà là đầu máy tăng trưởng cho các xứ khác. Nhưng các xứ ấy thu tiền về rồi làm gì? Thì cũng lại tìm nơi đầu tư có lời nhất và an toàn nhất, chủ yếu là lại gửi tiền vào thị trường Mỹ vì ba yếu tố năng động như tôi vừa trình bày ở trên.
Hỏi: Như vậy theo ông thì thói quen tiêu thụ của dân Mỹ có giúp cho kinh tế thế giới. Nhưng liệu có thực là người Mỹ chi tiêu quá khả năng như vậy không? Là vì dưới cái nhìn bình thuờng của một người sống trong xã hội Mỹ thì người Mỹ tuy luôn luôn chạy theo nhu cầu và tiêu xài mạnh so với các nước khác, nhưng đó là nhờ họ rất chăm lo cho công việc làm ăn, và nhờ thế phần đông có mức thu nhập tương đối ổn định, đủ thoả mãn được những nhu cầu đó. Thêm nữa, tuy rằng họ chịu chi trong những khoản mà nước khác có thể cho là không cần thiết, như du lịch, giải trí, đi chơi xa thăm thân nhân vân vân... nhưng trên thực tế người Mỹ cũng tính toán ngân sách gia đình rất chặt chẽ và khá cần kiệm theo túi tiền của mình. Có thể tôi đã đi hơi xa khỏi đề tài, nên trở lại chuỵên người Mỹ mang tiếng là phí phạm thì có thể là do yếu tố nào khó thấy đối với những sự quan sát mà không phải là của các chuyên viên kinh tế chăng?
Đáp: Thưa vâng, và ta đi vào vấn đề ấy là ai chi nhiều hơn thu. Người ta hay nói đến sức tiết kiệm thấp của kinh tế Mỹ, hoặc mức nợ nần quá cao của dân Mỹ, nhất là khoản nợ về tín dụng địa ốc nôm na là tiền vay ngân hàng để mua nhà. Thực ra, người ta không tính trong khoản tiết kiệm của tư nhân phần tiền vốn phải bỏ ra khi mua nhà. Không có tiền ấy, ngân hàng nào chịu cho mình vay? Vấn đề là dân chúng thực sự có để dành, nhưng nhà nước lại phóng tay tiêu xài, gây bội chi ngân sách. Đây là nhược điểm của chính quyền Bush khi để số thặng dư ngân sách quốc gia cuối thời Tổng thống Clinton biến thành khiếm hụt nặng.
Hỏi: Và có phải vì thế mà ông nói rằng kinh tế Mỹ có thể bi suy trầm trong năm tới?
Đáp: Thưa không, kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm vì lý do khác nhưng mức bội chi quá cao này khiến cho nếu bị suy trầm, công quỹ khó thể tăng chi để kích thích số cầu, như trường hợp đã xảy ra cho Nhật Bản với số quốc trái lên đến 6.000 tỷ Mỹ kim.
Điều may là từ 17 tháng nay, lãi suất ngắn hạn tại Mỹ đã được tăng đều và hiện ở mức 3,75%, cao hơn mức 2% của Âu châu và 0% của Nhật Bản. Cho nên, Mỹ vẫn vay tiền được, và trả nợ tương đối rẻ.
Hỏi: Và thưa quý thính giả, câu hỏi kế tiếp của chúng tôi là mọi việc như ông Nguyễn Xuân Nghĩa trình bày nãy giờ thì đều có vẻ tốt đẹp, vậy vì sao ông lại cho rằng kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm? Nhưng chúng ta không còn thêm thì giờ cho mục này hôm nay, nên xin hẹn với quý vị trong buổi phát thanh sau sẽ có câu trả lời của kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa trong phần thảo luận tiếp nối vấn đề kinh tế hôm nay.
Các tin, bài liên quan
- Các công ty trong và ngoài nước trở lại đầu tư vào Dung Quất
- Những khó khăn của Việt Nam trong tiến trình hội nhập WTO
- Ngân Hàng Á Châu và Western Union mở dịch vụ chuyển tiền tận nhà miễn phí trên toàn quốc
- Liệu Việt Nam đã sẵn sàng gia nhập WTO?
- Indonesia: Trợ giá và Khủng bố
- Lần đầu tiên liên doanh 6 công ty cổ phần xây dựng Nhà Máy Nước Thủ Đức
- Nhận xét của Phó chủ tịch nhóm doanh gia Anh quốc ở VN về quyết định cổ phần hóa Vietcombank
- Thở ra tham nhũng
- Mức lương tối thiểu tăng không theo kịp vật giá thị trường
- Bầu cử và Cải cách Kinh tế
- RFA phỏng vấn tiến sĩ Lê Đăng Doanh về tiến độ phát triển của Việt Nam
- Việt Nam cần nổ lực hơn trong công tác xoá đói giảm nghèo
- Việt Nam là một trong 12 nước cải tổ nhanh nhất trong năm qua
- Thuyền nhân và Bão lụt
- Phỏng vấn ông Arunabha Ghosh của UNDP về tình hình phát triển tại Việt Nam
- Việt Nam khó có thể gia nhập WTO vào cuối năm nay
- Hiệu ứng Katrina
- Phỏng vấn Quyền Phó Đại Sứ Mỹ ở Hà Nội về đàm phán song phương việc gia nhập WTO của Việt Nam
- Kế hoạch và Thị trường
- Thành phố Hồ Chí Minh phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu.
- Phát triển Tiểu Doanh
- Tự do Báo chí và Phát triển Kinh tế
- Cải tổ Bưu chính Nhật Bản
- Đổi mới Công đoàn
- Doanh nhân và các vấn đề mới khi gia nhập WTO