Chế độ Dân chủ (IV)

Đỗ Quý Toàn - Nguyễn An

Chế độ Dân chủ vừa là ước mơ, vừa là lý tưởng của nhân loại. Làn sóng dân chủ kể từ khi xuất hiện trong lịch sử đã ngày càng lan rộng, và nhiều nhà nghiên cứu đã đồng hoá quá trình dân chủ hoá với đà tiến của thế giới. Nhưng dân chủ cũng bao gồm trong nó nhiều ý kiến khác nhau từ định nghĩa cho đến cách thể hiện.

EnergyInvestment200.jpg
Sự an toàn pháp lý rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, vì người kinh doanh sợ nhất là những rủi ro bất trắc. AFP PHOTO

Bài 4: Dân Chủ và Tinh Thần Trọng Pháp

Để tìm hiểu những ý niệm căn bản của dân chủ nói chung cũng như những vấn đề liên quan đến dân chủ cho Việt Nam nói riêng, ban Việt ngữ đài Á châu tự do thực hiện nhiều loạt bài ghi lại các cụôc trao đổi và thảo luận với những chuyên gia từ lâu quan tâm đến dân chủ.

Loạt bài mở đầu xin được dành cho nhà báo Đỗ Quý Toàn, chủ bút nhật báo Người Việt phát hành tại California, Hoa Kỳ. Kỳ này, ông Toàn trình bày về ‘Dân Chủ và Tinh Thần Trọng Pháp’, qua cuộc trao đổi với BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ, mời quý vị theo dõi.

Khi bàn về chế độ chính trị, một câu hỏi căn bản là: Ai là người được nắm quyền? Nói giản dị, ai là người có quyền sai khiến người khác? Chế độ dân chủ trả lời rằng nên chọn những người cầm quyền bằng cách đầu phiếu. Bây giờ đến một câu hỏi kế tiếp: Những người nắm quyền đó sẽ cai trị chúng ta như thế nào? Từ đó, có vấn đề nên chọn đường lối nhân trị hay pháp trị.

Nhân trị và pháp trị

Vấn đề nhân trị và pháp trị đặt ra như thế này: Chúng ta muốn có một chế độ cai trị tốt, nhưng làm cách nào cho nó tốt? Chế độ tốt là nhờ có những người tốt cầm quyền, hay vì có những quy tắc và luật lệ tốt để người cầm quyền căn cứ vào đó mà cai trị?

Ngày nay trên thế giới, các quốc gia dân chủ đều đề cao pháp luật. Vì chế độ dân chủ chính là tập hợp của những luật lệ, thủ tục, thường gọi là "luật chơi thể thao dân chủ." Hệ thống pháp luật giúp giải quyết những xung đột quyền lợi giữa mọi người mà không phải dùng đến bạo lực.

Đầu thế kỷ 20, ở nước ta Phan Châu Trinh đã diễn thuyết để phân biệt giữa nhân trị và pháp trị; chứng tỏ trong nền văn hóa của chúng ta đây không phải là một vấn đề mới mẻ gì. Người ta thường cho là Nho giáo chủ trương nhân trị, vì nhà Nho chú trọng tới việc giáo dục các người cai trị. Từ vua chúa đến quan lại, nếu họ có đủ các đức tính để làm gương thì dân được trông cậy.

Còn một nhóm các triết gia khác vào thời Chiến quốc chủ trương pháp trị, không chú trọng đến giáo dục mà đề cao việc dùng pháp luật để cai trị. Trong thực tế, ở các nước Á Đông hai chủ trương đó đã được pha trộn khi thi hành. Các chế độ quân chủ từ thời nhà Hán bên Trung Quốc tuy đề cao Nho giáo nhưng vẫn coi việc thiết định pháp luật là điều quan trọng nhất.

Ở nước ta từ đời Đinh, Lê đã ban bố các hình luật rất chặt chẽ. Đời Lê Thánh Tông, Nho học cực thịnh nhưng cũng để lại một bộ luật Hồng Đức rất đầy đủ, có tinh thần nhân bản và giữ bản sắc dân tộc rõ ràng nhất.

Tập hợp của những luật lệ

Ngày nay trên thế giới, các quốc gia dân chủ đều đề cao pháp luật. Vì chế độ dân chủ chính là tập hợp của những luật lệ, thủ tục, thường gọi là "luật chơi thể thao dân chủ." Hệ thống pháp luật giúp giải quyết những xung đột quyền lợi giữa mọi người mà không phải dùng đến bạo lực.

Chế độ dân chủ thi hành luật pháp một cách nghiêm minh, nhờ thế bảo đảm được tính bình đẳng, bảo vệ các quyền tự do, và mọi người sống an toàn trong luật pháp. Tuy nhiên, không phải chỉ có các chế độ dân chủ mới đề cao pháp luật, cho nên việc đề cao hình luật không thôi chưa đủ bảo đảm là chế độ có dân chủ tự do.

Phái Pháp gia đời Chiến quốc coi hình luật như những phương tiện, những kỹ thuật để cai trị dân có hiệu quả. Nhà nước thiết định luật pháp, quyền hành của quan lại và bổn phận của người dân đều do luật pháp quy định, đó là một hình thức nhà nước pháp quyền. Vua, quan là những người đặt ra hình luật. Ông vua có quyền sửa đổi luật, nghĩa là chính ông vua có thể đứng trên luật pháp.

Bình đẳng

Tinh thần trọng pháp ngày nay tiến xa hơn chủ trương pháp quyền thời xưa. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, kể cả ông vua lẫn thường dân, người cai trị cũng như người bị cai trị. Chỉ có trong chế độ dân chủ mới đạt được tiêu chuẩn bình đẳng đó.

Tinh thần trọng pháp ngày nay tiến xa hơn chủ trương pháp quyền thời xưa. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, kể cả ông vua lẫn thường dân, người cai trị cũng như người bị cai trị. Chỉ có trong chế độ dân chủ mới đạt được tiêu chuẩn bình đẳng đó.

Trong chế độ dân chủ cũng có người giầu, người nghèo, có người nhanh nhẹn khôn ngoan hơn người khác, giữ địa vị cao hơn. Nhưng có một quy tắc ai cũng phải tôn trọng, là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Chúng ta cần phân biệt, việc dùng luật pháp để cai trị khác với tinh thần trọng pháp. Một nhà nước cai trị bằng luật lệ rõ ràng, thuật ngữ pháp lý quốc tế gọi là "sub lege," đó là nhà nước pháp quyền.

Nhưng tinh thần trọng pháp đòi hỏi việc cai trị phải tôn trọng những quy tắc pháp lý tổng quát có mục đích bảo vệ công lý, gọi là "per lege" chứ không phải chỉ là sử dụng các luật lệ cụ thể để ràng buộc dân chúng. Một quy tắc là việc soạn thảo và ban hành các luật lệ phải do cơ quan dân cử quyết định. Và chế độ dân chủ dành công việc này cho quốc hội do dân chúng bầu lên.

Các chế độ pháp quyền như Hàn Phi Tử và Lý Tư tạo nên vào thời Tần Thủy Hoàng không có quyền bình đẳng, vì vị hoàng đế dùng luật pháp để cai trị nhưng ông ta có toàn quyền thay đổi luật lệ. Tinh thần trọng pháp đòi hỏi chính những người nắm quyền hành cao nhất cũng chịu đặt dưới sự chi phối của các nguyên tắc về pháp lý, trong khuôn khổ của những luật lệ, bắt đầu là bản hiến pháp. Đây là một sự phân biệt quan trọng để nhận ra một chế độ dân chủ.

Trong chế độ dân chủ, người ta không thể làm ra những luật dành độc quyền ưu đãi cho một nhóm người, một giai cấp hay đảng phái nào cả, điều này thường được ghi trong bản hiến pháp. Nhưng dù hiến pháp không ghi rõ điều đó thì xã hội dân chủ cũng tôn trọng quy tắc bình đẳng cho nên không chấp nhận các đạo luật có tính cách thiên vị, ưu đãi hay kỳ thị một nhóm người nào.

Cho nên chế độ dân chủ cần đề cao các quyền con người, nhân quyền, mỗi cá nhân đều có các quyền căn bản đó. Như vậy mới tránh được cảnh khối đa số dùng lá phiếu giành lấy quyền hành xâm phạm quyền lợi của thiểu số.

Tự do, và an toàn

Khi mọi người đều phải tuân thủ pháp luật thì việc cai trị không tùy thuộc vào cá nhân của người nắm quyền nữa. Còn người dân, nếu họ biết có pháp luật và biết pháp luật được mọi người tôn trọng thì họ có thể hành động theo ý mình miễn là trong vòng luật pháp.

Người dân không cần mỗi quyết định lại phải xin ý kiến, hoặc ngó coi vua quan ở trên muốn cái gì thì mình làm theo cho đúng chính sách! Cho nên việc tôn trọng pháp luật là một bảo đảm cho các quyền tự do quyết định của người dân. Như triết gia Cicero thời Thượng cổ La Mã viết: "Chúng ta đều là nô lệ của luật pháp, vì thế chúng ta được tự do."

Tại sao người ta lại cảm thấy tự do khi cả xã hội tôn trọng luật pháp? Vì luật pháp không nghiêng về phía một ai hết. Tục ngữ ta vẫn nói: Pháp bất vị thân, nghĩa là luật lệ không nể nang người thân thích nào cả. Hình ảnh tiêu biểu cho luật pháp là ông Bao Công "mặt sắt đen sì" vì ông ấy chí công vô tư, không biểu lộ tình cảm với ai bao giờ. Aristotle cũng viết như vậy: "Tất cả mọi con người đều có tình cảm, luật pháp thì không."

Cho nên việc tôn trọng pháp luật là một bảo đảm cho các quyền tự do quyết định của người dân. Như triết gia Cicero thời Thượng cổ La Mã viết: "Chúng ta đều là nô lệ của luật pháp, vì thế chúng ta được tự do."

Người ta cảm thấy tự do vì tất cả mọi người đều ở dưới một pháp luật chung mà có thể đoán trước một hành động của mình sẽ bị luật pháp xét xử như thế nào. Khi đó, mọi người cũng cảm thấy cuộc sống an toàn hơn vì ai cũng được luật pháp bảo vệ, không lo ông quan tòa xét xử thiên vị, tùy hứng, hoặcdo chỉ thị của vua quan bắt phải theo.

Sự an toàn về pháp lý

Người ta gọi đó là sự an toàn về pháp lý. Sự an toàn pháp lý rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, vì người kinh doanh sợ nhất là những rủi ro bất trắc. Họ phải đương đầu với những rủi ro về kinh tế, nhưng tốt nhất là bảo đảm cho họ không phải lo về những rủi ro vì luật pháp không minh bạch, công khai. Trong chế độ độc tài người ta không thể cảm thấy an toàn, vì ai cũng có thể bị trừng phạt bởi những thứ luật lệ vô hình mà những người nắm quyền trong tay tự họ ấn định khi nào họ muốn.

Từ đó chúng ta mới thấy một vai trò lớn của pháp luật, là luật pháp ấn định những giới hạn trên quyền tự do của mọi người, đặc biệt là giới hạn quyền hành của những người cai trị. Ngay khi một người cầm quyền nói họ sẽ cai trị bằng pháp luật, chúng ta biết là quyền hạn của người đó bắt đầu bị giới hạn.

Người Hy Lạp (Herodotus) gọi quyền bình đẳng trước pháp luật là "isonomia," tức là mọi người được tự do không lo bị đàn áp bất công. Luật pháp giới hạn quyền tự do của mỗi người chúng ta, ai cũng như nhau, vì muốn cho mọi người đều được tự do như nhau. Trong vòng bảo vệ của pháp luật, mọi người tha hồ mưu cầu hạnh phúc, không bị ai ép buộc mà cũng không ai cấm đoán được.

Chúng tôi hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp thêm vào vấn đề này từ quý thính giả. Xin gửi email về Vietnamese@www.rfa.org hay gọi đến 202 530 7775

Cho nên có thể kết luận rằng tinh thần trọng pháp (the rule of law) là nền tảng của chế độ dân chủ, tự do.

Vừa rồi là cụôc trao đổi giữa nhà báo Đỗ Quý Toàn và biên tập viên Nguyễn An về Dân Chủ và Tinh Thần Trọng Pháp. Đề tài thảo luận kỳ tới sẽ là, Dân chủ và Phát triển kinh tế, mong quý thính giả đón nghe.

Xin được nhắc rằng, ý kiến của nhà báo Đỗ Quý Toàn không nhất thiết phản ánh quan điểm của ban Việt ngữ đài Á châu tự do, và chúng tôi hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp thêm vào vấn đề này từ quý thính giả. Xin gửi E mail về Vietnamse@www.rfa.org hay gọi đến 202 530 7775.

Theo dòng thời sự

- Chế độ Dân chủ (II)

- Chế độ Dân chủ (I)